Bảo tàng Quang Trung là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở Bình Định, nơi đây gắn liền với khởi nghĩa Tây Sơn là một trong những cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc thành công nhất ở nước ta. Để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử một thời đáng nhớ, người ta cho xây dựng bảo tàng Quang Trung Bình Định ngay tại chính quê hương của người anh hùng dân tộc.
Từ thành phố Quy Nhơn, đi theo quốc lộ 19 về hướng tây bắc hơn 42km, du khách sẽ đến thị trấn Phú Phong – quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ… Qua cây cầu Kiên Mỹ bắc ngang sông Côn với hai bên bờ là những nương dâu xanh mướt, những nếp nhà thấp thoáng sau rặng tre, du khách sẽ đến quần thể di tích bảo tàng Quang Trung, gồm hai công trình chính là bảo tàng Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Bảo tàng có 9 phòng trưng bày rất nhiều hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Nơi đây còn có điện thờ Tây Sơn Tam kiệt thờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Hàng ngày bảo tàng luôn có du khách trong và ngoài nước đến thăm, nhưng đông nhất là vào ngày Mùng 5 tháng Giêng hàng năm – ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi (Đống Đa, Hà Nội) thì bảo tàng vui như hội. Du khách đến thăm, dâng hương hoàng đế Quang Trung các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn.
Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn). Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m. Nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng. Kế bên trái điện là cây me cổ to lớn tỏa bóng mát một góc vườn, theo người dân nơi đây kể lại, chu vi gốc cây lên tới 3,5m. Sau một ngày dài tới đây thăm quan di tích và học hỏi về lịch sử còn gì bằng khi được ngồi dưới gốc me già múc một gáo nước thiêng uống để làm tăng thêm nhuệ khí như người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Bảo tàng Quang Trung Bình Định không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử mà còn là nơi lưu truyền tinh thần võ thuật dân tộc Tây Sơn – môn võ thuật truyền thống của Bình Định. Để làm tăng thêm tính sinh động cho những bài múa võ, người dân nơi đây còn cho tái hiện màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung. Mỗi bài trống trận đều gồm có 3 phần: xuất trận, công thành, khải hoàn… Nhưng điểm đặc biệt ở đây là không hề có hồi trống thu quân, bởi người đời truyền tai nhau rằng trong cuộc đời thân trinh của “người anh hùng áo vải đất Tây Sơn” chưa một lần thất trận, chưa một lần phải thu quân, cứ chiến thắng liên tiếp như hồi trống dồn dập không dừng.
Đến thăm bảo tàng Quang Trung Bình Định, du khách sẽ có dịp được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, kiên cường bất khuất và lòng yêu nước thương dân thông qua trang sử oai hùng của khởi nghĩa Tây Sơn, những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ và những vị tướng thân cận kiên trung.