Kon Tum
mask
Đã đi
Sắp đi
92,862 Gody-er đã đến
Chevron Forward Chevron Forward

Đi du lịch Kon Tum khi nào (tháng nào, mùa nào)

Khí hậu, thời tiết tại Kon Tum

Trước khi đến Kon Tum, du khách nên tìm hiểu về khí hậu nơi đây để thuận tiện trong việc lập kế hoạch đi chơi. Nhìn chung, khí hậu Kon Tum rất ôn hoà, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 22- 23 độ C. Thời tiết trong ngày có biên độ giao động nhiệt đến 8-9 độ C, buổi sáng sớm trời se lạnh, nhiệt độ nóng dần lên vào buổi trưa, đến buổi chiều thì mát mẻ và buổi tối thời tiết lại trở nên lạnh. Người ta thường nói rằng Kon Tum “có 4 mùa trong một ngày” để nói về sự biến đổi nhiệt độ khá lớn này. 

Du lịch Kon Tum nên đi mùa nào?

Khí hậu Kon Tum chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. 

Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11: đôi khi du lịch Kon Tum vào mùa mưa cũng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Tuy mùa mưa đến 7 tháng nhưng không phải là mưa triền miên suốt 7 tháng đâu nhé. Mùa mưa ở Kon Tum sẽ được chia làm 3 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn giao mùa từ tháng 4 đến tháng 6 với những cơn mưa bất chợt, giai đoạn tháng 7 tháng 8 là vào mùa mưa chính với tần suất mưa nhiều hơn, tháng 9, tháng 10 và tháng 11 là giai đoạn bão lũ nhiều.

Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau: Đây là thời điểm đẹp nhất để đến thăm Kon Tum, cũng là thời điểm cuối năm với không khí lễ hội khắp cả nước, rất thích hợp để đi du lịch. 

Du lịch Kon Tum nên đi vào tháng mấy?

Khí hậu Kon Tum khá dễ chịu, ôn hòa, đi vào mùa mưa hay mùa khô cũng sẽ có những trải nghiệm riêng. Tuy nhiên, nếu muốn thuận tiện cho việc ngắm cảnh và đi dạo, có lẽ du khách nên đi du lịch Kon Tum vào mùa khô.

Tháng 12: Đây là mùa hoa dã quỳ, từng đóa dã quỳ vàng rực như những mặt trời bé xinh nằm rải rác khắp trên các con phố. Trong thời tiết đã vào mùa lạnh, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh xinh đẹp của thành phố và chụp những bức ảnh bên loài hoa này. 

Tháng 1: Đây là thời điểm vào xuân, trăm hoa đua nở. Đất trời mang một luồng sinh khí mới từ sự thay da đổi thịt của các loài cây. Tháng 1 còn được biết đến là mùa cao su thay lá.

Tháng 3: Đây là mùa hoa cà phê nở trắng trời, những cụm hoa thơm ngát như những đám mây tí hon nhìn rất đẹp mắt. Tháng 3 cũng là mùa hoa mai anh đào thường nở đẹp nhất. Tuy loài hoa này nở rất thất thường,có khi nở vào tháng 1, có khi là vào tháng 2, tháng 3, nhưng đây chính là thời điểm mà hoa thường nở nhất. Nếu muốn ngắm hoa mai anh đào hồng rực, du khách nên kiểm tra thời gian hoa nở trên internet rồi mới lập kế hoạch cho chuyến đi.

Các sự kiện, lễ hội hấp dẫn tại Kon Tum

Kon Tum là một vùng đất có nhiều sự kiện và lễ hội diễn ra, tuy nhiên, những lễ hội ở Kon Tum có lẽ vẫn còn khá lạ lẫm đối với người dân ở các tỉnh thành phố khác, vì nó mang đậm sắc thái của Tây Nguyên, của núi rừng, nơi những người dân tộc thiểu số với lối sống cộng đồng trong không gian buôn làng, nơi những bài sử thi được ca vang bên bếp lửa, nơi tiếng cồng chiêng leng keng cùng điệu múa của trai gái trong làng vang lên thâm trầm giữa núi rừng, nơi những cô gái e ấp trong chiếc váy thổ cẩm,... Kon Tum là vùng đất mà văn hóa còn giữ được nét hoang sơ và độc đáo.

Lễ hội ở Kon Tum được hình thành từ lịch sử hàng nghìn năm. Lễ hội bắt nguồn từ những nhận thức tâm linh của người đồng bào dân tộc thiểu số về cuộc sống của con người trong nhiều mối tương quan. Đối với họ, con người sinh ra giữa trời đất này có một mối liên hệ vô cùng mật thiết với Thần Linh. Trong thời kỳ sơ khai, khi người dân buôn làng chưa hiểu rõ về khoa học, họ không thể lý giải được các hiện tượng thiên nhiên như sấm chớp, mưa gió, bão,... chính vì thế họ cho rằng mỗi hiện tượng thiên nhiên ấy đều có một vị thần cai quản, dẫn đến văn hóa đa thần, đặc biệt họ rất tôn kính Ông Trời, hay còn gọi là “Giàng”. Vì thế, trong cuộc sống và trong hoạt động cày cấy, làm lụng, người dân tộc thiểu số ở Kon Tum sẽ tổ chức các lễ hội như một nghi thức tôn kính thần linh, đổi lại, họ sẽ được thần linh bảo vệ để sinh sống bình an, khỏe mạnh, vụ mùa tốt tươi. 

Lễ hội tại Làng Kon Bring

Làng Kon Bring là làng du lịch được đặc biệt quan tâm và phát triển tại Măng Đen, Kon Tum. Đến với ngôi làng này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác trở thành một thành viên trong làng của người Mơ Nâm. Người dân trong làng vẫn luôn chú trọng gìn giữ truyền thống văn hóa như nhà rông, đan lát mây tre, nấu rượu cần,...Khi đến đây du khách sẽ được nhảy điệu múa cồng chiêng bên bếp lửa, được nướng gà ăn cùng cơm lam chấm muối vừng, được cùng các cô gái trong làng dệt thổ cẩm. 

Ngoài ra, khi đến làng Kon Bring, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp vì khung cảnh quá mức đẹp và nên thơ, từng góc của làng đều mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số. Những mái nhà rông cao vút là biểu tượng của làng, những rặng cây xanh ngắt, những con suối chảy róc rách, những chú trâu đi thơ thẩn thong dong trong khung cảnh trong trẻo ấy, đó là một trải nghiệm đáng nhớ với du khách. 

Lễ hội trong làng được các già làng và ban quản lý chú trọng phát triển để giữ được truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc. Làng Kon Bring đã phát triển dịch vụ homestay để du khách được trải nghiệm văn hóa của làng. Kể từ khi bắt đầu từ tháng 11 năm 2018, làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Bring đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách, những người yêu văn hóa Mơ Nâm và muốn trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này. Dịch vụ homestay cũng góp phần phát triển kinh tế cho ngôi làng, khiến cho đời sống người dân trở nên ấm no hơn trước đây. 

Nếu muốn trải nghiệm lễ hội ở Kon Tum thì nhất định làng văn hóa du lịch Kon Bring là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến vùng đất này. 

Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum 

  • Thời gian diễn ra lễ hội: 25/10 hàng năm 
  • Địa điểm tổ chức lễ hội: Đồng bào dân tộc Xơ Đăng

Lễ hội Mừng lúa mới là để cảm tạ thần linh đã ban cho dân làng một mùa màng bội thu, đồng thời cũng là nghi lễ để dâng lên Giàng, hy vọng vụ mùa năm sau mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, không bị các loài thú càn quấy phá hoại. 

Trước ngày diễn ra lễ hội, để đón Thần Lúa từ rẫy về nhà, người dân Xơ Đăng sẽ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, dọn dẹp sân vườn thật gọn gàng để Thần Lúa hài lòng mà tiếp tục phù hộ cho vụ mùa năm sau. 

Lễ hội mừng lúa mới sẽ được tổ chức ở cả hai phạm vi: phạm vi mỗi gia đình và phạm vi trong làng. 

Đối với mỗi gia đình, người chủ nhà, thường là người lớn tuổi nhất sẽ dùng cây le tươi để đánh dấu vị trí tuốt lúa, sau đó cả nhà sẽ cùng nhau thu hoạch. Sau khi đã thu hoạch xong, họ sẽ tiến hành vận chuyển thóc về kho lúa của gia đình. Sau đó, mỗi nhà sẽ chuẩn bị đồ lễ để mang đến nhà rông. 

Đối với phạm vi trong làng, già làng sẽ là người chủ trì nghi lễ Mừng lúa mới. Sáng sớm ngày tổ chức lễ hội, tất cả các gia đình đều phải hoàn thành việc chuẩn bị lễ vật dâng lên Thần linh, cửa ngõ phải khóa chặt, chuẩn bị xong lễ thì đặt lên giàn bếp. Già làng là người sẽ là người đi đến nhà rông, rồi đánh một hồi trống. Lúc này, tất cả các gia đình sẽ cùng mang lễ vật đến nhà rông.

Để bắt đầu lễ, già làng sẽ tiến hành nghi lễ báo cáo về vụ mùa qua, về những gì diễn ra trong hoạt động cày cấy của người dân trong làng. Sau đó, ông sẽ đại diện dân làng dâng lên lễ vật cúng tế gồm thịt heo, thịt gà, cơm mới, rượu cần,... để cảm tạ Thần Linh và cầu xin thần linh tiếp tục bảo hộ để dân làng có vụ mùa bội thu vào năm sau.

Sau khi kết thúc phần lễ, già làng sẽ đi đến từng hộ gia đình để chúc mừng vì những gì họ đã thu hoạch được trong vụ mùa này, các gia đình thì tổ chức ăn cơm được nấu từ gạo mới thu hoạch, uống rượu để chúc mừng vụ mùa. 

Đến khoảng chiều tối, mọi người lại tập trung tại nhà rông để chơi lễ. Bà con cùng nhau đánh cồng chiêng, nhảy múa bên bếp lửa, ca hát và ăn uống bên nhau. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt thì lễ hội mới kết thúc, dân làng quay trở về tổ ấm của họ và cùng chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. 

Lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng 

  • Địa chỉ tổ chức: Làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, Kon Tum
  • Thời gian diễn ra lễ hội: Không cố định hàng năm, khi nào làng tiến hành tu sửa nhà rông thì tổ chức lễ mừng nhà rông mới.

Lễ hội Mừng nhà rông mới được bắt nguồn từ tập tục du canh du cư của người Giẻ Triêng. Một buôn làng thường chỉ ở một vùng đất trong khoảng từ sáu đến bảy vụ mùa. Khi đất đai đã bạc màu, người dân lại di chuyển đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi tìm được nơi đất đai màu mỡ để trú chân, họ sẽ dựng một nhà rông để xây dựng buôn làng mới. Nhà rông là nơi họ tổ chức các lễ hội để cúng tế thần linh, nên đây cũng được coi là phương tiện để họ giao tiếp với Giàng, với những thần linh của vùng đất mới này. Khi xây được nhà rông mới, người dân Giẻ Triêng sẽ tổ chức lễ hội để chúc mừng.

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, người dân Giẻ Triêng đã không còn phải du canh du cư để kiếm sống nữa, thay vào đó họ tiến hành cải tạo đất đai để có thể sống định canh định cư. Vì thế, hiện nay lễ hội này được tổ chức khi dân làng tiến hành tu sửa nhà rông nên không có lịch cố định hàng năm. Lễ hội chỉ được duy trì với ý nghĩa bảo tồn nét văn hóa độc đáo này. 

Lễ hội này có những nghi thức rất đặc sắc.

Đầu tiên là nghi thức chặt cây nêu. Chàng trai được già làng tin tưởng giao phó công việc chặt cây nêu sẽ phải ngủ lại nhà rông ba ngày ba đêm, sau đó xuống suối tắm rửa sạch sẽ rồi đi lên rừng. Cây nêu chính là tượng trưng cho đường lên trời, vì thế cây càng cao, càng đẹp thì càng đem lại may mắn cho làng. 

Tiếp theo là phần chuẩn bị lễ vật. Đối với người Giẻ Triêng khi xưa thì lễ mừng nhà rông mới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, chính vì thế họ rất chú trọng vào phần lễ vật. Người Giẻ Triêng sẽ chọn ra một con trâu tốt, khỏe mạnh, sừng dài để làm vật tế thần linh.

Kế đến chính là nghi thức có phần rùng rợn: Nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên, trước khi dâng trâu làm vật tế thần, người dân làng sẽ khóc trâu suốt một ngày một đêm để bày tỏ lòng thương tiếc cho những hy sinh và đau đớn mà nó phải chịu đựng. 

Vào ngày lễ, các chàng trai vừa nhảy vừa đánh cồng chiêng, đi vòng quanh cây nêu và con trâu trong tiếng reo hò của dân làng. Các cô gái uyển chuyển trong chiếc váy thổ cẩm, nhảy điệu múa mộc mạc, mô phỏng lại các hoạt động sản xuất như làm cỏ, gieo hạt, giã gạo,...

Một chàng trai khỏe mạnh được già làng chỉ định sẽ tiến hành đâm trâu. Sau đó mổ thịt trâu chia đều cho dân làng. 

Buổi tối, toàn bộ người dân trong làng từ già trẻ gái trai đều quây quần lại bên đống lửa để nhảy múa, ca hát và uống rượu cần. 

Lễ hội Puh Hơ Drih

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Tháng 11 - 12 Dương lịch hàng năm 
  • Địa điểm tổ chức lễ hội: Vùng Ba Na, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Nguồn gốc của lễ hội Puh Hơ Drih là từ thời xa xưa, khi dịch bệnh hoành hành trong làng, người dân cho rằng đây chính là do ma quỷ gây ra nên đã bắt một con dê để làm lễ dâng cúng thần linh, với hy vọng thần linh sẽ bảo hộ cho họ khỏi những thế lực xấu, đấy hết tai ương ra khỏi làng, cầu mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh để họ có thể làm ăn sinh sống. Chính vì lẽ đó, đây còn được coi là Lễ Cầu an của người Bana.

Sau khi đã thu hoạch mùa màng, thóc lúa đã về đầy bồ, các già làng sẽ họp bàn nhau để quyết định ngày tổ chức lễ. Ngoài ra còn quyết định mức đóng góp của các hộ gia đình tùy theo tình hình thu hoạch năm đó. Nếu năm đó khấm khá, mùa màng bội thu thì sẽ tổ chức linh đình, dâng cúng bò, trâu, còn nếu chỉ là năm có thu hoạch bình thường thì sẽ cúng gà hoặc heo đều được. Tuy nhiên, một con vật không thể thiếu trong lễ này chính là dê vì người Bana quan niệm dê là loài vật linh thiêng trong các loài súc vật.

Phần lễ trong ngày lễ hội Puh Hơ Drih cũng rất đặc sắc.

Đầu tiên, các chàng trai làng sẽ cùng nhau làm những hình nộm từ tre, nứa, gỗ, rơm, rạ rồi vẽ cho gương mặt hình nộm thật hung dữ, thân hình đồ sộ để dọa ma quỷ. Hình nộm đó sau khi làm xong sẽ được đặt trước nhà rông và chỉ có già làng mới được chạm vào nó.

Các cô gái thì chuẩn bị những món ăn ngon để cả làng cùng ăn lễ. 

Vào ngày diễn ra lễ hội Puh Hơ Drih, tất cả già trẻ gái trai trong làng đều ăn vận thật chỉn chu, tập trung trước sân nhà rông từ sáng sớm. Già làng dâng máu của vật tế lên cho thần linh và đọc lời khấn. 

Sau đó, đoàn lễ vác theo hình nộm ban sáng, với già làng đi giữa, hai bên là hai chàng trai đeo mặt nạ dữ dằn, tay cầm giáo mác, múa theo lời khấn của già làng. Đây chính là nghi thức giúp xua đuổi ma quỷ. Đi phía sau là hai cô gái làng xinh đẹp nhất làng, tay cầm cây lá đót, vừa đi vừa quét để đuổi sạch những xui xẻo ra khỏi làng. Đi sau nữa là đội cồng chiêng. Dân làng đi theo sau lẩm nhẩm cầu nguyện để mong sự bình an.

Đoàn lễ sẽ đi đến khắp nơi trong làng để xua đuổi ma quỷ, đôi mắt già làng luôn tỏ thái độ hung dữ để thể hiện uy quyền của dân làng trước những thế lực tâm linh xấu.

Sau khi đã hoàn thành phần lễ, dân làng sẽ tiến hành phần hội. Cũng như các lễ khác, trong phần hội, dân làng sẽ cùng nhau uống những vò rượu thơm lừng, ăn những món ăn truyền thống và quây quần bên đống lửa để đánh cồng, đánh chiêng, nhảy múa hay nghe già làng kể lại những câu chuyện sử thi.   

Lễ cúng đất làng của người Ba Na

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Cuối tháng 2 và đầu tháng 3 Âm lịch 
  • Địa điểm tổ chức lễ hội: Dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum

Lễ cúng đất làng là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na. Ý nghĩa của lễ hội là nhằm cầu cho vụ mùa mới được diễn ra thuận lợi, mùa màng bội thu.

Người Ba Na tổ chức lễ hội để thông báo cho các vị thần biết về kế hoạch của họ ở vụ mùa mới, đồng thời cầu xin thần linh phù hộ để mọi chuyện suôn sẻ, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, không có dịch bệnh, không có tai ương.

Lễ vật trong ngày này khá cầu kỳ. Đùi trâu và những lễ vật dâng tế được đặt lên chiếc bàn cao nhất để cúng tế thần linh. Già làng sẽ đọc bài cúng Sơmă Kơcham. Sau phần nghi thức lễ, ở phần hội, người dân sẽ cùng nhau ăn thức ăn, uống rượu cần và tổ chức ca hát, trò chuyện.

Lễ Ét- đông của dân tộc Bana

 Lễ Ét- đông (Tết ăn con dúi) là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân tộc Ba Na, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ được tổ chức long trọng và kéo dài đến hai ngày hai đêm. 

Trong quan niệm của người Ba Na, con dúi là con vật thiêng liêng, biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ và ấm no.

Sau khi già làng đã ấn định ngày tổ chức lễ Ét- đông, các chàng trai sẽ được phân công lên rừng để chặt tre về làm cây nêu cắm trước nhà rông. Về phần các gia đình, mỗi gia đình sẽ phải lên rừng tìm cho được một con dúi, con dúi sau khi luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi và được trang trí bằng những hạt đủ sắc màu, phần đầu que tre ấy còn cột thêm một ngọn đèn bằng sáp ong, trên que còn có biểu tượng cánh cung để xua đi sự dữ, và cuối cùng là một ít bông gòn để kéo may mắn về. Lễ vật thứ hai là một ghè rượu ngon, đây là hai lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ Ét - đông

Khi mặt trời đã bắt đầu ló rạng ở phía Đông, già làng sẽ đánh trống để kêu gọi người dân tập trung trước nhà rông để bắt đầu nghi lễ. 

Già làng đặt hũ rượu vào chính giữa nhà rông, sau đó các gia đình cùng đặt ghè rượu của nhà mình bên cạnh thành hai hàng dọc ngăn nắp. Tiếp theo, lấy lá chuối tươi lót sàn và dùng lá peng rừng để gói gạo, gia đình có bao nhiêu người thì gói bấy nhiêu hạt gạo công thêm một hạt nữa vào rồi đặt bên ghè rượu của gia đình, sau hai ngày lễ hội kết thúc, các nhà sẽ đem gói hạt gạo về mở ra, nếu gạo còn đủ số lượng ban đầu thì là năm nay sẽ là một năm may mắn, vụ mùa bội thu, còn nếu ngược lại, gạo bị mất hoặc hư hỏng thì là điềm báo không tốt, gia đình cần đề phòng, cẩn thận trong năm mới. 

Các hộ trong làng sẽ lần lượt buộc phần lễ của mình vào những cây cột được xếp thành hàng dài, tiếp đến là nghi thức đốt lửa cầu mong mùa màng bội thu ở vị trí trung tâm, mỗi nhà sẽ đốt cây cắm con dúi- lễ vật mà mình đã chuẩn bị để cầu mong sự may mắn. 

Các lễ hội, sự kiện khác

Ngoài những sự kiện, lễ hội được diễn ra cố định hàng năm thì cũng có rất nhiều các lễ hội văn hóa được tổ chức bởi chính phủ hay các cá nhân, tổ chức khác mang đậm nét văn hóa truyền thống của Kon Tum. 

Sự kiện nổi bật và đặc sắc nhất phải kể đến chương trình thời trang thổ cẩm tại Thác Pa Sỹ mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 - 9.2.2023). Dưới chân thác Pa Sỹ hùng vỹ, trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng như một bức tranh, những cô gái chàng trai với trang phục được pha trộn hoàn hảo giữa nét truyền thống của dân tộc thiểu số Kon Tum với nét hiện đại của thế giới đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt mỹ.