Tháp Đôi (tháp Chăm Hưng Thạnh) - Quy Nhơn
Tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) tọa lạc gần trung tâm thành phố Quy Nhơn. Đây là một công trình đẹp và độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chăm-pa cổ với nhiều nét đặc biệt, thu hút rất nhiều du khách du lịch khi đến với thành phố biển này.
Trong số cụm tháp Chăm nằm rải rác khắp các huyện phía Nam tỉnh Bình Định, Tháp Đôi là một trong số đó. Tên Tháp Đôi là do nhân dân tự đặt dựa theo cấu trúc có hai tháp đứng gần nhau. Theo các tài liệu xưa, tháp được gọi là tháp Hưng Thạnh vì nằm trong thôn Hưng Thạnh xưa. Tuy nhiên Tháp Đôi vẫn là tên gọi phổ biến khi người ta nhắc đến công trình tháp chăm này.
Tháp Đôi được coi là một trong những tháp đẹp nhất của kiến trúc Chăm-pa. Tháp gồm các tảng đá được ghép lên nhau rất vững chắc. Quanh tường phía ngoài tháp là các bức phù điêu chạm khắc những hình như các vị thần, chim, thú,… theo tín ngưỡng của người Chăm. Tuy vậy, tháp này trước kia đã bị phá hủy vào thời chiến, mãi đến năm 1990 mới được các chuyên gia Ba Lan trùng tu lại.
Cấu trúc chung của 2 tháp là khối thân vuông, mái hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần điểu Garuda với hai tay dang cao như đỡ lấy sức nặng của trên tầng tháp, tăng thêm nét huyền bí cho công trình.
Tháp Đôi nằm trong lòng thành phố Quy Nhơn, được bao bọc bởi khu dân cư đông đúc, đây cũng chính là điểm làm cho tháp trở nên khác biệt so với các tháp Chăm-pa cổ và phần nào cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách dễ dàng tham quan khi đến với thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.