Bình Dương
Bình Dương, một tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, Việt Nam, là một điểm đến nổi bật với sự hội nhập và phát triển về nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội. Nơi này không chỉ nổi tiếng với nền kinh tế mạnh mà còn có một lịch sử và văn hóa lâu đời. Bình Dương đặc biệt đáng chú ý với những địa danh mang tính lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, chiến khu Đ và vùng Tam giác sắt. Ngoài ra, tỉnh còn có các khu du lịch sinh thái và đặc biệt là khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến, cùng với ẩm thực đặc sắc, tạo điều kiện thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách.
Giới thiệu về Bình Dương
Trải qua những thăng trầm trên chiến trường, nơi mà bom đạn từng càn quét, Bình Dương đã từng là một miền hoang tàn. Tuy nhiên, sự kiên trì và phấn đấu không ngừng của người dân đã giúp đất nước này vượt qua khó khăn và trở thành một địa phương ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn. Với địa hình rộng lớn và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Bình Dương hân hoan với nhiều con sông, suối và hồ. Ngoài ra, với vị trí trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và sự hội nhập trong thời đại mới, Bình Dương đã thu hút sự chú ý không chỉ với cánh rừng cao su trù phú mà còn với vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng và những làng nghề truyền thống lâu đời như làng gốm và làng đan tre. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử đáng chú ý như địa đạo Tam Giác Sắt và chiến khu Đ, tạo nên sức hút cho khách du lịch. Hơn nữa, giao thông tại Bình Dương đã được cải thiện, với vị trí gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ khắp nơi đến tham quan và khám phá Bình Dương. Dần dần, những biến đổi này đã tạo nên một Bình Dương mới, khác hẳn với quá khứ.
Nguồn gốc tên gọi của tỉnh Bình Dương
Vào thế kỉ XI, vua Lê Thái Tông có một cô công chúa tên là Bình Dương (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Bình Dương cũng là tên một nhánh sông ở phía Nam trấn Gia Định, ngày nay hay được gọi với cái tên Rạch Bến Nghé. Đến năm 1834, Nam kỳ đã chia làm 6 tỉnh, trong đó, huyện Bình Dương nằm trong tỉnh Phiên An, sau này là Gia Định. Và vào năm 1841, huyện Bình Dương được tách ra thành huyện Bình Dương và huyện Bình Long. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chính quyền đã ra sắc lệnh thay đổi địa giới, trong đó có tỉnh Bình Dương. Nhưng đến năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đã quyết định hợp nhất ba tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long thành tỉnh Sông Bé. Vào năm 1996, Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé, và tỉnh Bình Dương đã trở lại với ý nghĩa là ánh nắng bình minh, mang những tia nắng rực rỡ mở đầu một ngày mới.
Thông tin cần biết về Bình Dương:
- Diện tích: 2694,4 km2
- Dân số: 2,685,513 người (2021)
- Tỉnh lỵ: Thành phố Thủ Dầu Một
- Thành phố: Dĩ An, Thuận An
- Thị xã: Bến Cát, Tân Uyên
- Các huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo.
- Tộc người: Kinh, Khmer, Hoa, Tày.
- Biển số xe: 61
- Mã vùng điện thoại: 274
Du lịch Bình Dương có gì hay? có gì đẹp?
Du lịch Bình Dương mang đến nhiều khám phá thú vị và những trải nghiệm đặc sắc về lịch sử, văn hoá, ẩm thực, lễ hội cũng như là các địa điểm tham quan du lịch.
Lịch sử tỉnh Bình Dương
Trong tiến trình lịch sử,mảnh đất Bình Dương đã gắn liền với việc khai hoang vùng đất Nam Bộ. Từ khi bắt đầu, Bình Dương chỉ là một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia định. Đến năm 1808, Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện. Trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của các đơn vị hành chính theo từng cấp độ (tổng, huyện, tỉnh) chứ không thuộc địa phận tỉnh Bình Dương như hiện tại. Vào khoảng năm 1996 - 1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập.
Bình Dương cũng có những dấu mốc đáng nhớ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vùng đất này địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng nên nơi đây đã trở thành một trong những nơi đối đầu giữa bạo lực cách mạng và bạo lực phản cách mạng tại miền Nam. Từ đó, những khu căn cứ địa cách mạng nổi tiếng như chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa… Hay những di tích lịch sử như Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát, nhà tù Phú Lợi, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, mang đậm dấu ấn lịch sử qua nhiều thế hệ. Những di tích lịch sử này đã trở thành những địa điểm ghi lại dấu tích xưa trong dòng chảy của lịch sử, trong quá trình đấu tranh của ông cha ta trên chiến trường vì Tổ quốc.
Văn hóa, con người Bình Dương
Ở Bình Dương, các làng nghề truyền thống như điêu khắc, làm gốm…được người dân địa phương bảo tồn và phát huy đến tận hôm nay: Làng nghề sơn mài truyền thống, làng nghề gốm… Các sản phẩm ở nơi đây đã được tham gia nhiều hội chợ quốc tế và xuất khẩu sang các nước lân cận.
Bình Dương là nơi hội tụ cư dân từ mọi miền trên khắp đất nước, ngoài tộc người Kinh chiếm đa số thì còn có người Tày, người Khmer, người Hoa. Trong dòng chảy của lịch sử, người dân Bình Dương sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên họ rất cần cù, sáng tạo. Đồng thời, họ cũng rất hòa đồng, đoàn kết cùng nhau để bảo vệ giá trị văn hóa ở Bình Dương.
Chính vì là nơi hội tụ của nhiều nhóm cư dân di cư từ khắp mọi miền nên nền văn hóa truyền thống đã được định hình ngay trong quá trình khai hoang. Cơ cấu tín ngưỡng rất phong phú và có nhiều dạng thức lễ hội được tổ chức: Lễ hội Chùa Bà, lễ hội Chùa Ông Bổn, lễ Kỳ yên, lễ Hạ điền…
Thời tiết, khí hậu tại Bình Dương
Vì vị trí ở vùng Đông Nam Bộ nên khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa, hầu như không có bão.
Vào mùa mưa, thời điểm để du lịch là từ tháng 5 đến tháng 8, địa điểm lý tưởng chính là những vườn trái cây, du khách có thể thưởng thức trái cây tươi ngon tại vườn. Ngoài ra, lễ hội Chùa Bà tổ chức vào rằm tháng Giêng âm lịch, khách du lịch có thể tham quan và tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng nơi đây.
Đối với mùa khô sẽ có những ngày nhiệt độ cao nên những khu du lịch sinh thái, khu du lịch vui chơi sẽ phù hợp cho những du khách muốn tận hưởng, vui chơi giải trí. Hòa mình cùng với thiên nhiên hay giải tỏa những cơn nóng oi bức ngày hè tại khu du lịch Thủy Châu, Lạc cảnh Đại Nam văn hiến… sẽ là những sự lựa chọn lý tưởng khi đến Bình Dương.
Lễ hội tại Bình Dương
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Địa chỉ: 04, đường Nguyễn Du, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tình Bình Dương
Lễ hội thường tổ chức lễ rước kiệu vào ngày Rằm tháng Giêng âm ljch, lễ cúng vía Bà vào nửa đêm ngày 14 đến sáng ngày 15. Đây là lễ hội lớn nhất Bình Dương và thu hút hàng trăm ngàn lượt khách từ nhiều nơi đến hành hương tại miếu Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Chùa Bà. Kiệu Bà sẽ được rước đi quanh khu trung tâm tại thành phố để mọi người có thể cũng nhau làm lễ và cầu nguyện.
Lễ hội Miếu Ông Bổn
Địa chỉ: Khu phố 7, P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Lễ hội tổ chức vào mùng 2 tháng Giêng âm lịch và mùng 4 tháng 7 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội của tộc người Hoa và tổ chức luân phiên ở các miếu thờ tại Bình Dương. Dù nghi thức khá đơn giản nhưng có sức ảnh hưởng đối với tộc người Hoa nói riêng và người Việt nói chung bởi những giá trị bản sắc dân gian mà lễ hội mang lại. Việc này góp phần cho du lịch Bình Dương phát triển mạnh hơn và nhiều du khách ghé đến.
Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín
Địa chi: Cầu Ngang, P. Hưng Định, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Thời gian tổ chức trong vòng 5 ngày từ 8/6 - 12/6. Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín đã trở thành truyền thống của người dân Bình Dương. Những loại trái cây miệt vườn như: măng cụt Lái Thiêu, mãng cầu Bà Đen…rất phù hợp để mua làm quà biếu. Việc tổ chức lễ hội cũng đồng thời thúc đẩy việc phát triển kinh tế và mở rộng thị trường buôn bán đến nhiều khu vực mới. Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm hội chợ và chiêm ngưỡng những loại trái cây có tạo hình lạ mắt tại các gian hàng.
Lễ hội Kỳ yên
Địa chỉ: Đình Tân An, khu phố 1, P. Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Lễ hội diễn ra trong hai ngày 12 - 13 hoặc ngày 15 - 16 tháng 11 âm lịch. Lễ hội còn được gọi là lễ cầu an và là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Có rất nhiều nghi lễ truyền thống thiêng liêng: Thỉnh sắc, Cúng an vị… Đây còn là không gian sinh hoạt mang đậm nét văn hóa tâm linh thể hiện tính kết nối giữa những người dân địa phương. Mục đích của lễ hội là để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn đến những vị Thần, vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, du khách có thể tham gia để cầu mong cho cuộc sống yên ấm, hạnh phúc, có thể mở mang thêm kiến thức về nhiều khía cạnh khác nhau và có những chuyến đi đáng nhớ.
Ẩm thực tại Bình Dương
Nền ẩm thực nơi đây rất đa dạng để du khách có thể thử và mua làm quà biếu. Sau đây là một số món ăn nhất định phải thử khi đến Bình Dương:
Bánh bèo bì Mỹ Liên: hiện có 2 chi nhánh tại TP. Thuận An, 1 chi nhánh tại Tp. Thủ Dầu Một. Món ăn này có tuổi đời hơn 100 năm. Cái ngon của món ăn đến từ cách chế biến lẫn nước chấm một cách kĩ lưỡng. Món ăn đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Năm 2013, tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là món ăn đạt giá trị ẩm thực Châu Á lần II
Gỏi ngó lục bình tôm thịt: Nguyên liệu là ngó lục bình, tôm sú, thịt heo… và trộn cùng rau răm, chanh, các loại gia vị, chấm cùng chén nước mắm chua ngọt là đã hoàn thành một món ăn ngon rồi.
Bún tôm: Cách chế biến ở đây rất đặc biệt vì đầu bếp chỉ bắt đầu làm bún khi có khách đến. Sợi bún dẻo, dai, không chất bảo quản và hòa quyện với nước dùng ngọt thanh với tôm sẽ tạo nên bát bún hoàn hảo.
Gà quay xôi phồng Bình Dương: có tại hầu hết những nhà hàng tại Bình Dương. Xôi có nhiều loại rất đa dạng: xôi gấc, xôi cúc, xôi đậu… chiên phồng đều từ trong ra ngoài. Kết hợp với gà quay béo ngậy khiến cho khách đều muốn thưởng thức và cảm nhận.
Bò nhúng mắm ruốc: có tuổi đời khoảng 30 năm và tọa lạc tại P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một. Cái ngon của món ăn đến từ mắm ruốc mang hương vị đậm đà kết hợp với những nguyên liệu, gia vị khác như sả, ớt… Một điểm nhấn nữa là thịt bò mềm và vị béo của nước dừa sẽ khiến thực khách khó lòng quên được.
Măng cụt Lái Thiêu: mệnh danh là vua miệt vườn Thuận An tại Bình Dương. Nó có vị chua ngọt nhẹ, những múi măng mềm mịn tạo dư vị lâu dài.
Nem Lái Thiêu: là một món ăn nổi tiếng khi nhắc đến Bình Dương. Nó được chế biến theo cách truyền thống, gia vị gia truyền tạo nên sự đặc sắc của món ăn.
Những địa điểm du lịch không nên bỏ qua tại Bình Dương
Lạc cảnh Đại Nam văn hiến: là một trong những địa điểm tôn vinh văn hóa dân tộc Việt Nam. Với diện tích rất lớn nên sẽ phù hợp cho những hoạt động vui chơi giải trí.
Địa chỉ: 394 Cách Mạng Tháng Tám, Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Giờ mở cửa: 04h00 - 21h30 từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Khu du lịch sinh thái Thủy Châu: nếu du khách muốn thư giãn, ưa sự thanh bình thì đây sẽ là nơi phù hợp. Là một tổ hợp giải trí nhân tạo với cảnh quan sông, suối… rất thích hợp cho những buổi dã ngoại ngắn ngày.
Địa chỉ: 55 ĐT743A, Bình An, TP. Dĩ An, Bình Dương.
Giờ mở cửa: 7h30 - 18h mỗi ngày
Chùa Châu Thới: đây là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất tại Đông Nam Bộ. Đến nơi đây, du khách có thể xua tan mọi ưu phiền, khiến cho bản thân thư thái hơn.
Địa chỉ: Xã Bình Thắng, TP. Dĩ An, Bình Dương.
Giờ mở cửa: 8h - 17h mỗi ngày
Chùa Hội Khánh: nhắc đến chùa Hội Khánh thì phải nhớ đến bức tượng Phật nằm lớn nhất Châu Á cũng như lối kiến trúc độc đáo. Chùa cũng gắn liền với nhiều cột mốc trong lịch sử Việt Nam.
Địa chỉ: 35 Yersin, Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Giờ mở cửa: 04h30 - 21h00 từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Chùa Bà Thiên Hậu: đây là một địa điểm tín ngưỡng tâm linh mà du khách không nên bỏ qua. Khi đến nơi này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thanh tịnh mà còn được tham gia vào các lễ hội sôi động, cầu bình an cho gia đình và người thân.
Địa chỉ: 4 Nguyễn Du, Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Giờ mở cửa: 04h00 - 20h00 từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Làng tre Phú An: là một khu “du lịch xanh”, không chỉ để tham quan, du khách còn được mở mang kiến thức về cây tre Việt Nam, tạo sự gần gũi, ấm áp của không gian văn hóa Việt Nam.
Địa chỉ: 124 ĐT744, Phú An, TX. Bến Cát, Bình Dương
Địa đạo Tam Giác Sắt: địa đạo có vai trò rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đến với nơi đây, du khách sẽ được tìm hiểu về những dấu tích trong hành trình cứu nước của ông cha ta, hiểu thêm về lịch sử Việt Nam.
Địa chỉ: Xã An Tây, TX. Bến Cát, Bình Dương.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu: du khách sẽ được trải nghiệm sự dân dã, nét văn hóa đồng quê đến từ những loại trái cây miệt vườn như: măng cụt Lái Thiêu, mãng cầu Bà Đen, chôm chôm…
Địa chỉ: Lái Thiêu, Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Thời điểm lý tưởng để đến: tháng 5 - tháng 8
Nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường: nhà thờ sở hữu lối kiến trúc độc đáo, có thánh đường rộng lớn với màu sắc trầm. Đây là một điểm đến check - in cho khách du lịch muốn “sống ảo” không nên bỏ qua.
Địa chỉ: 394 Cách Mạng Tháng Tám, Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương.