Chợ Bến Thành
Từ cái thuở người Pháp mới chiếm Gia Định, dân đen hay lính tốt muốn ra vào thành Bát Quái đều phải qua một bến nước nhỏ ở sông Bến Nghé. Rồi cái lẽ đời ngàn năm không đổi cũng dần dần tạo nên cái chợ nhỏ, ở đâu có người ở đó có chợ mà. Từ mấy lán hàng rong tụ hợp lại, chả mấy chốc tạo nên khu chợ sầm uất nhất xứ Gia Định thời đó - chợ Bến Thành.
Từ cái thuở người Pháp mới chiếm Gia Định, dân đen hay lính tốt muốn ra vào thành Bát Quái đều phải qua một bến nước nhỏ ở sông Bến Nghé. Rồi cái lẽ đời ngàn năm không đổi cũng dần dần tạo nên cái chợ nhỏ, ở đâu có người ở đó có chợ mà. Từ mấy lán hàng rong tụ hợp lại, chả mấy chốc tạo nên khu chợ sầm uất nhất xứ Gia Định thời đó - chợ Bến Thành.
Thời "cũ"
Chợ Bến Thành xưa kia xây bằng gạch, bằng gỗ, mái thì lợp tranh; được ví như "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông", lúc đông đúc rôm rả, khi tìu hiu vắng vẻ. Rồi kể về lúc trước khi Pháp chiếm Gia Định, đất đai xung quanh thành Gia Định bấy giờ vỏn vẹn có hơn trăm ngàn dân, ấy vậy mà người ta bảo chợ Bến Thành lúc nào cũng đông đúc không tả được.
Thời chiến, thành còn cháy huống chi chợ? Chợ không bị hỏa hoạn thì lính tướng lại thay nhau đốt. Mà còn người thì còn chợ, hàng hóa lúc nhiều lúc ít nhưng lúc nào chợ cũng phải đủ 5 gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Duy chỉ gian bán thịt được lợp tôn lót đá! Phía trước chợ lúc đó là con lộ nhỏ, tên tiếng Pháp là Rue de Canton (lộ Quảng Đông), nghĩ cũng phải, lẽ đơn giản trong chợ lái buôn chủ yếu toàn là người Hoa xứ Quảng Đông. Được một thời gian thì chợ lại càng nhộn nhịp, cái thời xầm uất nhất chợ Bến Thành còn lố nhố thương lái Ấn và Pháp.
Rồi cái gì đến cũng đến, chợ Bến Thành bằng gạch bằng gỗ cũng có lúc cũ đi. Nền đất gạch không chống nổi trụ gỗ nặng chịch. Thương lái bàn nhau dỡ bỏ chợ, chừa lại đúng gian bán thịt vốn vững chãi nhất. Người Pháp định sẵn một khu đất mới để lập lại chợ Bến Thành, nằm ngay cạnh ga xe lửa Mỹ Tho (giờ là bến xe Sài Gòn). Đất lành thì chợ đông, chợ Bến Thành yên vị cho đến tận bây giờ.
Thời "mới"
Nói không ai tin, khu chợ Bến Thành mới vốn là cái vũng toàn sình lầy, người thời đấy gọi là vũng Bồ Rệt (nói lái từ tiếng Pháp "Marais Boresse"). Người Pháp lắm tiền lắm của cho lấp đi. Dời từ cái bến sông vào, chợ Bến Thành giờ nằm ngay trung tâm, xung quanh là 4 mặt tiền; có đủ bốn cửa Đông-Tây-Nam-Bắc.
Chợ được bên Brossard et Maupin giữ thầu xây dựng từ năm 1912 đến đầu năm 1914 thì xong xuôi cả. Lễ khai cổng cho chợ được báo chí thời đó gọi là "Tân Vương Hội", kéo dài tận ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914. Mấy ngày đó, người ta kháo nhau pháo bông, xe hoa và từng đoàn người kéo nhau đến đông nghịt 4 ngõ chợ, cả người Gia Đinh, cả người tứ xứ.
Thời "mới", Tây gọi chợ là Le Marche Central, ta gọi là chợ Sài Gòn hay chợ mới Bến Thành. Nói vậy chứ chỉ có người từ nơi khác đến, hay mấy tay viết lách mới gọi là chợ Bến Thanh cho sang. Người Sài Gòn trước năm 1975 vẫn quen gọi là chợ mới, phân biệt với khu chợ cũ giờ chỉ còn mỗi gian bán thịt (sau đó mấy năm cũng bị người Pháp cho phá đi xây thành sở Ngân Khố). Lần cuối người ta mở rộng chợ Bến Thành là tháng 8 năm 1985, rồi giữ nguyên đến ngày nay.
Phù điêu gốm
Cả thảy mấy tấm phù điêu đều do ông Lê Văn Mậu (1917 - 2003) nguyên là cựu hiệu trưởng trường Cao đẳng mỹ nghệ Biên Hòa sáng tác. Rồi do hai nghệ nhân Nguyễn Trí Dạngvà Võ Ngọc Hảo tự tay hoàn thành.
Theo lời kể, mấy tấm này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm. Thầy Lê Văn Mậu nhận trọng trách sáng tác, cùng sự góp sức của mấy anh em nghệ nhân thời đó từ Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa như: Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc... Thời đó, kĩ nghệ thì cao nhưng công nghệ chưa tới. Họ sáng tác thẳng trên nền đất, xong xuôi mới bắt đầu đúc phù điêu. Khâu đúc thì dùng kĩ nghệ gốm Biên Hòa, 1 bức lớn chia làm nhiều bức nhỏ rồi mới ghép lại. Nhờ vậy mỗi bức có màu khác sắc khác nhau, khi trắng ngà voi, lúc vàng mỡ gà.
Xong phiên đúc, thầy Lê Văn Mậu cùng mấy anh em còn kiểm tra độ vênh, độ cong để còn biết đường đục đẽo cho vừa cỡ. Chợ có bốn cửa, mỗi cửa treo vài tấm cho cân xứng.
Điểm du lịch muôn màu
Chợ Bến Thành bây giờ xếp vào địa danh buôn bán du lịch, khách tứ xứ tới đây tìm được vô vàn hóa phẩm từ quần áo, vải vóc, giày dép cho đến hàng thủ công mỹ nghệ, hàng phẩm lưu niệm và dĩ nhiên cả thực phẩm, hoa trái tươi sống. Ban đêm, chợ chuyển mình cho hợp với cái lối sống nhộn nhịp ngày đêm đất Sài Gòn. Xin hẹn bạn đọc ở bài khác để tả riêng cho cái muộc sống đa màu đa vị về đêm ở đây.
Ảnh: Internet
Tư liệu: tổng hợp