Tứ phương vô sự: nghĩa là bốn phương yên ổn, thể hiện khát vọng hòa bình, dù chủ quyền triều đại khi đó không còn.
Nổi bật trên nền Bắc Khuyết Đài, ở vị trí cao nhất của phía bắc Hoàng thành, lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình đặc biệt trong tổng thể kiến trúc cung đình Huế. Đây được xem là một công trình hiếm hoi của Hoàng cung quay mặt về phía bắc, và cùng với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành), làm nên một tổ hợp kiến trúc biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại.
Được xây theo phong cách kiến trúc thuộc địa, giao thoa kiến trúc Á - Âu, gồm hai tầng với diện tích lên đến 182m². Lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật của cố đô Huế, mà còn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Việc phục hồi lầu Tứ Phương Vô Sự đã trả lại cho Huế một công trình kiến trúc mang đầy ý nghĩa. Và càng ý nghĩa hơn khi công trình đã được khánh thành ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhìn về phía Bắc, không chỉ là để “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” mà còn là sự biểu thị ước vọng chung của dân tộc- ước vọng “tứ phương vô sự”, thiên hạ thái bình.
Dự án đã được trùng tu vào năm 2008, cho đến năm 2011, tòa lầu trở thành quán cà phê, theo một hình thức bảo tồn di tích thích nghi mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trương.