Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn đảo hay khu hệ thống nhà tù được đặt tại Côn Đảo. Khu nhà tù này được thực dân Pháp khởi công xây dựng nhằm mục đích giam giữ, biệt lập những tội phạm mà theo theo người Pháp là đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân như tội phạm chính trị, tử tù,... Hiện nay, nhà tù Côn Đảo được trùng tu, trở thành điểm tham quan vô cùng hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế.
Giới thiệu về nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và thuộc vào hàng các nhà tù lâu đời nhất ở Việt Nam. Trong suốt những năm người Pháp áp đặt chế độ thực dân ở nước ta, chúng luôn đẩy mạnh việc cho xây dựng những nhà tù. Dưới con mắt của thực dân Pháp bấy giờ, Côn Đảo chính là địa điểm lý tưởng, có thể đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu mà một nhà tù cần phải có. Thực dân Pháp lựa chọn Côn Đảo, bởi đây là quần đảo nằm ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, bốn bề mênh mông toàn là nước, người tù gần như không thể chạy trốn. Thêm nữa với mục đích biệt lập người tù, muốn những người làm cách mạng sẽ bị cắt đứt liên lạc và không thể tham gia vào các hoạt động chính trị được nữa.
Nhà tù được xây trên một Côn Đảo hoang vắng, không như các nhà tù ở các thành phố lớn đông dân cư như nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, nhà tù Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên người tù ở ở nhà tù Côn Đảo sẽ dễ bị thi hành nhiều biện pháp đàn áp dã man, khắc nghiệt hơn. Thậm chí, cai ngục còn có thể thẳng tay tước đi mạng sống của người tù mà không một ai hay biết.
Là nhà tù lớn nhất Việt Nam, nhà tù Côn Đảo gồm 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng giam biệt lập hay còn được biết đến với cái tên rất nổi tiếng là “Chuồng cọp”. Với diện tích rộng, nhà tù được chia ra thành nhiều khu nhằm mục đích giam giữ nhiều loại tù nhân khác nhau và đi kèm là các hình thức tra tấn riêng biệt nhưng nhìn chung đều là các biện pháp đàn áp dã man.
Còn được gọi là “địa ngục trần gian”, nhà tù Côn Đảo đã chứng kiến khoảng 20.000 chiến sĩ yêu nước, những người làm cách mạng của ta qua nhiều thế hệ bị tù đày, tra tấn và hy sinh trong hơn 100 năm. Các biện pháp đàn áp, một loạt hình thức tra tấn với nhiều mưu mô, thủ đoạn chỉ để dập tắt lòng yêu nước của tù phạm, cắt đứt mối liên hệ giữa người tù với cách mạng, với đất nước, nhưng các chiến sĩ của ta với tinh thần kiên trung đã cắn răng chịu đựng mà không hé nửa lời về lý tưởng cao cả.
Khi thực dân Pháp rời đi, đế quốc Mỹ tiến hành nhiều kế hoạch chiến tranh lên đất nước ta, chúng đã trưng dụng nhà tù Côn Đảo để tiếp tục mục đích giam cầm tù phạm chính trị. Mãi cho đến sự kiện đại thắng mùa xuân năm 1975, Việt Nam thống nhất đất nước, hai miền Bắc - Nam về chung một nhà, nhà tù Côn Đảo được đưa ra ánh sáng và chính thức giải thể.
Hiện nay, nhà tù Côn Đảo đã được tu sửa lại, trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn, là điểm đến thu hút những du khách với niềm đam mê khám phá lịch sử. Bằng cách dựng các bức tượng người, tái hiện lại một cách chân thực nhất cảnh tượng người tù bị tra tấn, nhà tù Côn Đảo đã dựng lại một khung cảnh rất đỗi chân thực về đời sống ngục tù của những người làm cách mạng, đồng thời thế hệ sau có thể biết đến và nhớ ơn công lao của thế hệ đi trước. Nhà tù Côn Đảo được thủ tướng chính phủ xếp vào 23 di tích quốc gia đặc biệt và 17 di tích thành phần.
Thông tin cần biết về nhà tù Côn Đảo
Địa chỉ
Hệ thống nhà tù Côn Đảo nằm ở Nguyễn Chí Thanh, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm ở trung tâm thị trấn Côn Đảo, cách chợ Côn Đảo khoảng 1km.
Thời gian mở cửa
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, khám phá của du khách, nhà tù Côn Đảo mở cửa vào các ngày trong tuần, cả vào thứ 7 và chủ nhật. Nhà tù có 2 khung giờ mở cửa:
- Buổi sáng: 7h30 - 11h30
- Buổi chiều: 13h30 -16h30
Giá vé
Vé vào tham quan nhà tù Côn Đảo là 40.000 đồng/người. Du khách nhớ để ý thời gian và phí vào cửa để không lỡ chuyến tham quan nhà tù nhé!
Hướng dẫn đi đến nhà tù Côn Đảo
Vì nhà tù ở quần đảo Côn Đảo ở ngoài bờ biển Nam Bộ, nên để đến được nhà tù Côn Đảo bạn phải đi máy bay hoặc tàu tới Côn Đảo trước, tùy vào địa điểm mà du khách khởi hành. Cụ thể:
Nếu du khách di chuyển bằng máy bay: đây là phương tiện nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian nhất. Hiện tại thì từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ đều có đường bay tới Côn Đảo. Giá cả dao động khác nhau tùy theo từng địa điểm mà bạn xuất phát. Thời gian di chuyển trên máy bay dự kiến khoảng 45 phút.
Nếu du khách sử dụng phương tiện là tàu: đây là phương tiện không quá mới mẻ nhưng lại đem lại nhiều trải nghiệm cho chuyến đi của du khách mỗi khi đến với Côn Đảo. Để đến được Côn Đảo, du khách cần đến cảng Cát Lở (Sóc Trăng) hoặc cảng Trần Đề (Bà Rịa - Vũng Tàu) để mua vé tàu đi Côn Đảo. Giá vé và thời gian di chuyển là khác nhau tùy thuộc vào cảng mà du khách khởi hành.
Sau khi đã đến được Côn Đảo, bạn có thể lựa chọn taxi hoặc xe ôm để đi về khách sạn hoặc đi thẳng đến nhà tù. Nếu du khách xuất phát từ hướng chợ Côn Đảo, nên di chuyển theo đường Trần Phú, đến ngã tư rẽ trái, đi thẳng hết đường Nguyễn Huệ rồi sau đó rẽ vào đường Nguyễn Chí Thanh sẽ đến được địa chỉ nhà tù Côn Đảo.
Tham quan nhà tù Côn Đảo có gì thú vị?
Vì nhà tù Côn Đảo được phân chia thành nhiều khu riêng biệt, tạo thành một hệ thống, nên khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội được tham quan, khám phá các trại giam khác nhau.
Khu biệt lập Chuồng Cọp (trại Phú Bình)
Đây chính là khu trại giam đáng sợ, khắc nghiệt nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo, được mệnh danh là “nơi khổ nghiệt nhất chốn tù đày”, hay “địa ngục trần gian”, “sống không bằng chết”. Chuồng Cọp được chia thành hai mật khu riêng biệt, gồm 40 chuồng ở cả 2 khu và có cầu thang để đi lên nóc các chuồng. Phía trên nóc là hệ thống song sắt kiên cố để cai ngục từ trên cao nhìn xuống có thể dễ dàng kiểm soát và tra tấn tù nhân.
Khu Chuồng Cọp là nơi biệt giam tàn bạo nhất, khiến cả du khách khi đặt chân đến khu trại giam này cũng phải cảm thấy xót xa, khiếp sợ và đau đớn thay những người tù nhân. Người tù bị giam trong những cái chuồng chỉ rộng 5m2, bị cùm chân, điều kiện ăn uống và vệ sinh cừ kỳ kém, thường xuyên bị tra tấn một cách rất dã man để hỏi cung. Chúng lợp nhà tù bằng mái tôn, cho tù nhân nằm dưới nền đất xi măng ẩm thấp để bào mòn sức khỏe người tù, chúng phát âm thanh to trong phòng giam để tù nhân đau đầu đến phát bệnh, các hình thức đàn áp dã man khác như: chọc gậy sắt, dội nước bẩn, thùng vệ sinh 1-2 tháng sau mới được đổ,...
Để tránh ánh nhìn và sự phản đối của dư luận, không những được xây tại Côn Đảo hoang vắng, khu Chuồng Cọp còn được Mỹ xây biệt lập và đặc biệt giữ bí mật trong một thời gian dài, không một ai ngoài nhà tù Côn Đảo biết đến sự tồn tại của khu địa ngục trần gian này. Năm 1970, sự thật về Chuồng Cọp mà Mỹ luôn tìm cách che giấu đã bị phanh phui, sự việc này đã gây chấn động quốc tế. Dưới áp lực của dư luận quốc tế, Mỹ đã chuyển tổng 480 tù nhân ra khỏi chuồng cọp, ai cũng trong tình trạng suy kiệt về thể lực và chấn thương tâm lý vô cùng nặng nề.
Khu Chuồng Bò
Khu Chuồng Bò được xây dựng vào năm 1876. Còn được gọi là An Ninh Chuồng Bò được cải tạo với 24 hộc chứa heo, 33 phòng biệt giam và kinh khủng nhất là 1 hầm chứa phân bò. Sau khi khu Chuồng Cọp bị phanh phui, chúng gấp rút sửa chữa và tiếp tục đưa tù nhân chuyển đến khu Chuồng Bò, và tiếp tục đàn áp bằng các hình thức tra tấn dã man, vô nhân đạo.
Hình thức tra tấn độc ác, rùng rợn nhất là ngâm tù nhân trong hầm chứa phân bò để người tù hoại tử, chết dần chết mòn trong sự hành hạ dã man ấy. Cho đến tận năm 1975, khi tiến hành giải thể nhà tù Côn Đảo, có tiếng kêu cứu vọng ra từ khu Chuồng Bò, người dân ngay lập tức đến cứu nhưng đã quá muộn vì lâu ngày bị ngâm trong hầm chứa phân, cơ thể họ đã bị giòi ăn vào phần xương tủy.
Khu trại giam Phú Hải
Đây là khu giam cầm tù nhân lớn nhất và được xây dựng sớm nhất trong hệ thống các nhà tù Côn Đảo. Trại gồm 33 phòng giam, phòng giam đặc biệt của khu trại này được dùng nhằm mục đích tra tấn dã man nằm ở phía bên trái cuối dãy trại giam. Ngoài các phòng giam, trại được xây dựng khá đầy đủ các nhà nguyện, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn như một cách ngụy biện, che mắt dư luận về tội ác ẩn đằng sau.
Khu trại giam Phú Sơn
Trại Phú Sơn được xây dựng vào năm 1916, nằm ngay bên cạnh trại Phú Hải. Tuy có cùng cách thiết kế nhưng trại giam này lại rộng hơn trại Phú Hải. Các phòng giam tại đây kiên cố hơn và đặc biệt có nhiều biện pháp đàn áp tàn bạo hơn nhiều. Tại đây chúng cũng che mắt dư luận khi cho xây dựng các công trình ngụy biện như nhà ăn, nhà bếp, phòng y tế,...
Khu trại giam Phú Thọ
Trại Phú Thọ có diện tích là 12.700m2, trong đó có 3 dãy phòng giam, với đầy đủ phòng bếp, phòng ăn, phòng giam tập thể và phòng giam biệt lập. Sau Cách mạng tháng 8/1945, trại Phú Thọ chỉ còn lại 2 dãy phòng giam với 4 phòng.
Khu trại giam Phú Tường
Được xây dựng vào năm 1941, đến thời Việt Nam Cộng Hòa thì trại được đổi tên là trại Phù Bác Ái. Khu trại giam này thực chất là khu chuồng cọp với mục đích tra tấn, làm mòn ý chí và lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng của ta.
Tại trại Phú Tường, người tù bị tra tấn bằng hình thức lột sạch quần áo, bị nhốt vào chuồng cọp và chịu phơi nắng cho đến khi kiệt quệ thể chất và tinh thần, sau đó chết gục ngay tại chuồng cọp tắm nắng.
Nên ghé nhà tù Côn Đảo khi nào?
Vì nhà tù Côn Đảo luôn mở cửa tất cả các ngày trong tuần với 2 khung giờ cố định, tùy thuộc vào điều kiện và thời gian của du khách mà bạn có thể đến tham quan, khám phá nhà tù Côn Đảo bất kỳ lúc nào.
Lưu trú khi đến nhà tù Côn Đảo
Du khách có thể tham khảo và lựa chọn các khách sạn/khu nghỉ dưỡng sau để nghỉ ngơi khi đến du lịch nhà tù Côn Đảo nhé:
- Khách sạn De Condor Côn Đảo: Phan Chu Trinh, Hòn Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Khách sạn Thiên Tân Star: số 4 Nguyễn Đức Thuận, Hòn Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu
- Nhà nghỉ Kiều Danh: Khu 6, N9, Hòn Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Khu nghỉ dưỡng Tân Sơn Nhất Côn Đảo: số 6 Nguyễn Đức Thuận, Hòn Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các điểm tham quan gần nhà tù Côn Đảo
Nếu đã khám phá xong nhà tù Côn Đảo, du khách còn muốn trải nghiệm thêm nhiều địa điểm hấp dẫn khác tại quần đảo xinh đẹp này thì đừng bỏ qua những điểm đến cũng rất nổi tiếng sau nhé:
- Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo: cách nhà tù Côn Đảo khoảng 450m.
- Đền thờ Côn Đảo: cách nhà tù Côn Đảo khoảng 1.1km.
- Vườn Quốc gia Côn Đảo: cách nhà tù Côn Đảo khoảng 3km.
- Bãi Suối Nóng: cách nhà tù Côn Đảo khoảng 13.2km.
Đặc biệt, bất kỳ đặt chân đến với Côn Đảo đều dành chút thời gian để đến viếng thăm mộ chị Võ Thị Sáu - nữ anh hùng của dân tộc. Đây là địa điểm cực kỳ linh thiêng nên có rất nhiều du khách gần xa đến để dâng hưởng cho chị. Mộ của chị Võ Thị Sáu là ngôi mộ lớn nhất nằm bên trong nghĩa trang Hàng Dương, khu B bên trái cửa chính.
Kinh nghiệm khi đi nhà tù Côn Đảo
Khi tham quan tại nhà tù Côn Đảo, du khách cần lưu ý một số điều sau để chuyến chuyến du lịch được trọn vẹn nhé:
- Nên mang theo nước uống, chuẩn bị sẵn các biện pháp che chắn nắng phù hợp.
- Giữ gìn vệ sinh chung cho khu du lịch.
- Nên lựa chọn trang phục gọn gàng, lịch sử để thể hiện sự tôn trọng với những người tù hy sinh tại khu trại giam.
Nhà tù Côn Đảo sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ đối với những ai có niềm yêu thích với lịch sử dân tộc, muốn tìm hiểu và khám phá về những câu chuyện có giá trị lịch sử sâu sắc. Mong rằng với những chia sẻ trên đây, du khách có thể tự tin trải nghiệm trong chuyến du lịch tới nhà tù Côn Đảo một cách trọn vẹn nhất.