Chùa Trầm (Hà Nội)

93 reviews
Viết review

Chùa Trầm, cùng với chùa Hang và chùa Vô Vi tọa lạc tại núi Trầm là ba ngôi chùa đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc trong kiến trúc cảnh quan, đạt đến độ hài hòa thống nhất giữa độ cao của núi và vẻ đẹp của chùa, trở thành điểm đến thu hút rất nhiều du khách gần xa. Chùa Trầm chính là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa điểm du lịch mang đậm giá trị tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương.

Thông tin cần biết
  • Giá vé: Miễn phí

  • Địa chỉ: Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội, Việt Nam

Giới thiệu về Chùa Trầm

Núi Trầm từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến du lịch lý tưởng, thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa. Núi Trầm còn được gọi là Tử Trầm Sơn, tọa lạc tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Nằm ở khu vực ngoại thành thủ đô, núi Trầm được mệnh danh là cao nguyên đá Hà Giang thu nhỏ, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc, bầu không khí trong lành mát mẻ. Chỉ cách Hà Nội khoảng 25km đi xe, du khách thường tìm đến núi Trầm để tạm rời xa những tiếng còi xe, sự xô bồ, ồn ào náo nhiệt của thành phố.

Núi Trầm không sở hữu chiều cao đồ sộ nhưng vẫn sẽ làm du khách không khỏi trầm trồ khi chứng kiến những vách đá được dựng đứng vô cùng hiểm trở, hay nhiều ngọn núi đá với hình thù kỳ lạ. Không chỉ vậy, núi Trầm còn đem lại cảm giác thơ mộng với nhiều cung đường núi uốn lượn như đang ôm lấy các ngọn núi đá. Tất cả những nét đẹp ấy tạo thành một vẻ đẹp rất hoang sơ, tự nhiên của núi Trầm, càng làm khơi dậy niềm đam mê khám phá, trải nghiệm của du khách.

Trên núi Trầm có quần thể nhiều ngôi chùa rất nổi tiếng là chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Tọa lạc tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 25km, quần thể chùa Trầm rất nhanh đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, là điểm đến không thể thiếu đối với những du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng, đặc biệt vào các dịp cuối tuần hoặc các ngày mùng 1, ngày rằm hay lễ Tết.

Chùa Trầm có địa thế đẹp và đặc biệt khi xung quanh được bao bọc bởi nhiều hòn núi nhỏ khác như núi Tiên Nữ, núi Đồng Lư và núi Ninh Sơn. Với vị thế tự nhiên thuận lợi này, chùa thu hút được số lượng lớn Phật tử và du khách về tham quan, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động cắm trại, đạp xe, chụp ảnh, leo núi, hay trekking đi bộ dài ngày,...

Quần thể chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi có lịch sử lâu đời, do Trần Văn Tăng - một tướng quân xuất gia đi hoằng đạo - khởi xướng xây dựng vào năm Ất Hợi (1515). Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay khu quần thể di tích tâm linh này thuộc phạm vi quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Trầm được người dân địa phương xếp vào hàng bốn ngôi chùa cực linh thiêng thuộc hàng “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh ba ngôi chùa khác là: Chùa Thầy, chùa Trăm Gian và chùa Tây Phương. Chùa Trầm có kiến trúc cổ kính, mang đậm sắc nét của đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đặc trưng của cư dân, con người đồng bằng Bắc Bộ.

Thông tin cần biết về chùa Trầm

Địa chỉ

Chùa Trầm nằm ở núi Trầm hay còn có tên gọi khác là Tử Trầm Sơn. Chùa Trầm là quần thể di tích tâm linh bao gồm nhiều ngôi chùa khác là chùa Hang và chùa Vô Vi. Quần thể chùa Trầm tọa lạc tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (xưa thuộc làng Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Thời gian mở cửa

Chùa Trầm có thời gian mở cửa là 24/24, phục vụ nhu cầu dâng hương bái lễ và tham quan, khám phá của du khách.

Giá vé

Chùa Trầm không thu vé vào cửa. Có nghĩa du khách có thể thoải mái ra vào chùa để tham quan, hoặc tế lễ, dâng hương, cầu bình an phước lộc. Tuy nhiên vì là địa điểm linh thiêng, nên du khách chú ý lựa chọn trang phục và cách hành xử lịch sự, văn minh.

Hướng dẫn đi đến chùa Trầm Chương Mỹ

Chùa Trầm tọa lạc tại núi Trầm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 25km. Vì núi Trầm có chiều cao không quá đồ sộ, nên địa hình khá thuận lợi và dễ đi cho nhiều phương tiện. Tùy vào nhu cầu và điều kiện của từng du khách, bạn có thể tùy ý lựa chọn phương tiện thông dụng để đến với chùa.

Nếu du khách di chuyển đến chùa Trầm bằng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô: đây có lẽ những phương tiện được ưu tiên hàng đầu bởi độ thông dụng và tính thuận tiện tiện của nó. Xuất phát từ Hà Nội, du khách đi theo hướng đi Hà Đông, chạy dọc theo Quốc lộ 6 hướng đi Hòa Bình. Sau khoảng 23km chạy xe là sẽ đến được thị trấn Chúc Sơn. Đến Chúc Sơn, du khách có thể đi theo các bảng chỉ dẫn hoặc hỏi người dân bản địa đường đến chùa Trầm.

Nếu du khách không quen với việc tự di chuyển, có thể sử dụng phương tiện công cộng là xe bus. Du khách có thể tham khảo các tuyến xe 37 (Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ), 57 (Bến xe Nam Thăng Long - Khu công nghiệp Phú Nghĩa), hoặc tuyến 80 (Bến xe Mỹ Đình - Ba Thá), sau đó xuống xe tại điểm đón trả khách Vực Ninh. Từ Vực Ninh đến địa chỉ chùa Trầm chỉ khoảng 2km, nên du khách có thể lựa chọn hình thức di chuyển tiếp theo là xe ôm để thuận tiện di chuyển đến chùa nhé, giá giao động sẽ từ 20.000 đồng tùy vào thương lượng giá cả giữa khách và bác tài.

Tham quan chùa Trầm có gì hay, có gì hay?

Chùa Trầm với lối kiến trúc cổ kính

Chùa Trầm có lối xây dựng vô cùng độc đáo khi được xây dựa vào vách núi. Chùa Trầm có diện tích tượng đối nhỏ, lại tọa lạc trên núi Trầm Sơn không quá cao và hùng vĩ, nhưng với kiến trúc mang đậm tính cổ kính cùng cách bài trí cây cối trong sân lại khiến chùa mang màu sắc trang nghiêm, tôn kính mà không kém phần trong lành, dễ chịu.

Tổng thể chùa tọa lạc trên một một khoảnh đất cao, với thế tọa sơn quan thủy, tức lưng chùa dựa vách núi, trước mặt chùa nhìn ra hồ sen, xa hơn nữa là sông Đáy. Thế chùa cho thấy lối kiến trúc dựa phong thủy cổ điển vô cùng quen thuộc của trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt cổ, vừa có sông vừa có núi, ngụ ý khi phong thủy thuận lợi thì sẽ đem lại phước lành và lộc lá. Hồ sen được bố trí chính trước cửa chùa cũng có ý là tụ thủy đem lại phúc lộc, mong ước cho mùa màng thuận lợi, cuộc sống đủ đầy, bá tánh được ấm no hạnh phúc. Có thể nói kiến trúc của chùa Trầm là núi ôm nước bọc, đem lại ý nghĩa về phong thủy rất vững chãi, đầy sức sống.

Đi qua cổng chùa bạn sẽ đến sân chính của chùa, có nhà Trung điện mái ngói với 5 gian, hàng trụ cột được làm bằng đá nên tạo cảm giác vô cùng vững chắc. Đi vào sâu bên trong sẽ là thượng điện và hậu cung. Thượng điện được bài trí hệ thống các pho tượng Phật khá đầy đủ, hậu cung là nơi tôn nghiêm nên du khách, người ngoài không được phép vào. Chỉ vào những ngày mùng 1, ngày rằm, lễ Tết thì mới có sư thầy đến mở cửa hậu cung để làm vệ sinh quét dọn, bao sái, cúng lễ. Phía sau chùa là nhà tổ, trai phòng và sân hậu. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng theo lịch sử ghi chép lại thì chùa trước đây là nơi hành cung, được vua Lê chúa Trịnh thường xuyên ghé thăm để vãn cảnh và khảo sát đời sống của nhân dân. Bác Hồ cũng đã từng ghé thăm chùa Trầm 4 lần.

Lễ hội chùa Trầm thú vị, đặc sắc

Như một phong tục, lễ hội chùa Trầm được diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 tháng 2 âm lịch hằng năm. Vào mùa lễ hội, chùa Trầm thu hút được rất nhiều Phật tử và lượng khách du lịch lớn, với đa dạng các hoạt động thú vị và trò chơi dân gian như: múa rối nước, đu tre, đấu vật, chọi gà,... Người dân địa phương và du khách gần xa đi lễ để cầu cho công việc thuận lợi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Điểm đặc biệt về lễ hội chùa Trầm là dân làng tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ, để gọi nhớ về sự kiện nơi đây từng vinh dự 4 lần đón Bác về thăm, cũng như biết ơn những công lao mà Bác đã làm cho quê hương, đất nước. Lễ hội chùa Trầm là thời điểm tấp nập, náo nhiệt nhất năm của người dân nơi đây, thể hiện cho đời sống văn hóa đầy độc đáo của địa phương.

Nên ghé thăm chùa Trầm khi nào?

Chùa Trầm luôn mở cửa quanh năm để các Phật tử và du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm văn hóa tâm linh và tiến hành các hoạt động dâng hương bái lễ. Để có một chuyến du lịch trọn vẹn nhất, du khách có thể lựa chọn khoảng thời gian tháng 4 - tháng 5 trong năm, vì đây là giai đoạn lý tưởng nhất để cảm nhận vẻ đẹp trong lành, mát mẻ của bầu không khí. Nếu du khách có mong muốn được trải nghiệm mùa lễ hội chùa Trầm thì hãy chọn ngày 2/2 đến 4/2 âm lịch để tham gia vào các hoạt động thú vị nơi đây nhé.

Lưu trú khi đến chùa Trầm

Vì chủ yếu nhu cầu của du khách khi đến chùa Trầm chỉ bái lễ cầu phước, và tham quan trong ngày nên các hình thức lưu trú như khách sạn và homestay ở đây không phát triển. Vì vậy, nếu du khách muốn nghỉ ngơi qua đêm thì có thể trải nghiệm hình thức cắm trại qua đêm dưới chân núi Trầm. Nếu lưu trú bằng hình thức này, bạn cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu như chăn, quần áo ấm bởi núi Trầm về đêm quá lạnh.

Các điểm tham quan gần núi Trầm

Chùa Hang dưới chân núi Trầm

Chùa Hang nằm ở dưới chân núi Tử Trầm Sơn, là một trong ba ngôi chùa thuộc quần thể di tích tâm linh ở núi Trầm. Chùa Hang nằm trong hệ thống động Long Tiên với kiến trúc vô cùng độc đáo. Bên ngoài chùa Hang là những bức tượng hình người cầm giáo mác được chạm khắc bằng đá, với cổng chính của chùa là mái vòm, nhờ vào ánh sáng tự nhiên chiếu vào chùa Hang tạo cho du khách cảm giác rất sinh động và thú vị. Trong chùa Hang được bài trí những pho tượng Phật có giá trị tâm linh rất lớn, đi cùng đó là 15 bài thơ văn khắc trên vách đá của chùa mang giá trị văn học nghệ thuật. Càng đi sâu vào bên trong càng khám phá được nhiều điểm thú vị, chùa Hang có 2 lối đi, một lối dẫn lên đỉnh núi được gọi là đường lên trời và đường còn lại dẫn xuống hang sâu được đặt là đường xuống Âm phủ.

Chùa Vô Vi - ngôi chùa dành riêng cho dâng hương thờ cúng

Khởi hành từ ngôi chính trong quần thể di tích núi Trầm là chùa Trầm, du khách ngược lên trên núi Trầm khoảng 1km để đến với chùa Vô Vi - ngôi chùa thứ 3 trong quần thể chùa nổi tiếng tại đây. Chùa Vô Vi sở hữu địa thế đặc biệt khi lưng tựa núi, và lối đi lên chùa được trải hơn 100 bậc thang được lát bằng đá, để khi lên được đến chùa, du khách sẽ thu vào tầm mắt một khung cảnh rừng núi vô cùng hùng vĩ cùng không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu.

Kinh nghiệm khi đi chùa Trầm

  • Với địa thế chùa Trầm tọa lạc ở núi Trầm, du khách nên lựa chọn và đi một đôi giày thể thao để đảm bảo di chuyển lên núi được một cách êm chân và thuận thuận tiện nhất.
  • Xung quanh khu vực chùa Trầm và núi Trầm chưa phát triển các điểm lưu trú và các nhà hàng, quán ăn nên phương thức tối ưu nhất là du khách nên tự chuẩn bị đồ ăn và các đồ dùng, dụng cụ cần thiết để nghỉ ngơi qua đêm.
  • Giá vé vào cửa chùa Trầm là miễn phí, nhưng nếu du khách tự di chuyển đến chùa Trầm bằng xe máy thì sẽ tốn khoản phí gửi xe dưới chân núi là từ 5.000 đến 10.000 đồng/xe.
  • Vì chùa Trầm là chốn linh thiêng nên du khách cần ăn mặc kín đáo cùng phong thái hành xử văn minh, lịch sự.

Nếu du khách vẫn còn đang suy nghĩ, phân vân lên kế hoạch cho một cuối tuần lý tưởng bên gia đình, người thân, bạn bè thì đừng ngại ngần mà lựa chọn ngay chùa Trầm cùng các quần thể di tích tâm linh tại núi Trầm nhé. Cách không xa trung tâm thành phố, đây sẽ là điểm đến đổi gió, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị và hấp dẫn cho du khách đấy nhé!

Đã cập nhật vào ngày 09/01/2024
4.63
dựa trên 93 đánh giá
5
76.34%
71
4
11.83%
11
3
10.75%
10
2
1.08%
1
1
0%
0
Hình ảnh
avatar