Hong Kong
mask
Đã đi
Sắp đi
2,786 Gody-er đã đến
Phương tiện đi lại tại Hong Kong

Với khách du lịch nước ngoài thì việc tìm kiếm đường đi hay các phương tiện giao thông tại nơi mình sắp ghé thăm cũng rất quan trọng. Vì sẽ có những khu vực còn chưa phát triển lắm nên đi lại cũng hơi khó khăn. Nhưng khi đến với xứ Cảng Thơm thì bạn không cần bận tâm điều này. Bởi thành phố Hong Kong có khá nhiều phương tiện từ những loại phổ biến thông thường cho đến một số phương tiện khá đặc biệt. Dưới đây là các thông tin về phương tiện đi lại ở Hong Kong cũng như cách đi như thế nào, giá cả ra sao để các bạn có thể tham khảo.

Phương tiện di chuyển đi lại ở Hong Kong

Là một thành phố năng động và hiện đại, hệ thống giao thông ở Hồng Kông rất đa dạng cũng như thuận tiện để người dân có thể dễ dàng di chuyển mỗi ngày. Du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn những phương tiện đi lại ở Hong Kong, tiêu biểu như là:

Tàu điện MTR (Mass Transit Railways)

Hệ thống tàu điện MTR được xem là phương tiện đi lại ở Hong Kong rất phổ biến đối với người dân địa phương và khách du lịch. Bởi các yếu tố giá rẻ, mức độ an toàn cao và nhất là dễ dàng tới các điểm du lịch nổi tiếng ở Hồng Kông. Các tuyến tàu điện MTR có mặt ở hầu hết ở khắp mọi nơi, kể cả khu vực biên giới Trung Quốc đại lục. Khi đến sân bay Quốc tế Hồng Kông, bạn chỉ cần bắt tàu điện MTR là có thể đi bất cứ đâu đến các khu vực khác trên đảo.

Hệ thống tàu điện MTR ở Hong Kong có tới 90 trạm dừng đỗ và 11 Lines tàu giúp bạn dễ dàng đặt chân tới các địa điểm mà mình cần đến. Các trạm dừng của tàu điện MTR được thiết kế giống như một khu phức hợp thuận tiện, bao gồm các cửa hàng miễn thuế, cửa hàng tiện lợi, giặt ủi, cửa hàng quần áo, gian hàng ẩm thực,...Để cập nhật tất cả thông tin mới nhất về hệ thống tàu điện MTR Hong Kong như điểm đến, giá vé, tuyến đường gợi ý,... thì bạn có thể cài đặt ứng dụng MTR Mobile trên điện thoại của mình.

Thời gian hoạt động của tàu điện MTR bắt đầu từ 06g00 sáng cho tới hết 24g00 đêm mỗi ngày và thời gian chờ mỗi chuyến tàu từ 2 phút - 14 phút/ chuyến. Khách du lịch nên thanh toán vé bằng thẻ Octopus cho tiện lợi và tiết kiệm hơn. Giá vé tàu điện MTR dao động từ 8 HKD - 35 HKD (~ 24.000 VND - 106.000 VND) với các tuyến trong nội thành, còn những trạm gần biên giới Trung Quốc thì giá vé có thể lên đến 60 HKD (~ 180.000 VND). Đối với đối tượng người già trên 65 tuổi và trẻ nhỏ từ 3-11 tuổi thì chỉ cần trả 50% giá vé.

Xe điện Tram

Xe điện này ở Hong Kong còn được gọi với cái tên khá dễ thương là “xe Ding Ding” bởi đó là âm thanh phát ra khi chiếc xe điện này chạy trên đường phố. Được xem là phương tiện công cộng lâu đời nhất ở Hong Kong, xe điện có tuổi đời hơn trăm năm từ những năm 1900 và cũng từng xuất hiện nhiều trên các bộ phim TVB nổi tiếng. Những chiếc xe điện này là phương tiện chạy trên những tuyến đường ray sắt và có cần nối phía trên với 2 hướng đi chính là có 2 là hướng Đông tới Sheung Wan và hướng Tây tới Causeway Bay. Đặc biệt là bạn đừng bỏ qua tuyến xe điện nổi tiếng với tuổi đời lên tới 125 năm là Peak Tram, đưa bạn leo lên đỉnh The Peak ngắm nhìn toàn cảnh Hong Kong.

Tuy di chuyển khá chậm nhưng xe điện Ding Ding là một phương tiện đi lại ở Hong Kong tạo được điểm nhấn gây thu hút với du khách nước ngoài. Hàng ngày các xe điện sẽ chạy từ 06g00 sáng đến 24g00 đêm và trung bình cứ 1 phút rưỡi là có một chuyến xe điện. Tất cả các chuyến xe điện đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ Octopus. Hành khách cần lên xe điện từ phía cửa sau và thanh toán chính xác tiền vé tại phía cửa xe khi xuống. Về giá vé thì bất kể bạn đi tuyến nào thì đều có giá vé đồng giá là 2.3 HKD/người lớn (~ 7.000 VND), 1.2 HKD/trẻ em (~ 3.600 VND) và 1.1 HKD/người già (~ 3.300 VND). 

Xe bus

Cùng với tàu điện thì xe bus là phương tiện đi lại ở Hong Kong được khách du lịch sử dụng nhiều nhất. Xe bus ở đây đều là loại xe hai tầng, được trang bị điều hòa và các điểm đến được hiển thị phía trước bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Khi đến điểm dừng của mình, bạn phải nhấn nút thông báo trên xe bus để báo cho tài xế biết. Ở Hong Kong thì xe bus là mua vé tự động và giá vé sẽ được hiển thị trên bảng thông tin tại các trạm. Lưu ý là không phải xe bus 2 tầng nào ở Hong Kong cũng chạy ban đêm. Vì thế bạn hãy chú ý nhìn trên đầu xe, nếu chiếc xe có chữ ‘N’ nghĩa là xe chạy đêm. Các tuyến xe bus chính và lưu thông riêng từng khu vực ở Hong Kong là:

  • Kowloon Motor Bus, New World First Bus, City Bus: Chạy chính ở khu đảo HongKong, Kowloon (Cửu Long) và Tân Giới.
  • New LanTao Bus: Chạy trong phạm vi khu LanTao.
  • LongWin Bus: chạy chủ yếu trong khu Bắc LanTao và sân bay.

Ngoài ra ở Hong Kong còn có loại xe bus mini loại nhỏ tầm 16 người. Tuy nhiên phương tiện này ít được nhắc đến do đa phần chỉ lưu thông trong những con đường nhỏ nên khách du lịch đi không nhiều mà chủ yếu là người địa phương. Xe bus mini cũng chia thành 2 loại xe:

  • Xe bus mini dừng đỗ theo điểm quy định: là xe có màu xanh với giá vé từ 3 HKD – 24 HKD (~ 9.000 VND - 72.000 VND)
  • Xe bus Mini dừng đỗ theo điểm khách yêu cầu: là xe có màu đỏ, với giá từ 7 HKD – 40 HKD (~ 21.000 VND - 120.000 VND). Tuy là loại xe bus dừng đỗ theo yêu cầu của hành khách nhưng chỉ áp dụng trên tuyến đường đi chính của xe bus.

Xe taxi

Ai cũng biết so với những phương tiện giao thông công cộng khác thì taxi luôn có giá thành đắt đỏ hơn nhiều. Nhưng đổi lại là du khách không cần chờ đợi lâu mà lại đến thẳng các điểm tham quan nhanh chóng. Nhưng theo kinh nghiệm thì bạn chỉ nên đi taxi những đoạn đường ngắn trong thành phố thôi còn đi xe thì không nên chọn taxi bởi sẽ mất một khoản tiền khá nhiều. Khác với nhiều nơi, các taxi ở Hong Kong có ba màu tương ứng với từng khu vực, đó là:

  • Màu Đỏ: chạy các quận nội thành của Hong Kong (Ngoại trừ đường Tung Chung và khu vực phía nam Đại Nhĩ Sơn (đảo Lantau Island). Giá khởi điểm ban đầu là 24 HKD (~ 72.000 VND)
  • Màu Xanh lá: chạy quanh khu New Territories (Tân Giới). Giá khởi điểm ban đầu là 20 HKD (~ 60.000 VND)
  • Màu Xanh dương: chạy trên Đại Nhĩ Sơn, đảo Lantau Island. Giá khởi điểm ban đầu là 19 HKD (~ 57.000 VND)

Phà

Là một thành phố ven biển, phương tiện giao thông ở Hồng Kông còn có phà Star Ferry. Các tuyến đường chính của Star Ferry băng qua Cảng Victoria, nối đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long. Dù đã có tàu điện MTR xuyên biển thì đi phà vẫn có là trải nghiệm thú vị dành cho du khách như: giá vừa rẻ, dễ đi lại vừa được ngắm cảnh vịnh Victoria thanh bình, mát mẻ. Nếu du khách di chuyển từ đảo Kowloon qua đảo Hong Kong (hoặc ngược lại), thì phà sẽ là một lựa chọn hợp lý. Cũng như nhiều loại phương tiện khác, khi đi phà có thể trả bằng thẻ Octopus hoặc bằng tiền mặt. Giá vé phà khoảng 2,7 HKD/lượt (~ 8.000 VND) vào ngày thường và 3,7 HKD/lượt (~ 11.000 VND) vào cuối tuần.

Các chuyến phà ở Hong Kong chia thành 6 loại chính với đa dạng điểm đến: 

  • Star Ferry: Tsim Sha Tsui, Kowloon - Central, Wan Chai 
  • Outlying Islands Ferry Pier: đi các đảo nhỏ quanh Hong Kong như Cheung Chau, Peng Chau, Lantau, Lamma,…
  • New World First Ferry: Cheung Chau, Peng Chau và tuyến Lantau
  • Hong Kong & Kowloon Ferry: Lamma Island - Kowloon
  • Discovery Bay Transportation Services:  là tuyến đường thuỷ chạy khu Discovery Bay
  • Park Island Transport: Park Island - Ma Wan

Cáp treo Ngong Ping

Không phải là phương tiện đi lại phổ biến ở các khu vực trung tâm thành phố Hong Kong nhưng cáp treo Ngong Ping rất thú vị dành cho những ai đang có kế hoạch ghé thăm đảo Lantau. Cáp treo Ngong Ping được mệnh danh là một trong những hệ thống cáp treo vĩ đại nhất thế giới với chiều dài 5,7 km di chuyển trong vòng 25 phút. Trong suốt quãng đường đi này bạn chắc chắn sẽ phải tròn mắt đến ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ của đảo Lantau, sân bay, cảnh biển bao la, tượng Phật Thiên Tân vĩ đại và toàn cảnh làng Ngong Ping. Bạn có thể lựa chọn loại cáp treo thường hay cáp treo cá nhân, còn nếu muốn có được những trải nghiệm chân thực nhất thì bạn có thể chọn loại cabin đáy kính trong suốt để thấy toàn bộ quang cảnh bên dưới.

Thời gian cáp treo Ngong Ping hoạt động là từ 11g00 sáng đến 17g00 chiều. Vì thế du khách cần lên lịch trình để sắp xếp chuyến đi hợp lý. Tham khảo giá vé các loại cáp treo Ngong Ping. Lưu ý là bạn nên đặt vé cáp treo trước tại những app đặt vé online vì sẽ tránh được tình trạng xếp hàng đông đúc chờ mua vé.

  • Vé cáp treo thường: 160 HKD/vé/lượt (~ 483.000 VND)
  • Vé cáp treo đáy kính: 200 HKD/vé/lượt (~ 604.000 VND)

Sử dụng thẻ Octopus Hong Kong để đi lại ở Hong Kong

Nếu đã tìm hiểu xong các thông tin về phương tiện đi lại ở Hong Kong thì bạn cũng không nên bỏ qua chiếc thẻ Octopus này. Đây là một loại thẻ tiện dụng thông minh được sử dụng khá rộng rãi và có tới 95% người dân Hồng Kông sở hữu bởi vì nó có nhiều mục đích như: dùng để mua sắm trong các cửa hàng tiện lợi, sử dụng đi lại phương tiện công cộng, ăn uống trong các khu trung tâm thương mại,.... Được biết, thẻ Octopus ở Hồng Kông được chia ra làm các loại thẻ khác nhau, cụ thể:

  • Loại thẻ On Loan: chủ yếu là dùng cho khách du lịch nước ngoài vì sau khi kết thúc chuyến du lịch Hong Kong thì bạn có thể trả lại thẻ và yêu cầu phí hoàn thẻ. 
  • Loại thẻ Personalized: dùng chủ yếu cho người dân bản địa, bởi nó có thể kết nối với tài khoản ngân hàng của bạn. Điều này giúp cho người Hồng Kông nạp tiền đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng.
  • Loại thẻ Child và Elder: là 2 loại thẻ ưu tiên đặc biệt dành cho đối tượng trẻ nhỏ từ 3 - 12 tuổi và người già trên 65 tuổi. Vì thế giá mua thẻ Octopus Child và thẻ Octopus Elder sẽ rẻ hơn các loại thẻ khác, cũng như có áp dụng nhiều chương trình ưu đãi hơn.

Thẻ Octopus Hong Kong có công dụng gì?

Trước đây, khi thẻ Octopus phát hành thì chủ yếu dùng thanh toán cho các phương tiện công cộng ở Hong Kong như: xe bus, tàu điện MTR, phà,.... Nhưng với sự phát triển thì nhiều hãng xe taxi ở đây cũng bắt đầu chấp nhận hình thức thanh toán bằng thẻ Octopus. Tuy nhiên đa phần đều là những hãng taxi lớn, còn những hàng taxi nhỏ thì vẫn chưa có. Vì vậy, nếu bạn muốn thanh toán bằng thẻ Octopus khi đi taxi ở Hong Kong thì nhớ hỏi bác tài trước khi lên xe nhé. 

Ngoài ra, với thẻ Octopus còn có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng lớn như: MCDonalds, Starbucks, nhà hàng Mrs.Fields,.... hay là sử dụng được trong chuỗi cửa hàng tiện lợi như: Cửa hàng 7-Eleven, cửa hàng Circle K, cửa hàng Watson,.... Không chỉ có vậy mà ở Hong Kong cũng có rất nhiều khu vui chơi giải trí chấp nhận sử dụng chiếc thẻ Octopus như: Công viên giải trí Ocean Park, trường đua ngựa Happy Valley,... 

Bên cạnh đó, một số du khách cũng thắc mắc là thẻ Octopus được dùng chung nhiều người không hay là mỗi người phải dùng riêng mỗi thẻ. Cái này sẽ tuỳ theo mục đích mà khách du lịch sử dụng chiếc thẻ này. Nếu bạn dùng thẻ để mua vé cho các phương tiện đi lại ở Hong Kong thì bắt buộc là mỗi hành khách phải có thẻ Octopus riêng. Còn như bạn dự định mua sắm bằng thẻ Octopus thì có thể thanh toán chung 1 hoá đơn và trả bằng 1 thẻ thôi cũng được.

Cách mua - trả thẻ Octopus Hong Kong

Với người dân địa phương thì sẽ mua thẻ Octopus để sử dụng lâu dài còn với đối tượng là khách du lịch thì bạn có thể mua cho mình 1 chiếc thẻ Octopus loại On Loan để dùng trong những ngày đi chơi tại Hong Kong thôi. Ở các quầy vé hoặc quầy thông tin tại sân bay, ga tàu điện ngầm và các cửa hàng tiện lợi dọc đường đều có nơi bán thẻ Octopus. Du khách có thể dễ dàng sắm ngay một thẻ Octopus chỉ với giá rất rẻ, chỉ 150 HKD (~ 452.000VND) trong đó bao gồm 50 HKD tiền cọc (~ 150.000 VND), 7 HKD phí mượn thẻ (~ 21.000 VND) và 93 HKD tiền sử dụng (~ 280.000 VND). Trong trường hợp không dùng hết số tiền trong thẻ thì lúc trả thẻ, du khách sẽ được hoàn lại tiền thừa (trong đó có gồm 50 HKD tiền cọc thẻ).

Còn về việc trả lại thẻ Octopus thì thì sau kết thúc chuyến đi, bạn có thể tới quầy Customer Services ở khu vực sân bay hoặc nhà ga tàu điện MRT. Hỏi thăm nhân viên tại quầy để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết về thủ tục trả thẻ, cũng như việc hoàn tiền khi chưa sử dụng hết. Hoặc nếu không bạn có thể giữ thẻ làm kỉ niệm và thẻ Octopus này có giá trị sử dụng trong vòng 3 năm. Để những lần sau có đi Hong Kong thì bạn vẫn có thể nạp tiền vào thẻ để dùng tiếp tục.

Cách sử dụng thẻ Octopus Hong Kong

Tại cửa ra của các ga tàu điện ngầm hay bến phà luôn có bộ phận để bạn quẹt thẻ Octopus. Nếu bạn sử dụng tàu điện MRT thì khi ra khỏi cửa ga, bạn hãy quẹt thẻ tại cửa ra, số tiền đi lại tuỳ thuộc vào chặng đường ngắn hay dài. Trên xe bus thì cổng quẹt thẻ ở ngay cạnh ghế lái. Khi lên xe, tùy thuộc vào bến dừng mà bạn muốn tới để trả tiền vé. Tuy nhiên, đối với các loại xe minibus xanh nhỏ chở được khoảng 16 người có giá vé cố định thì phải trả tiền trước khi lên xe. Đối với việc thanh toán bằng thẻ Octopus khi mua hàng tại các cửa hàng thức ăn nhanh hoặc cửa hàng tiện lợi thì cũng tương tự như thẻ ngân hàng.

Nhìn chung hệ thống giao thông ở Hong Kong rất hiện đại với nhiều sự lựa chọn đa dạng. Tùy theo mục đích và điểm đến mà du khách sẽ tìm được phương tiện phù hợp với mình.