Tượng Đức Mẹ trên núi Tàpao (gọi tắt là tượng Đức Mẹ Tàpao) nằm ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tượng Đức Mẹ này đúc bằng xi măng trắng cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Quần thể công trình tượng đài, lễ đài Đức Mẹ Tàpao hiện đang là một trong những trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.
Tượng Đài Đức Mẹ được đặt trên lưng chừng Ngọn Đồi TàPao. Do đó được gọi là Tượng Đài Đức Mẹ TàPao. “Tà Pao”, nếu hiểu theo ngôn ngữ K’Ho vùng Lâm Đồng và Bình Thuận, vốn có quan hệ thân thiết với dân tộc Chăm, có thể có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp” (“Tà”: đẹp cái đẹp linh thiêng; “Pao”: giấc mơ); còn nếu được viết “Tàmpao” có nghĩa là “Suối mơ”. TàPao tiếng dân tộc K’Ho còn có nghĩa là Núi Pao. Bình Thuận có đến ngũ Tà : TàPao, TàMon, TàLễ, Tà Zon, TàPứa. Từ bao đời, TàPao là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư… Sau 50 năm đã trở nên một trung tâm hành hương. TàPao cuốn hút khách hành hương bởi nơi đây vẫn còn mang đậm nét hoang đại ngàn. Các Trung tâm hành hương Đức Mẹ đã hiện diện ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S như La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu(Đà Nẵng), Bãi Dâu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Fatima Bình Triệu (Sài gòn). Đức Mẹ TàPao cho thấy thêm về lòng sùng kính Đức Mẹ nơi tín hữu Việt Nam.Khung cảnh địa thế TàPao ngày nay hài hòa núi rừng sông nước ruộng nương. Đức Mẹ đứng trên núi cao nhìn xuống dòng sông La ngà lặng lờ xuôi chảy, bồi đắp phù sa cho cánh đồng kho.
Bức tượng đặt ở độ cao khoảng 100 mét so với mặt nước biển.
Về mặt hành chánh, năm 1959, vùng Núi TàPao, thuộc Quận Tánh Linh tỉnh Bình tuy. Tỉnh Bình Tuy bao gồm toàn bộ vùng Hàm Tân-Lagi hiện nay và hai quận Tánh Linh và quận Hoài Đức.Sau năm 1975, TàPao thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Về mặt tôn giáo, TàPao lúc đó (thời điểm năm 1959) thuộc Giáo xứ Huy Khiêm, Giáo phận Nha Trang. Từ ngày 30 tháng 01 năm 1975, Giáo phận Phan Thiết được thành lập, TàPao thuộc về Giáo xứ Đức Tân. Đến nay, TàPao là trung tâm hành hương trực thuộc TGM.
Thánh tượng Đức Mẹ Tà Pao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.