Đài Loan
Đảo Đài Loan nằm tại Tây Bắc Thái Bình Dương, giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, tách khỏi đại lục Á-Âu qua eo biển Đài Loan, diện tích khoảng 36.000 km², là đảo lớn thứ 38 trên thế giới, với khoảng 70% diện tích là núi đồi, còn đồng bằng tập trung tại ven biển phía tây.
Không chỉ đơn thuần chỉ là một hòn đảo, Đài Loan mang vẻ đẹp khiến bạn sẽ bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng. Du khách sẽ nhìn thấy được bức tranh hoa anh đào thơ mộng như ở Nhật Bản hay là khung cảnh rừng cây lá vàng, lá đỏ lãng mạn như Hàn Quốc trong chuyến ghé thăm Đài Loan. Bên cạnh đó nơi đây còn gây ấn tượng với nền văn hoá ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn hấp dẫn, trong số đó có một loại thức uống vang danh khắp nơi chính là món trà sữa trân châu.
Giới thiệu về Đài Loan
Trung Hoa Dân Quốc là đảo quốc và là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Đông Á. Ngày nay, do ảnh hưởng từ vị thế lãnh thổ cùng nhiều yếu tố chính trị nên trong một số trường hợp, quốc gia này còn được gọi là Đài Loan (Taiwan) hay Đài Bắc Trung Hoa. Đảo Đài Loan nằm ở khu vực phía Tây Bắc Thái Bình Dương, ở giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines. Đài Loan cũng là hòn đảo có diện tích lớn thứ 38 trên thế giới với khoảng 70% diện tích là đồi núi, còn vùng đồng bằng tập trung chủ yếu tại khu vực ven biển phía Tây của đảo. Nhờ nằm giữa giao giới của khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới nên cảnh quan tự nhiên cùng hệ sinh thái tương đối phong phú và đa dạng. Do đó mà du lịch Đài Loan đang phát triển mạnh mẽ, hội đủ nhiều yếu tố để hấp dẫn du khách gần xa.
Vì sao có tên gọi là Đài Loan?
Có khá nhiều thông tin về nguồn gốc của tên gọi "Đài Loan". Trong văn thư từ thời Minh trở đi, thì Đài Loan cũng được ghi với nhiều tên gọi khác nhau như là Đại Viên, Đài Viên, Kê Lung Sơn, Bắc Cảng, Đông Phiên, Đông Đô, Đông Ninh,... Cho đến khi hòn đảo thuộc nhà Thanh thì triều đình đặt tên là phủ Đài Loan, từ đó Đài Loan trở thành tên gọi của hòn đảo này. Vào năm 1554 có tàu buôn của người Bồ Đào Nha đi qua vùng biển Đài Loan, các thủy thủ nhìn từ xa thấy Đài Loan rất đẹp nên hô vang “Ilha Formosa” - có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”. Vì thế trước thập niên 1950, những quốc gia ở châu Âu chủ yếu gọi Đài Loan là "Formosa". Đến năm 1905 khi Tôn Trung Sơn triệu tập hội nghị trù bị Trung Quốc Đồng minh hội tại Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng dù các chế độ cộng hòa đại đa số thi hành chế độ dân chủ đại nghị nhưng để xác lập rõ ràng hơn cũng như riêng biệt các nguyên tắc chủ quyền quốc gia đồng thời hướng tới tiến hành dân quyền trực tiếp thì phải chọn ra một danh xưng hoàn chỉnh. Đó là lý do Đài Loan mới chọn quốc hiệu gọi là "Trung Hoa Dân Quốc".
Sau khi Trung Hoa Dân Quốc dời sang Đài Loan vào năm 1949, từ thập niên 1950 đến thập niên 1960 thì cộng đồng quốc tế đều gọi là "Trung Hoa quốc gia", "Trung Hoa tự do" hay "Trung Hoa dân chủ" nhằm phân biệt với "Trung Hoa đỏ", "Trung Hoa cộng sản" tức nhà nước cùng chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau khi quyền đại biểu cho Trung Quốc chuyển cho Đại lục theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1971, từ "Trung Quốc" trở thành xưng hô của cộng đồng quốc tế với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Còn tại Đài Loan trong thập niên 1990, bởi do thời gian chia cắt đã khá lâu dài, chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc phai nhạt, ý thức về tính chủ thể của người Đài Loan tăng lên nên từ đó thế giới cũng như người dân nơi đây bắt đầu sử dụng phổ biến tên gọi "Đài Loan" làm quốc hiệu của họ.
Các thông tin cần biết về Đài Loan
- Tên gọi: Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
- Thủ đô: thành phố Đài Bắc
- Diện tích: 36.197 km2
- Dân số: 23.123.866 người
- Sắc tộc: 95% người Hán (gồm có người Phúc Kiến, người Khách Gia,...)
- Ngôn ngữ: tiếng Đài Loan, tiếng Quan thoại, tiếng Khách Gia, tiếng Mã Tổ
- Tôn giáo: tôn giáo dân gian, Đạo giáo, Phật giáo, Kito giáo,...
- Múi giờ: UTC+8
- Mã vùng: +886
- Tiền tệ: Tân Đài tệ (ký hiệu: TWD)
Du lịch Đài Loan có gì hay? có gì đẹp?
Đài Loan một đảo quốc nhỏ bé có biệt danh là Formosa - nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”. Tuy là đảo quốc nhưng phần lớn lãnh thổ của Đài Loan lại được bao phủ bởi rừng rậm và núi đồi. Nhờ sự kết hợp đầy hoàn hảo này đã tạo ra được nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú giúp thu hút đông đúc du khách. Bạn có thể được trải nghiệm nhiều hoạt động từ lên rừng đến xuống biển, từ việc leo núi ngắm cảnh hay là tận hưởng làn gió biển mát mẻ trong những ngày hè. Vì sự đa dạng từ văn hoá, cảnh quan cho đến ẩm thực và con người đã khiến du lịch Đài Loan ngày càng thu hút lượng khách du lịch đông đúc.
Lịch sử
Theo các bằng chứng khảo cổ tìm thấy thì sự hiện diện của con người ở Đài Loan đã có từ 30.000 năm trước. Mặc dù các cư dân đầu tiên này của Đài Loan có thể không có chung nguồn gốc với bất kỳ nhóm dân tộc nào đang sinh sống hiện nay trên đảo. Cho đến khoảng 4.000 năm trước thì tổ tiên của thổ dân Đài Loan ngày nay đã định cư tại đảo. Những người này có đặc tính di truyền gần gũi với các dân tộc Nam Đảo và có họ hàng với người Mã Lai, người Indonesia hay người Philippines. Ngoài ra theo các văn bản lưu truyền từ thời cổ Trung Quốc cho thấy rằng người Hán có thể cũng biết đến sự tồn tại của đảo chính Đài Loan kể từ thời Tam Quốc (230 CN). Sau đó người Hán bắt đầu định cư tại quần đảo Bành Hồ từ thời nhà Tống vào năm 1171 nhưng đã gặp phải sự chống đối của các bộ tộc bản địa ở trên đảo.
Năm 1544 thì có một con tàu của người Bồ Đào Nha đã tìm thấy hòn đảo Đài Loan và đặt tên cho nó là “Ilha Formosa” nghĩa là "Hòn đảo xinh đẹp". Đến năm 1624 thì người Hà Lan bắt đầu thành lập một cơ sở giao thương tại Đài Loan và đưa những lao công người Hán từ Phúc Kiến và Bành Hồ đến làm việc. Nhiều người trong số họ đã định cư tại đảo và trở thành những người Hán đầu tiên định cư đến Đài Loan. Người Hà Lan đã xây dựng Đài Loan thành một thuộc địa với thủ phủ là thành Tayoan (nay chính là An Bình thuộc Đài Nam). Năm 1626, người Tây Ban Nha đặt chân lên đảo và chiếm đóng Bắc Đài Loan và lập một cơ sở thương mại nhưng cho đến 1642 thì bị người Hà Lan trục xuất.
Sau khi Nhà Minh sụp đổ và Nhà Thanh chiếm đóng Trung Nguyên, có một thủ lĩnh quân sự người Hán tên là Trịnh Thành Công đã tập hợp được những người trung thành với Nhà Minh ở miền Nam Phúc Kiến tiến hành cuộc đuổi người Hà Lan ở Đài Loan vào năm 1662. Ông tiến hành xây dựng nơi đây thành một lãnh địa riêng không chịu quyền kiểm soát của Nhà Thanh, thường được biết dưới tên gọi Vương quốc Đông Ninh. Trịnh Thành Công đã lập thủ phủ tại Đài Nam và những người kế vị ông là Trịnh Kinh và Trịnh Khắc Sảng vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm lật đổ Nhà Thanh. Nhưng đến năm 1683 thì đội quân Nhà Thanh dưới sự chỉ huy của đô đốc Thi Lang đã đánh bại quân của họ Trịnh khiến Đài Loan chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Đại Thanh.
Trong thời gian Đài Loan thuộc chủ quyền của Nhà Thanh thì do Nhà Thanh thất bại trong Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895) và phải nhượng toàn bộ chủ quyền Đài Loan cùng Bành Hồ cho Đế quốc Nhật Bản. Triều đình nhà Thanh cũng có công bố là những ai mong muốn vẫn được làm thần dân của Nhà Thanh thì sẽ có thời gian 2 năm để bán các tài sản của mình và chuyển về sinh sống tại đại lục nhưng chỉ có rất ít người Đài Loan thực hiện được điều này. Những người dân Đài Loan cũng đứng lên đấu tranh chống quân Nhật Bản nhưng đều không thành công. Người Nhật sau đó đã tiến hành công nghiệp hóa hòn đảo này, mở rộng đường sắt và các mạng lưới giao thông khác, xây dựng một hệ thống bảo vệ sức khỏe trải rộng và xây dựng hệ thống trường công cũng như tiến hành đồng hoá người dân Đài Loan khiến họ dần trở thành người Nhật. Đến khi Thế Chiến II thì do bại trận nên Nhật Bản đã mất quyền kiểm soát Đài Loan tuy nhiên sự kiểm soát của Nhật Bản đã có tác động lâu dài đối với Đài Loan, nhất là văn hóa Đài Loan và nhiều cơ sở hạ tầng của Đài Loan được bắt đầu xây dựng dưới thời Nhật quản lý, ví dụ như Dinh Tổng thống hiện nay cũng được xây trong thời kỳ này.
Vào ngày 25 tháng 10 năm 1945, Đài Loan đã được trao lại cho Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc nhưng không ổn định. Nhiều cuộc xung đột xảy ra như là xung đột văn hóa và ngôn ngữ giữa người Đài Loan và người đại lục cũng như sự lạm phát kinh tế nhanh chóng dẫn đến việc mất đi sự ủng hộ rộng rãi trên đảo Đài Loan dành cho chính quyền mới. Đến năm 1949, trong cuộc Nội chiến Trung Quốc thì chính quyền Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đã rời bỏ Nam Kinh để di chuyển đến Đài Bắc - thành phố lớn nhất Đài Loan lúc bấy giờ. Tại Trung Quốc đại lục thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập và tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất cho cả Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) và Trung Hoa Dân Quốc không còn tồn tại.
Trong thập kỷ 1960 và 1970, Đài Loan đã phát triển một cách nhanh chóng với nền công nghiệp hóa mạnh mẽ, trở thành một trong bốn con hổ châu Á trong khi vẫn duy trì thiết quân luật và dưới sự cầm quyền độc đảng của Quốc Dân đảng. Vì lợi ích trong Chiến tranh lạnh, hầu hết các quốc gia phương Tây và Liên Hợp Quốc đều coi Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc cho đến thập niên 1970, khi hầu hết các nước bắt đầu chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hiện nay thì chúng ta vẫn thấy vấn đề chính trị giữa Đài Loan với Trung Quốc vẫn còn đang căng thẳng và chưa có sự xác định rõ ràng. Đài Loan được xem là một quốc gia không thuộc Liên Hợp Quốc, bị hạn chế công nhận chủ quyền nhưng độc lập trên thực tế. Người Đài Loan vẫn sử dụng tiền tệ riêng, các giấy tờ riêng (ví dụ như hộ chiếu,...), pháp luật riêng,...
Địa lý
Từ năm 1950 trở đi thì 99% lãnh thổ thực tế của Đài Loan chính là hòn đảo Đài Loan và 1% còn lại là các đảo nhỏ khác xung quanh. Về địa hình thì Đài Loan tách biệt Trung Quốc đại lục qua eo biển Đài Loan ở phía Tây, còn phía Bắc là giáp biển Hoa Đông, phía Đông là giáp biển Philippines, phía Nam là cách Philippines qua eo biển Luzon và ở phía Tây Nam là giáp biển Đông. Nếu nhìn từ vệ tinh trên cao thì hình dáng hòn đảo này tương tự như củ khoai lang nên một số người dân địa phương cũng tự gọi họ là “con cháu khoai lang”.
Đảo Đài Loan có sự tương phản giữa 2/3 lãnh thổ, chủ yếu phía Đông gồm có các vùng đồi núi hiểm trở, có tới 5 dãy núi chạy dài từ Bắc xuống Nam và vùng đồng bằng tập trung ở phía Tây, chính là nơi sinh sống của hầu hết cư dân Đài Loan. Điểm cao nhất Đài Loan là đỉnh Ngọc Sơn cao tới 3.952 mét cùng 5 ngọn núi khác cũng có độ cao trên 3.500 mét. Đài Loan được xếp là hòn đảo cao thứ tư trên thế giới.
Khí hậu
Đài Loan có đường chí tuyến Bắc chạy qua, nằm tại khu vực giao giới giữa khí hậu nhiệt đới hải dương và cận nhiệt đới hải dương. Do đó phía Bắc của chí tuyến Bắc thuộc khí hậu cận nhiệt đới còn phía Nam là khí hậu nhiệt đới. Nhìn chung thì khí hậu Đài Loan cũng được chia thành 4 mùa Xuân, Hạ, Thu , Đông nhưng không rõ rệt bằng Hàn Quốc hay là Nhật Bản. Mùa Hạ sẽ kéo dài hơn với nhiệt độ trung bình 28°C còn mùa Đông thì khá ngắn, không quá lạnh lẽo với mức nhiệt độ trung bình là tầm 15°C. Về mùa Xuân và mùa Thu thì khí hậu mát mẻ, trong lành và có nhiệt độ dễ chịu nhất, dao động 20°C - 25°C.
Miền Bắc của Đài Loan do chịu ảnh hưởng từ gió mùa Đông Bắc nên từ tháng 1 - tháng 3 là bước vào mùa mưa còn ở miền Trung với miền Nam thì không chịu ảnh hưởng này. Cho đến tháng 5 là bắt đầu mùa mưa Đông Á, tháng 6 đến tháng 9 thời tiết trở nên nóng nực hơn nhiều. Đó cũng là lúc miền Nam Đài Loan xảy ra mưa nhiều hơn miền Bắc. Bên cạnh đó thì bão nhiệt đới tấn công Đài Loan từ tháng 7 đến tháng 10 nên du khách cũng lưu ý chọn thời gian phù hợp để du lịch Đài Loan, tránh để chuyến đi của bạn chịu ảnh hưởng từ tình hình thời tiết xấu.
Văn hoá và con người
Chính vì có nền lịch sử biến động như thế nên có thể thấy văn hóa Đài Loan có sự pha trộn, kết hợp chặt chẽ với các yếu tố của văn hóa cổ truyền Trung Hoa (vốn là nguồn gốc lịch sử dân tộc của đa số cư dân hiện nay), văn hóa Nhật Bản, tín ngưỡng Khổng Tử và các nền văn hoá khác đến từ các nước Phương Tây. Sau khi dời đến Đài Loan, Quốc Dân Đảng cũng đã áp đặt các phong tục chính thống của văn hóa truyền thống Trung Hoa cho văn hóa Đài Loan. Chính quyền này thường xuyên tổ chức các chương trình về nghệ thuật thư pháp, thư họa, nghệ thuật cổ truyền và ca kịch Trung Hoa. Cho đến những năm 1990 xuất hiện phong trào địa phương hóa tại Đài Loan thì các đặc điểm của văn hóa Đài Loan đã được biểu hiện rõ nét hơn. Những đặc tính về chính trị, cùng với hơn một trăm năm tách biệt sách sử Trung Quốc đại lục đã khiến cho văn hóa truyền thống cũng có nhiều khác biệt trong nhiều lĩnh vực, như là ẩm thực và âm nhạc.
Tại Đài Loan thì người Hán chiếm phần đông với những người gốc Phúc Kiến, người Khách Gia,... đã di cư sang từ thế kỷ XVII. Họ không thường xuyên sử dụng tiếng Phổ thông, thay vào đó họ sử dụng tiếng Đài Loan và tiếng Khách Gia. Còn một số ít người Hán thì di chuyển đến Đài Loan sau này, vào thời điểm Nội chiến Trung Quốc và vẫn sử dụng tiếng Phổ Thông. Ngoài ra thì còn có khoảng 2% thổ dân Đài Loan với các nhóm dân tộc như Thao, Ami, Atayal, Paiwan, Bunun,... Người dân Đài Loan cũng thờ phụng Quan Thế Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, Bảo Sinh Đại Đế, Huyền Thiên Thượng đế, Ma Tổ, Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Thánh Đế Quân, Thành Hoàng, Thổ Thần,....và dung hợp với các tín ngưỡng Phật giáo, Đạo giáo.
Ẩm thực
Văn hóa ẩm thực Đài Loan có sự kết hợp của ẩm thực các khu vực, các trường phái chủ yếu là ẩm thực Mân Nam Đài Loan, ẩm thực Khách Gia Đài Loan cùng các khu vực ngoại tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông, Quảng Đông. Do đại đa số bộ phận nhân khẩu đều là người Hán nên các món ăn chủ yếu cũng giống các món ăn Trung Quốc. Bên cạnh đó Đài Loan từng bị Nhật Bản thống trị trong 50 năm nên cũng bị ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Nhắc đến ẩm thực Đài Loan là du khách đều nhớ đến những món ăn vặt đường phố hấp dẫn thơm ngon được bày bán trong các khu chợ đêm địa phương. Một số món ăn phổ biến nhất mà ai cũng nên thưởng thức khi du lịch Đài Loan đó là:
- Mì bò: là một món ăn truyền thống của người dân xứ Đài. Một tô mì bò đơn giản chỉ là những sợi mì vàng, nước dùng cùng các miếng thịt bò. Trong đó phần nước dùng thực sự là tinh hoa của món ăn này với 2 hương vị là sốt cay với không cay để thực khách lựa chọn. Từ các quầy hàng trên đường phố cho đến các nhà hàng sang trọng ở Đài Loan đều có bán món ăn nổi tiếng này để du khách có thể dễ dàng nếm thử.
- Hàu chiên trứng: là món ăn thể hiện sự kết hợp giữa hai hương vị của đại dương và đất liền, là biểu tượng của đảo Đài Loan. Ngoài trứng và hàu thì thành phần của món ăn này còn có bột khoai lang, kèm theo nước sốt chua ngọt đặc biệt. Hương vị của món hàu chiên trứng này ở Đài Loan cũng khác biệt so với ở Singapore hay Malaysia dù là đều có nguồn gốc từ người Hoa.
- Trà sữa trân chân: không chỉ là một loại thức uống mà trà sữa trân châu còn được xem là biểu tượng văn hoá ẩm thực của Đài Loan. Món thức uống thơm ngon này đã chinh phục được rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Hương vị trà sữa ngọt ngào kết hợp những hạt trân chân dẻo thơm khiến chúng ta bị cuốn, cứ muốn uống mãi không ngừng được.
- Đậu hũ thúi: cũng là món ăn vặt đường phố gây ấn tượng mà du khách đều thấy trong các khu chợ đêm ở Đài Loan. Tuy là có mùi khá thúi, nhất là với những ai chưa quen nhưng hãy nếm thử vì biết đâu bạn sẽ bị thu hút bởi hương vị hấp dẫn của món ăn này. Đa phần là người bán sẽ chiên đậu hũ thúi vàng giòn, ăn kèm với kim chi Đài Loan chua ngọt, không cay.
- Tiểu long bao: hay còn được gọi là bánh bao súp vì bên trong có phần súp nóng hổi hoặc bánh bao hấp lồng bởi được hấp chín trong những lồng nhỏ. Món ăn này nổi tiếng vì thân nhỏ, nhân nhiều, nước sốt thơm ngon cùng lớp vỏ mỏng. Tiểu long bao có hương vị khác biệt so với các loại dimsum mà du khách hay ăn nên khi có dịp ghé thăm Đài Loan thì bạn nhớ thưởng thức nhé.
Các địa điểm tham quan
Nhắc đến du lịch Đài Loan thì có lẽ du khách thường nghe đến thành phố Đài Bắc với bảo tàng Cố Cung nổi tiếng, là nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý giá của nền văn hoá Trung Hoa. Bên cạnh đó thì Đài Loan cũng có khá nhiều danh thắng khác để khách du lịch ghé thăm quan và vui chơi trải nghiệm.
- Đài Bắc: là thủ phủ của Đài Loan và cũng là thành phố phát triển nhất về kinh tế, du lịch,... của cả nước. Có thể nói Đài Bắc là một trong các địa điểm du lịch hot nhất Châu Á, đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu của bạn từ tham quan, tìm hiểu văn hoá, ăn uống, vui chơi cho đến mua sắm. Một số địa điểm tham quan như là tháp Taipei 101, bảo tàng Cố Cung, đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, chợ đêm Sĩ Lâm, làng cổ Cửu Phần, làng cổ Thập Phần,...
- Đài Trung: là một điểm tham quan nổi tiếng với nét đẹp hiện đại xen lẫn truyền thống cùng những dấu ấn nghệ thuật, văn hóa đáng ngưỡng mộ. Tuy không quá hiện đại hay sầm uất như Đài Bắc hay Cao Hùng nhưng vẫn có nhiều điều hấp dẫn để du khách khám phá khi ghé thăm thành phố này. Một vài địa danh phổ biến ở Đài Trung như là đầm lầm Cao Mỹ, chợ đêm Phụng Giáp, con đường thư pháp Calligraphy Greenway,...
- Đài Nam: là thành phố cổ xưa, lâu đời nhất của Đài Loan. Vì thế Đài Nam mang trong mình nhiều giá trị lịch sử vô cùng quý báu với hàng loạt công trình kiến trúc ấn tượng, đậm chất cổ xưa. Các địa điểm tham quan ở Đài Nam được ghé thăm nhiều nhất như là phố cổ An Bình, bảo tàng Kỳ Mỹ, đền Khổng Tử, núi muối Qigu,...
- Cao Hùng: là thành phố lớn thứ 2 Đài Loan, cùng với Đài Bắc thì Cao Hùng chính là địa danh mà nhiều du khách đều nhắc đến trong các chuyến du lịch Đài Loan. Có khá nhiều nơi để bạn ghé thăm và vui chơi khi dừng chân tại Cao Hùng như là Phật Quang Sơn Tự, đầm Liên Trì, đảo Kỳ Tân (Cijin), chợ đêm Thuỵ Phong,...
- A Lý Sơn: được ví là nơi có phong cảnh đẹp như chốn bồng lai của Đài Loan. Nằm sâu trong những dãy núi miền Trung Đài Loan, A Lý Sơn là nơi lý tưởng dành cho những ai yêu thích phong cảnh thiên nhiên trong lành, thanh bình và nên thơ. Thời điểm đẹp nhất và nhiều người ghé thăm A Lý Sơn chính là vào mùa Xuân khi sắc hoa anh đào phủ tràn ngập khung cảnh nơi đây.
Những hoạt động trải nghiệm thú vị tại Đài Loan
Như chúng ta cũng thấy thì Đài Loan hiện nay là một điểm đến vô cùng phổ biến ở Châu Á. Không chỉ phát triển về kinh tế mà Đài Loan còn chứa đựng nhiều giá trị về nền văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực,...Không chỉ là nơi để du khách ghé thăm quan các công trình kiến trúc, các danh thắng nổi tiếng hay thỏa thích mua sắm shopping mà còn có nhiều hoạt động thú vị tại Đài Loan dành cho bạn.
Thả đèn lồng tại phố cổ Thập Phần
Có thể nói đây là hoạt động mà bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ qua khi đến với Đài Bắc, Đài Loan. Làng cổ Thập Phần gây thương nhớ với đông đảo tín đồ du lịch bởi cảnh sắc thơ mộng nhuốm màu cổ kính. Đặc biệt, nơi đây vô cùng nổi tiếng với nghi thức thả đèn trời để nguyện cầu những điều may mắn. Từ đó hình ảnh đèn lòng trở thành một biểu tượng của sự bình an và may mắn, gắn liền với đời sống tinh thần và văn hóa của người dân xứ Đài.
Dạo thuyền trên hồ Nhật Nguyệt
Hồ Nhật Nguyệt là một trong 13 thắng cảnh nổi tiếng nhất Đài Loan, nằm ở huyện Nam Đầu (Nantou). Là hồ nước tự nhiên lớn nhất quốc đảo này, khu vực xung quanh hồ Nhật Nguyệt còn là nơi sinh sống của người dân tộc Thao từ ngàn năm nay. Vì thế khi dạo thuyền trên hồ Nhật Nguyệt, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh yên bình mà còn khám phá thêm nhiều nét văn hoá đặc sắc của người bản địa nơi đây.
Khám phá các khu chợ đêm
Chợ đêm không chỉ là nơi buôn bán kinh doanh mà nó cũng trở thành một nét văn hoá khi nhắc về cuộc sống của người dân xứ Đài. Không quá khi nói đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp chợ đêm, từ các thành phố lớn cho đến vùng nông thôn. Chợ đêm không còn đơn giản là nơi mà du khách ghé đến mua sắm, ăn uống mà nó còn là một biểu tượng của văn hoá người Đài Loan. Vì thế thật thiếu sót nếu như bạn không trải nghiệm một chuyến dạo quanh các khu chợ đêm để thưởng thức vô số món ăn đường phố Đài Loan và tìm mua các món quà lưu niệm xinh xắn.
Ngắm hoa anh đào
Nếu cảm thấy đi Hàn hay đi Nhật để ngắm hoa anh đào quá khó khăn thì du khách có thể đổi hướng sang Đài Loan. Mùa Xuân cũng là thời điểm mà hòn đảo này ngập tràn sắc hồng lãng mạn của loài hoa anh đào nổi tiếng. Có rất nhiều nơi để du khách có thể ngắm hoa anh đào ở Đài Loan như là công viên Dương Minh Sơn, núi A Lý Sơn, công viên sinh thái Makau, vườn quốc gia Taroko,...
Ngắm lá vàng, lá đỏ
Với những đặc điểm khí hậu chia thành 4 mùa, tuy không rõ nét nhưng mỗi mùa ở Đài Loan cũng có các đặc trưng riêng. Do đó khi Thu về cũng là lúc mà các khu rừng cây thay lá, chìm trong sắc vàng và sắc đỏ đầy thơ mộng. Ban đầu, những chiếc lá màu xanh, đỏ, vàng và tím hòa quyện vào nhau khi mới chớm mùa thu. Cho đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì đều đồng loạt đổi sang màu vàng và đỏ rực rỡ, khiến khung cảnh Đài Loan trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Những nơi lý tưởng để ghé thăm khi du lịch Đài Loan mùa thu ngắm lá vàng, lá đỏ là nông trại cừu Cingjing Farm, núi Thái Bình, rừng Trúc Sơn, vườn quốc gia Dương Minh Sơn, núi A Lý Sơn,...
Hỏi - đáp khi du lịch Đài Loan
Đài Loan, hòn đảo xinh đẹp với sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, luôn chào đón du khách với lòng hiếu khách và cảnh đẹp say đắm lòng người. Để giúp bạn có một hành trình khám phá Đài Loan trọn vẹn, dưới đây là một số câu hỏi, vấn đề thường gặp khi du lịch Đài Loan:
Ứng dụng (APP) chỉ đường mà người Đài Loan thường dùng
Người Đài Loan thường sử dụng Google Maps vì tính phổ biến và dễ sử dụng của nó. Ngoài ra, ứng dụng Moovit cũng rất hữu ích cho việc tìm hiểu hệ thống giao thông công cộng.
Ở Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng có thuê xe đạp dễ không?
Ở Đài Loan, việc thuê xe đạp rất dễ dàng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng. Bạn có thể sử dụng hệ thống YouBike (Đài Bắc và Đài Trung) hoặc CityBike (Cao Hùng). Các trạm xe đạp công cộng thường nằm gần các ga tàu điện ngầm, công viên, và các điểm du lịch lớn.
Tháng 8 dương lịch thì Bánh trung thu Đài Loan đã bán chưa, mua ở đâu uy tín, ngon và giá tốt
Tháng 8 dương lịch là thời điểm gần Tết Trung Thu, nên bánh trung thu đã bắt đầu được bán rộng rãi. Bạn có thể mua bánh trung thu tại các cửa hàng nổi tiếng như Chia Te Bakery, SunnyHills, và Li Yi Cake Shop. Các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven và FamilyMart cũng có bán bánh trung thu vào dịp này.
Khi đổi tiền thì nên đổi Mệnh giá tiền nào để dễ tiêu dùng?
Khi đổi tiền, bạn nên đổi sang các mệnh giá nhỏ như 100, 200, và 500 TWD để dễ tiêu dùng hàng ngày. Mệnh giá 1000 TWD cũng tiện lợi khi bạn cần thanh toán các khoản lớn hơn. Hầu hết các cửa hàng và nhà hàng đều chấp nhận tiền mặt và thẻ tín dụng.