Nhà thờ Huyện Sỹ là một nhà thờ Công giáo cổ hơn 100 tuổi, tọa lạc tại số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là nhà thờ của giáo xứ Chợ Đũi thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900). Ông sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo đạo công giáo, sau đó được các tu sỹ người Pháp đưa sang Malaysia học tập và được đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thày.
Sau khi trở về nước, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn rồi sau đó làm Ủy viên Hội đồng Quản Nam kỳ. Người ta gọi ông là Huyện Sỹ bởi những ai biết ông gọi ông bằng tên Sỹ, chứ không phải tên Đạt.
Các di sản mà Huyện Sỹ và gia đình để lại vẫn tồn tại cho đến ngày nay và cho thấy quy mô hoành tráng của nó. Nổi bật nhất là nhà thờ Huyện Sỹ, công trình ngốn khoảng 1/7 tài sản của ông để xây dựng, tốn khoảng 30 ngàn đồng bạc Đông Dương, xây mất hơn 3 năm. Ngoài ra, ông còn xây nhà thờ Chí Hòa và con trai ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nằm tại quận Gò Vấp TPHCM. Tất cả các ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ.
Ngày nay. nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, điều đó cho thấy quy mô đất đai của Huyện Sỹ lớn như thế nào.
Huyện Sỹ qua đời năm 1900 còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất sau đó 20 năm. Thi thể 2 người được chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Tại đây, 2 bên là 2 tượng bán thân của 2 ông bà, bằng thạch cao. Ở giữa là 2 phần mộ bằng đá cẩm thạch, bên trên mộ là 2 bức tượng toàn thân của 2 ông bà, cũng đều bằng đá cẩm thạch với hoa văn tinh xảo.Các con cái của Huyện Sỹ đều được ăn học thành tài và là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh, nhận nhiều bổng lộc từ triều đình nhà Nguyễn dù không phải người hoàng tộc. Về sau, một người cháu ngoại của Huyện Sỹ là Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành vợ của vua Bảo Đại, danh xưng Nam Phương hoàng hậu.
Người ta đồn rằng, vua Bảo Đại không giàu bằng Huyện Sỹ, trong đời làm vua, Bảo Đại dùng tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia. Của hồi môn của hoàng hậu Nam Phương khi lấy vua Bảo Đại lên tới 20.000 lượng vàng.