Chùa Vĩnh Nghiêm
Đi chùa, lễ Phật là một trong những nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam ta từ xa xưa đến nay. Tọa lạc ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh, Chùa Vĩnh Nghiêm với khuôn viên rộng lớn và kiến trúc đồ sộ đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan.
Giới thiệu về chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm được biết đến là ngôi chùa có một lượng du khách và Phật tử đứng hàng đầu ở thành phố Hồ Chí Minh. Chùa cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của những người theo đạo Phật cũng như là nơi để các cá nhân, tổ chức đến thiện nguyện.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa theo Phật giáo Bắc Tông, cũng là ngôi chùa tiêu biểu cho những ngôi chùa theo hệ phái Đại Thừa ở khu vực miền Nam. Ít ai biết rằng, ngôi chùa này được xây dựng theo nguyên mẫu của một ngôi chùa cổ cùng tên ở tỉnh Bắc Giang. Ở Sài Gòn cũng có một ngôi chùa nữa tên Vĩnh Nghiêm ở quận 12, hay còn gọi là Tu viện Vĩnh Nghiêm. Tuy nhiên, ngôi chùa ở quận 3 nổi tiếng hơn cả.
Cùng với chùa Bửu Long, chùa Giác Lâm, chùa Xá Lợi và chùa Hoằng Pháp, chùa Xá Lợi cũng là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Sài Gòn. Giữa một thành phố hoa lệ, sầm uất với rất nhiều những cao ốc hiện đại, chùa Vĩnh Nghiêm cùng với những ngôi chùa khác, trở thành một chốn về an yên của nhiều người, để tìm lấy một chút thanh tịnh trong tâm hồn.
Chùa Vĩnh Nghiêm ở đâu? Hướng dẫn cách di chuyển nhanh nhất
Hiện nay, chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh. Để đến tham quan ngôi chùa này, bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau, nhưng thuận tiện nhất vẫn là đi xe máy. Chỉ cần bạn thuê một chiếc xe máy, trên tay là chiếc điện thoại thông minh có cài đặt Google Maps là có thể dễ dàng check in vị trí cần tìm.
Ngoài ra, để hiểu hơn về một thành phố đông đúc, tấp nập và trải nghiệm rõ nét hơn về văn hóa, cuộc sống của người Sài Gòn, bạn có thể chọn cách đi xe bus. Tuyến bus 04, 152 có lịch trình đi qua gần chùa Vĩnh Nghiêm. Tuy rẻ nhưng việc lựa chọn đi bằng xe bus lại khá tốn thời gian cũng như không gian chật chội, ồn ào có thể không thích hợp cho những ai thích sự yên tĩnh.
Tìm hiểu về lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm
Người đứng đầu việc xây dựng chùa chính là Thích Tâm Giác và thích Thanh Kiểm, hai vị hòa thượng ở Miền Bắc đi vào miền Nam truyền bá đạo Phật. Lúc này, họ đã cho xây dựng chùa, với nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa cổ cùng tên Vĩnh Nghiêm, ở làng Đức La, xã Trí Yên, Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngôi cổ tự này được cho là có từ đời vua Lý Thái Tổ, thuộc thiền phái Trúc Lâm.
Theo tìm hiểu, chùa Vĩnh Nghiêm được khởi công xây dựng từ năm 1964 và đến năm 1971 thì cơ bản hoàn thành các hạng mục như là tòa nhà trung tâm, bảo tháp Quán Thế Âm, khu vực cho các hoạt động xã hội. Tổng kinh phí xây dựng chùa lúc này khoảng 98 triệu tiền lúc bấy giờ. Về sau, chùa lần lượt xây dựng thêm một số các công trình khác như Bảo tháp Xá Lợi, tháp đá, khách đường,vv…
Nét đặc sắc trong kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm
Không chỉ là chốn thờ Phật tâm linh, chùa Vĩnh Nghiêm còn nổi tiếng là một trong những ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa giữa vẻ đẹp cổ điển lẫn hiện đại.
Cổng Tam Quan
Đây là hạng mục hầu như đều có mặt trong các công trình chùa chiền. Cổng Tam Quan bên trong chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng một cách quy mô, bề thế với phần mái được uống cong kết hợp chạm trổ các đường nét tinh xảo, đậm chất nghệ thuật. Ở giữa cổng Tam Quan có đề dòng chữ “Chùa Vĩnh Nghiêm”, ngay bên dưới là hai câu đối được chạm khắc tỉ mỉ, đẹp mắt.
Tòa nhà trung tâm
Đây được xem là hạng mục có sự đầu tư hoành tráng, bề thế nhất tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm. Lối đi vào được tạo nên bởi 3 cầu thang rộng dẫn lên Phật điện. Tòa nhà này gồm có 2 tầng, trong đó có một tầng trệt và một tầng lầu. Ở dưới tầng trệt được chia thành nhiều khu vực như giảng đường, nhà thờ tổ và thư viện.
Phía trước tòa nhà trung tâm có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát có kích thước to lớn, sơn màu trắng tinh. Trong khi đó, sân thượng gồm có Phật điện và Tháp Quan Thế Âm. Có thể thấy, tất cả các công trình của chùa, đặc biệt là khu vực tòa nhà trung tâm đều được xây dựng theo lối kiến trúc gần như y hệt so với các ngôi chùa cổ ở miền Bắc.
Tháp Quan Thế Âm
Đây cũng là một công trình nổi bật của chùa Vĩnh Nghiêm, nằm ngay bên trái của Phật diện, ai cũng có thể nhìn thấy. Ngôi tháp này có thể coi là biểu tượng của chùa bởi có chiều cao lên đến 40m và toàn bộ tháp đá bao gồm 7 tầng. Nếu để ý, bạn sẽ thấy bên trên có rất nhiều khối tròn và bánh xe, tượng trưng cho long xà và quy châu rất độc đáo.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm
Ngoài bảo tháp ở trên, chùa còn cho xây dựng thêm hạng mục tháp khác, gọi là tháp đá Vĩnh Nghiêm. Ngôi tháp đá này tọa lạc ngay bên phải từ lối cổng Tam Quan đi vào sẽ thấy. Công trình này được xây dựng từ năm 2013, để tưởng nhớ 2 vị hòa thượng đã có công xây dựng chùa. Đây cũng là ngôi tháp đá lớn nhất Việt Nam khi sở hữu độ cao lên đến 14m.
Tháp Xá Lợi cộng động
Cũng là một ngôi tháp nằm bên trong chùa Vĩnh Nghiêm nhưng lại không quá nổi bật như hai ngôi tháp đá còn lại. Ngôi tháp này nằm ở bên trái từ cổng Tam Quan đi vào, là nơi để thờ cúng tro cốt của những người đã mất cũng như di cốt của các cư Phật tử.
Chùa Vĩnh Nghiêm mở cửa đón khách lúc mấy giờ?
Giờ mở cửa: 7h00-21h00
Giá vé: Miễn phí
Địa chỉ gửi xe máy: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ gửi ô tô: 391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.14, Q.3, TP. Hồ Chí Minh
Một số kinh nghiệm tham quan chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm hằng năm vẫn tổ chức các hoạt động thiện nguyên như phát cơm từ thiện, các phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, người tàn tật, hộ nghèo, người vô gia cư. Nếu có thời gian rảnh, bạn có thể đến chùa để phụ giúp nhà chùa trong việc nấu nướng, phát quà để tích công đức cũng như giúp đỡ nhà chùa.
Vì chùa thờ Phật nên bạn cần chú ý một số điều như: chỉ cúng lễ chay không cúng lễ mặn, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã để giữ không gian thoáng đãng, không mặc đồ phản cảm, không tự ý chạm vào các đồ vật. Cạnh đó, nếu có ý định chụp ảnh, quay video khu vực thờ tự, bạn nên chủ động xin phép các thầy.
Chùa Vĩnh Nghiêm xứng đáng là một trong những ngôi chùa đẹp và lớn nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Giữa một Sài Gòn đầy hoa lệ, đông đúc, rất lý tưởng để bạn tìm về chùa để cầu an và tìm lại sự thanh tịnh trong tâm hồn. Sau khi ghé thăm chùa, bạn có thể kết hợp đi thêm một số công trình tiêu biểu ở đây như Nhà hát lớn, chợ Bến Thành, bưu điện Thành phố,… để có thêm thật nhiều bức ảnh đẹp cùng những kỷ niệm thật đáng nhớ tại thành phố mang tên Bác.