Trong tập 11 này, mặc dù tới Cao Lãnh từ sớm nhưng trời lại mưa nên tôi chỉ có một buổi chiều tối để đi khám phá thành phố: ăn bánh xèo miền Tây, tới công viên Văn Miếu, đi dạo quanh hồ Khổng Tử,...
Từ bến phà vào trung tâm thành phố Cao Lãnh
Sau khi phà cập bến, tôi đi thẳng theo con đường Phạm Hữu Lầu để tới trung tâm thành phố Cao Lãnh. Ngay gần bến phà và cũng trên con đường này tôi có đi ngang qua trường đại học Đồng Tháp. Đây là một trong số ít các trường đại học nằm tại khu vực Miền Tây Nam Bộ.
Một điều khiến tôi ấn tượng là hai bên con đường Phạm Hữu Lầu phủ bóng cây xanh. Đi vào gần trung tâm một chút nữa thì những làn phân cách được sử dụng như những ao trồng Sen. Một loài hoa biểu tượng của vùng Đồng Tháp Mười. Những cây xanh này tạo cảm giác tươi mát và vẻ đẹp cho thành phố.
Tới trung tâm thành phố, tôi tìm được một nhà nghỉ tại phường 02. Lấy phòng, thay quần áo và chuẩn bị khám phá thành phố Cao Lãnh...
Khám phá thành phố Cao Lãnh
Nhờ được bạn Trung Anh cho đi nhờ xe một đoạn đường mà tôi tới Cao Lãnh rất sớm. Định rằng sẽ có nhiều thời gian để đi khám phá thành phố, tuy nhiên khi vừa tới nhà nghỉ thì trời lại đổ mưa. Đến chiều muộn thì trời mới tạnh hẳn và lúc này tôi mới có thể ra đường.
Tôi thuê một chiếc xe máy của nhà nghỉ và cũng đã muộn nên tôi quyết định tìm một vài địa điểm ăn uống trong thành phố. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi mới tìm kiếm những nét đặc trưng của Cao Lãnh và biết được thành phố Cao Lãnh là thủ phủ (tỉnh lỵ) của tỉnh Đồng Tháp.
Tôi đi dạo một vòng trung khu trung tâm, qua một vài khu vực và cơ quan hành chính của tỉnh. Sau một hồi loanh quanh và tìm kiếm các gợi ý trên mạng, tôi quyết định ăn bánh xèo tại quán Hồng Ngọc có địa chỉ 288 Lê Duẩn.
Con đường Lê Duẩn men theo sông Đình Trung. Tại đây có rất nhiều quán ăn, nhà hàng. Thấy một nhà hàng có đề biển bán một món ăn vô cùng đặc trưng của Đồng Tháp Mười: "Chuột nướng lu". Tôi rất muốn được thử món ăn này nhưng để dành vào một dịp khác, khi có những người bạn đi cùng và thưởng thức sẽ thú vị hơn nhiều.
Tiếp tục chạy xe tới địa chỉ 288 Lê Duẩn, quán bánh xèo Hồng Ngọc. Theo gợi ý trên mạng thì quán bánh xèo này có tiếng đã lâu. Và tôi cũng quan sát thấy đứng bếp và phục vụ quán là những cô chú đã lớn tuổi. Tôi đi vào quán và gọi một chiếc bánh xèo thịt heo.
Tôi đã từng ăn bánh xèo miền Tây nhiều lần, tại Sài Gòn, Vũng Tàu. Nhưng ăn bánh xèo miền Tây chính gốc tại Miền Tây thì là lần đầu. Dĩa bánh xèo thịt heo thơm phức được mang ra kèm với một rổ rau xanh chủ yếu là cải và xà lách. Vỏ bánh vàng ươm, giòn. Nhân thịt heo và giá. Cuốn với rau cải xanh chấm mắm ngọt. Một món ăn bình dị mà hương vị quá tuyệt vời.
Sau khi ăn tối xong, tôi lại trở lại trung tâm thành phố. Dạo một vòng quanh chợ Cao Lãnh. Nhưng không có gì đặc sắc tại đây nên tôi tới địa danh khác là Văn Thánh Miếu tại trung tâm. Thật may mắn là đêm nay có một hội thi biểu diễn văn nghệ của các trường phổ thông trung học trong thành phố tổ chức ngay tại quảng trường trước Văn Thánh Miếu.
Văn Thánh Miếu Cao Lãnh được xây dựng từ năm Đinh Tỵ 1857, thôn Mỹ Trà, Tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường 3, thành phố Cao Lãnh) do Hồ Trọng Đính là quan Tri Phủ huyện Kiến Tường đề xướng và đứng ra xây cất. Năm Mậu Dần 1878, Văn Thánh miếu được dời đến vị trí hiện nay (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh). Sau thời gian dài hoang phế và tàn phá bởi chiến tranh thì năm 2011, chính quyền thành phố Cao Lãnh vừa thống nhất phương án trùng tu Văn Thánh Miếu Cao Lãnh theo mô hình kiến trúc cũ. Và kiến trúc này được xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Tiếc rằng trời đã tối nên không thể vào trong thăm quan Văn Miếu cũng như cảnh sắc xung quanh. Do Văn Miếu nằm ngay bên cạnh hồ Khổng Tử và nằm trong khuôn viên của công viên Văn Miếu, được khánh thành từ 2004 và là công viên lớn đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Nếu các bạn có dịp tới thăm thành phố Cao Lãnh thì đừng quên ghé thăm địa danh này nhé.
cao lãnhcao lãnh
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Sau khi kết thúc hành trình ngược sông Tiền, tôi nghỉ tại cửa khẩu Vĩnh Xương An Giang một đêm. Đây cũng là điểm hẹn của tôi với bạn Tuấn Anh, một người bạn và cũng là phụ tá của tôi trong hành trình tiếp theo tại Châu Đốc – An Giang.
Vậy là cuối cùng sau 8 ngày di chuyển, xuất phát từ cù lao Hòa Minh và cũng là cửa biển Cổ Chiển, tôi đã đến được đích đến cuối cùng – cửa khẩu Thường Phước. Và ở phía bên kia sông là cửa khẩu Vĩnh Xương. Thường Phước thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp còn Vĩnh Xương thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Trong tập 10 này, tôi di chuyển từ Sa Đéc tới Cao Lãnh, gặp được hai người bạn mới trên đường và có dịp đi qua bến phà Cao Lãnh. Bến phà 100 năm tuổi này như thế nào sau khi cầu Cao Lãnh đã được thông tuyến vào tháng 05/2018!?