Blog Hai ngày tại Châu Đốc – Chia sẻ kinh nghiệm và review
cover

Hai ngày tại Châu Đốc – Chia sẻ kinh nghiệm và review

avatar
Jay Nguyen dot Thứ 6, 10/04/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Sau khi kết thúc hành trình ngược sông Tiền, tôi nghỉ tại cửa khẩu Vĩnh Xương An Giang một đêm. Đây cũng là điểm hẹn của tôi với bạn Tuấn Anh, một người bạn và cũng là phụ tá của tôi trong hành trình tiếp theo tại Châu Đốc – An Giang.

Sau khi kết thúc hành trình ngược sông Tiền, tôi nghỉ tại cửa khẩu Vĩnh Xương An Giang một đêm. Đây cũng là điểm hẹn của tôi với bạn Tuấn Anh, một người bạn và cũng là phụ tá của tôi trong hành trình tiếp theo tại Châu Đốc – An Giang.
An Giang cùng với Kiên Giang từ lâu được biết đến là hai tỉnh có nhiều cảnh sắc đẹp tại khu vực Miền Tây Nam Bộ. Trong khi Kiên Giang sở hữu nhiều cảnh đẹp biển đảo thì An Giang lại là sở hữu nhiều núi nhất khu vực Miền Tây. Kiên Giang có đảo ngọc Phú Quốc thì An Giang có Thất Sơn.
Ngoài ra An Giang còn có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như núi Sam và rừng tràm Trà Sư. Và trong chuyến đi lần này, tôi cùng người bạn Tuấn Anh sẽ khám phá hai địa điểm trên. Điểm đến và cũng là nơi nghỉ của chúng tôi trong 2 ngày tại An Giang là khách sạn Victoria Núi Sam Lodge nằm trên núi Sam.

Victoria Núi Sam Lodge – Điểm nghỉ dưỡng lý tưởng tại Châu Đốc

Có thể nói Victoria Núi Sam Lodge là một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng tại An Giang. Đây là một khách sạn tiêu chuẩn 3 sao với khoảng 40 phòng dạng bungalow.
Phòng của chúng tôi theo tiêu chuẩn của Vitoria là dạng Superior với 02 giường đơn. Thông thường, một phòng Superior sẽ được cung cấp một giường đôi. Nếu các bạn muốn phòng hai giường đơn hãy liên hệ trước với khách sạn để được chuẩn bị sẵn. Trong phòng có đủ các tiện nghi cơ bản như: tivi, tủ lạnh mini, máy sấy tóc, ấm đun nước siêu tốc,… Phòng tắm khá thoải mái và là buồng tắm đứng, không có bồn tắm. Ngoài ra, tại Victoria Núi Sam còn có phòng tiêu chuẩn Deluxe và phòng dành cho gia đình với diện tích lớn hơn.
hình ảnh
Tường gạch và mái ngói mang lại chất thô mộc mạc (Xem ảnh chất lượng cao)
Bạn có thể tham khảo thêm các dịch vụ tại Victoria Núi Sam và đặt phòng trực tiếp theo link bên dưới:
Về kiểu cách kiến trúc, các phòng tại Victoria Núi Sam đều mang phong cách tối giản. Điểm gây ấn tượng là các chất liệu đều mang chất thô, mộc mạc với tông màu ấm như tường gạch, mái ngói và nội thất bằng gỗ. Giường gỗ đặt nệm khá thoải mái và có một tấm màn mỏng tạo cảm giác lãng mạn. Cùng với đó, các đèn trong phòng cũng là những đèn ngủ có màu ấm. Đặc biệt, toàn bộ các phòng ở đây đều nằm biệt lập với nhau nên không gian vô cùng yên tĩnh, rất thích hợp cho các cặp đôi.
hình ảnh
Phòng tại Victoria Núi Sam được thiết kế với tông màu ấm (Xem ảnh chất lượng cao)
Tuy nhiên chất lượng phòng và phục vụ của Victoria Núi Sam không phải là điều đặc biệt tại đây. Sự thu hút và đặc điểm độc nhất vô nhị mà Vitoria Núi Sam có được chính là vị trí của khách sạn.
Nằm trên sườn núi Sam, phía dưới là thung lũng rộng lớn với view cánh đồng vô cực, có thể nhìn thấy cả Thất Sơn phía chân trời. Một điểm cộng nữa là các phòng tại Victoria Núi Sam đều được thiết kế có ban công rộng và hướng về thung lũng phía dưới.
hình ảnh
View cánh đồng vô cực trải dài từ Việt Nam tới Campuchia (Xem ảnh chất lượng cao)
Có thể nói bất cứ vị trí nào tại Victoria Núi Sam cũng đều cho một view đẹp. Một trong số đó là lầu ngắm cảnh bên ngoài sảnh khu nhà hàng của khách sạn. Hãy tưởng tượng nếu được ngồi đây ngắm bình minh, hoàng hôn hay bầu trời sao thì thật tuyệt vời. Tuy nhiên nếu bạn đi vào mùa du lịch cao điểm thì khó có thể tìm được không gian yên tĩnh một mình tại đây.
hình ảnh
Lầu ngắm cảnh tại Victoria Núi Sam (Xem ảnh chất lượng cao)
Thời gian thích hợp nhất để đặt cho mình một phòng tại Victoria Núi Sam chính là mùa lúa chín. Khi đó thì toàn bộ thung lũng phía dưới sẽ được nhuộm một sắc vàng của lúa chín và bạn sẽ có cơ hội để được hòa mình vào không khí mùa gặt của bà con Miền Tây.
Trong khuôn viên của Victoria Núi Sam trồng rất nhiều cây và hoa đem lại cho du khách cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên. Đặc biệt tại đây còn có dịch vụ cho thuê xe đạp để bạn có thể đạp xe tới tham quan các đồng lúa phía dưới thung lũng. Sở hữu nhiều view đẹp nên không lạ khi Victoria Núi Sam được nhiều cặp đôi lựa chọn làm địa điểm để chụp ảnh cưới.
hình ảnh
Hoàng hôn trên những cánh đồng tại Châu Đốc (Xem ảnh chất lượng cao)
Ngoài lầu ngắm cảnh thì bể bơi tại khách sạn cũng là một vị trí độc để có những phút giây thư giãn tuyệt vời và những bức hình sống ảo chất. Kết thúc một buổi chiều quay chụp tại Victoria Núi Sam, chúng tôi ngâm mình trong bể bơi và ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên những cánh đồng rộng lớn. Thật là tuyệt vời phải không nào.
hình ảnh
Ngâm mình thư giãn và ngắm hoàng hôn tại bể bơi (Xem ảnh chất lượng cao)

Trekking khám phá Núi Sam

Sang ngày thứ hai, tôi cùng bạn Tuấn Anh sẽ tham gia hai tour tham quan do chính khách sạn tổ chức. Kế hoạch buổi sáng là tour “Trekking Núi Sam”. Với một người mê đi bộ đường trường như tôi thì đây là một tour rất mong chờ. Nhưng trước hết là cần phải nạp năng lượng bằng bữa sáng.
Tại Victoria Núi Sam, các đồ ăn thức uống sẽ được phục vụ tại nhà hàng và quầy bar Lá Giang. Ngay khi vào sảnh chính của khách sạn các bạn sẽ bắt gặp ngay nhà hàng Lá Giang với không gian thoáng đãng với view 180 độ ra thung lũng phía dưới. Nhà hàng cũng có đặt các bàn tại phía bên ngoài và khu vực lầu ngắm cảnh.
hình ảnh
Vị trí tuyệt vời để thưởng thức cảnh đẹp và đồ ăn (Xem ảnh chất lượng cao)
Bữa sáng tại nhà hàng phục vụ nhiều món Á – Âu, trong đó có những món ăn đặc trưng của miền Tây như bánh xèo, bánh thốt nốt… Ngoài ra còn có những món nóng sốt như hủ tiếu, bún phở…
Nhanh chóng nạp năng lượng với bữa sáng bên ngoài sảnh nhà hàng, chúng tôi sẵn sàng cho một ngày hoạt động…
Người dẫn tour của khách sạn là anh Nam, nhân viên tại đây và cũng là người bản địa. Nhà của anh ở dưới chân núi Sam, từ nhỏ anh thường xuyên lên núi chơi. Do đó anh biết rất nhiều điểm đến thú vị trên núi mà nếu chúng tôi tự khám phá thì sẽ không thể biết được.
Nguyên một buổi sáng, anh Nam dẫn chứng tôi đến các điểm tham quan tại núi Sam. Và hiển nhiên là đoàn 3 người đi bộ vì đây là tour “trekking núi Sam” mà. Nếu các bạn muốn thử sức với tour này của Victoria Sam Lodge thì hãy chuẩn bị thêm giầy thể thao để đi bộ nhé.
Núi Sam cũng có một tên gọi khác là Vĩnh Tế Sơn. Tên gọi này do vua Minh Mạng đặt để ghi công của Thoại Ngọc Hầu đã hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế (1819–1824). Còn tên gọi núi Sam do dân gian đặt. Giả thuyết cho rằng gọi là núi Sam vì hình thù của núi giống như con sam. Cũng có tài liệu khác cho rằng thuở xa xưa, khi quanh núi Sam hãy còn là biển cả, các loài sam biển tập trung sống ở nơi đây.
Cung đường đầu tiên là xuất phát từ khách sạn đi lên đỉnh núi Sam, nơi có dấu tích Bà Chúa Xứ ngự trên đó. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ tại Vĩnh Tế đã có hơn 300 năm nay gắn liền với nhiều giai thoại ly kỳ và cả lễ hội rước Bà diễn ra vào ngày 24 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Am Pháp Nu: Nhà hoang hay am tu!?

Đường lên đỉnh núi là con đường bê tông mới, rất rộng, đủ cho xe ô tô khách có thể đi lên, phục vụ cho việc du lịch. Tuy nhiên đường khá dốc và có những đoạn cua dốc nên cũng cần lưu ý khi chạy xe. Trên đường đi chúng tôi đi qua nhiều ngôi chùa lớn nhỏ. Có thể nói khu vực núi Sam và Thất Sơn là khu vực tâm linh, gắn với nhiều truyền thuyết về Phật – Thần. cũng là nơi tập trung rất nhiều Chùa – Miếu.
Chính vì là vùng đất tâm linh nên có một địa điểm rất lạ trên núi Sam: “Am Pháp Nu”. Theo lời anh Nam kể thì “am” này do một vị bác sĩ tên Nu xây dựng trên núi và bị bỏ hoang đã lâu. Do đó người dân địa phương gọi với cái tên như vậy.
Mới đầu thì theo tưởng tượng của tôi thì đây chắc là nơi vị bác sĩ Nu, chán kiếp hồng trần, lên núi lập am tu và trị bệnh. Một địa điểm rất khơi gợi trí tò mò nên chúng tôi đề nghị anh Nam dẫn chúng tôi tới đó. Nhưng khi tới nơi thì tôi mới vỡ lẽ. Hóa ra đây là một căn nhà bỏ hoang. Khi chúng tôi vào trong khám phá thì thấy kiểu bài trí của căn nhà khá giống một khách sạn.
hình ảnh
“Am Pháp Nu” còn ở vị trí cao hơn cả Victoria Núi Sam (Xem ảnh chất lượng cao)
Căn nhà này được xây và bỏ hoang cũng khá lâu rồi vì anh Nam nói lúc bé có lên đây chơi. Kiến trúc của căn nhà khá đẹp và nó còn có vị trí cao hơn cả khách sạn Victoria Núi Sam. Theo tôi nhận định thì vị bác sĩ này có “tầm nhìn đi trước thời đại”, đầu tư một khách sạn nghỉ dưỡng trên núi từ hàng chục năm trước. Đáng tiếc là dự án này không thành. Và trong một vùng đất tâm linh như núi Sam thì không thể gọi đây là nhà ma giống như những căn nhà bỏ hoang trên Đà Lạt được. Có lẽ vì vậy mà cái tên “Am Pháp Nu” ra đời. Nhưng dù vì lý do gì và truyền thuyết của căn nhà bỏ hoang này thế nào, thì đây là một địa điểm rất đáng để khám phá khi tới núi Sam.
hình ảnh
Ban công với những vết rêu mốc là nơi lý tưởng để chụp ảnh sống ảo (Xem ảnh chất lượng cao)

Truyền thuyết về Bàn Chân Tiên

Điểm đến tiếp theo trên đường lên đỉnh núi là Linh Sơn Tự, nơi có dấu tích “Bàn Chân Tiên”. Linh Sơn Tự là một ngôi chùa rất nhỏ. Nếu không có anh Nam dẫn đường và đi bộ thì chúng tôi sẽ không chú ý tới địa điểm này.
Bước vào bên trong thì thấy chùa chỉ là một tự đường rất nhỏ và đang được xây sửa một chút. Nhưng tại đây lại có một dấu tích vô cùng đặc biệt mà nhờ vị trụ trì của chùa kể chúng tôi mới biết được. Đó chính là “Bàn Chân Tiên”.
Trong chùa có một lối cầu thang đá dẫn lên khu vực những mỏm đá lớn trên vách núi. Và tại đây có một tảng đá có vết lõm giống hình thì bàn chân người. Theo lời của vị sư trụ trì thì đây chính là nơi mà các vị Phật Tiên đặt chân và bay về trời. Truyền thuyết kể rằng xa xưa thì toàn bộ khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đều là biển và những ngọn núi chính là đảo. Khi những vị Phật Tiên giáng trần, họ xuất hiện từ khu vực Thất Sơn, bước đi trên những đỉnh núi ấy. Bước bảy bước và tới núi Sam là điểm cuối cùng, đạp chân bay về trời.
Ngày nay, tại khu vực Thất Sơn cũng tìm được những dấu tích về “bàn chân tiên” nhưng không rõ nét bằng bàn chân tại Linh Sơn Tự núi Sam. Điều đó được giải thích bởi việc các vị Phật Tiên dùng núi Sam là điểm tựa để bay về trời nên dấu chân sẽ in sâu, rõ nét hơn cả. Và con đường dẫn lên “bàn chân tiên” đã được nhà chùa cho xây lối dẫn rất dễ đi, thuận tiện cho du khách tham quan. Các bạn cũng đừng bỏ qua địa điểm này khi tới núi Sam nhé.

Miếu Bà Chúa Xứ trên đỉnh núi

Rời Linh Sơn Tự, chúng tôi tới đích đến trên đỉnh núi là miếu Bà Chúa Xứ, hay đúng hơn là nơi ngự xưa kia của Bà. Tương truyền, những năm 1820 – 1825, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng đuổi theo dân lên đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng ra sức khiêng tượng Bà xuống núi nhưng đến một đoạn thì lạ thay tượng Bà nặng trĩu, không nhấc lên được. Một tên trong đó tức giận làm gãy cánh tay trái của Bà, ngay lập tức hắn bị Bà trừng phạt. Từ đó, Bà thường hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.
Trước đây, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam. Cũng theo dân gian kể lại, khi nhìn thấy sự linh ứng, người dân quyết định khiêng tượng Bà về thờ cúng nhưng lạ thay mấy chục thanh niên cường tráng không thể lay chuyển được tượng Bà. Trong lúc đó, có một cô gái “lên đồng” bảo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, quả nhiên tượng Bà được khiêng xuống một cách dễ dàng. Nhưng khi khiêng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch, không thể khiêng một bước nào nữa. Lúc đó các bậc cao niên nghĩ rằng Bà chọn nơi đây để an vị và lập miếu thờ cúng ngay chỗ đó.
hình ảnh
Tảng đá nơi Bà Chúa Xứ ngự trước kia (Xem ảnh chất lượng cao)
Những truyền thuyết và sự linh ứng của Bà Chúa Xứ thì người dân địa phương cũng không kể hết. Rất nhiều người ở cả phương xa vẫn tìm về hành hương viếng Bà Chúa Xứ cầu xin một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cứ đến 24 tháng 4 âm lịch hàng năm, địa phương lại tổ chức lễ rước bà rất linh đình. Và việc rước bà từ trên đỉnh núi được thực hiện đúng như trong truyền thuyết bởi 9 cô gái đồng trinh. Nếu có dịp về Châu Đốc những ngày này, bạn hãy tham gia và cảm nhận lễ hội tâm linh độc đáo này nhé.

Đi theo con đường hành hương xưa

Cung đường trekking tiếp theo của chúng tôi sẽ là tới Chùa Hang nằm lưng chừng núi. Nhưng nếu đi ngược lại bằng con đường bê tông phục vụ cho du lịch thì sẽ phải đi vòng rất xa. Đi xuống chân núi rồi đi một đoạn vòng quanh chân núi mới tới được Chùa Hang. Vừa mệt và xem chừng cũng không thú vị chút nào. Nhưng may mắn người dẫn đường của chúng tôi là anh Nam, một thổ địa tại đây.
Anh Nam dẫn hai anh em chúng tôi đi theo lối đường mòn ngày xưa vẫn được sử dụng là lối đi cho các du khách, phật tử hành hương lên viếng các ngôi chùa và miếu Bà trên núi. Ngoài con đường này thì cũng còn một con đường mòn khác dẫn từ sau Lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi cũng do anh Nam chỉ cho chúng tôi.
Con đường mòn từ đỉnh dẫn tới Chùa Hang có nhiều đoạn rất khó đi. Những bậc lên xuống là những tảng đá cuội. Nhiều đoạn cây mọc um tùm che lối đi. Nếu các bạn mang dép hay những đôi giầy trơn trượt thì rất nguy hiểm. Phải đi xuống gần chân núi thì con đường mới dễ đi hơn, có những bậc cầu thang bằng bê tông.
Một điều nữa là dọc theo con đường này, phía trên không chính là dự án cáp treo đang được cho xây dựng dẫn từ chân núi lên trên đỉnh, ngay gần miếu Bà Chúa Xứ. Nằm trong khuôn viên khu lịch núi Sam nên việc khai thác triệt để du lịch, xây dựng các phương tiện phục vụ du lịch như cáp treo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên có điểm đã buồn là trên con đường hành hương xưa, nay không ai qua lại, rất rất nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang hai bên đường. Hầu hết là những chùa nhỏ, có lẽ là chùa tư chăng? Con đường tuy đẹp nhưng lại mang lại cảm giác hơi hiu hắt.

Khám phá Chùa Hang

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được điểm đến cuối cùng là Chùa Hang. Không qua cổng chính dưới chân núi mà chúng tôi qua một cửa ngách thông với lối mòn kia. Bước vào khuôn viên chùa chúng tôi gặp ngay lối cầu thang đá dẫn từ dưới chân núi lên. Nhìn vào bản đồ chỉ dẫn tham quan của Chùa Hang mới thấy chùa cực kỳ rộng.
Do chùa được xây dựng thành từng tầng trên triền núi, dọc theo lối cầu thang đá, chứ không phải nằm trên một khuôn viên bằng phẳng rộng lớn. Nên nếu bạn mới bước vào sẽ cảm thấy chùa không lớn lắm. Nhưng chùa có hơn 40 điểm tham quan. Trong đó có những điện được xây rất tráng lệ. Lại nằm trên triền núi Sam nên phóng tầm mắt ra ngoài là cảnh những cánh đồng lúa trải dài từ Việt Nam tới qua Campuchia. Có thể nói “THẾ” chính là điểm độc đáo của chùa Hang.
hình ảnh
Kiến trúc cổ và thế đứng của chùa Hang (Xem ảnh chất lượng cao)
Tại chùa Hang còn có một đặc điểm độc đáo khác đó chính là “hang động” ở trong khuôn viên chùa. Theo lời anh Nam kể thì hang này gắn liền với sự tích “Thanh Xà, Bạch Xà”. Nghe nói hang động tại chùa thông ra tận Hà Tiên, Kiên Giang và tại đấy cũng có một ngôi chùa mang tên là chùa Hang. Nhưng hang đã được lấp kín, ngày nay chỉ còn hang nhân tạo phục vụ tham quan.
hình ảnh
Tới chùa Hang nghe truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà (Xem ảnh chất lượng cao)
Chính vì thế mà chùa có tên thường gọi là Chùa Hang. Còn tên chính thức của chùa là Phước Điền Tự. Ban đầu, khoảng năm 1840 – 1850, chùa chỉ là một am tu bằng tre lá, do Lê Thị Thơ (1818 – 1899), pháp danh Diệu Thiện, người Chợ Lớn, thạo nghề may (nên bà còn có biệt danh là Bà Thợ), tạo lập để làm nơi tu hành, khi tuổi hãy còn trẻ. Chuyện kể, trước đây Bà Thợ cũng có một gia đình, nhưng vì nhà chồng quá hà khắc, nên bà phải lẩn trốn đến chốn biên thùy này, vừa bốc thuốc trị bệnh, vừa chuông mõ, ước mong sớm dứt nghiệp duyên.
Người ta còn kể, kề bên am tu có một hang núi sâu, có đôi mãng xà to lớn dị thường ở trong hang ấy. Nhưng từ khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà và Bạch Xà. Sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất. Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), sư bà Diệu Thiện viên tịch, thọ 81 tuổi. Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền cuốn Sấm giảng Bà Thợ, lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành tránh dữ.
Năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, Thông phán tại Châu Đốc, ông Nguyễn Ngọc Cang và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói móc… Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990) trùng tu lần thứ hai và ngày nay, vào đời trụ trì thứ ba, Hòa thượng Thích Thiện Chơn vẫn còn đang tiếp tục xây dựng. Và trong chuyến đi này, tôi thấy ngôi chùa dường như đã hoàn thiện, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ đang được xây dựng.
hình ảnh
Chỉ còn một số hạng mục tiểu cảnh đang được hoàn thiện (Xem ảnh chất lượng cao)
Sau khi đi qua chánh điện mới của chùa, chúng tôi đi tới chánh điện cũ có lối dẫn vào hang phía sau. Bên trong hang động khá tối nhưng có các đèn dẫn hướng cho du khách. Đặc biệt tại đây còn có các suối nước chảy róc rách hòa với tiếng nhạc thiền mang lại cảm giác thanh tịnh. Trong suốt cả chuyến đi, chúng tôi ồn ào vui đùa. Nhưng khi vào đây thì ai nấy cũng trở nên yên lặng để cảm nhận bầu không khí thiền nơi này.
hình ảnh
Di Đà Bảo Điện được xây rất đẹp (Xem ảnh chất lượng cao)
Ra khỏi hang động, chúng tôi tham quan một vài điện trong chùa. Các điện như Di Đà Bảo Điện, Linh Sơn Điện, Tàng Kinh Các được xây rất lớn và đẹp.
hình ảnh
Một hướng nhìn khác tại Di Đà Bảo Điện (Xem ảnh chất lượng cao)
Theo chân anh Nam, chúng tôi lên đỉnh cao nhất trong chùa là Sân Tiên, là một khoảng đất trống xung quanh bao bọc bởi cây cối. Không khí tại đây trong lành và rất yên tĩnh. Nơi đây có đặt một bức tượng Phật nằm ngủ và 3 bức tượng Phật và Quan Âm khác. Thật giống như là nơi nghỉ ngơi của các bậc Phật Tiên vậy.
Tượng Phật ngủ và Ba bức tượng Phật Quan Âm (Xem ảnh chất lượng cao)
Kết thúc một buổi sáng và tour du lịch tâm linh kèm khám phá cực kỳ thú vị. Chúng tối còn được anh tour guide nhiệt tình dẫn tới quán bún cá, chả mực, một món ngon tại đây, để ăn trưa trước khi quay lại khách sạn nghỉ ngơi. Nếu các bạn cũng muốn được trải nghiệm một chuyến trekking núi Sam như chúng tôi, hãy liên hệ trước với quản lý của khách sạn nhé.
hình ảnh
Đừng quên thử món bún cá chả mực dưới chân núi Sam nhé (Xem ảnh chất lượng cao)

Cảm nhận thiên nhiên tại rừng tràm ngập nước

Theo kế hoạch buổi chiều, chúng tôi sẽ tham gia tour tham quan rừng tràm Trà Sư cũng do Victoria Núi Sam tổ chức. Đoàn lần này đông hơn, gồm hai anh em chúng tôi và một đoàn khách khác. Lần này dẫn đoàn là anh Nghĩa tour guide của Victoria và bạn Phúc đang tập sự việc dẫn tour.
Rừng tràm Trà Sư nằm tại huyện Tịnh Biên cách núi Sam hơn 20km. Do đó đoàn chúng tôi di chuyển bằng ô tô mất 40 phút. Trên đường đi, anh Nghĩa chia sẻ một kinh nghiệm về thời gian độc nhất khi thăm rừng tràm Trà Sư là vào sáng sớm. Tầm 7h30, khi mà khu du lịch mở cửa tham quan. Còn lý do thì khi vào trong tham quan anh sẽ bật mí.
Đoàn chúng tôi có mặt tại lối dẫn vào Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Theo tìm hiểu của tôi thì diện tích của rừng Trà Sư là hơn 850 ha. Còn diện tích được khai thác du lịch là 150 ha. Để vào tham quan thì bạn cần mua vé và giá vé có niêm yết tại cổng vào là:
- Đoàn 1 người có giá là 130.000 đồng/người
- Đoàn 2 người có giá là 75.000 đồng/người
- Đoàn 3-6 người có giá là 60.000 đồng/người
- Đoàn từ 7 người trở lên có giá là 130.000 đồng/người
- Đoàn 11-21 người sẽ được khuyến mại 1 vé
- Đoàn từ 22 người sẽ được khuyến mại 2 vé
Đoàn càng đông thì càng lợi vì chi phí này bao gồm việc đi xuồng máy để đi sâu vào bên trong rừng tràm. Tôi có để ý có một vài du khách ngoại quốc sử dụng xe máy, nhưng chưa rõ giá tham quan bằng xe máy như thế nào. Nhưng dù sao thì lựa chọn đi xuồng sẽ thú vị hơn vì chúng ta sẽ được đi xuyên qua khu rừng ngập trong nước. Và thời điểm lúc này đang là mùa nước nổi, nên khu rừng càng thể hiện rõ những nét đặc trưng của nó.
Cả đoàn chúng tôi lên xuồng máy hay còn được gọi là tắc ráng tại Miền Tây. Tắc ráng khá lớn, chở hết một đoàn gồm 8 người chúng tôi. Chúng tôi được phát mỗi người một chiếc áo phao. Nhân viên của khu du lịch nổ máy và chiếc tắc ráng lướt trên mặt nước tiến sâu vào trong khu rừng.
Chắc hẳn các bạn cũng giống tôi. Bị ấn tượng bởi những con đường bèo xanh mướt tại rừng tràm Trà Sư được chia sẻ trên các trang du lịch hay mạng xã hội.
Trước chuyến tham quan này, trong tưởng tượng và tìm kiếm của tôi là những hình ảnh ấy. Nhưng khi tới đây, tôi lại có một cảm nhận khác. Không chỉ là cảnh đẹp của khu rừng ngập nước với những đường bèo xanh mướt. Mà còn là âm thanh của thiên nhiên.
hình ảnh
Nếu là vị khách đầu tiên bạn sẽ được thấy bèo phủ trên đường xuồng chạy (Xem ảnh chất lượng cao)
Thời gian di chuyển bằng tắc ráng là khoảng 15 phút, đưa du khách tới một địa điểm trong rừng và tại đây mọi người sẽ chuyển qua đi xuồng chèo. Lúc này anh Nghĩa mới bật mí cho chúng tôi biết tại sao thời điểm độc nhất để đi rừng tràm Trà Sư là lúc sáng sớm. Tầm 7h30 sáng, khi mà phòng bán vé mở cửa bán vé cho khách vào tham quan. Và bạn là vị khách đầu tiên.
Bạn cũng hiểu rồi phải không nào. Khi ấy thì tiếng xuồng máy chở vị khách đầu tiên trong ngày vào trong rừng sẽ đánh thức hàng ngàn con cò dậy và bay lên. Một cảnh tượng tráng lệ và không dễ để thấy được. Nhưng phải nói rằng tiếng máy động cơ rất ồn. Chính vì vậy mà du khách mới được chuyển qua đi xuồng chèo.
hình ảnh
Bến thứ hai để chuyển từ xuồng máy qua xuồng chèo (Xem ảnh chất lượng cao)
Đoàn chúng tôi chia thành 3 team. Tôi cùng bạn đồng hành là Tuấn Anh và bạn Phúc ngồi chung xuồng. Điều khiển xuồng là những cô dì người dân địa phương. Tuấn Anh đề nghị
“Để con bơi phụ cô”
“Thấy bơi vậy chứ bơi không dễ đâu”
Quả thật nếu giao tay chèo cho người không thông thạo sông nước như mấy đứa chúng tôi thì chắc xuồng sẽ quay vòng một chỗ cả ngày. Cô chèo xuồng rất điêu luyện và nhìn cô làm rất nhẹ nhàng, đẩy chiếc xuồng chở 3 anh em tiến vào sâu trong khu vực tham quan.
Giờ giá trị của việc chèo xuồng bằng tay là đây. Chiếc xuồng tiến lên chậm rãi, thi thoảng còn vướng lại bởi mấy cành cây mọc nhô ra. Nhưng chỉ có thanh âm ì oạp của mái chèo. Tiếng xuồng máy vọng lại từ bên kia nhỏ dần. Và chúng tôi bắt đầu nghe được tiếng kêu của rất nhiều loài chim.
Trên trời thỉnh thoảng lại thấy những đàn cò, chim bay liệng qua. Giữa những rặng tràm còn thấy những tổ cò vạc, những con sâm cầm chạy trên những lá bèo kiếm ăn. Chúng ta có thể cảm nhận được một hệ sinh thái độc đáo của cánh rừng ngập nước. Được hòa mình vào thiên nhiên.
Đáng tiếc là đoạn tham quan bằng xuồng chèo khá ngắn. Cũng phải. Vì nếu mùa du lịch cao điểm thì không biết mấy cô dì đây phải chèo chở khách biết bao nhiêu chuyến.
Chúng tôi trở lại bờ. Cứ tưởng là chuyến tham quan kết thúc tại đây. Nhưng trong khu du lịch vẫn còn một điểm tham quan nữa là tháp quan sát. Đi qua một đoạn đường hai bên là những cây tràm cao, chúng tôi tới đài quan sát. Đài này rất cao, cao quá những ngọn cây 2,3 chục mét.
hình ảnh
Toàn cảnh khu rừng ngập nước rộng lớn (Xem ảnh chất lượng cao)
Nhưng để được ngắm toàn cảnh rừng tràm, không ai trong đoàn làm biếng mà đều leo lên trên đỉnh. Cái giá cho việc leo 4, 5 tầng lầu cũng rất đáng. Ở trên cao như vậy nên có thể quan sát được toàn cảnh khu rừng. Mới thấy được rừng tràm Trà Sư rộng như thế nào. Xa xa còn có thể thấy được Thất Sơn. Và trên tháp quan sát có bố trí ống nhòm nhìn tới tận tượng Phật trên đỉnh núi Cấm. Tuy nhiên bạn phải trả phí để sử dụng. Nhưng nếu bạn không dùng ống nhòm thì không sao. Bạn có thể quan sát những đàn cò đông đúc đậu trên cành cây.
Chúng tôi còn may mắn ở lại trên tháp quan sát đến cuối ngày, thời điểm mà hàng ngàn con cò quay về sau một ngày kiếm ăn trên những cánh đồng xung quanh. Với tôi thì đây mới là thời điểm thích hợp nhất để tham quan rừng tràm Trà Sư. Một cảnh tượng rất đẹp. Những cánh cò bay liệng trong ánh chiều cùng thanh âm của thiên nhiên.
Còn bạn? Theo bạn thời điểm nào thích hợp nhất để tới thăm quan rừng tràm Trà Sư. Nếu có dịp hãy ghé thăm Trà Sư và các cảnh đẹp khác tại An Giang nhé.
tịnh biên Núi Sam - Miếu bà Chúa Xứ Chùa Hang (Hang Pagoda) châu Đốc an giang

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 31/12/2022
Love
0 Bình luận
avatar
Jay Nguyen

A Sennin with his diGital buddies explore the world 📷 🎥 🌍

3 Quốc gia
46 Tỉnh thành
79 Người theo dõi
201 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Vậy là cuối cùng sau 8 ngày di chuyển, xuất phát từ cù lao Hòa Minh và cũng là cửa biển Cổ Chiển, tôi đã đến được đích đến cuối cùng – cửa khẩu Thường Phước. Và ở phía bên kia sông là cửa khẩu Vĩnh Xương. Thường Phước thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp còn Vĩnh Xương thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Trong tập 16 này, cùng là tập cuối trong hành trình, tôi đã đến được đích, tìm đến được nơi mà con sông Mekong chảy vào Đất Việt.
Trong tập 15 này, tôi đi xuyên qua vùng rốn lũ, nơi chịu ảnh hưởng nhất của "mùa nước nổi" tại Đồng Bằng Sông Cửu Long...
Trong tập 14 này, trên đường đi qua xã An Bình tại Hồng Ngự, tôi tình cờ gặp bữa đãi khách khánh thành mộ và được gia chủ mời vào dự...
Trong tập 13 này, tôi có dịp đi qua hai bến phà rất lớn tại miền Tây là Thuận Giang và Chợ Vàm, qua sông Vàm Nao và Sông Tiền.
Trong tập 12 này, rời thành phố Cao Lãnh tôi tiếp tục hành trình của mình và ghé thăm cù lao Giêng nằm giữa dòng sông Tiền.
Trong tập 11 này, mặc dù tới Cao Lãnh từ sớm nhưng trời lại mưa nên tôi chỉ có một buổi chiều tối để đi khám phá thành phố: ăn bánh xèo miền Tây, tới công viên Văn Miếu, đi dạo quanh hồ Khổng Tử,...
Trong tập 10 này, tôi di chuyển từ Sa Đéc tới Cao Lãnh, gặp được hai người bạn mới trên đường và có dịp đi qua bến phà Cao Lãnh. Bến phà 100 năm tuổi này như thế nào sau khi cầu Cao Lãnh đã được thông tuyến vào tháng 05/2018!?
Trong tập 09 này, tôi đã tới thăm quan làng hoa Sa Đéc, vựa hoa kiểng lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long và dạo quanh một vòng thành phố Sa Đéc về đêm
Trong tập 08 này, trước khi rời khỏi thành phố Vĩnh Long để tới Sa Đéc tôi đã tham quan cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam