Chợ phiên Cán Cẩu
Chợ phiên Cán Cấu là một chợ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Viêt Nam; nằm ven đường 153 – một con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai
Nhắc đến các phiên chợ vùng cao thì không thể nào bỏ qua chợ Cán Cấu Bắc Hà - Si Ma Cai. Nơi đây được mệnh danh là sàn buôn trâu lớn nhất tại Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu bạn đang có ý định tới thăm phiên chợ này thì đừng quên theo dõi bài viết chia sẻ kinh nghiệm dưới đây của chúng mình nhé!
Giới thiệu về chợ phiên Cán Cấu
Chợ Cán Cấu là một phiên chợ mang phong cách đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Được tổ chức với quy mô lớn nhất nhì khu vực Bắc Hà - Si Ma Cai với sự hội tụ giao thương của người Giáy, Mông - Hoa, người Kinh và cả “Tây ba lô”. Phiên chợ không chỉ có các mặt hàng đa dạng mà còn là nơi tụ tập hẹn hò, gặp mặt, làm quen của người đồng bào.
Những quầy hàng được bày dưới mái tôn, bên trên bày biện đủ loại hàng hoá từ kim chỉ, vải dệt, trang sức cho đến đồ sắt, đồ nhôm,.. nhiều đến nỗi nhìn vào là thấy hoa cả mắt về độ đa dạng. Trong chợ ồn ào, tấp nập, không thiếu nhất là tiếng rao của người bán, tiếng trả giá của người mua và cả tiếng trò chuyện của bạn bè lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Người lớn gặp mặt còn trai gái thanh niên thì hẹn hò nhau đi theo từng tốp nhỏ. Chàng trai dắt tay cô gái không rời, kéo đi xem từng chỗ một, đôi khi lại dừng chân bên các sạp đồ, lựa từng món trang sức nhỏ xinh đẹp. Nhưng đẹp nhất vẫn là sắc hồng e thẹn trên gò má của cô thiếu nữ, vẻ đẹp ấy trở nên duyên dáng hơn bao giờ hết trong tà váy thổ cẩm rực rỡ lúc sớm mai.
Khi đến với chợ Cán Cấu, nếu hiểu về đặc trưng của các dân tộc du khách sẽ thấy người đến chợ chủ yếu là người Giáy và người Mông. Tuy nhiên, lối buôn bán ở chợ lại thực hiện theo cách của người Dao.
Đường đi tới chợ phiên Cán Cấu
Nơi diễn ra chợ Cán Cấu nằm ở ven đường 153 thuộc lưng chừng dốc Cán Chư Sử, con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Khoảng cách từ chợ Cán Cấu đến Sapa là hơn 100km, đến trung tâm thành phố Lào Cai là gần 100km về hướng Đông Bắc và cách huyện Bắc Hà khoảng 30km về hướng Bắc.
Nếu đi từ Sapa, du khách nên đi theo hướng quốc lộ 4D, qua huyện Bảo Thắng rồi rẽ tiếp vào đường 153 để đến thị trấn Bắc Hà. Từ Bắc Hà chỉ cần tiếp tục đi theo tuyến đường 153 là có thể đến được chợ Cán Cấu. Nếu tự bắt xe thì nói với nhà xe, họ sẽ đưa bạn đến địa điểm gần chợ nhất. Từ đó bắt xe ôm hoặc taxi đến điểm chợ Cán Cấu là được.
Nếu đi từ Hà Nội trực tiếp lên Cán Cấu, bạn có thể chọn mua vé xe khách đi thẳng lên Bắc Hà, từ bến xe Bắc Hà bắt xe đi đến chợ Cán Cấu (2 nhà xe phổ biến là Hà Sơn - Hải Vân và Sao Mai). Còn nếu tự đi thì bạn đi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chạy khoảng 200km, thoát ra ở nút giao phố Lu, rẽ phải qua cầu đi thẳng đến hết đường, tiếp đó rẽ phải đi thẳng tới thôn Bắc Ngầm. Tại đây vào lối rẽ đi thẳng lên Bắc Hà, đi tuyến 153 là đến Cán Cấu. Trên vùng cao đôi khi sử dụng Google Map không chính xác, du khách nên vừa đi vừa hỏi người đi đường để được chỉ dẫn.
Chợ Cán Cấu họp vào ngày nào?
Tương tự như các phiên chợ vùng cao khác ở Tây Bắc, chợ Cán Cấu cũng có một ngày họp chợ cố định là vào thứ 7 hàng tuần. Đôi khi vào các dịp lễ tết trong năm, chợ vẫn được tổ chức để phục vụ nhu cầu mua sắm, buôn bán cho bà con thôn bản. Thông thường, cứ đến sáng sớm ngày thứ 7 là bà con lại nô nức đến sân chợ, trên lưng đeo gùi đựng rau củ, vải vóc, trang sức, gà bản,... Con đường ngày thường vốn yên tĩnh bỗng chốc trở nên náo nhiệt hơn hẳn. Do chợ họp sớm nên kết thúc cũng sớm, thường là lúc đầu giờ chiều người dân bắt đầu thu dọn ra về. Du khách muốn tham quan thì nên dậy thật sớm để đến cho kịp giờ họp chợ. Thời gian thích hợp nhất là từ 6h - 11h trưa.
Nên đến chợ phiên Cán Cấu vào tháng mấy?
Nếu muốn du lịch Si Ma Cai kết hợp với tham quan, trải nghiệm chợ Cán Cấu thì bạn nên đi vào khoảng tháng 9 - tháng 11 hàng năm. Thời điểm này có hoa tam giác mạch nở và đúng vào mùa lúa trên các thửa ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng. Phong cảnh phố huyện trở nên rực rỡ tràn đầy sức sống. Từ tháng 9 là bắt đầu qua mùa mưa, khí hậu mát mẻ, khô ráo nên thích hợp để đến các huyện vùng cao du lịch.
Chợ phiên Cán Cấu có gì thú vị?
Ở chợ phiên Cán Cấu sẽ chia làm 3 khu vực buôn bán chính. Gồm khu bán gia súc, khu nông sản - thổ cẩm và khu ẩm thực. Khách hàng đến chợ cũng được chia làm từng nhóm riêng, cánh đàn ông chủ yếu đi chợ để mua bán trâu, gia súc gia cầm hoặc ăn thắng cố, uống rượu ngô. Phụ nữ thì đến khu còn lại để bày hàng buôn bán và mua sắm vật dụng cho gia đình. Mỗi khu vực sẽ có những điều thú vị riêng, cụ thể bạn có thể theo dõi trong hành trình dưới đây nhé.
Khu bán gia súc
Khu rộng và thu hút sự tò mò nhiều nhất có lẽ là khu bán gia súc. Trong khu này sẽ bán dê, gà, bò, lợn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là trâu. Không phải tự nhiên mà chợ Cán Cấu lại được mệnh danh là “Sàn giao dịch trâu” lớn nhất Tây Bắc. Trâu ở đây được đảm bảo về chất lượng, thương lái từ các vùng đổ về mỗi phiên chợ vô cùng đông. Không chỉ ở trong nước mà còn có cả các thương lái đến từ Trung Quốc.
Cách mua bán ở chợ trâu cũng rất khác biệt, người mua người bán không ồn ào mặc cả qua lại mà chỉ cần nhỏ giọng trao đổi, chốt giá với nhau. Ở đây người dân chân chất, thật thà nên cực kỳ hiếm khi xảy ra tình trạng hét giá. Người mua đến đây có thể an tâm về giá cả, đôi khi mặc cả cũng chỉ là hình thức lấy may giữa 2 bên. Sau khi đã chốt được giá bán, thông thường cả chủ trâu lẫn khách hàng sẽ cùng nhau rẽ sang hàng thắng cố. Đây được coi là một hình thức ăn mừng, giao lưu phổ biến của các thương lái tại chợ phiên.
Khu bán nông sản - thổ cẩm
Tuy không nổi tiếng như chợ trâu nhưng khu bán nông sản vẫn là nơi được du khách và người dân địa phương vô cùng yêu thích. Các mặt hàng ở đây phần lớn đều là hàng hoá do gia đình tự sản xuất. Rau củ quả hái trong vườn, rượu ngô nhà tự ủ và có cả túi, khăn tay, đồ chơi thổ cẩm do các bà, các mẹ làm ra. Khi đến khu chợ này, bạn sẽ phải ấn tượng với sắc màu sặc sỡ của thổ cẩm, những chiếc váy Mông vạt xòe được bày bán trên sạp, bên cạnh là hàng phụ kiện bạc lấp lánh vô cùng thu hút. Có những chiếc váy được làm thủ công tinh xảo, cầu kỳ nên giá cả lên tới hàng triệu đồng.
Nếu muốn tìm mua các loại dược liệu, du khách cũng có thể đến khu bán nông sản để tìm. Ở đây thường có các cô bác lớn tuổi bày bán dược liệu trị thấp khớp, thiếu máu, huyết áp và một số bệnh về tiêu hoá. Dược liệu hầu hết đều được xử lý, chế biến và phơi khô nên chỉ cần mua về là sử dụng được.
Khu ẩm thực
Khu ẩm thực là nơi lúc nào cũng tấp nập khách khứa, từ trai gái, cô dì chú bác hay du khách nước ngoài cũng đều tập trung về đây để thưởng thức món ngon nơi phố huyện. Một tuần phiên chợ chỉ diễn ra một lần nên hàng quán ăn thường được mọi người chọn làm nơi hội họp gặp mặt, vừa ăn uống vừa trò chuyện.
Món ăn phổ biến nhất tại đây là phở và thắng cố. Phở thường được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn vì dễ ăn. Tuy nhiên, so với cách ăn ở nơi khác thì phở trong chợ Cán Cấu cũng có chút khác biệt. Bánh phở có màu hồng nhạt, được xay từ gạo nương nên sợ dẻo, mùi thơm, vị ngọt nhẹ. Thường thì chủ quán sẽ tự làm bánh phở tại nhà nên khi ăn mỗi quán sẽ có một hương vị riêng. Phở vùng cao được ăn kèm với thịt lợn bản hoặc thịt gà đen luộc. Khi ăn, bạn sẽ chọn phần thịt mình muốn, chủ quán sẽ thái nhỏ hoặc chặt, đem trần qua và cho thịt vào bát canh nóng hổi. Sau đó, rắc thêm chút hành lá, mì chính, bột canh rồi phục vụ kèm một bát nước chấm đặc biệt. Món ăn tuy đơn giản nhưng vị ngon lại nằm ở sự tinh túy của từng nguyên liệu. Chỉ khi đến tận nơi, tự mình thưởng thức thì mới cảm nhận được hết vị ngon của ẩm thực vùng cao Tây Bắc.
Bên cạnh 2 món trên, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn vặt quen thuộc như bánh rán, bánh bò, bánh bao, bột ngô, bột đao xem có khác gì so với hương vị thường ngày không nhé.
Kinh nghiệm đi chợ phiên Cán Cấu
Tham quan chợ Cán Cấu nhưng du khách đừng quên lưu lại một số tip sau để chuyến đi thuận lợi hơn. Cụ thể:
- Nếu bị say xe thì nhất định phải chuẩn bị thuốc chống say đầy đủ cho cả chiều đi, chiều về. Đường lên Bắc Hà - Si Ma Cai vô cùng quanh co, đổ đèo liên tục nên rất dễ say. Nếu được bạn nên chọn đi xe giường nằm cho dễ chịu.
- Nếu bị say mì chính thì du khách hãy dặn trước với chủ quán là không cho vào món ăn. Người vùng cao thường có thói quen nêm nhiều mì chính, hạt nêm nên bạn cần chủ động nhắc để họ tránh nhé.
- Trước khi gọi món nên gọi phần nhỏ để xem có hợp không rồi hãy gọi nhiều. Một số món như thắng cố, óc đậu, bột đao ăn kèm giấm chua có thể không hợp khẩu vị của bạn nên cần thử trước khi gọi nhiều.
- Khi đi chợ nên chọn trang phục thoải mái, dễ di chuyển vì sẽ phải đi bộ nhiều.
- Nếu có thể hãy tìm một hướng dẫn viên địa phương đi cùng, họ sẽ giúp bạn phiên dịch, trao đổi mua bán dễ dàng hơn. Một số người bán hàng lớn tuổi không hiểu tiếng Kinh nên điều này rất cần thiết.
Tương tự như bao chợ phiên khác, chợ Cán Cấu là dịp mà mọi người có thể hẹn hò, gặp mặt bàn chuyện lứa đôi. Đây là một nét văn hoá độc đáo và thú vị của người dân địa phương. Bởi thế, nơi đây không đơn thuần chỉ là địa điểm giao thương buôn bán mà còn là nơi gìn giữ bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc.