Châu Đốc
mask
Đã đi
Sắp đi
Gody-er đã đến

Châu Đốc

Châu Đốc - điểm du lịch nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, nơi đây được ví như một viên ngọc quý mang trong lòng dòng sông Hậu. Du lịch Châu Đốc nổi tiếng với văn hóa tâm linh qua những điểm đến nổi tiếng như miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Huỳnh Đạo... những di tích lịch sử và văn hóa độc đáo như lăng Thoại Ngọc Hầu và núi Sam. Bên cạnh đó, vùng đất này còn tự hào với ẩm thực đặc sản hấp dẫn và cảnh quan độc đáo của miền sông nước.

Hình ảnh du lịch Châu Đốc
Về An Giang vùng đất bảy núi.
LANG THANG AN GIANG TRONG 2 NGÀY
GỬI CHÚNG TA CỦA SAU NÀY THANH XUÂN LÀ PHẢI ĐI KHI CÒN CÓ THỂ
Xem tất cả ảnh

Giới thiệu về Châu Đốc

Châu Đốc được xem như là một trong những điểm du lịch trọng tâm của An Giang nói riêng và cả vùng Tây Nam Bộ nói chung. Ngoài việc được mệnh danh là “vùng đất tâm linh”, Châu Đốc còn có cột mốc lịch sử khá kiêu hùng khi là nơi cuối cùng được giải phóng trong kháng chiến 1975. Ngoài ra, tên gọi Châu Đốc cũng mang trong mình nhiều ý nghĩa mà hướng dẫn viên nào cũng giới thiệu với du khách khi đến đây.

Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ Châu Đốc

Vị trí địa lý

Là thành phố trực thuộc của tỉnh An Giang, Châu Đốc là vùng đất có vị trí nằm ở ngã ba sông, nơi có sông Hậu và sông Châu Đốc giao nhau, giữa các cửa khẩu quốc tế, quốc gia lớn ở miền Tây lần lượt là: Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương. Với vị trí địa lý vô cùng đắc địa như thế, Châu Đốc được xem như là cửa ngõ giao thương hàng hóa vô cùng quan trọng của tỉnh An Giang vùng Tây Nam Bộ. Đây là nơi tập hợp những mặt hàng buôn bán với anh em Campuchia bằng đường thuỷ và đường bộ.

Về các mặt tiếp giáp:

  • Phía Bắc thành phố Châu Đốc tiếp giáp với huyện An Phú và vương quốc Campuchia;
  • Phía Nam thành phố Châu Đốc giáp với huyện Châu Phú;
  • Phía Đông thành phố Châu Đốc giáp với thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân;
  • Phía Tây giáp với vương quốc Campuchia
  • Phía Tây Nam giáp với thị xã Tịnh Biên.

Phạm vi lãnh thổ

Thành phố Châu Đốc hiện nay 7 đơn vị hành chính, bao gồm 5 phường: phường Châu Phú A, phường Châu Phú B, phường Núi Sam, phường Vĩnh Mỹ và phường Vĩnh Ngươn; 2 xã: xã Vĩnh Châu và xã Vĩnh Tế.

Lịch sử quá trình hình thành Thành phố Châu Đốc ngày nay

Châu Đốc dưới thời vua Nguyễn

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, ông đã sát nhập Châu Đốc vào trấn Hà Tiên và gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1815, ông ban lệnh xây thành Châu Đốc. Năm 1825, Châu Đốc được vua Gia Long tách riêng ra thành trấn Châu Đốc. Năm 1832, vua Minh Mạng đã đổi tất cả trấn thành tỉnh lỵ và trấn Châu Đốc lúc bây giờ được đổi thành tỉnh An Giang, lỵ sở được đặt ở thành Châu Đốc.

Châu Đốc dưới thời kháng chiến

Năm 1867, sau Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam và chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, chúng đã chia nơi đây thành 24 hạt thanh tra và tỉnh An Giang bấy giờ đã được đổi lại thành hạt thanh tra Châu Đốc.

Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ chia nơi đây thành bốn khu vực hành chính, trong mỗi khu vực sẽ có các tiểu khu hay các hạt tham biện. Hạt thanh tra Châu Đốc được đổi sang hạt tham biện Châu Đốc. 

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương đổi tên hạt tham biện Châu Đốc thành tỉnh Châu Đốc, tỉnh Châu Đốc đã tồn tại một khoảng thời gian dài dưới thời Pháp thuộc.

Năm 1956, dưới thời VNCH, tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định sát nhập hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên thành tỉnh An Giang. Đến năm 1964, thủ tướng chính quyền VNCH đã ký sắc lệnh tái lập lại tỉnh Châu Đốc. Cùng lúc đó, xã Châu Phú thuộc quận Châu Phú vừa là quận lỵ Châu Phú, vừa là tỉnh lỵ Châu Đốc trong giai đoạn 1964 - 1975.

Châu Đốc sau năm 1975

Sau năm 1975, Châu Đốc là thị xã trực thuộc tỉnh An Giang. Từ năm 2015, thị xã Châu Đốc được trở thành thành phố đô thị loại II.

Nguồn gốc tên gọi và sự hình thành địa danh Châu Đốc

Địa danh Châu Đốc được hình thành gắn với sự kiện dâng tặng một phần đất Chân Lạp của vua Nak Ong Ton cho chúa Nguyễn vào năm 1757. Chúa Nguyễn đã cử  tướng Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận vùng đất này và đặt 3 đạo tại đây: đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu để trấn ải vùng biên cương. Như vậy, tên Châu Đốc đã xuất hiện từ khá sớm. Châu Đốc lúc bấy giờ là tên một đạo (đồn biên phòng). Đạo Châu Đốc cùng với hai đạo còn lại thuộc về dinh Long Hồ. 

Thông tin cần biết về Châu Đốc

  • Thuộc tỉnh: An Giang
  • Diện tích: 105,23 km2
  • Dân số: 101.765 người (2019)
  • Vùng du lịch: Đồng bằng Sông Cửu Long
  • Tộc người chủ yếu: Việt, Chăm, Hoa, Khmer
  • Mã vùng điện thoại: 0296
  • Biển số xe: 67-E1

Du lịch Châu Đốc có gì hay? có gì đẹp?

Văn hóa và con người Châu Đốc

Lối sống gắn liền với sông nước đã trở thành một nét văn hóa sâu đậm trong tâm thức của họ. Tiêu biểu là các công trình cũng gắn liền với “văn hóa sông nước miệt vườn”: tượng đài cá basa ở bờ kè sông Hậu hay những làng bè nuôi cá, tôm trên sông. Tất cả cho thấy được sự trù phú, dồi dào của thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất và người dân nơi đây.

Ngoài ra, Châu Đốc là một vùng đất có nhiều điểm di tích lịch sử và văn hóa phong phú, mang màu sắc tôn giáo như: Núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu,... Bên cạnh đó, Châu Đốc còn có đủ 6 loại hình tôn giáo lớn của cả nước: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Hòa Hảo và Cao Đài.

Chính nhờ vào sự dung hòa, hỗn hợp văn hóa giữa các tôn giáo nên đã tạo cho con người nơi đây giàu tính khoan dung, hiếu khách. Từ đó đã tạo nên sự cố kết dân tộc trong văn hóa tín ngưỡng tôn giáo. Đây chính là nét đặc trưng đã giúp cho Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung trở thành nơi có tiềm năng du lịch tâm linh vô cùng to lớn.

Khí hậu ở Châu Đốc

Châu Đốc có khí hậu giống như các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ -  khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nơi đây cũng có hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 11, nhưng khoảng tháng 7 đến tháng 11 là khoảng thời gian có mưa nhiều nhất; và mùa nắng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 của năm sau. Thời tiết khí hậu Châu Đốc nhìn chung cũng khá là thích hợp để du khách đến tham quan quanh năm.

Nếu bạn có dịp đi du lịch Châu Đốc vào tầm tháng 9 đến tháng 11 thì những tháng này là những tháng nước lớn, mà người dân hay gọi là mùa nước nổi. Khi đi du lịch Châu Đốc vào mùa này, quý khách sẽ cảm nhận được rõ nét nhất lối sống bưng biền của bà miền sông nước Châu Đốc.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - Lễ hội văn hóa tâm linh lớn và đặc sắc ở Châu Đốc

  • Thời gian tổ chức: từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 04 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm tổ chức: miếu Bà Chúa Xứ, 132 Châu Thị Tế, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Ý nghĩa lễ hội: Lễ hội chứa đựng những giá trị truyền thống nhân văn, văn hóa tốt đẹp và sâu sắc. Ngoài ra, lễ hội còn chứa đựng khát vọng của người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp, quý báo trong cuộc sống. Không những thế, lễ hội thể hiện sự sáng tạo của cư dân vùng đất phía Nam và mãi được lưu truyền qua nhiều đời thế hệ.
  • Thông tin thêm: Năm 2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Thủ tướng chính phủ hiện đang cho phép lễ hội được lập hồ sơ để gửi trình lên UNESCO, yêu cầu được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.

Làng nghề truyền thống ở Châu Đốc

Làng bè nuôi tôm, cá Châu Đốc

Đây là nơi hội tụ nhiều nhà bè nuôi tôm, cá lớn nhất ở khu vực An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Làng bè ngoài việc phát triển nghề nuôi cá truyền thống lâu đời, nơi đây còn được lãnh đạo các cấp thúc đẩy, phát triển như một địa điểm du lịch độc đáo tại An Giang, hấp dẫn thu hút quý du khách đến tham quan hằng năm.

Địa chỉ làng nghề: nằm ở trên con sông Châu Đốc, tiếp giáp với Thành phố Châu Đốc và huyện An Phú, cách cầu Cồn tiên khoảng 2km đường bộ.

Làng nghề làm mắm Châu Đốc

Được mệnh danh là “thủ phủ mắm Nam Bộ”, nghề làm mắm Châu Đốc đã được hình thành và tồn tại từ khá lâu đời cho đến nay. Đây chính là nơi chế biến ra hàng trăm những loại mắm, khô nổi tiếng và lớn nhất của vùng Tây Nam Bộ và cả nước. Các loại mắm được các thợ lành nghề làm ra ở Châu Đốc sẽ có hương vị đậm đà và mùi thơm rất đặc trưng bởi họ sử dụng những công thức gia truyền được truyền lại qua bao đời. Khi du lịch Châu Đốc, bạn có thể ghé những sạp mắm, mua vài ký mắm về làm quà tặng cho mọi người.

Ẩm thực Châu Đốc

Nhắc tới Châu Đốc là phải nhắc tới ẩm thực của nơi đây. Tuy chỉ là một thành phố trực thuộc huyện, nhưng Châu Đốc lại có bề dày ẩm thực vô cùng phong phú và đặc sắc. Từng món ăn đặc sản ở đây vừa làm hài lòng du khách bốn phương khi đến, vừa để lại sự lưu luyến nhớ mãi trong tâm trí của du khách khi rời xa nơi này. Hãy cùng Gody điểm qua một số món ăn đặc sản ở Châu Đốc để cho mọi người thấy được, du lịch ẩm thực Châu Đốc cũng là một chuyến đi thú vị và lôi cuốn cho những du khách sành ăn.

Bún cá Châu Đốc

Là một những món ngon đặc sản được nhiều du khách từ mọi nơi tìm đến thưởng thức nhất ở Châu Đốc. Điều đặc biệt để tạo nên món bún này nằm ở chỗ nước dùng của món. Nước dùng với mùi vị ngọt thanh của xương heo và cá lóc ninh, đậm đà bởi vị mắm bò hóc đặc trưng ở xứ này. Khi ăn, từng miếng thịt cá săn chắc, thơm ngon hòa cùng sợi bún tươi mềm mại, tất cả mang đến cảm giác ngon không thể diễn tả được. Ngoài ra, món bún cá còn được ăn cùng với những loại rau phổ biến ở xứ này như: bắp chuối, điên điển, rau muống bào, giá,...

Bánh bò thốt nốt

Khác với loại bánh bò rễ tre với nhiều màu sắc bắt mắt, bánh bò thốt thốt chỉ mang đến duy nhất một màu vàng sẫm của đường thốt nốt. Tuy màu sắc có phần không trội, nhưng nói về độ ngon thì bánh bò thốt nốt lại có cái ngon đặc trưng của mình, khiến cho bao du khách khi ghé Châu Đốc là phải tìm món bánh này ăn đầu tiên. Bánh không dai như bánh bò rễ tre mà bánh mềm và xốp nhẹ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của đường thốt nốt, vị béo ngậy của nước cốt dừa, cảm giác nóng hổi của bánh khi mới ra lò. Tất cả tạo nên sự hoàn hảo cho món bánh đặc sản này.

Lẩu mắm Châu Đốc

Được mệnh danh là “thủ phủ mắm Nam Bộ” thì món lẩu mắm cũng không thể nào thiếu được trong danh sách những món đặc sản phải thử khi ghé Châu Đốc. Được nấu bằng những loại mắm đặc sản xứ này như: mắm linh, mắm chốt, mắm kèo, mắm bò hóc,... Lẩu mắm nơi đây không chỉ níu kéo bởi vị đậm đà của nước dùng, mà thêm vào đó là những món ăn kèm tươi rói như: cá linh, cá lóc, lươn, thịt ba chỉ, tôm, mực,... và những loại rau dân dã miền Tây: bông súng, tai tượng, so đũa, điên điển, rau muống đồng,...

Gỏi khô sầu đâu

Gỏi được làm bởi nguyên liệu chính là bông sầu đâu cùng với các loại khô nướng thơm nức mũi như: khô cá lóc, khô cá rô, khô cá sặc rằn, khô cá lưỡi trâu,... Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng nhẫn của bông sầu đâu, vị mặn của khô, vị chua của xoài sống, chua ngọt của nước trộn gỏi và vị thơm của rau thơm, quế.  Khi ăn, người ta thường chấm kèm với mắm me pha mặn ngọt là hết sẩy miền Tây.

Nước thốt nốt

Nước thốt nốt kèm với cơm thốt nốt biến được uống vào những ngày trời nắng nóng oi bức thì còn từ gì có thể miêu tả được. Nước có mùi thơm rất riêng, vừa mát lạnh với cả tinh khiết. Vị ngọt của nước thốt nốt là vị ngọt thanh, ngọt hơn nước dừa Xiêm Thái, cơm giòn như cơm dừa nước hay hạt đác, ngon hơn cả thạch.

Địa điểm du lịch ở Châu Đốc

Nếu bạn muốn tránh xa những ồn ào, xô bồ nơi đô thị phồn hoa, thì Châu Đốc chính là điểm đến còn gì tuyệt vời hơn. Đến đây, bạn sẽ được hòa mình vào cảnh đẹp của nơi miền sông nước mộc mạc, chân quê; cùng nhau thực hành văn hóa tín ngưỡng tâm linh tại các đình miếu; hay cùng với gia đình, bạn bè tham gia vào những trò chơi tập thể tại các điểm du lịch sinh thái,...

Miếu bà Chúa Xứ núi Sam: 

Là địa điểm tâm linh nổi tiếng bậc nhất miền Tây, thu hút khách du lịch bốn phương về đây để viếng thăm, cầu cúng. Đây cũng là một trong những nơi thể hiện rõ nét thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ta.

  • Địa chỉ: Châu Thị Tế, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Tây An cổ tự (chùa Tây An)

Tây An cổ tự là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa nền văn hóa Việt -  Ấn. Hiện nay, nơi đây là một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách hành hương đến đây tham quan và cúng kiếng.

  • Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Đây là công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày nay. Là nơi thờ cùng vị danh tướng Thoại Ngọc Hầu - là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng đất Châu Đốc, Hà Tiên, công trình kiến trúc này mang lại rất nhiều ý nghĩa về văn hóa lẫn lịch sử. 

  • Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Chùa Hang Châu Đốc (chùa Phước Điền)

Nằm ở ngọn núi Sam nên chùa Hang mang đến cho khách du lịch một khoảng không gian rất đỗi an yên, trữ tình nhưng toát lên vẻ đẹp tâm linh. Được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, lại thêm việc có địa thế nằm ở lưng chừng ngọn núi Sam, chùa Hang đã tạo cho nơi đây nên một khung cảnh bình yên và thanh tịnh.

  • Địa chỉ: Tân Lộ Kiều Lương, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: miễn phí

Khu du lịch cáp treo núi Sam

Tuy chỉ là một điểm du lịch mới tại Châu Đốc, Khu du lịch cáp treo núi Sam lại được quý du khách tin tưởng và đón nhận. Không chỉ giúp cho việc di chuyển lên núi Sam thuận lợi hơn mà còn mang đến cho những du khách cảm giác vô cùng hào hứng. Khi tham quan nơi đây, bạn sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ cùng với đó là đắm mình trong không gian tín ngưỡng tâm linh.

  • Địa chỉ: Châu Thị Tế, khóm Vĩnh Tây 3, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: Một chiều: 75.000 đồng người lớn, 35.000 đồng cho trẻ em trên 1m2; Khứ hồi: 150.000 đồng người lớn, 70.000 đồng cho trẻ em trên 1m2

Chùa Huỳnh Đạo

Chùa Huỳnh Đạo

Là điểm du lịch tôn giáo được nhiều du khách và Phật tử đến hành hương và chiêm bái. Điểm thu hút ở chùa là có hồ sen rộng nằm ở giữa sân chùa.  Trên mặt hồ sen có tượng chín con rồng cuộn lại với nhau đầy uy nghiêm, là biểu tượng tượng trưng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

  • Địa chỉ: Tân Lộ Kiều Đông, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
  • Thời gian mở cửa: mở cả ngày
  • Giá vé: miễn phí
Xem Thêm Nội Dung
Đã cập nhật vào ngày 15/06/2023