Nha Trang
mask
Đã đi
Sắp đi
Gody-er đã đến

Nha Trang

Nha Trang - Thành phố biển xinh đẹp của Việt Nam, nằm tại tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam. Nha Trang được thiên nhiên ưu ái và ban tặng cho những cảnh quan đẹp kỳ vĩ, tuyệt sắc. Du lịch Nha Trang du khách sẽ được đắm mình vào những bãi biển xanh cùng với bãi cát trắng mịn, những vịnh đảo đẹp tuyệt sắc như tranh vẽ, tham quan các điểm tham quan hấp dẫn cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản, trải nghiệm nhiều điều rất thú vị.

Giới thiệu về Nha Trang

Nha Trang nằm ở vịnh Đông Nam Á và bên bờ biển Đông, giữa các dãy núi trùng điệp và biển xanh mênh mông. Thành phố được bao quanh bởi những bãi biển trắng mịn, nước biển trong xanh và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nha Trang cũng có vị trí gần trung tâm, thuận lợi cho việc di chuyển từ các thành phố lân cận và các điểm du lịch khác.

Dân tộc ở Nha Trang rất đa dạng và phong phú, bao gồm người Kinh, người Chăm, người Raglai và người Hoa. Sự đa dạng văn hóa này đã tạo nên một môi trường phong phú và đa chiều, khiến du khách có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo và truyền thống của từng dân tộc.

Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ Nha Trang

Vị trí địa lý

Nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích khoảng 252,6km2, Nha Trang có thể xem là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh lớn tại Việt Nam. Không những thế, Nha Trang là vùng đất vô cùng may mắn khi mang trong mình ba địa hình lớn ở Việt Nam: đồi núi (núi Cô Tiên), đồng bằng (đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang) và biển đảo (đảo Hòn Tằm, Hòn Tre, Hòn Yến,...). Chính nhờ vào thiên thời địa lợi vốn có như trên, Nha Trang rất  thuận tiện về giao thông hành chính như: đường bộ, đường sắt, đường biển, không những trong nước mà còn ở cả quốc tế. Ngoài ra, là điểm tiếp giáp giữa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nên Nha Trang chính là cầu nối mở rộng  giao lưu và phát triển giữa hai vùng.

Về các mặt tiếp giáp:

  • Phía Bắc thành phố Nha Trang giáp với thị xã Ninh Hòa;
  • Phía Nam thành phố Nha Trang giáp với huyện Cam Lâm;
  • Phía Tây thành phố Nha Trang giáp với huyện Diên Khánh;
  • Phía Đông thành phố Nha Trang giáp với biển Đông.

Phạm vi lãnh thổ:

Thành phố Nha Trang hiện nay có 27 đơn vị hành chính cấp xã phường, bao gồm 19 phường và 8 xã lần lượt là: phường Lộc Thọ, phường Ngọc Hiệp, phường Phước Hòa, phường Phước Hải, phường Phước Tân, phường Phước Long, phường Phước Tiến, phường Phương Sài, phường Phương Sơn, phường Tân Lập, phường Vạn Thạnh, phường Vạn Thắng, phường Vĩnh Hải, phường Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Nguyên, phường Vĩnh Phước, phường Vĩnh Thọ, phường Vĩnh Trường, phường Xương Huân và 8 xã: xã Phước Đồng, xã Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Trung xã Vĩnh Phương, xã Vĩnh Lương, xã Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Thái.

Lịch sử hình thành vùng đất Nha Trang

Lịch sử Nha Trang được trải qua những sự kiện chính sau:

Nha Trang thời Champa cổ và Triều đại phong kiến Việt Nam

  • Trước thế kỉ XVII, Nha Trang đã từng là vùng đất của vương quốc của Champa cổ.
  • Năm 1653, sau sự kiện chúa Nguyễn dẹp loạn vua Chiêm Thành là Bà Tấm, vùng đất Nha Trang này chính thức trở thành lãnh thổ của người Việt ta và công cuộc khai khẩn đất hoang tại nơi này được đẩy mạnh.

Nha Trang thời kháng chiến

  • Năm 1924, toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định, đưa Nha Trang trở thành thị trấn. Lúc bấy giờ, thị trấn Nha Trang được hình thành bởi những làng cổ: làng Phước Hải, làng Phương Sài, làng Hương Xuân, làng Vạn Thạnh và làng Phương Câu.
  • Ngày 22/10/1970, thị xã Nha Trang được tái thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa các xã: xã Nha Trang Tây, xã Nha Trang Đông, xã Vĩnh Hải, xã Vĩnh Trường, xã Vĩnh Phước, xã Vĩnh Nguyên và các ấp thuộc các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc cùng với các đảo Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Lớn, Hòn Miễu, Hòn Một.
  • Ngày 02/04/1975, Nha Trang dưới tay VNCH được quân giải phóng tiếp quản. Chính vì sự kiện trọng đại này, mà tên đường 2 tháng 4 được đặt tại thành phố Nha Trang. Đây là trục đường lớn của thành phố,  trải dài từ Tượng đài chiến thắng, qua cầu Hà Ra bắt ngang con sông cái, đến tháp bà Ponagar và kết thúc ở đoạn giao nhau với quốc lộ 1A. 

Nha Trang từ năm 1975 đến nay

  • Tháng 09/1975, thị xã Nha Trang hợp nhất hai quận 1 và 2 và chia làm 17 phường xã.
  • Ngày 30/03/1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành thành phố Nha Trang theo quyết định của Hội đồng chính phủ. Lúc bấy giờ, Nha Trang là thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Khánh (ngày nay là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa).
  • Đến ngày 22/04/2009, Nha Trang được vinh dự trở thành đô thị loại 1 do Thủ tướng chính phủ công nhận. 

Nguồn gốc tên gọi Nha Trang

Vì lúc xưa đã từng là phần đất của người Champa cổ, cho nên tên gọi Nha Trang này cũng có bắt nguồn từ tiếng của người Champa. Từ nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu thì tên gọi Nha Trang ban đầu được người Champa gọi là Ea Tran. Ea trong tiếng người Champa cổ có nghĩa là con sông và Tran theo tiếng người Champa có nghĩa là những bụi lau, sậy. Vậy khi ghép nghĩa của hai từ trên thì nghĩa của chúng là “những bụi lau, sậy mọc dài ven những con sông”. đúng thật như vậy, ngày xưa, ven hai bờ của con sông Cái (là con sông chảy qua tháp bà Ponagar và cầu Xóm Bóng), đã từng có rất nhiều lau, sậy mọc đầy ra ở dọc hai bên sông. Và sau này khi người Việt đến đây cộng cư với người Champa, thì tên gọi Ea Tran đã bị người Việt ta đọc trại đi thành Nha Trang. Tên gọi Nha Trang từ ấy đã ra đời và được gọi cho đến ngày nay.

Thông tin cần biết về Nha Trang

  • Thuộc tỉnh: Khánh Hòa
  • Diện tích: 252,6 km2
  • Dân số: 422.601 người (2019)
  • Vùng kinh tế - du lịch: Duyên hải Nam Trung Bộ
  • Tộc người chủ yếu: Việt, Chăm, Hoa,...
  • Mã vùng điện thoại: 0568
  • Biển số xe: 79-N1, N2, N3

Du lịch Nha Trang có gì hay? có gì đẹp?

Là nơi hội tụ những cảnh quan đẹp tuyệt sắc và hùng vĩ tại Việt Nam. Du lịch Nha Trang có thể xem như khám phá ra “vẻ đẹp bất tận” mà slogan hiện hành của du lịch Việt Nam đã đề ra. Đến đây, bạn sẽ thấy sự năng động, sôi nổi của một thành phố du lịch biển với hàng ngàn du khách từ nội địa đến quốc tế. Không những thế, khung cảnh nơi đây cũng khiến cho ta phát ồ lên vì chúng không thua kém gì với những thành phố du lịch biển khác: biển xanh ngắt, cát trắng mịn, những hòn đảo hòa vào với bầu trời xanh chẳng thua kém Bali hay Phuket là mấy. Ngoài ra, cùng với sự hỗn hợp và dung hòa những bản sắc văn hóa của người Chăm, Nha Trang còn khá phổ biến với những di tích văn hóa đậm chất Champa cổ, thu hút nhiều khách du lịch đến đây chiêm bái.

Văn hóa và con người Nha Trang

Nha Trang - thành phố của những lễ hội

Được mệnh danh là “thành phố của những lễ hội”, Nha Trang thu hút khách du lịch bởi những lễ hội tổ chức ở nơi đây hằng năm. Không những những lễ hội truyền thống của những cộng đồng tộc người nơi đây, mà những lễ hội, sự kiện hiện đại cũng được đăng cai tại thành phố biển này. Các lễ hội cổ truyền được tổ chức là một phần của những nghi lễ và tín ngưỡng tôn giáo. Từ đó đã làm cho thành phố này trở thành vùng đất phong phú và đa dạng văn hóa. 

Người Nha Trang phóng khoáng, chân chất

Người Nha Trang không sống xô bồ, hối hả như người Sài Gòn, không sống nghiêm ngặt trong lễ nghi phong tục như người Hà Nội, và cũng không sống trong sự cổ kính truyền thống như ở Huế. Mà họ sống một cuộc sống phóng khoáng, thoải mái, vô tư như vùng biển trời bao la, rộng lớn. Khi đi du lịch Nha Trang, bạn sẽ vô cùng thích thú vì người Nha Trang rất thân thiện và hiếu khách. Họ sẽ không ngần ngại chỉ đường hay hướng dẫn bạn mọi thứ khi bạn đặt chân đến vùng đất này

Khí hậu

Khí hậu Nha Trang vô cùng đặc biệt khi mùa nắng tới 7 hoặc 8 tháng và chỉ có 4 đến 5 tháng mưa. Mùa mưa nơi đây bắt đầu từ tháng 7 cho đến tháng 11, nhưng chỉ có tháng 10 và tháng 11 thì nơi đây mưa nhiều, còn những tháng còn lại thì lượng mưa trung bình hoặc nhỏ. Riêng về mùa nắng thì bắt đầu từ cuối tháng 11 cho đến tháng 6 năm sau. Chính vì lượng mưa ít, chủ yếu là ảnh hưởng của áp thấp nên Nha Trang vô cùng thích hợp để phát triển du lịch biển quanh năm. 

Lễ hội

Được biết đến không chỉ là thành phố du lịch biển, mà Nha Trang còn là nơi diễn ra hàng chục lễ hội lớn nhỏ hằng năm. Những lễ hội ở đây không chỉ là những lễ hội văn hóa truyền thống, mà nó còn là những lễ hội, sự kiện hiện đại. Mặc dù là truyền thống hay hiện đại, những lễ hội nơi đây cũng góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến đây tham gia và trải nghiệm.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar

  • Thời gian tổ chức: từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch
  • Địa điểm tổ chức: Tháp Bà Ponagar, Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Ý nghĩa lễ hội: Lễ hội tổ chức nhằm để tưởng nhớ đến vị nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu Ana đã tạo ra con người, sản sinh thiên nhiên và ban tặng nhiều phước lành cho người dân (theo truyền thuyết của người Chăm).  

Lễ hội Yến Sào

  • Thời gian tổ chức: ngày 10 tháng 5 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm tổ chức: Đảo Yến Nha Trang, hòn Nội, vịnh Nha Trang
  • Ý nghĩa lễ hội: Lễ hội này tổ chức không những để để tri ân và tưởng nhớ đến công ơn to lớn của các bậc tiền bối đã khai sáng ra nghề khai thác và chế biến tổ yến mà còn nhằm để vinh danh, gìn giữ, bảo vệ  và phát triển nghề làm yến.

Festival biển Nha Trang

  • Thời gian diễn ra lễ hội: lễ hội được diễn ra thường niên 2 năm 1 lần
  • Mục đích tổ chức: Lễ hội này chính là sự kiện du lịch vô cùng đặc sắc nhằm quảng bá du lịch Nha Trang đến cho mọi người. Ngoài ra lễ hội còn là lời kêu gọi giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc, tinh thần biển đảo của người dân Nha Trang nói riêng, và cả nước nói chung.

Lễ hội du thuyền Nha Trang

  • Thời gian diễn ra lễ hội: được tổ chức thường niên 2 năm 1 lần, diễn ra từ ngày 11 đến 15 tháng 7.
  • Mục đích tổ chức: Đây là một trong những sự kiện quảng bá những hình ảnh đẹp về đất nước, bản sắc văn hóa, con người và du lịch biển đảo của Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập. Ngoài ra, sự kiện còn tạo ra cơ hội để thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế.

Ẩm thực Nha Trang

Ẩm thực Nha Trang luôn thu hút du khách bốn phương bởi những nguyên liệu được chọn vô cùng tươi và được chế biến vô cùng công phu và bắt mắt. Không những thế, cách nêm nếm món ăn những thợ nấu nơi đây vô cùng vừa miệng với mọi người. Khi đến nơi đây, ngoài thưởng thức hải sản tươi sống, những món đặc sản khác cũng khiến cho bạn ăn một lần mà nhớ Nha Trang nhiều lần. 

Bún cá Nha Trang:

Thật là thiếu sót khi bạn đến đây mà không thử thưởng thức món bún này. Điểm đặc sắc của món này nằm ở miếng chả cá Nha Trang. Miếng chả cá được làm từ những loài cá biển, có độ dai và mềm vừa phải, lại thêm vị mặn làm cho thực khách ai ăn vào cũng phải khen ngon. Ngoài ra, món bún còn ăn với những loại cá được rút xương, nước dùng thì thơm mùi cá biển, nhúng vào đấy thêm miến rau, chan thêm xíu nước mắm thì còn gì tuyệt vời hơn.

Bánh căn Nha Trang:

Khác với bánh căn ở Đà Lạt ăn với trứng hay thịt băm. Bánh căn Nha Trang được biến tấu thêm khi thành phần có thêm những món hải sản như: tôm, mực, bạch tuộc,... Chính bởi những thứ ấy đã tạo cho món bánh căn nói đây có nét riêng biệt so với những nơi khác. Khi ăn, bạn có thể cuốn bánh căn với xoài và xà lách hoặc chấm miếng bánh căn không với chén nước thịt xíu mại thơm mùi nước mắm biển. Có thể bốn năm dĩa bánh căn là chuyện nhỏ với bạn đấy.

Nem nướng Ninh Hòa

Tuy món ăn có nguồn gốc từ Ninh Hòa, nhưng lại vô cùng phổ biến ở Nha Trang. Nem nướng có độ thơm ngon đặc trưng tại nơi đây. Từng miếng nem có mùi thơm nhẹ, có độ dai vừa phải và khi ăn sẽ có hậu ngọt. Món nem ngon và chuẩn vị Nha Trang hơn khi ăn chung với bánh tráng chiên và chén nước sốt thịt băm. 

Bánh tráng xoài

Vì được làm và chế biến hoàn toàn từ những quả xoài chín tự nhiên nên bánh tráng xoài sẽ có vị chua hậu ngọt, có độ dai và mùi thơm đặc trưng của xoài. Ai đã một lần thử qua món ăn vặt độc đáo này thì cũng đều muốn mua mang về để làm quà cho người thân, bạn bè.

Một số địa điểm du lịch nổi bật ở Nha Trang

Thành phố Nha Trang kỳ vĩ như một bức tuyệt tác của thiên nhiên với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Khung cảnh Nha Trang đẹp như tranh bởi có biển xanh, cát trắng, những hòn đảo nhấp nhô hòa với không khí trong lành. Tất cả đã làm cho nơi đây trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng vô cùng phù hợp với mọi người. Không những thế, vì là nơi giao thoa văn hóa dân tộc, Nha Trang còn có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và tham quan.

Tháp Bà Ponagar

  • Địa chỉ: Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: 6 giờ đến 17 giờ 30
  • Giá vé: 30.000 đồng vé người lớn, miễn phí trẻ em dưới 1m4

VinWonders Nha Trang

  • Địa chỉ: đảo Hòn Tằm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: 8 giờ đến 20 giờ
  • Giá vé: từ 350.000 đến 1.030.000 

Viện Hải Dương học

  • Địa chỉ: Trần Phú, phường Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: 8 giờ đến 18 giờ
  • Giá vé: 40.000 vé người lớn, miễn phí trẻ em dưới 1m4

Nhà thờ Đá Nha Trang

  • Địa chỉ: Thái Nguyên, phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: từ 4 giờ 45 đến 17 giờ 45
  • Giá vé: miễn phí

Chùa Long Sơn

  • Địa chỉ: 23 tháng 10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Tháp Trầm Hương

  • Địa chỉ: Quảng trường Hai Tháng Tư, Trần Phú, phường Lộc Thọ, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Bãi Rêu Nha Trang

  • Địa chỉ: Trần Phú, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Thời gian mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Núi Cô Tiên

  • Địa chỉ: phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Hòn Chồng

  • Địa chỉ: Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: 6 giờ đến 18 giờ
  • Giá vé: 30.000 đồng một vé

Hòn Mun

  • Địa chỉ: phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: từ 22.000 đồng đến 650.000 đồng

Bãi Tranh

  • Địa chỉ: hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: cả ngày
  • Giá vé: 50.000 đồng vé người lớn, 25.000 đồng vé trẻ em

Thủy cung Trí Nguyên

  • Địa chỉ: hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: 6 giờ đến 21 giờ
  • Giá vé: 170.000 đồng vé người lớn, 85.000 đồng vé trẻ em

Chợ đêm Nha Trang

  • Địa chỉ: Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: 18 giờ đến 23 giờ

Chợ Đầm

  • Phan Bội Châu, phường Vạn Thành, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
  • Giờ mở cửa: 5 giờ đến 18 giờ 30
Xem Thêm Nội Dung
Đã cập nhật vào ngày 19/06/2023