Trung Quốc
Là đất nước có diện tích lớn nhất Châu Á và dân số đông nhất nhì thế giới, Trung Quốc gây ấn tượng cho khách du lịch bởi sự đa sắc màu về chủng tộc, lối sống, văn hóa cũng địa hình và phong cảnh thiên nhiên. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ về công nghệ, kinh tế nhưng đất nước này vẫn giữ được trọn vẹn bản sắc dân tộc và nét đẹp lịch sử qua hàng nghìn năm. Không quá lời khi nói Trung Quốc chính là địa điểm lý tưởng nhất để du khách tìm hiểu thêm về văn hóa và con người phương Đông qua nhiều lăng kính khác nhau. Du lịch Trung Quốc cũng luôn là một điểm đến thu hút được lượng du khách quốc tế đông đảo.
Giới thiệu về Trung Quốc
Trung Quốc là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Á và chính là một trong hai quốc gia tỷ dân trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia đơn đảng do Đảng Cộng sản nắm quyền, chính phủ trung ương đặt ngay tại thủ đô Bắc Kinh. Đất nước Trung Quốc cũng là một trong số quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới nhất bởi nền văn hoá lâu đời cũng như lịch sử phát triển hàng ngàn năm nay. Trung Quốc gồm có 22 tỉnh thành với 600 thành phố, 5 khu tự trị (Tây Tạng, Nội Mông Cổ, Hồi Ninh Hạ, Choang Quảng Tây, Duy Ngô Nhĩ Tân Cương) và 2 đặc khu hành chính (Macau và Hong Kong).
Vì sao có tên gọi là Trung Quốc?
Là quốc gia trải qua vô số triều đại nổi tiếng như là nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Thanh,... Cuối cùng thì quốc gia hùng mạnh này được thống nhất gọi là Trung Quốc (tiếng Anh là China) cho đến hiện tại. Mỗi đất nước trên thế giới đều có một câu chuyện riêng về nguồn gốc của tên gọi, như “Trung Quốc” thì tên gọi này đã xuất hiện sớm từ khoảng 200 năm trước Công Nguyên. Theo lý giải thì cái tên “Trung Quốc” xuất phát từ triều đại nhà Tần. Trong tiếng Trung thì “Tần” là “Qin” và được phát âm trong tiếng Anh là “Chin”. Ngoài ra thì cũng có tư liệu khác ghi chép thì đó là một từ vay mượn từ tiếng Ba Tư Trung cổ, xuất phát trong tiếng Phạn "चीन (Cheen)" dùng để để chỉ quốc gia.
Tên "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" được viết theo tiếng Anh là People's Republic of China. Còn “中国” là trong từ tiếng Trung nghĩa là “Trung Quốc”, phát âm là “Zhōnghuá”. Từ “中国” mang ý nghĩa là "trung tâm của thế giới”, “quốc gia trung tâm” ý nói rằng đất nước này là một quốc gia trung tâm, quốc gia quan trọng đối với thế giới. Trong nhiều thế kỷ, từ “Zhōnghuá” - “Trung Quốc” đôi khi được sử dụng trong các công văn ngoại giao với các nước chư hầu nước ngoài nhưng tên triều đại vẫn là tên chính thức. Lần đầu tiên “Zhōnghuá” - “Trung Quốc” được sử dụng làm tên chính thức của quốc gia Trung Quốc là trong Hiệp ước Nerchinsk Trung-Nga vào năm 1689.
Thông tin cần biết về Trung Quốc
- Tên: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Thủ đô: Bắc Kinh
- Diện tích: 9.596.961 km2
- Dân số: 1.411.778.724 người
- Ngôn ngữ: tiếng phổ thông (tiếng Trung hoặc tiếng Hoa)
- Tôn giáo: Phật giáo, tín ngưỡng dân gian,...
- Múi giờ: UTC+8
- Mã vùng: +86
- Tiền tệ: đồng Nhân dân tệ (ký hiệu: CNY)
Du lịch Trung Quốc có gì hay? có gì đẹp?
Luôn là một vùng đất có đầy sức hút với du khách từ khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc sở hữu sự đa dạng từ thiên nhiên, văn hóa, con người cho đến ẩm thực. Đất nước này có những trải nghiệm thỏa mãn tất cả phong cách du lịch từ tham quan, mua sắm, vui chơi, nghỉ dưỡng, mạo hiểm,... và sẽ chiều lòng mọi lứa tuổi dù là người lớn hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay nam giới. Đó cũng là lý do du lịch Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm nhiều từ du khách và có thể đi nhiều lần mà không chán bởi có quá nhiều điều thú vị mà bạn chưa khám phá hết.
Lịch sử
Có lẽ mỗi người chúng ta cũng đã biết ít nhiều về lịch sử Trung Quốc. Là một trong số những quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời, chúng ta có thể chia thành những thời kỳ chính như sau: thời kỳ dựng nước, thời kỳ tiền đế quốc, thời đế quốc, thời Dân Quốc (1912 - 1949) và thời Cộng hòa Nhân dân (1949 - hiện nay). Trong mỗi thời kỳ đều trải qua rất nhiều quá trình biến động khác nhau.
Thời kỳ dựng nước: theo các bằng chứng khảo cổ học cho thấy người nguyên thủy đã cư trú tại Trung Quốc từ 250.000 đến 2,24 triệu năm trước. Trong một hang động tại Chu Khẩu Điếm (nằm gần Bắc Kinh ngày nay) xuất hiện những hóa thạch của con người có niên đại từ 680.000 đến 780.000 TCN. Trong những nghiên cứu gần đây cũng đã xác định quê hương của văn minh lúa nước chính là vùng đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc), nơi lúa nước được thuần hóa lần đầu tiên trên thế giới. Vào khoảng năm 5.000 TCN, các cộng đồng nông nghiệp đã trải dài khắp trên đa phần lãnh thổ phía đông Trung Quốc hiện nay.
Thời kỳ tiền đế quốc: như trong truyền thuyết Trung Hoa, triều đại đầu tiên có tổ chức nhà nước theo quy củ là nhà Hạ từ khoảng năm 2070 TCN. Sau đó thì triều đại đầu tiên mà trong văn tự ghi chép lịch sử là nhà Thương thành lập vào khoảng năm 1.700 trước công nguyên với các chế độ phong kiến còn lỏng lẻo. Triều Thương đã bị triều Chu lật đổ vào khoảng năm 1046 TCN và nhà Chu đã hoàn thiện thêm nền văn hóa Trung Quốc thông qua các chính sách Tỉnh Điền Chế, Tông pháp chế, Quốc dã chế và Lễ nhạc. Đến thế kỷ 8 TCN, quyền lực triều Chu dần suy yếu trước các chư hầu phong kiến và liên tục chiến tranh với nhau trong thời kỳ Xuân Thu kéo dài 300 năm (771 - 475 TCN). Đến thời Chiến Quốc trong thế kỷ V–III TCN, quân chủ bảy quốc gia hùng mạnh đều xưng vương như thiên tử nhà Chu. Đến năm 256 TCN thì nhà Chu bị nhà Tần tiêu diệt. Đến năm 221 TCN, nhà Tần hoàn thành xong việc tiêu diệt tất cả những nước khác, tái thống nhất Trung Quốc sau 500 năm chiến tranh.
Thời kỳ đế quốc: sau khi đã chinh phục sáu vương quốc khác và thiết lập quốc gia phong kiến tập quyền thống nhất đầu tiên, Tần vương Doanh Chính tuyên bố bản thân là "Thủy hoàng đế", tức hoàng đế đầu tiên và tiến hành cải cách khắp Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý là cưỡng bách tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ, đo lường, chiều dài trục xe, và tiền tệ. Triều đại Tần chỉ tồn tại trong 15 năm, nó bị diệt vong không lâu sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà. Sau đó thì triều Hán cai trị Trung Quốc từ 206 TCN đến 220 SCN đã tạo nên một bản sắc văn hóa Hán bền vững trong dân cư và tồn tại cho đến ngày nay. Triều đại Hán mở rộng đáng kể lãnh thổ thông qua các chiến dịch quân sự đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ và Trung Á. Triều đại này cũng tạo điều kiện thiết lập Con đường tơ lụa tại Trung Á. Nhà Hán cùng với Đế quốc La Mã là 2 quốc gia có diện tích, dân số và trình độ văn hóa cao nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi triều Hán sụp đổ thì xuất hiện giai đoạn chia rẽ được mang tên Tam Quốc, sau một thời kỳ thống nhất dưới quyền triều đại Tây Tấn, thì đất nước này lại tiếp tục bị chia rẽ trong các giai đoạn Đông Tấn - Thập Lục Quốc và Nam - Bắc triều. Vào năm 589, Trung Quốc tái thống nhất dưới quyền triều đại Tùy nhưng cũng thất bại trong chiến tranh với Cao Câu Ly kéo dài từ 598 đến 614. Tiếp tục là các triều đại Đường và Tống, hai triều đại này đã đem công nghệ và văn hóa Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim. Triều Tống cũng là chính phủ đầu tiên trong lịch sử thế giới phát hành tiền giấy. Trong thế kỷ XIII, Trung Quốc dần bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục, Tây Hạ và Kim bị tiêu diệt. Vào năm 1271, đại hãn người Mông Cổ là Hốt Tất Liệt lập nên triều đại Nguyên, đem quân chinh phục tàn dư cuối cùng của triều Tống vào năm 1279. Cho đến năm 1368 thì triều Nguyên bị lật đổ và triều đại Minh thành lập. Thời nhà Minh thì Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim khác, phát triển một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới và có một nền kinh tế giàu có và thịnh vượng. Trong những năm đầu thời Minh, thủ đô của Trung Quốc được chuyển từ Nam Kinh về Bắc Kinh. Cho đến năm 1644 - 1912 là của triều Thanh - đây cũng là triều đại đế quốc cuối cùng của Trung Quốc. Trong thế kỷ XIX, triều đại này phải đương đầu với chủ nghĩa đế quốc phương Tây trong Chiến tranh Nha phiến, buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, trả tiền bồi thường, cho phép người ngoại quốc có đặc quyền ngoại giao và nhượng Hồng Kông cho người Anh vào năm 1842. Tiếp đó là chiến tranh Thanh - Nhật (1894–1895) dẫn đến việc triều Thanh bị mất sức ảnh hưởng tại Triều Tiên cũng như phải nhượng Đài Loan cho Nhật Bản. Nhìn chung lại trong suốt 2.000 năm hình thành và phát triển từ thời nhà Hán (206 trước công nguyên) cho tới giữa thời nhà Thanh (khoảng năm 1750), Trung Quốc luôn duy trì được địa vị của một nền văn minh phát triển bậc nhất thế giới, về khoa học kỹ thuật lẫn về hệ thống chính trị. Và Trung Quốc có thể được xem như siêu cường quốc theo cách gọi ngày nay.
Thời Dân Quốc (1912 - 1949): vào cuối thời nhà Thanh, do sự lạc hậu về khoa học công nghệ mà Trung Quốc bị các nước phương Tây (Anh, Đức, Nga, Pháp, Bồ Đào Nha) và cả Nhật Bản xâu xé lãnh thổ. Các nhà sử học Trung Quốc gọi thời kỳ này là Bách niên quốc sỉ (100 năm đất nước bị làm nhục). Chế độ quân chủ chuyên chế đã hoàn toàn bất lực trong việc bảo vệ đất nước chống lại chủ nghĩa tư bản phương Tây. Điều này gây nên sự bất bình trong đội ngũ trí thức Trung Quốc, có một bộ phận tiến hành kêu gọi cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của nhà Thanh để thành lập một kiểu nhà nước mới để canh tân đất nước. Vào năm 1911, cách mạng Tân Hợi nổ ra, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc là Phổ Nghi buộc phải thoái vị. Vào ngày 01/01/1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập. Tôn Trung Sơn của Quốc dân đảng được tuyên bố là đại tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, sau đó chức đại tổng thống được trao cho cựu đại thần của triều Thanh là Viên Thế Khải. Đến năm 1916 khi Viên Thế Khải mất thì Trung Quốc bị tan vỡ về mặt chính trị, các lãnh thổ bị chia cắt và nội chiến lại diễn ra khắp nơi giữa các quân phiệt. Cho đến cuối thập niên 1920, Quốc dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch đã tiến hành thống nhất miền đông Trung Hoa dưới quyền quản lý của họ sau một loạt hành động khéo léo về quân sự và chính trị, được gọi chung là Bắc phạt. Nhìn chung, trong giai đoạn 1912 - 1949, tuy Trung Hoa Dân Quốc được coi là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Trung Quốc, nhưng thực tế thì bộ máy chính phủ trung ương chưa từng kiểm soát được hoàn toàn đất nước. Trên thực tế thì Trung Quốc trong giai đoạn này bị phân liệt thành nhiều mảnh, chiến tranh diễn ra liên tục giữa các quân phiệt cát cứ, nạn thổ phỉ xảy ra khắp nơi và còn phải chịu ngoại xâm, giống như thời kỳ Ngũ đại thập quốc hồi thế kỷ thứ X trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công để tái thống nhất đất nước và ổn định tình hình.
Thời Cộng hòa Nhân dân (1949 - nay): nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949 với kết quả là Đảng Cộng sản kiểm soát hầu hết Trung Quốc đại lục, Quốc dân đảng phải rút chạy ra ngoài khơi với lãnh thổ chỉ còn Đài Loan, Hải Nam và các đảo nhỏ. Ngày 1/10/1949, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào năm 1950, Quân Giải phóng Nhân dân đánh chiếm Hải Nam từ Trung Hoa Dân Quốc và hợp nhất Tây Tạng. Sau 40 năm, Trung Quốc đại lục lần đầu tiên được tái thống nhất kể từ sau sự sụp đổ của nhà Thanh (năm 1912). Từ năm 1946 - 1952, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện Cải cách ruộng đất tại Trung Quốc. Đến năm 1978, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng và Trung Quốc đã chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế hỗn hợp, với sự gia tăng của môi trường kinh tế thị trường mở. Tiếp tục những nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình,... đã ban hành nhiều chính sách giúp cho đất nước càng phát triển hơn.
Địa lý
Xét về diện tích đất thì Trung Quốc là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới còn dựa trên tổng diện tích thì sẽ đứng thứ tư trên thế giới, sau Nga, Canada và Hoa Kỳ. Đất nước Trung Quốc có tổng chiều dài đường biên giới trên bộ là dài nhất thế giới, với 22.117 km tính từ vị trí cửa sông Áp Lục đến vịnh Bắc Bộ. Quốc gia Trung Quốc cũng có biên giới giáp 14 quốc gia khác. Phần lớn lãnh thổ Trung Quốc là thuộc khu vực Đông Á, nằm giáp với Việt Nam, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, và Triều Tiên. Ngoài ra thì có một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines cũng nằm lân cận với Trung Quốc qua biển.
Lãnh thổ Trung Quốc nằm giữa các vĩ độ 18° ở tỉnh Hải Nam và 54° Bắc ở tỉnh Hắc Long Giang và các kinh độ 73° với 135° Đông. Nhờ lãnh thổ vô cùng rộng lớn trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nên cảnh quan ở Trung Quốc cũng có nhiều sự biến đổi đáng kể. Xét theo độ cao, Trung Quốc chia thành ba bậc thấp dần từ Tây sang Đông. Phía Tây là nơi có độ cao trung bình 4000 mét so với mực nước biển, được ví như là nóc nhà thế giới. Tiếp đó là vùng có độ cao trung bình 2000 mét so với mực nước biển bao bọc ở phía Bắc, Đông và Đông Nam. Còn thấp nhất là vùng bình nguyên với độ cao trung bình dưới 200 mét nằm ở phía Đông Bắc và Đông. Ngoài ra thì phía Đông, ở dọc theo bờ biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông có những khu vực đồng bằng phù sa có dân cư sinh sống đông đúc và các thảo nguyên rộng lớn nằm tại phần rìa của cao nguyên nguyên Nội Mông. Ở phía Tây thì có các dãy núi lớn, nổi bật nhất là đỉnh Himalaya. Ở phía Bắc có những cảnh quan thiên nhiên khô hạn như sa mạc Gobi và sa mạc Taklamakan.
Khí hậu
Khí hậu Trung Quốc có phân hoá khác biệt giữa các khu vực do địa hình phức tạp và diện tích rộng lớn. Mùa khô và gió mùa ẩm đã ảnh hưởng đến phần lớn khí hậu Trung Quốc, dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ rõ rệt giữa mùa Đông và mùa Hè. Tất nhiên là mỗi một mùa ở Trung Quốc đều mang đặc trưng riêng và du khách đều có thể ghé thăm tuỳ theo ý thích của mình
- Mùa Xuân (tháng 3 - tháng 5): là thời gian lý tưởng mà nhiều du khách lựa chọn để đi du lịch Trung Quốc. Bởi thời tiết vô cùng lý tưởng để bạn đi chơi, ghé thăm nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng cũng như thăm thú các cảnh đẹp thiên nhiên. Tiết trời lúc này sẽ càng ấm dần, cây cối thì đâm chồi nảy lộc và muôn hoa khoe sắc. Đặc biệt, mùa Xuân cũng thường diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc để bạn có thể khám phá văn hóa Trung Hoa.
- Mùa Hè (tháng 6 - tháng 8): lúc này thời tiết sẽ nắng nóng gay gắt và oi bức ở hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc. Nhưng vẫn có một số khu vực khác có khí hậu mát mẻ, trong lành để bạn ghé thăm. Ví dụ như là sông yên Tử – con sông dài nhất châu Á với làn nước xanh ngắt mát rượi hay Trương Gia Giới – nơi có dãy núi sa thạch cao chót vót cùng những con suối nguyên sơ. Nếu sợ cái nóng ở Bắc Kinh hay Thượng Hải thì mùa hè cũng là thời gian lý tưởng để bạn làm chuyến nghỉ dưỡng tại cao nguyên Tây Tạng, Tây Bắc hay Mông Cổ.
- Mùa Thu (tháng 9 - tháng 11): đây có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm ở bất kỳ nơi đâu trên khắp đất nước Trung Quốc. Thời tiết mùa Thu tương đối mát mẻ, khí hậu dễ chịu vô cùng và cảnh quan thiên nhiên thì tuyệt đẹp, nhất là hình ảnh các khu rừng cây khoác lên mình sắc vàng, sắc đỏ vô cùng nên thơ và lãng mạn. Do đó mùa Thu cũng là một trong những mùa cao điểm của du lịch Trung Quốc.
- Mùa Đông (tháng 12 - tháng 2): lúc này thời tiết sẽ vô cùng lạnh giá và còn có cả băng tuyết ở một số nơi. Nhưng với những ai yêu thích bầu không khí lạnh, muốn trải nghiệm thời tiết mùa Đông và tham gia các hoạt động vui chơi như trượt tuyết, nặn người tuyết hay lễ hội băng thì hãy đến Cáp Nhĩ Tân. Còn nếu sợ lạnh, thì bạn có thể đến đảo Hải Nam hoặc khu rừng mưa nhiệt đới ở Vân Nam nếu đi vào những tháng mùa Đông. Bởi hai nơi này đều thuộc khu vực nhiệt đới nên vào mùa Đông thì khí hậu vẫn khá ấm áp, không quá lạnh giá.
Văn hóa và con người
Với hơn 5.000 năm lịch sử, nền văn minh Trung Hoa phát triển mạnh mẽ với nét đặc trưng bởi hệ thống tư tưởng, triết học Nho giáo, Đạo giáo, Âm dương ngũ hành,... Văn hóa Trung Hoa cũng mang lại nhiều ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia láng giềng, trong đó có cả Việt Nam ta. Một số dấu ấn nổi bật khi nhắc về đất nước và con người Trung Quốc như là các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn,...), hoạt động giao thương xuyên châu Á (con đường tơ lụa), những đô thị có quy mô dân số lớn và trình độ kiến trúc hàng đầu thế giới vào thời trung cổ.
Trung Quốc cũng là một trong 4 nền văn minh cổ đại lớn của thế giới (cùng với Lưỡng Hà, Ai Cập và Ấn Độ) và còn là nền văn minh duy nhất trong số đó còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, nền văn minh Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng từ nhiều phong trào tôn giáo khác nhau. Tam giáo Trung Hoa bao gồm Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trong lịch sử cũng có tác động quan trọng trong việc định hình văn hóa Trung Hoa cũng như lối sống của người dân nơi đây.
Ẩm thực
Ẩm thực cũng chính là một phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó thì do sự di cư của cộng đồng người gốc Hoa cùng sự phát triển trong lịch sử thì ẩm thực Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều nền ẩm thực của các quốc gia khác ở châu Á, với những sửa đổi được thực hiện để phục vụ khẩu vị địa phương như là Việt Nam, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...Bốn đặc trưng ẩm thực chính được ca ngợi nhiều nhất của người Trung Quốc đó là ẩm thực Tứ Xuyên, ẩm thực Sơn Đông, ẩm thực Quảng Đông và ẩm thực Huệ Dương, là đại diện cho ẩm thực ở các vùng Tây, Bắc, Nam và Đông của đất nước Trung Quốc. Không chỉ có vậy mà còn có 8 vùng ẩm thực hiện đại luôn gây ấn tượng với thực khác, nhất là những du khách quốc tế trong các chuyến du lịch Trung Quốc. Đó là ẩm thực An Huy, ẩm thực Quảng Đông, ẩm thực Phúc Kiến, ẩm thực Hồ Nam, ẩm thực Giang Tô, ẩm thực Sơn Đông, ẩm thực Tứ Xuyên và ẩm thực Chiết Giang.
Những yếu tố quyết định để chế biến các món ăn như gia vị và kỹ thuật nấu nướng của những người dân tại các tỉnh của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự khác biệt trong nền lịch sử và các nhóm dân tộc. Một số đặc điểm địa lý: khí hậu, sông, núi, rừng và sa mạc cũng góp phần tác động mạnh mẽ đến những món ăn của các vùng miền. Không chỉ có vậy mà sự sáng tạo đa dạng trong ẩm thực nhà bếp cung đình, hoàng tộc và quý tộc cũng có vai trò trong sự thay đổi của ẩm thực Trung Quốc. Màu sắc, mùi và vị là ba yếu tố truyền thống được sử dụng để miêu tả khi nói về ẩm thực Trung Quốc. Những món ăn làm ra đều được thẩm định các yếu tố liên quan đến nguyên liệu được sử dụng, kỹ thuật dao, thời gian chế biến và gia vị nêm nếm.
Có vô số món ngon của Trung Quốc được du khách yêu thích, trong đó có thể đề cập đến những cái tên như là: vịt quay Bắc Kinh, bánh bao, há cảo, gà cung bảo, thịt Đông Pha, phật nhảy tường, lẩu cừu, đậu phụ Tứ Xuyên, mì trường thọ, bún qua cầu, đậu phụ thối, gà nướng đất sét,.... Mỗi khi đến một thành phố hay vùng đất nào đó ở Trung Quốc thì chắc chắn du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn đặc sản mang đậm hương vị địa phương của địa danh đó.
Các địa điểm tham quan
Có thể nói là du lịch Trung Quốc không hề nhàm chán mà chỉ sợ là du khách không có đủ thời gian để khám phá. Đất nước này có vô vàn địa điểm tham quan với nhiều kiến trúc ấn tượng, những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với nền văn hoá lâu đời, các món ăn đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa. Có rất nhiều thành phố du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc đón lượng khách tham quan ghé thăm hàng năm đông đúc.
- Bắc Kinh: vừa là thành phố phát triển hiện đại nhưng thủ đô Bắc Kinh cũng là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc lịch sử của Trung Quốc. Những điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Kinh mà du khách nào ai cũng thích thú ghé thăm như là: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Quảng trường Thiên An Môn, Di Hoà Viên (Cung điện mùa Hè), Thập Tam lăng,...
- Tây An: là nơi giúp bạn tìm hiểu về nền văn minh của đất nước Trung Hoa cổ đại bởi Tây An từng là một trong bảy cố đô của quốc gia rộng lớn này. Thành phố Tây An mang trong mình lịch sử hơn 3100 năm, từng là kinh đô của 13 triều đại và là điểm dừng cuối cùng của “con đường tơ lụa huyền thoại” ở Trung Hoa. Nhắc đến Tây An thì chắc chắn không bỏ qua Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng với khoảng 6.000 tượng đất sét, được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 8 của thế giới”.
- Hàng Châu: được mệnh danh với tên gọi “thiên đường nơi hạ giới”, du lịch Hàng Châu thu hút nhờ vô số cảnh quan thiên nhiên đẹp như tranh vẽ đầy thơ mộng đi sâu vào lòng người. Một số địa danh nổi bật ở Hàng Châu như là Tây Hồ - UNESCO công nhận là Di sản văn hoá Thế Giới năm 2011, đền Nhạc Phi, chùa Lục Hoà, Linh Ấn cổ tự, làng nước cổ Ô Trấn, làng Long Tỉnh, công viên quốc gia đầm lầy Xixi,...
- Tô Châu: cùng với Hàng Châu thì Tô Châu cũng chính là một trong những thành phố có phong cảnh đẹp nhất Trung Quốc với mạng lưới kênh ngòi chằng chịt. Vì thế nên Tô Châu còn mệnh danh là “thành Venice ở Trung Quốc”. Một số điểm tham quan nổi tiếng như là: Bình Giang đồ, Cổ trấn ở Tô Châu, Hàn Sơn tự, hoa viên Lưu Viên, Tô Châu lâm viên, Bảo tàng Tơ Lụa Tô Châu,...
- Thượng Hải: là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm công nghiệp - thương mại, Thượng Hải đóng vai trò chủ đạo giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó thì du lịch Thượng Hải cũng thu hút nhiều khách du lịch nhờ có nền văn hoá độc đáo, kết hợp giữa nét hiện đại phương Tây với nét truyền thống của Trung Hoa. Những điểm du lịch phổ biến ở Thượng Hải được đông đảo du khách biết đến đó là: bến Thượng Hải, tháp truyền hình Minh Châu, Dự Viên, Tân Thiên Địa, đại lộ Nam Kinh,...
Ngoài các thành phố trên thì vẫn còn rất nhiều địa danh khác ở Trung Quốc để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, ngắm nhìn các công trình nghệ thuật, khám phá nền văn hoá ngàn năm lịch sử hay là thưởng thức nhiều món ngon đặc sản. Nếu bạn có nhiều thời gian để ghé thăm Trung Quốc thì có thể lựa chọn những điểm đến khác như là Quế Lâm, Côn Minh, Thành Đô, Quảng Châu, Trương Gia Giới, Phượng Hoàng cổ trấn, Lệ Giang cổ Trấn,...
Những hoạt động trải nghiệm thú vị tại Trung Quốc
Với sự rộng lớn về diện tích cùng bề dày lịch sử lâu đời, Trung Quốc luôn là điểm đến mà bạn có thể ghé thăm nhiều lần mà không hề cảm thấy chán. Không chỉ là sự đa dạng về những địa điểm tham quan, còn rất nhiều hoạt động thú vị tại Trung Quốc để khách du lịch có thể trải nghiệm trong hành trình du lịch của mình.
Tham quan Vạn Lý Trường Thành
Có thể Trung Quốc có rất nhiều địa điểm tham quan nhưng có một nơi mà du khách nhất định phải ghé thăm, được xem là biểu tượng cũng như niềm tự hào của người dân nơi đây chính là Vạn Lý Trường Thành. Là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất và nổi tiếng nhất, Vạn Lý Trường Thành (Great Wall of China) được xây dựng từ thời cổ đại trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ 7 trước Công nguyên và được hoàn thành vào thế kỷ 16. Tường thành này được xây dựng trải dài trên địa hình núi non và chạy dọc theo đường biên giới phía Bắc của Trung Quốc, với chiều dài khoảng 21.196 km. Sẽ có những đoạn mở cửa để du khách tham quan, đi dạo trên tường thành và phóng tầm mắt nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ phía xa.
Thưởng thức các món ăn đặc sản của ẩm thực Trung Quốc
Tuy là hiện nay ở Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới cũng có rất nhiều nhà hàng Trung với các món ăn quen thuộc của người Trung. Nhưng nếu là người đam mê khám phá ẩm thực, nhất là những món ăn của ẩm thực Trung Quốc thì bạn nhớ thưởng thức những món ăn này tại ngay chính quê hương của nó nhé. Dù là ăn tại nhà hàng hay các quán ăn đường phố thì du khách sẽ luôn thoả mãn được vị giác bởi những hương vị đậm đà cùng màu sắc bắt mắt.
Tham gia lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới
Với những quốc gia xứ nhiệt đới như Việt Nam thì sẽ hiếm gặp băng tuyết. Do đó sẽ có những du khách vô cùng thích thú hoạt động tham gia lễ hội này. Lễ hội băng đăng tổ chức hằng năm tại công viên “Thế giới băng và tuyết” ở thành phố Cáp Nhĩ Tân - là thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang thuộc miền Bắc Trung Quốc. Đây được xem là lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới, trưng bày hơn 100 tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc từ băng tuyết lấy ý tưởng từ các công trình kiến trúc trên khắp Trung Quốc cùng vô số tượng người tuyết xung quanh.
Ghé thăm những khu tự trị ở Trung Quốc
Không phải là những thành phố quen thuộc như Bắc Kinh, Thượng Hải,... mà ở Trung Quốc còn có những khu tự trị đầy bí ẩn để du khách khám phá. Không chỉ là vùng đất của sắc tộc mới, văn hóa địa phương mà còn chứa đựng cảnh quan thiên nhiên đẹp ngất ngây, làm mê đắm bất cứ một ai. Nổi tiếng nhất trong số đó như là khu tự trị Tây Tạng với thủ phủ Lhasa có cung điện Potala linh thiêng, khu tự trị Nội Mông Cổ - là nơi có những thảo nguyên rộng lớn, có khí hậu mát mẻ quanh năm và cuộc sống du mục đầy hoang dã, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương - được biết đến là vùng đất ghi dấu thời kỳ hoàng kim về con đường tơ lụa, là nơi của những mỹ nhân tuyệt sắc và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng,...
Hỏi - đáp khi đi du lịch Trung Quốc
Khi đi du lịch Trung Quốc, bạn có thể quan tâm đến các câu hỏi sau:
Về tiền tệ và thanh toán ở Trung Quốc
- Tiền tệ chính thức là Nhân dân tệ (CNY). Bạn có thể đổi tiền tại ngân hàng, sân bay hoặc khách sạn lớn.
- Thẻ tín dụng như Visa và MasterCard được chấp nhận tại nhiều cửa hàng và khách sạn lớn. Tuy nhiên, nên mang theo một ít tiền mặt cho các giao dịch nhỏ và điểm du lịch ngoài thành phố lớn.
Vùng Kiến Thuỷ Trung Quốc mùa đông có tuyết rơi không?
Thực tế, vùng Kiến Thủy không có tuyết rơi vào mùa đông. Nếu bạn muốn thấy tuyết, bạn cần đi sâu hơn vào phía bắc, nơi có thể có tuyết rơi, như Bắc Kinh hoặc Cáp Nhĩ Tân.
Cách kết nối internet tại Trung Quốc
Để có thể sử dụng internet tại Trung Quốc, du khách nên mua eSIM du lịch Trung Quốc tại Gody.vn. Với nhiều gói đa dạng về dung lượng, số ngày sử dụng, đây là giải pháp tốt nhất khi du lịch ở Trung Quốc.