Khu di tích Đình Thần Thắng Tam
Đình Thắng Tam tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, được xây dựng vào năm 1820 đời Minh Mạng. Đây là biểu tượng đặc trưng nét văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển. Ban đầu chỉ được dựng bằng nhà tranh vách lá, năm 1835, người ta lợp ngói cho mái đình; đến năm 1965, Đình Thắng Tam được trùng tu hoàn chỉnh như ngày nay.
Nhắc đến Vũng Tàu, người ta lại nghĩ ngay đến những bãi biển xanh, bờ cát trắng phau hay những cung đường ven biển đẹp ngút ngàn. Tuy nhiên, thành phố biển xinh đẹp này còn đó rất nhiều “tọa độ” nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử trải dài nhiều năm thập kỷ, nơi mà niềm tin tâm thức của người dân được tựa vào, trông cậy cầu chúc về những điều bình an, giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn với các bậc tiên thánh. Một trong những “tọa độ” đó không thể không nhắc đến Đình Thần Thắng Tam, ngôi đền cổ kính mang nhiều nét kiến trúc truyền thống đình làng Việt Nam. Nếu du khách yêu thích, muốn tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, kiến trúc đình làng cổ kính, hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống cùng với những người dân địa phương, thì Đình Thần Thắng Tam là một điểm đến lý tưởng cho kế hoạch du lịch Vũng Tàu của du khách.
Giới thiệu Khu di tích Đình Thần Thắng Tam
Đình thần Thắng Tam được giới thiệu là một điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo của thành phố biển Vũng Tàu, nơi đây hàng năm đều thu hút vô vàn khách thập phương từ muôn nơi đến đây tham quan, cầu khấn về những điều tốt đẹp cùng tri ân tưởng nhớ đến bậc tiên thánh. Ngôi đình cổ kính được xây dựng từ những năm thế kỷ 19 thời vua Minh Mạng, từ ngôi đình đơn sơ bằng tre lá, ngày nay đã được chính quyền, người dân tu sửa thành một nơi chốn thờ tự trang nghiêm.
Ở đình thần này, người dân đang thờ 3 vị hiền nhân có công xây dựng Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Lịch sử ghi lại, chính vào thời vua Gia Long có nạn hải tặc cướp bóc xảy ra ở cửa sông Bến Nghé ác liệt, nhà vua đã cho ba đội quân ra trận bảo vệ sự bình yên cho người dân sinh sống. Mãi đến thời vua Minh Mạng, không còn nạn cướp bóc nên đã ban lệnh trọng thưởng cho ba đạo quân có công với đất nước. Từ đó, từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng ở Vũng Tàu, và ba bậc tiền nhân được phụng thờ ở đình thần chính là ba vị đã cai quản nơi đấy.
Đình thần Thắng Tam mang nét kiến trúc tiêu biểu của đình làng Việt Nam, được chạm khắc tinh xảo, bày trí tạo nên không gian thờ tự trang nghiêm. Lăng Ông Nam Hải và Miếu Bà Ngũ Hành, là một phần trong khu di tích Đình thần Thắng Tam cả hai ngôi miếu thờ này đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc của người dân nơi đây. Nếu như du khách có dịp đến du lịch Vũng Tàu, đừng quên dừng chân ghé đến nơi đây để khám phá những điều ý nghĩa, cùng tham gia những lễ hội đặc sắc được tổ chức trong năm một lần như lễ cầu an tại Đình Thắng Tam (17-20/02 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông (16-28/8 âm lịch), lễ hội Miếu Ngũ Hành (16-18/10 âm lịch) vô cùng đặc sắc cùng với người dân địa phương.
Khu di tích Đình Thần Thắng Tam có gì hay? có gì đẹp?
Kiến trúc Đình thần Thắng Tam mang nét kiến trúc đình làng Việt Nam cổ kính, với sắc vàng đặc trưng mà mỗi khi ánh chiều tà dần buông xuống, khắp khoảng sân đình như được khoác lên mình chiếc áo vàng rực ấm áp. Ngôi đình được xây dựng gồm Ngôi Tiền hiền - Ngôi Chánh điện - Nhà hội - Võ Ca, với mỗi khu vực đều mang một sứ mệnh riêng.
-
Ngôi Tiền Hiền: chính nơi đây thờ tự các bậc tiền nhân có công tạo lập tu tác cho ngôi đình, cả thờ các vị anh hùng, liệt sĩ có công với cách mạng là người con của miền đất Vũng Tàu. Tại Ngôi Tiền hiền có cho bày trí thờ 13 đạo sắc phong thần, ngôi thờ các anh hùng liệt sĩ, thờ thổ thần - thổ địa - tài thần và có cả Tiền - Hậu tôn hiền hay Đông - Tây hiến tiền vãng hiền.
-
Ngôi Chánh điện: Chánh điện bày trí các ngôi Bàn Vua thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần, Bàn Thần Nông thờ vị thần dạy dân cày cấy làm ruộng; Bàn Cao Các thờ thần núi….
-
Nhà hội: là nơi tụ hội, họp ban, làm việc của Ban Tế tự, là nơi tiếp nhận ý kiến, tổ chức giao tế của các sự kiện lễ hội thường niên tại đình, lăng, miễu.
-
Võ ca: nơi đây thực hiện các buổi lễ xây chầu, trình diễn nghệ thuật hát bội, tuồng cổ phục vụ sau các buổi lễ nghinh cúng.
Miếu Bà Ngũ Hành: Từ phía cổng tiến vào Miếu Bà nằm ở vị trí phía bên tay trái du khách. Miếu Bà được xây dựng từ những năm cuối thế kỉ 19, chính nơi đây người dân cho thờ kính năm bà nữ thần linh thiêng: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -Thổ và bà Thiên Y A Na và Thủy Long Thần Nữ (thờ 2 vị hộ quốc được vua thăng Thượng Đẳng Thần). Trong miếu có bày trí 8 bàn thờ hết mực tôn nghiêm, người dân thập phương khi đến đây đều cầu nguyện về những điều tốt đẹp, gia đạo bình an. Trong năm, tại đây có Lễ hội Miếu Ngũ Hành (16-18/10 âm lịch) được tổ chức hết sức long trọng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Lăng Ông Nam Hải: lăng Ông là một phần trong kiến trúc của khu di tích Đình Thắng Tam. Được xây dựng cùng thời kỳ với Miếu bà Ngũ Hành vào những năm 1824. Tại ngôi chánh điện tôn nghiêm trong Lăng có bày trí bàn thờ bộ ngọc cốt cá Ông dài 18 m linh thiêng được người dân đi biển phát hiện và đem về thờ phượng tại điện Lăng. Hàng năm, tại Lăng Ông có tổ chức một ngày lễ vô cùng độc đáo là lễ Nghinh Ông được người dân địa phương tổ chức vô cùng trịnh trọng và thu hút rất nhiều du khách tham gia.
Đến Khu di tích Đình Thần Thắng Tam để làm gì?
Tham quan vãn cảnh: Đến với khu di tích Đình thần Thắng Tam sẽ là cơ hội đổi mới điểm đến trải nghiệm du lịch của du khách khi đến với Vũng Tàu, ngoài vui chơi tấm biển thì đây là dịp để du khách tham quan, vãn cảnh chốn tôn nghiêm cổ kính mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh. Bởi tại khu di tích này không chỉ có 1 mà đến 3 khu thờ phượng là Đình thần Thắng Tam - Miếu Bà Ngũ Hành - Lăng Ông Nam Hải, đủ để du khách có thể đến tham quan, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính, hết mực trang nghiêm - nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử và niềm tin của người dân xứ biển.
Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa: Khu di tích Đình thần Thắng Tam có lẽ là nơi chứng kiến nhiều câu chuyện của lịch sử nước nhà, trải dài qua suốt hàng trăm năm lịch sử làm cho nơi đây thêm phần cổ kính, huyền bí với những câu chuyện được gìn giữ. Đến với đình thần, đặc biệt với các du khách trẻ tuổi sẽ là dịp để học tập, tích lũy kiến thức thực tế, hiểu hơn về những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu. Điều này sẽ giúp nơi đây được biết đến nhiều hơn, thế hệ trẻ lại cùng nhau gìn giữ cho một phần của lịch sử, nét tinh túy văn hóa nước nhà.
Tham gia lễ hội: Chính tại khu di tích Đình thần Thắng Tam này hàng năm sẽ được người dân tổ chức những lễ hội truyền thống hết sức độc đáo ở đây và du khách có thể đến, cùng hòa mình trong không khí lễ hội, cũng như thêm hiểu biết, trải nghiệm những điều tốt đẹp mang tính truyền thống dân tộc. Các lễ hội đó là lễ cầu an tại Đình Thắng Tam (17-20/02 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông (16-28/8 âm lịch), lễ hội Miếu Ngũ Hành (16-18/10 âm lịch). Đến với khu di tích Đình thần Thánh Tam vào những dịp lễ hội, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn với hai phần lễ và hội, thêm gắn kết tinh thần lại nung nấu thêm một niềm tự hào dân tộc.
Cầu nguyện khấn vái: Ngoài tham quan, viễn cảnh thì tại khu di tích Đình thần Thắng Tam cũng được du khách thập phương tìm đến để khấn vái, cầu nguyện đến những điều tốt lành. Thường du khách đến đây sẽ cầu nguyện cho công việc được thuận buồm xuôi gió, gia đạo bình an, mùa màng bội thu, công việc sinh lợi, phát triển. Nếu du khách đến đây mà chẳng biết cầu nguyện về điều gì thì có thể nhắm mắt lại và thầm nghĩ đến những điều tốt đẹp muốn được đón nhận trong cuộc sống, công việc.
Nên tham quan Đình Thần Thắng Tam vào thời gian nào? Lễ hội tại Khu di tích Đình Thần Thắng Tam?
Là một điểm đến văn hóa tâm linh đặc sắc của Thành phố biển Vũng Tàu, tất cả thời gian trong năm, du khách đều có thể lựa chọn và ghé thăm đến Đình Thần Thắng Tam để chiêm ngưỡng cảnh sắc, kiến trúc hay cầu nguyện, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử được khắc ghi. Đặc biệt, trong năm còn có 3 dịp lễ hội quan trọng được tổ chức tại đây, thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến tham gia, trải nghiệm, và cũng là thời điểm lý tưởng nhất để có thể ghé đến tham quan đình thần:
Lễ cầu an tại Đình Thắng Tam (17-20/02 âm lịch): Đây là dịp mà người dân khắp nơi tìm về đây dâng lễ tạ ơn, nhằm tri ân ông cá voi và cầu bình an trong cuộc sống. Ngày lễ này đã được người dân xứ biển nơi đây gìn giữ và tổ chức qua hàng trăm năm tuổi. Được biết lễ hội cầu an có bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá ông, cá Voi của người dân biển miền Nam, Trung Bộ, là niềm tin, sự tín thác trong đời sống tâm thức của ngư dân nghề biển. Tuy mỗi nơi lại có mỗi cách khác nhau, nhưng đều chung một ý nghĩa, chung lòng kính trọng, trân trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn với các vị cứu tinh, hộ phù trên biển. Đặc biệt, ngày lễ cầu an đặc biệt này cũng là dịp để người dân gặp gỡ, gắn kết, cùng chung ý nguyện cầu nguyện về những điều tốt lành, mong một năm mưa thuận gió hòa, mần ăn phát triển, gia đạo bình an.
Lễ hội Nghinh Ông (16-28/8 âm lịch): Đây là dịp lễ mà người dân khắp nơi ở Vũng Tàu đặc biệt với ngư dân làm nghề biển cùng nhau dâng lễ tạ ơn, cầu chúc mong ước cho sự bình yên khi đi biển, đánh bắt được mùa tôm cá lại cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc tốt đẹp. Với lễ Nghinh Ông, lễ hội được tổ chức vô cùng trịnh trọng với lễ rước Ông, lễ cúng giỗ Tiên hiền, lễ thỉnh sắc thần, cúng Ông Nam Hải đặc sắc,... Sau phần lễ tôn nghiêm, người dân địa phương còn cùng nhau tham gia phần hội với nhiều trò chơi nhân gian truyền thống quen thuộc, gắn kết thêm tinh thần đoàn kết. Du khách đến đây chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú bởi không khí lễ hội vô cùng sinh động và đậm chất văn hóa, cũng là cách mà người dân địa phương quảng bá, gìn giữ những nét tinh túy như một phần quan trọng trong tâm thức con người.
Lễ hội Miếu Ngũ Hành (16-18/10 âm lịch): lễ hội được tổ chức một năm một lần trong ba ngày vào tháng 10 âm lịch, được người dân địa phương tổ chức vô cùng quy mô và đậm đà bản sắc lễ hội truyền thống Việt. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức trịnh trọng như lễ cung nghinh Bà với đám rước lễ kiệu huy hoàng trên một quãng đường dài từ Miếu Hòn Bà,, đường Thùy Vân, qua đường Phan Chu Trinh về với đình Thần Thắng Tam; tiếp đó là các nghi lễ cúng ngũ hành đầy trang nghiêm với các bài lễ tế, dâng hương, rượu, trà, lạy tạ bà; sau đó là các hoạt động phần hội như hát bội, bóng rỗi hay múa mâm dâng Bà. Với người dân địa phương, đây là dịp mà người dân đặc biệt là ngư dân tề tụ về đây để bày tỏ lòng thành kính, chung ước cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bình an, sống tốt,...
Các điểm tham quan gần Khu di tích Đình Thần Thắng Tam
- Bãi Sau: 1,1 km
- Bãi Trước: 1,4 km
- Chợ đêm Vũng Tàu: 2,0 km
- Miếu Hòn Bà: 2,2 km
- Bạch Dinh: 2,3 km
- Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu: 2,3 km
- Chùa Bà Quan Âm Nam Hải: 2,4 km
- Tượng Chúa Kito: 2,5 km
- Mũi Nghinh Phong: 2,7 km
- Niết Bàn Tịnh Xá: 2,8 km
- Hải đăng Vũng Tàu: 4,1 km
- Thiền viện Chơn Không: 4,4 km
Kinh nghiệm tham quan Khu di tích Đình Thần Thắng Tam
Như bao điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, khi du khách đến thăm viếng, cúng bái, hay chiêm ngưỡng vãn cảnh tại Đình Thần Thắng Tam cần phải lưu ý những điều quan trọng sau, để chuyến tham quan thêm ý nghĩa lại trở thành một khách du lịch văn minh:
- Du khách nên lựa chọn và diện những trang phục phù hợp, lịch sự, kín đáo để bày tỏ lòng kính trọng, tôn nghiêm đến với các bậc bề trên và tôn trọng với những khách tham quan đang hiện diện.
- Du khách nên chủ động bảo vệ, trông coi các tài sản, tư trang cá nhân, phương tiện di chuyển đảm bảo được trông giữ kỹ càng.
- Nên giữ trật tự, tránh làm ồn, giữ gìn không gian chung yên tĩnh, trang nghiêm.
- Không xả rác, không nên tự ý hay cố tình lấy đi các tài sản của Đình Thần.
- Để thuận tiện du khách nên theo dõi tình hình thời tiết trước để không bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trong chuyến đi.
- Để chuyến tham quan thêm thú vị, du khách có thể lựa chọn đến tham quan đình thần vào các ngày lễ hội trong năm để cảm nhận niềm vui, nét văn hóa lễ hội truyền thống dân tộc ở đây: lễ cầu an tại Đình Thắng Tam (17-20/02 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông (16-28/8 âm lịch), lễ hội Miếu Ngũ Hành (16-18/10 âm lịch).