Kaohsiung (Cao Hùng)
Thành phố Cao Hùng (Kaohsiung) là một thành phố nằm tại miền Nam Đài Loan. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Đài Loan với số dân 1,51 triệu người, và là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương của Đài Loan.
Khi nhắc đến những điểm dừng chân không thể bỏ lỡ khi ghé du lịch Đài Loan thì Cao Hùng luôn xuất hiện trong danh sách này. Là một trong những thành phố lớn nhất và phát triển nhất nhì xứ Đài, Cao Hùng là một nơi thu hút lượng du khách ghé thăm vô cùng đông đúc. Với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vỹ, những công trình kiến trúc hiện đại cùng nền ẩm thực địa phương phong phú, du lịch Cao Hùng thật sự là một chuyến đi vô cùng đáng giá mà bạn nên trải nghiệm ít nhất một lần.
Giới thiệu về Cao Hùng (Kaohsiung)
Thành phố Cao Hùng (Kaohsiung) là một thành phố nằm tại miền Nam Đài Loan, là thành phố lớn thứ 2 và cũng là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương của Đài Loan. Không giống như Đài Bắc, đường phố ở Cao Hùng rộng rãi và giao thông thông thoáng hơn nhiều. Không chỉ phát triển mạnh về nông nghiệp, công nghiệp mà cảng Cao Hùng còn là cảng chính của Đài Loan, nơi mà phần lớn dầu mỏ được nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cao Hùng là trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu và cũng là căn cứ hải quân lớn của Trung Hoa Dân Quốc. Không những mạnh về kinh tế mà du lịch Cao Hùng cũng thu hút với nhiều công trình kiến trúc, trung tâm nghệ thuật, danh lam thắng cảnh tự nhiên hay những khu chợ đêm nhộn nhịp.
Vì sao có tên gọi là Cao Hùng?
Cao Hùng được thành lập vào gần cuối thế kỷ 17, khi đó được gọi là Đả Cẩu (“Dǎgǒu” nghĩa đen là "đánh chó") bởi những người nhập cư Phúc Kiến. Tên gọi này được cho là bắt nguồn từ ngôn ngữ Makatao của người thổ dân bản địa và có nghĩa là "rừng tre". Cho đến khi người Hà Lan đến xâm chiếm và đặt tên khu vực này là Tancoia. Sau đó Trịnh Thành Công đã đánh đuổi người Hà Lan và lập nên một chính quyền phục Minh vào năm 1662. Con trai của ông - Trịnh Kinh đã đổi tên ngôi làng này là Vạn Niên Châu (nghĩa đen là "vùng đất vạn năm") vào năm 1664.
Đến năm 1684, triều đình nhà Thanh đã sáp nhập Đài Loan và đổi tên khu vực bao gồm cả Cao Hùng ngày nay thành huyện Phượng Sơn. Năm 1895, Đài Loan bị nhượng lại cho Nhật Bản quản lý theo Hiệp ước Shimonoseki. Vào thời kỳ này, tên gọi của thành phố chuyển thành Cao Hùng (phiên âm theo tiếng Nhật là “Takao”). Tuy rằng từ Takao và Dǎgǒu đều có phát âm tương tự nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau hoàn toàn, 1 cái là “đánh chó” còn 1 cái lại là “cao lớn hùng vĩ”. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc giành quyền kiểm soát Đài Loan trở lại vào năm 1945, tên gọi bằng Hán tự mà người Nhật đặt cho thành phố này vẫn được sử dụng và phiên âm thành “Kaohsiung”.
Thông tin cần biết về Cao Hùng
- Tên gọi: Cao Hùng
- Quốc gia: Đài Loan
- Diện tích: 154 km2
- Dân số: 2.773.533 người
- Ngôn ngữ: tiếng Đài Loan
- Tôn giáo: Đạo giáo, Phật giáo
- Múi giờ: UTC +8
- Mã điện thoại: +886 7
- Tiền tệ: Đài tệ (kí hiệu: TWD)
Du lịch Cao Hùng có gì hay? có gì đẹp?
Mỗi một thành phố của Đài Loan đều mang nét đặc trưng thu hút. Nếu như Đài Bắc hiện đại, Đài Trung cổ kính, Đài Nam yên bình thì Cao Hùng lại tổng hợp được những yếu tố trên. Đó cũng là lý do du lịch Cao Hùng luôn nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách mỗi khi ghé thăm đảo ngọc Đài Loan. Nhẹ nhàng, hiền hòa nhưng vẫn sôi động với những giá trị văn hoá truyền thống là những điều mà khách du lịch ấn tượng khi đặt chân đến với Cao Hùng - thành phố phát triển nhất nhì xứ Đài
Lịch sử
Dựa vào các nghiên cứu khảo cổ thì Cao Hùng có dấu hiệu sinh hoạt của con người từ 7000 năm trước. Người Makatao thuộc bộ lạc Siraya được cho là những thổ dân đầu tiên của vùng đất này, sinh sống chủ yếu bằng các hoạt động săn bắt hái lượm. Đến năm 1642, người Hà Lan đã đánh chiếm Đài Loan và Cao Hùng trở thành cảng đánh cá quan trọng nhất khu vực miền Nam lúc bấy giờ. Đến năm 1684, triều đình nhà Thanh đã sáp nhập Đài Loan thành 1 tỉnh còn Cao Hùng cũng được đầu tư phát triển thịnh vượng qua nhiều thế hệ.
Vào năm 1895, Nhật Bản tiếp nhận quyền quản lý Đài Loan theo Hiệp ước Shimonoseki. Người Nhật đã đầu tư phát triển Cao Hùng rất nhiều, đặc biệt là khu vực bến cảng Cao Hùng, làm tiền đề để giúp Cao Hùng trở thành một thành phố cảng phát triển sầm uất.
Sau khi quyền kiểm soát Đài Loan được Nhật Bản đem bàn giao lại cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào ngày 25/10/1945, thành phố Cao Hùng và huyện Cao Hùng được thành lập, chúng lần lượt là một thành phố cấp tỉnh và một quận của tỉnh Đài Loan vào ngày 25/12/1945. Cho đến ngày 1/7/1979, Cao Hùng được Hành chính viện - là nhánh hành pháp của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) phê chuẩn trở thành một thành phố đặc biệt của Đài Loan.
Địa lý
Thành phố Cao Hùng có vị trí nằm trên bờ biển phía Tây Nam của Đài Loan và đối diện với eo biển Đài Loan. Những địa điểm giáp với Cao Hùng đó là Đài Nam ở phía Bắc, Gia Nghĩa và Nam Đầu ở phía Tây Bắc, Đài Đông ở phía Đông Bắc và Bình Đông ở phía Nam với Đông Nam. Những khu vực trung tâm thành phố sẽ tập trung ở Cảng Cao Hùng, ngoài ra còn có Đảo Cijin nằm phía bên kia cảng đóng vai trò như một đê chắn sóng tự nhiên. Ngoài ra nhờ giáp với dãy núi Trung tâm ở phía Đông Bắc và Biển Đông ấm áp ở phía Tây và Tây Nam nên Cao Hùng cũng bao gồm hàng loạt địa điểm tham quan khác nhau từ đồi núi, vườn thực vật cho đến biển đảo.
Khí hậu
Khu vực miền Nam của Đài Loan là nơi tiếp giáp giữa vùng nhiệt đới và vùng ôn đới nên thời tiết Cao Hùng sẽ mang tính chất khí hậu cận nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra nhờ vị trí giáp biển nên Cao Hùng cũng có không khí dễ chịu hơn, mức độ trời nóng và lạnh vừa phải chứ không quá mức gay gắt. Tuy rằng 4 mùa trong năm ở Cao Hùng không quá rõ rệt nhưng vẫn có một số nét đặc trưng, cụ thể như là:
- Mùa Xuân (tháng 3 - tháng 4): khí hậu ấm áp hơn và không còn cảm giác khô lạnh của mùa Đông nữa. Đây cũng là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc và tiết trời thoáng đãng nên lượng du khách ghé thăm cũng đông đúc.
- Mùa Hè (tháng 5 - tháng 9): vì ảnh hưởng bởi gió Tây Nam và Đông Nam từ biển thổi vào nên sẽ có những cơn mưa với lượng ẩm dồi dào. Với ác ngày không có gió thì trời lại nắng ráo và hơi khô hanh. Mức nhiệt độ trung bình những ngày hè ở Cao Hùng khoảng tầm 27°C - 33°C
- Mùa Thu (tháng 10 - tháng 11): thời tiết lúc này thì mát mẻ, nắng nhẹ và bầu không khí dễ chịu. Tuy nhiên đầu mùa thì vẫn còn chịu ảnh hưởng của mùa gió Đông Nam nên đôi khi có những cơn mưa kèm theo giông nhẹ. Tuy nhiên không ảnh hưởng lắm đến các hoạt động tham quan, vui chơi của du khách ở Cao Hùng.
- Mùa Đông (tháng 12 - tháng 2): thời tiết lúc này bắt đầu chuyển rét với mức nhiệt độ trung bình khoảng 10°C - 15°C. Khí hậu ở Cao Hùng vào mùa Đông chịu sự ảnh hưởng của gió Đông Bắc từ lục địa Trung Quốc thổi sang và kèm theo vài cơn mưa phùn rải rác.
Văn hóa và con người
Cao Hùng là nơi có nguồn tài nguyên phong phú về đại dương, núi và rừng đã góp phần tạo nên nét văn hóa và nghệ thuật đa diện độc đáo. Bên cạnh đó, Cao Hùng vẫn còn lưu giữ được văn hoá Hakka truyền thống lâu đời của người Khách Gia xưa. Ngôi làng dân gian Mỹ Nông (Meinong) ở Cao Hùng là nơi để du khách tìm hiểu về các di tích văn hóa Hakka, ngành nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian.
Ẩm thực
Có thể nói “ngọt" là từ ngữ dùng để nói về đa số khẩu vị người miền Nam ở Đài Loan và Cao Hùng chính là nơi nằm trong danh sách này. Ngoài ra thành phố Cao Hùng còn có nhiều nhóm dân tộc khác nhau cùng sinh sống nên cũng hình thành nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Với sự thay đổi khéo léo của đầu bếp cùng những nguyên vật liệu, thực phẩm, đặc sản nông ngư nghiệp địa phương đã tạo nên vô số món ăn hấp dẫn. Nếu có dịp làm một chuyến du lịch Cao Hùng thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn thơm ngon, nổi tiếng nơi đây như là:
- Mì bò: là món ăn yêu thích của người Đài nên mỗi nơi sẽ có mỗi cách chế biến khác nhau. Nếu bạn đã từng ăn mì bò cay ở Đài Bắc rồi thì sẽ thấy mì bò ở Cao Hùng mang hương vị khác hẳn. Những sợi mì khá dày, không bị nát hay bị bở dù để lâu trong phần nước dùng nóng hổi, ngọt thanh. Còn những miếng thịt bò thì cắt thành từng miếng dày, vừa có gân vừa có thịt nhưng lại rất mềm. Ngoài ra một số quán ăn ở Cao Hùng còn có cả 2 phiên bản, mì bò nước lẫn mì bò khô để thực khách thưởng thức.
- Bánh bao hàu: có lẽ du khác đã không còn xa lạ với món bánh bao nổi tiếng của ẩm thực Trung Hoa. Tuy nhiên khác với những loại nhân thịt, nhân tôm thì bánh bao hàu ở Cao Hùng đã thay thế bằng những con hàu béo ngọt - đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Khi ăn bánh bao hàu thì bạn có thể cảm nhận được vị hơi béo béo và lạ miệng.
- Lẩu sả: là một trong loại lẩu nổi tiếng ở thành phố Cao Hùng. Lý do đặt tên là lẩu sả đơn giản chỉ vì toàn bộ nước lẩu đều nấu cùng với sả tươi tạo nên hương vị thơm hấp dẫn. Phần nguyên liệu ăn kèm thì vẫn giống với nhiều loại lẩu khác, là gồm hải sản, thịt, rau, nấm, bún,... Thêm một đặc trưng của những nhà hàng lẩu sả đó là có phục vụ nước uống làm từ sả tươi giúp tốt cho sức khỏe.
- Súp chả cá viên: tuy đơn giản nhưng món ăn này lại mang hương vị tuyệt vời. Những con cá tươi đánh bắt trong ngày, được lựa chọn cẩn thận, làm sạch và lấy phần thịt. Sau đó nhào nặn thành những viên chả cá tròn bằng lòng bàn tay và nấu chín trong nước sôi. Món súp chả cá viên của người Cao Hùng rất dai, ngọt thịt nên chỉ cần cho thêm một chút gia vị để giữ nguyên được vị ngọt thanh tự nhiên của cá.
- Cháo cá măng: cá măng chính là một loại cá nhiệt đới, thịt thơm ngon nhưng lại không dễ chế biến.Tại thành phố Cao Hùng có khá nhiều nhà hàng và quầy bán cá măng nổi tiếng hoạt động hàng chục năm. Cháo cá măng là món ăn phổ biến vào buổi sáng mà du khách nên thử khi du lịch Cao Hùng. Cháo thì mềm, không quá nát, vị ngọt thanh cùng những miếng cá măng tươi ngọt, không hề có mùi tanh và được lấy hết xương nên dễ ăn vô cùng. Ngoài ra một số nơi còn cho thêm thịt băm, hàu vào món cháo cá măng giúp tăng thêm hương vị.
- Bánh dứa lòng đỏ trứng: là món bánh ngọt mà bất cứ ai ghé thăm Cao Hùng đều muốn được nếm thử. Vị béo ngậy của trứng và vị chua ngọt của dứa (thơm) hòa quyện với nhau tạo nên một chiếc bánh hấp dẫn vô cùng. Rất nhiều du khách không chỉ mua ăn mà còn mua những chiếc bánh dứa lòng đỏ trứng này đem về làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Bên cạnh đó ở Cao Hùng còn có rất nhiều món ăn đặc sản, món ăn đường phố hấp dẫn để du khách thưởng thức như: cơm vịt, lẩu cừu, bánh tiêu nhân thịt, bánh củ cải, đậu phụ thối, trà sữa,...
Các địa điểm tham quan
Nhắc đến Cao Hùng thì có lẽ ai cũng nghe đến Phật Quang Sơn Tự - nơi có bức tượng Phật ngồi cao nhất thế giới. Vậy thì ngoài những công trình kiến trúc Phật giáo thì ở Cao Hùng còn gì để tham quan hay vui chơi nữa. Đừng lo vì vẫn còn rất nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng khác dành cho khách du lịch đến trải nghiệm khám phá.
- Phật Quang Sơn Tự: quả thật là một điều tiếc nuối nếu như trong chuyến du lịch Cao Hùng mà bạn lại không đến Phật Quang Sơn Tự. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ với hàng trăm pho tượng, đền tháp được xây dựng trên khuôn viên 100 ha. Ấn tượng nhất là du khách được chiêm ngưỡng bức tượng“ Phật Quang Đại Phật” - là tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới.
- Tháp Tuntex Sky 85 tầng: nằm ngay giữa trung tâm thành phố Cao Hùng, tòa tháp này được xem là biểu tượng kinh tế của cả thành phố và cũng niềm tự hào của người dân Cao Hùng. Tháp Tuntex Sky 85 tầng chính là tòa nhà cao chọc trời thứ hai của Đài Loan với chiều cao lên đến 365 mét. Ngoài chiều cao thì kiến trúc của tòa nhà này cũng rất độc đáo, được thiết kế tạo thành chữ “Cao” là chữ đầu tiên trong tên của thành phố Cao Hùng.
- Đầm Liên Trì: là một hồ sen nhân tạo có diện tích rộng lớn nằm ở phía Đông của quận Zuoying, Cao Hùng. Mở cửa hoạt động vào năm 1951, đầm Liên Trì nổi tiếng với những cây sen trên mặt hồ và vô số các ngôi đền tuyệt đẹp nằm xung quanh. Đã đến đầm Liên Trì thì bạn nhớ viếng thăm những ngôi đền thờ, chùa chiền như là: đình Xuân Thu, tháp Long Hổ, đền Khổng Tử,...
- Lãnh sự quán Anh: là một công trình của lãnh sự quán Anh được xây dựng vào năm 1865 cũng như là tòa nhà phong cách Châu Âu đầu tiên ở Đài Loan. Lãnh sự quán Anh cũng chính là lãnh sự quán đầu tiên được xây dựng trên đảo Đài Loan. Hiện nay thì nó là một Di tích Lịch sử cấp 2 và hoạt động như một quán cà phê. Vì thế du khách có thể ghé thăm nơi đây, ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm ngon và ngắm nhìn bầu không khí yên bình xung quanh.
- Đảo Kỳ Tân (Cijin): là một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Cao Hùng chỉ 10 phút đi thuyền. Đến với đảo Kỳ Tân là cơ hội để bạn vừa được tận hưởng thiên nhiên trong lành, mát mẻ vừa chiêm ngưỡng nhiều kiến trúc nhân tạo ấn tượng. Ngoài ra còn có nhiều loại hải sản tươi sống với giá cả hợp lý để du khách thưởng thức.
- Vịnh Tây Tự (Sizihwan): nằm ở phía Tây Cao Hùng, vịnh Tây Tự là nơi sở hữu phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Nếu bạn thích khám phá những vùng đất yên bình để thư giãn, hoà mình cùng thiên nhiên thì vịnh Tây Tự rất thích hợp. Một điều đặc biệt nữa của vùng biển nơi này là bãi cát có màu đen nhánh độc đáo chứ không phải màu vàng hay màu trắng như vẫn thường thấy.
Ngoài ra thì du khách cũng có thể tham quan nhiều địa danh, khu vui chơi, bảo tàng,... khác nữa ở Cao Hùng, tiêu biểu như: trung tâm Nghệ thuật Pier-2, công viên giải trí E-DA, công viên Metropolitan, bảo tàng mỹ thuật Cao Hùng, trung tâm nghệ thuật quốc gia Cao Hùng, vườn thực vật nhiệt đới Dapingding, vườn quốc gia Yushan,...
Những hoạt động, trải nghiệm thú vị ở Cao Hùng
Không chỉ có những công trình kiến trúc ấn tượng, những khu danh thắng thiên nhiên hùng vĩ mà Cao Hùng còn ẩn chứa vô vàn điều thú vị. Nếu không có quá nhiều thời gian để khám phá hết Cao Hùng thì du khách cũng có thể lựa chọn một số hoạt động đặc sắc, thú vị và đặc trưng của vùng đất này.
Check In tại Trạm MRT Formosa Boulevard
Tuy chỉ là một trạm tàu điện ngầm MRT, là nơi trung chuyển các chuyến tàu điện ngầm nhưng đây lại là công trình kiến trúc tạo nên sự ấn tượng đối với nhiều du khách và được CNN xếp hạng là một trong những ga điện ngầm đẹp nhất thế giới. Nhà ga này ở Cao Hùng nổi tiếng với “Mái vòm ánh sáng” (Dome of Light) - là công trình thủy tinh lớn nhất thế giới, được thiết kế bởi nghệ sĩ người Ý Narcissus Quagliata. Những tấm kính lấp lánh với đủ màu xanh, vàng, đỏ thể hiện hình ảnh các loài động vật với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Vì thế không chỉ du khách thích đến đây checkin mà kể cả những cặp đôi chụp hình cưới cũng thích chọn địa điểm này để lưu giữ những khoảnh khắc khó quên.
Vui chơi tại các khu chợ đêm địa phương
Chợ đêm thì ở bất cứ nơi nào trên khắp Đài Loan cũng có bởi không chỉ đơn giản là khu chợ đêm mà đó còn là nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Nếu thích bầu không khí náo nhiệt và muốn thưởng thức nhiều món ăn ngon trong ẩm thực xứ Đài thì bạn đừng bỏ lỡ những ngôi chợ đêm ở Cao Hùng. Những cái tên như chợ đêm Thuỵ Phong, chợ đêm Lục Hợp, chợ đêm Tân Quật Giang,... đều hoạt động vô cùng sôi nổi về đêm. Ngoài việc “no căng bụng” với vô số món ăn ngon thì du khách còn có dịp tham gia một số trò chơi giải trí thú vị hay là mua sắm các món quà lưu niệm trong chuyến du lịch Cao Hùng.
Đi dạo bên bờ sông Ái Hà
Sông Ái Hà hay còn gọi là sông Tình yêu, là một địa điểm vui chơi được rất nhiều người dân Cao Hùng yêu thích, nhất là các cặp đôi. Xung quanh bờ sông có rất nhiều quán ăn, nhà hàng để du khách ngồi thư giãn, ngắm hay và cảm nhận không khí lãng mạn khi đêm về. Hoặc bạn cũng có thể thuê xe đạp, tản bộ dọc sông hay ngồi thuyền dạo quanh hồ. Nếu là người yêu thích những bộ phim Đài Loan, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy rằng rất nhiều cảnh huyền thoại trong phim đã được quay tại bờ sông Ái Hà này.