Hội quán Hải Nam - Hội An

352 reviews
Viết review

Hội quán Hải Nam còn có vài tên gọi khác như Quỳnh Phủ Hội Quán, chùa Hải Nam. Đây chính là hội quán nổi tiếng tại Hội An, là một công trình hội tụ những yếu tố trang trọng, uy nghiêm thường thấy ở các kiến trúc cổ.

Thông tin cần biết
  • Giá vé: Du khách mua vé khi vào phố cổ. 120.000 VNĐ cho khách nước ngoài và 80.000 VNĐ cho người dân bản xứ. Vé có giá trị trong 24 giờ.

  • Địa chỉ: 10 Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Trong quá trình lịch sử của người Hoa đến định cư ở Việt Nam thì khu vực Hội An, Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử giữa hai dân tộc. Hội An là vùng đất nơi mà người Hoa bắt đầu định cư, thành lập nên cộng đồng tộc người từ rất sớm, lâu đời và liên tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Khi vào vùng Hội An, họ tự lập ra 5 bang phái lớn: nhất Quảng Đông, nhì Phúc Kiến, tam Triều Châu, tứ Hải Nam cùng ngũ Gia Ứng, rồi tiến hành sinh hoạt cộng đồng tại "Dương Thương hội quán" (hay còn gọi là hội quán Ngũ Bang). Do vậy, cộng đồng người Hoa ở Hội An thường được mọi người gọi là người Hoa Ngũ Bang. Một trong số họ có người Hoa Hải Nam, họ cũng chính là người sáng lập nên Hội quán Hải Nam bây giờ. Hội quán Hải Nam gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử đặc sắc và mang đậm nét những bản sắc văn hóa dân tộc. Nơi đây cũng là địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều du khách ghé đến khi du lịch Hội An.

Giới thiệu về Hội quán Hải Nam

Hội quán Hải Nam hay còn được gọi là Quỳnh Phủ Hội quán được thiết kế và xây theo phong cách kiến trúc cổ xưa của Trung Hoa. Với vẻ trang trọng, tôn nghiêm trong thờ cúng; đồng thời đem tới không khí ấm áp, kết nối các thành viên tham gia sinh hoạt cộng đồng. Hàng năm, người dân Hải Nam tại Hội An cùng các nơi khác thường tụ để cúng lễ vào các ngày 2/1 âm lịch và 15/6 âm lịch. Tương truyền, Hội quán Hải Nam là nơi cầu xin giải oan sai rất linh thiêng.

Lịch sử về Hội quán Hải Nam

Ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, du khách sẽ khó mà tìm ra được về lịch sử của Hội quán này. Có khá ít ỏi tin tức xung quanh về lịch sử của hội quán Hải Nam. Tuy nhiên, nếu đọc những tư liệu lịch sử, du khách sẽ dễ dàng nhìn ra được những sự thật xung quanh hội quán. Trước kia, hội quán được người dân ở bang Hải Nam – Trung Quốc thành lập. Thời gian xây hội quán vào năm 1875 dưới thời vua Nguyễn.

Trước đây, hội quán được xây dựng với mục tiêu chủ yếu là chỗ sinh hoạt văn hoá tập thể theo phong tục cổ truyền của người dân Hải Nam, Gia Ứng. Về sau này, hội quán thành chỗ thờ cúng của 108 thương buôn hàng hải người Hải Nam đã chết oan ức vì bị tưởng lầm là kẻ gian cướp bóc, quân cướp biển. Mãi đến thời hoàng đế Tự Đức thì 108 vị thương buôn trên mới được giải oan và phong thành Trung Đẳng thần.

Giai thoại về 108 vị Chiêu Ứng Anh Liệt

108 vị thương buôn nhóm người Hải Nam được thờ phụng đều là các thương buôn đường biển. Tương truyền, vào độ tháng 6 ÂL năm 1851 (Tân Hợi), họ trở về viếng thăm quê hương tại đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi ấy, chiếc tàu tuần tra của quân nhà Nguyễn đang tuần tiễu trên biển, có Cai vệ Phạm Xích cùng Lang trung Tôn Thất Thiều điều khiển và chỉ huy. Khi đến biển Quảng Ngãi, tàu tuần đã gặp ba chiếc tàu buôn của thương nhân Hải Nam, liền nã đạn thần công khiến cho cả ba chiếc tàu giương buồm trốn chạy.

Ba hôm sau, tàu tuần tra của nhà Nguyễn đuổi theo ba chiếc tàu buôn và đập bể một chiếc, một chiếc trốn thoát được và một chiếc bị bắt lại. Sau khi lục soát, xác định là thương buôn Hải Nam chớ không phải hải tặc, tuy nhiên thấy trên tàu có vô số của cải quý hiếm, Tôn Thất Thiều cùng Phạm Xích nảy tâm tham lam, liền hạ lệnh sát hại tất cả các thương gia và vứt thi thể dưới biển hòng lấy tài sản. Họ tâu với nhà vua đã tiêu diệt được tàu hải tặc và đòi ban thưởng.

Mặc dù thế, vua Tự Đức vẫn nảy sinh nghi ngờ, do đánh trận với hải tặc mà quân sĩ không ai bị thương tích hay thiệt hại gì, trong khi phía bên ấy lại bị giết hết, vì vậy vua đã cho kiểm tra lại. Dân gian thuật lại vào thời điểm ấy, đêm nọ có một số thực khách vào ăn uống tại một nhà hàng trên phố Gia Hội (Huế) nhưng không có tiền lẻ chi trả, một thanh niên liền cởi chiếc nhẫn anh đang mang trên tay trái để trả. Bà chủ tiệm phát hiện đây là chiếc nhẫn cưới của chồng bà - một thương buôn người Hải Nam, bà đã vô kinh thành để gõ trống kêu oan. Lại có lời đồn rằng, linh hồn những thương buôn đã báo cho vua Tự Đức để cầu xin minh oan cho họ.

Sau khi điều tra rõ, hai tên cầm đầu bị xử tùng xẻo phanh thây, năm vị quan lại đều bị cách chức và lôi ra xử chém, những kẻ sót lại bị biếm truất, tịch thu tài sản, lưu đày đến biên cương... Về phía những thương nhân, nhằm tưởng nhớ vong hồn bị nạn oan, vua Tự Đức cho lập trai đàn cầu siêu tại biển Thuận An. Đồng thời, phong cho các vị là Chiêu Ứng Anh Liệt và cho phép lập đền thờ cúng phụng, bởi vua tin rằng họ đã siêu thoát và linh ứng sau khi chết. Tương truyền, sau này thì những vị ấy đã ra tay cứu giúp nhiều tàu thuyền bị tai nạn trên biển. Từ xưa, người Hoa Hải Nam lập đền thờ phụng 108 vị ở những nơi mà cộng đồng họ sinh sống.

Thông tin cần biết về Hội quán Hải Nam

Hội quán Hải Nam nằm ở chỉ ngay trung tâm phố Hội: số 10, đường Trần Phú, thành phố Hội An. Hội quán Hải Nam mở đón tiếp du khách vào 8h sáng cho đến 17h chiều. Đối với vé vào cửa, giá vé đã được bao hàm cả vé tham quan phố Hội 80.000 VNĐ. Vì thế, nếu đến Hội quán Hải Nam, du khách sẽ không còn cần mua thêm bất kỳ chiếc vé vào cửa nào nữa.

Hội quán Hải Nam có gì hay? Có gì hấp dẫn?

Hội quán Hải Nam trước kia gọi là Quỳnh Phủ Hội quán, được xây vào khoảng vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ XIX với phong cách kiến trúc cổ điển của người Hải Nam - Trung Hoa. Hội quán có đủ những ngôi chính điện, nhà Đông, nhà Tây, sân tiền, sân hậu. .. Trải qua năm tháng cùng những biến động lịch sử, hội quán Hải Nam tại Hội An vẫn còn được bảo lưu toàn vẹn cả kiến trúc, nghi lễ thờ cúng, phong tục sinh hoạt của người Hoa tại nơi đây.

Những nét kiến trúc độc đáo tại Hội quán Hải Nam

Được thiết kế và xây dựng năm 1875 theo kiểu kiến trúc đậm nét dấu cổ điển của Trung Hoa, bao gồm nhà tiền đình, tổ đình, chánh điện, nhà phía Đông, nhà phía Tây, sân tiền, vườn hậu, gắn kết liên hoàn theo kiểu hình chữ Quốc khép kín. Tất cả được phối hợp nhịp nhàng, tinh tế của từng thứ nguyên vật liệu với bàn tay khéo léo trong kỹ thuật chạm khắc đã làm thành một kiến trúc vừa phải đáp ứng đủ tiêu chí sang trọng, tôn nghiêm để thờ phụng; vừa phải đem lại một không khí ấm áp, kết nối các thành viên người Hải Nam đang sinh sống và sinh hoạt cộng đồng.

Tiền điện hội quán được thiết kế theo kiểu hệ hình mái ống gồm 3 gian từ cao đến thấp. Gian tiền điện được xây dựng hoàn toàn với vật liệu bằng gỗ quý và được phủ lên lớp sơn màu đỏ đều. Hai bên cổng có đặt 2 con nghê bằng đá. Giữa chánh điện là một bệ thờ bằng gỗ sơn mô tả khung cảnh sinh hoạt tam giới "Trời, Đất, Người" vô cùng đặc sắc. Phía trong long môn của chánh điện là bài vị thờ 108 thương buôn bị chết oan đã được Tự Đức phong làm "Nghĩa Liệt Chiêu Ứng" và cho dân dựng đền thờ phụng. Từ chánh điện Hội quán trông ra, phía bên tay trái có thờ thần tài, phía bên tay phải thờ tiền hiền với ngụ ý mong tiền tài, mong được những vị tiền bối che chở.

Lễ giỗ Tiền hiền tại Hội quán Hải Nam

Hàng năm đến ngày rằm tháng 6, bang Hải Nam sẽ làm lễ cúng 108 vị Nghĩa Liệt Chiêu ứng cùng với đó là lễ giỗ Tiền hiền của bang. Theo thông lệ, ngày 15 tháng 6 âm lịch, lễ cúng sẽ diễn ra trong bầu không khí trang trọng với sự tham gia của đông đủ bà con bang Hải Nam tại Hội An cùng một số địa phương phụ cận như Tam Kỳ, Đà Nẵng,...

Từ rất sớm, bà con toàn bang đã dọn dẹp trang hoàng bàn thờ, sân sãi, sửa soạn thức ăn, lễ vật dâng cúng... Đúng 10h30, lễ cúng chính thức diễn ra trong bầu không khí trang trọng, với lòng kính bái của toàn thể bà con. Theo phong tục còn lưu truyền cho đến ngày nay của bang Hải Nam, trưởng bang là vị đọc diễn văn bằng tiếng Hải Nam tại lễ giỗ Tiền hiền. Lễ vật dâng cúng bao gồm có trái cây, cỗ tam sên, cá, trứng gà, thịt quay cùng một con dê. Sau nghi thức cúng tế là lễ dâng nhang của bà con toàn bang. Kết thúc lễ giỗ Tiền hiền là màn trình diễn trống hội và múa lân, tiếp theo là tiết mục văn nghệ và chương trình giao lưu ẩm thực của bà con toàn bang cùng các khách quý.

Một số kinh nghiệm khi đến tham quan Hội quán Hải Nam

Để có một chuyến trải nghiệm thật thú vị và ý nghĩa tại Hội quán Hải Nam, một vài chú ý du khách nên nhớ khi thăm hội quán Hải Nam như:

  • Hội quán vừa là địa điểm tham quan văn hoá lại là nơi thờ phụng những vị thần. Do vậy, nên ăn diện cho mình những trang phục một cách kín đáo, thanh lịch và có một vài hành động văn minh nhằm tỏ lòng kính trọng với những vị thần linh.
  • Không vứt rác thải tùy tiện khi bước vào bên trong hội quán.
  • Trong hội quán có bày bán nhiều đồ vật cổ xưa, không thể tự tiện đụng tay vào. Nếu làm vỡ hay hỏng, du khách sẽ phải chịu bồi thường theo quy định của nhà nước.
  • Di chuyển chậm rãi, nói năng từ tốn, không chen vào giữa, làm phiền đến những người khác.
  • Nói không với hành vi sử dụng thuốc lá khi bước chân đến hội quán.

Đã cập nhật vào ngày 23/08/2023
4.5
dựa trên 352 đánh giá
5
71.02%
250
4
13.64%
48
3
12.5%
44
2
0.28%
1
1
2.56%
9
Hình ảnh
avatar