Sudan
mask
Đã đi
Sắp đi
0 Gody-er đã đến

Sudan

Sudan là quốc gia nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bao gồm những sa mạc rộng lớn, những cánh rừng xanh mướt, những hồ nước trong xanh và những ngọn núi hùng vĩ. Bên cạnh đó, Sudan cũng có nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn ngon miệng và những nét đẹp văn hóa độc đáo. Mặc dù cơ sở hạ tầng du lịch tại vùng đất này vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, nhưng với sự thân thiện và hiếu khách của người dân địa phương, du khách chắc chắn sẽ có những trải nghiệm khó quên tại Sudan.

Giới thiệu về Sudan

Giáp với các quốc gia láng giềng như Ai Cập, Ethiopia, Libya, Chad và Biển Đỏ, Sudan là một trong số ít những quốc gia trên thế giới hội tụ đủ cả cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và quá khứ lịch sử lẫy lừng. Cũng chính nhờ sở hữu điểm khác biệt đó, kết hợp với nhiều địa danh xinh đẹp và những nét văn hóa đặc sắc nên Cộng hòa Sudan đang nhanh chóng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách quốc tế ghé tới hàng năm.

Vị trí địa lý

Sudan, nằm giữa ngã tư của vùng cận Sahara và Trung Đông, trải dài từ Biển Đỏ về phía tây. Nơi đây giáp ranh với bảy quốc gia: Libya và Ai Cập ở phía bắc, Chad ở phía tây, Cộng hòa Trung Phi ở phía tây nam, Nam Sudan ở phía nam, Ethiopia ở phía đông nam và Eritrea ở phía đông. Sudan còn sở hữu vùng Sahel với sa mạc ở cực bắc, trong khi đó những dải đất màu mỡ dọc theo thung lũng sông Nin, Gezira và trải dài từ Darfur đến Kassala qua các bang Sông Nin Xanh và Kordofan lại là nơi thuận lợi cho nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. 

Khí hậu

Sudan sở hữu khí hậu đa dạng, từ hoang mạc khô hạn ở phía bắc và bờ Biển Đỏ đến bán hoang mạc hoặc bán khô cằn ở phía nam. Nhiệt độ mùa hè ở vùng sa mạc thường vượt quá 43,3 độ C (110 độ F) và lượng mưa gần như không đáng kể. Mùa đông Sudan được đặc trưng bởi thời tiết nắng đẹp khắp nơi, ngoại trừ bờ biển Biển Đỏ đôi khi có mây và mưa rào nhẹ. Đặc biệt ở phía nam và phía đông, ban ngày nóng nhưng đêm mát mẻ, trong khi phía bắc có thể trở nên lạnh giá vào ban đêm.

Dân cư dân số

Ước tính dân số Sudan năm 2024 là 48.801.694 người, chiếm khoảng 0,6% tổng dân số thế giới và đứng thứ 31 trong danh sách các quốc gia (và vùng phụ thuộc). Mật độ dân số ở Sudan là 27 người/km² với khoảng 35,3% dân số sống ở thành thị (16.993.683 người vào năm 2023). Dân số Sudan đang tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ 2,42%, tương đương với việc thêm hơn 1 triệu người mỗi năm. Ngoài ra, do tỷ lệ sinh cao, một phần lớn dân số Sudan dưới 15 tuổi, gây thêm áp lực không nhỏ cho các dịch vụ xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế.

Kinh tế 

Sudan là một quốc gia với nền nông nghiệp đa dạng, nổi bật với các loại cây trồng chính như bông, lạc (đậu phộng), mè, cao su arabic, lúa mì và mía. Trong đó, lúa mì và kê đóng vai trò chủ chốt trong nền nông nghiệp tự túc, bên cạnh một lượng nhỏ ngô và lúa mạch. Nông nghiệp Sudan được chia thành bốn phân ngành chính: nông nghiệp tưới tiêu hiện đại, sử dụng máy móc quy mô lớn với sự hỗ trợ của chính phủ; sản xuất cây trồng dựa vào mưa theo phương thức cơ giới; nông nghiệp truyền thống dựa vào mưa; và chăn nuôi gia súc.

Một phần lớn dân số Sudan tham gia vào nông nghiệp tự túc, tập trung ở vùng thảo nguyên ít mưa phía nam. Nhiều hộ gia đình Sudan cũng chăn nuôi gia súc, đặc biệt là ở nông thôn. Lừa, dê, gia cầm, gia súc và cừu là những loài được nuôi phổ biến nhất. Mãi cho đến những năm 1970, ngành chăn nuôi thương mại mới thực sự phát triển mạnh mẽ và hiện nay đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp quan trọng của Sudan.

Nguồn gốc tên gọi Sudan

Tên gọi Sudan có nguồn gốc từ cụm từ tiếng Ả Rập bilād al-sūdān, nghĩa là “vùng đất của người da đen”. Thuật ngữ này được các nhà địa lý Ả Rập thời trung cổ sử dụng để chỉ các quốc gia châu Phi nằm ở phía nam sa mạc Sahara, nơi người dân chủ yếu là người da đen. 

Thông tin cần biết về Sudan

  • Tên gọi: Cộng hòa Sudan 
  • Thủ đô: Khartoum
  • Diện tích: 1.886 triệu km²
  • Dân số: 48,801,694 người
  • Ngôn ngữ: tiếng Ả Rập , tiếng Nobiin , tiếng Anh.
  • Tiền tệ: Bảng Sudan
  • Múi giờ: GMT+2
  • Mã điện thoại: +249
  • Nguồn điện: 230V và 50Hz
  • Ổ cắm điện: loại C, D

Du lịch Sudan có gì hay, có gì đẹp?

Nằm giữa nhịp cầu nối văn hóa giữa miền Bắc Phi Ả Rập và vùng thung lũng Sahara, Sudan mang đến một trải nghiệm độc đáo, nơi du khách có thể cảm nhận được sự giao thoa diệu kỳ giữa hai khu vực. Tại đây không chỉ có những di tích lịch sử, mà còn ghi điểm với du khách bằng nét văn hóa rực rỡ. Nếu dành thời gian để hòa mình vào nhịp sống nơi đây, khách du lịch sẽ có những cuộc trò chuyện thú vị với người dân địa phương thân thiện. Mỗi cuộc trò chuyện ấy là một mảnh ghép nhỏ kể về câu chuyện của vùng đất dung dị và đầy bất ngờ này.

Con người

Người Sudan nổi tiếng là một dân tộc hiền lành, tốt bụng. Sự tốt bụng của họ thể hiện qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ cách đối xử với người lạ đến chính những người xung quanh. Một ví dụ điển hình là hành động của những người lái xe ở sa mạc. Khi chở khách du lịch, họ thường dừng lại mang bánh kẹo cho trẻ em hoặc nước cho người bị hỏng xe. Họ không hề phân biệt người lạ hay người quen, chỉ đơn giản là muốn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, người Sudan còn có lối sống lành mạnh, không lừa gạt hay chặt chém khách du lịch. Họ chào hỏi người nước ngoài một cách chân thành, không có ý lợi dụng, cũng không hét giá cao hơn cho người nước ngoài so với người bản xứ. Ngoài  ra, trên đường quốc lộ tại Sudan cũng không khó để bắt gặp những chiếc xe bus dừng cho trẻ em nghèo bán hàng rong đi nhờ miễn phí. Ở bệnh viện, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần sự đền đáp. Một người bác sĩ thậm chí còn khám mắt cho bệnh nhân hai lần chỉ vì bệnh nhân tỏ vẻ bất ngờ với kết quả khám lần đầu. Những hành động đẹp đẽ của người Sudan đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của đất nước này, khiến cho du khách đến Sudan cảm thấy ấm áp và được chào đón.

Văn hoá 

Sudan là một quốc gia đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Dân số Sudan chủ yếu là người Hồi giáo, phần lớn nói tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, đất nước này cũng có hơn một trăm ngôn ngữ bản địa khác nhau, bao gồm Nubian, Ta Bedawie và các phương ngữ của các ngôn ngữ Nilotic và Nilo-Hamitic. Ngoài ra, người dân Sudan còn có sự phân hóa cao trong cách thức sinh sống bao gồm cư dân thành phố, nông dân làng mạc và dân du mục chăn thả gia súc. Mặc dù hệ thống bộ lạc đã phần lớn tan rã ở các khu vực đô thị và làng mạc ổn định, tuy nhiên, hình thức này vẫn duy trì sức mạnh của mình trong số những người du mục trên đồng bằng.

Lịch sử 

Vùng đất nay được gọi là Sudan, từng được biết đến với cái tên Nubia cổ xưa, là nơi sinh ra của nhiều nền văn minh vĩ đại. Vào khoảng 2500 TCN, Vương quốc Kerma hùng mạnh đã thống trị khu vực này, cho đến khi bị sáp nhập vào Vương quốc Ai Cập Cổ vào thế kỷ 15 TCN. Tới thế kỷ 11 TCN, Vương quốc Kush đã giành độc lập khỏi Ai Cập, trở thành một cường quốc khu vực, tồn tại cho đến giữa thế kỷ 4 SCN và đã để lại nhiều di sản văn hóa quan trọng, bao gồm các kim tự tháp và đền đài ở Núi Nubian.

Sau khi Kush sụp đổ, người Nubia thành lập ba vương quốc Cơ đốc là Nobatia, Makuria và Alodia. Ba vương quốc tồn tại cho đến khoảng năm 1500. Trong thời kỳ này, Sudan đã trở thành một trung tâm thương mại và văn hóa quan trọng ở Đông Phi. Đến giữa thế kỷ 14 và 15, một phần lớn Sudan bị những người du mục Ả Rập định cư, và từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đất nước trải qua quá trình Hồi giáo hóa sâu rộng.

Sau khi Ai Cập chiếm đóng vào đầu thế kỷ 19, người Anh thành lập Sudan thuộc Anh-Ai Cập - về danh nghĩa là một lãnh thổ chung, nhưng trên thực tế là thuộc địa của Anh. Trong phần lớn nửa sau thế kỷ 20, Sudan chìm trong hai cuộc nội chiến kéo dài. Cuộc nội chiến thứ nhất kết thúc vào năm 1972, nhưng một cuộc nội chiến khác nổ ra vào năm 1983. Kể từ đó các cuộc đàm phán hòa bình liên tục diễn ra và đạt được bước tiến vào năm 2005 khi Hiệp định Hòa bình Toàn diện Bắc/Nam (CPA) được ký. Hiệp định này đã trao quyền tự trị cho miền Nam Sudan trong sáu năm, sau đó là một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. 

Ẩm thực 

Ẩm thực Sudan là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó có dấu ấn đậm nét của chế độ thuộc địa. Các thành phần chính của ẩm thực Sudan là các loại tinh bột, như hạt kê, lúa mì hoặc bột ngô. Điểm đặc sắc nhất là hương vị của bạch đậu khấu và mơ, được kết hợp hài hòa với nhiều nguyên liệu khác, tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn.

Moukh Baza (chuối nghiền)

Ở phía đông của Sudan, Moukh Baza là món ăn đặc sản nổi tiếng nhất có hương vị thơm ngon, béo ngậy, và giàu dinh dưỡng. Cách chế biến Moukh Baza tương tự như ẩm thực của Ethiopia khi chuối được nghiền nhuyễn hoặc xay thành bột. Sau đó, người ta trộn chuối với sữa tươi, sữa đặc, bơ và các gia vị khác. Cuối cùng Moukh Baza sẽ được ăn kèm với bánh mì hoặc cơm.

Kisra (bánh mì dẹt)

Kisra là một món ăn phổ biến ở miền trung Sudan, được làm từ bột lúa miến và là lương thực chính của người dân nơi đây. Món ăn này có hình dạng và hương vị tương tự như các loại bánh mì thông thường, được ăn kèm với món hầm thịt, hành khô, gia vị và bơ đậu phộng. Đôi khi, các đầu bếp còn thêm sữa và sữa chua để tăng hương vị.

Kajaik (cá hầm)

Kajaik là một món hầm cá phổ biến ở Nam Sudan. Nhờ nguồn nước dồi dào từ sông hồ, cá trở thành một trong những nguyên liệu chính trong ẩm thực của người dân nơi đây. Kaijaik sẽ được làm từ cá nước ngọt, có thể là cá lóc, cá trê, cá chép,... được lọc thịt và cắt khúc, sau đó hầm chín cùng với các loại gia vị như hành, tỏi, ớt,... và rau củ như cà chua, khoai tây,... Tất cả nguyên liệu, gia vị được hòa quyện, mang đến một món ăn với hương vị đậm đà, thơm ngon.

Elmaraara và Umfitit

Elmaraara và Umfitit là hai món khai vị phổ biến của người Sudan, đều được làm từ phổi, gan và dạ dày cừu, nhưng được chế biến theo hai cách khác nhau. Elmaraara là món ăn được nấu chín, bằng cách các nguyên liệu chính với bơ đậu phộng, hành tây và muối. Trong khi đó, Umfitit là món ăn đơn giản hơn. Dạ dày cừu khi này chỉ cần rửa sạch, thái lát mỏng ướp với muối và tiêu, sau đó ăn kèm với một số loại rau, chẳng hạn như cà chua, dưa chuột, rau mùi.

Ngoài những món ngon kể trên, khách du lịch đến Sudan còn có thể thưởng thức ẩm thực địa phương với nhiều món ăn hấp dẫn khác bao gồm: Asseeda with Mullah, Foul medames, Gourrassa…

Lễ hội sự kiện 

Lễ hội sự kiện tại Sudan là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Những lễ hội này mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc thiểu số, thể hiện niềm vui, niềm tin và ước vọng của họ. Chính vì vậy, có cơ hội tham gia trải nghiệm những sự kiện lễ hội độc đáo này, du khách thập phương sẽ được tìm hiểu rõ ràng nhất về những phong tục tập quán của người dân bản địa.

Mawlid an-Nabi

Mở màn cho chuỗi lễ hội tưng bừng của Sudan vào tháng Hai chính là Mawlid an-Nabi, ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Thánh Mohammed. Đây là một trong số ít những lễ hội Hồi giáo mà du khách có thể tham gia trọn vẹn, khi niềm vui không chỉ gói gọn trong nhà mà còn hòa mình vào nhịp sống sôi động trên khắp các con phố. Những quầy hàng bày biện đầy thức ăn thơm ngon và bánh kẹo ngọt ngào, tiếng ca hát, nhảy múa rộn ràng vang lên xuyên đêm, tạo nên bầu không khí hân hoan rạo rực. Nhờ vậy, Mawlid an-Nabi thực sự là ngày hội của niềm tin và sự gắn kết, chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên cho bất kỳ ai có dịp tham gia.

Sham Al Nassim 

Diễn ra vào thứ Hai đầu tiên sau lễ Phục Sinh của Thiên Chúa giáo, Sham Al Nassim – Lễ hội Mùa Xuân là một trong những sự kiện được người dân Sudan và du khách quốc tế mong chờ nhất trong năm. Dù nguồn gốc chính xác của lễ hội vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng điều đó không thể ngăn cản niềm hân hoan và hứng khởi tràn ngập khắp mọi nơi. Đây được coi là ngày hội của âm nhạc, vũ điệu và những hoạt động vui chơi giải trí sôi động, mang đến cảm giác tươi mới và rộn ràng của mùa xuân.

Eid al-Fitr 

Là một quốc gia Hồi giáo, Sudan đón chào Eid al-Fitr – Lễ hội đánh dấu kết thúc tháng Ramadan và thời kỳ kiêng ăn với niềm hân hoan rộn ràng. Vào tháng Tám, khắp cả nước Sudan đều ngập trong không khí lễ hội, với những buổi cầu nguyện đông đúc tại các nhà thờ Hồi giáo. Hoạt động chính của Eid al-Fitr diễn ra trong phạm vi gia đình, với những bữa tiệc thịnh soạn, trao đổi quà tặng và khoảng thời gian quý báu để cùng nhau hồi tưởng về tháng Ramadan thiêng liêng, ý nghĩa.

Eid al-Adha

Đến hẹn vào mỗi tháng Mười, cộng đồng Hồi giáo Sudan lại rộn ràng chào đón Eid al-Adha, hay còn gọi là Lễ hội Hiến tế. Đây là sự kiện tôn giáo bắt đầu từ truyền thuyết trong Kinh Koran về lòng quả cảm của Ibrahim, khi người cha sẵn sàng hy sinh con trai đầu lòng cho Allah. Và để tưởng nhớ, người dẫn xứ sở này đã tổ chức những bữa tiệc linh đình với những khoảnh khắc tề tựu cầu nguyện trang nghiêm tại thánh đường cùng gia đình và bạn bè, kéo dài khoảng hai đến ba ngày.

Sufi Holiya Festival

Được tổ chức để tôn vinh các bậc thánh và thiền sư Sufi, Sufi Holiya quy tụ người dân từ mọi tầng lớp và dân tộc, hòa mình trong vòng xoáy của những điệu nhảy nồng nhiệt và những cái ôm ấm áp. Khoảnh khắc này còn thường được gọi là Hadra. Đặc biệt, nổi bật trong không gian lễ hội còn là tiếng ca ngợi khen truyền thống, hay còn gọi là qasaids, vang lên khắp nơi, hòa cùng đoàn diễu hành rực rỡ, đi qua những địa danh mang đậm dấu ấn văn hóa. Với du khách, chứng kiến Lễ hội Holiya chính là một trải nghiệm thiêng liêng và truyền cảm hứng bậc nhất vùng đất này.

Bên cạnh đó, du khách ghé tới Sudan còn có thể trải nghiệm một số lễ hội nổi tiếng khác như: Sudan International Book Fair, Nile Festival, Independence Day…

Điểm du lịch hấp dẫn 

Sudan không chỉ mang đến một danh sách dài những điểm đến quen thuộc, mà còn mở ra một kho tàng trải nghiệm bất ngờ cho du khách. Đất nước này tự hào với những thắng cảnh hùng vĩ, thiên nhiên mỹ lệ đến nao lòng, và đặc biệt là con người hiếu khách bậc nhất thế giới. Ghé tới Sudan trong chuyến hành trình khám phá Châu Phi của mình chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.

Kim tự tháp Meroe

Đây là một di tích cổ đại được xây dựng bởi các Pharaoh Meroitic vào khoảng năm 500 trước Công nguyên. Kim tự tháp này có kiến trúc khác biệt so với các kim tự tháp ở Ai Cập, với phần đỉnh phẳng hơn và các mặt bên có hình tam giác cân. Đến đây, khách du lịch có thể vào tham quan bên trong để chiêm ngưỡng những bức tranh graffiti và chữ tượng hình cổ đại. Thời gian tốt nhất để tham quan kim tự tháp Meroe là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào bề mặt của kim tự tháp tạo nên một vẻ đẹp huyền bí.

Biển Đỏ

Biển Đỏ là một phần của Ấn Độ Dương, nằm giáp với bờ biển phía đông của Sudan, nổi tiếng với làn nước trong xanh, những rạn san hô tuyệt đẹp và thảm động thực vật phong phú. Nơi đây được coi là một nơi lý tưởng để lặn ngắm san hô và các loài sinh vật biển. Ngoài ra, Biển Đỏ còn là một địa điểm tuyệt vời để thư giãn và nghỉ ngơi khi có nhiều khu nghỉ mát sang trọng ở khu vực Port Sudan và Berkowitz, giúp du khách có thể tận hưởng những dịch vụ cao cấp và trải nghiệm những hoạt động giải trí hấp dẫn.

Vườn quốc gia Dinder

Vườn quốc gia Dinder là một trong những công viên quốc gia lớn nhất ở châu Phi, với diện tích hơn 2500 km2. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm sư tử, voi, kudu, báo hoa mai, linh dương và vô số loài chim khác nhau. Đến với vườn quốc gia, du khách có thể khám phá thế giới tự nhiên kỳ diệu thông qua việc tham gia các hoạt động như đi bộ đường dài, đi săn hoặc ngắm động vật hoang dã bằng xe jeep.

Bảo tàng quốc gia Khartoum

Bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử của Sudan đều nên ghé thăm Bảo tàng Quốc gia ở Khartoum. Dù tương đối nhỏ so với những tòa nhà xung quanh, nhưng đây lại là nơi lưu giữ hành trình lịch sử của đất nước, từ thời Pharaonic đến ngày nay. Tại bảo tàng, du khách có thể chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, bao gồm các tác phẩm chạm khắc nguyên bản trên đá và không ít những bức bích họa Thiên chúa giáo.

Omdurman

Omdurman là thành phố lớn nhất của Sudan và là thủ đô của Sudan từ năm 1881 đến năm 1956. Thành phố này mang đậm dấu ấn Hồi giáo với những tòa nhà cổ kính, những khu chợ sầm uất và những con đường lát đá. Du khách đến Omdurman có thể tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn, bao gồm chợ Souk Muwaileh bày bán nhiều mặt hàng đa dạng từ quần áo, đồ điện tử đến đồ thủ công mỹ nghệ, hay bảo tàng quốc gia trưng bày các hiện vật lịch sử và văn hóa, và nhà thờ Hồi giáo Al-Muhandisin - một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Sudan. 

Jebel Marra

Jebel Marra là ngọn núi cao nhất ở tây nam Darfur, với độ cao lên đến 10.000 feet. Ngọn núi này là nơi lý tưởng cho các hoạt động như đi bộ đường dài và leo núi. Khu vực này cũng tự hào với vẻ đẹp của thác nước, hồ núi lửa cùng rất nhiều ngôi làng xinh đẹp nằm rải rác trên đỉnh và chân núi.

Đặc biệt, du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm vùng đất xinh đẹp này còn có cơ hội khám phá nhiều điểm đến độc đáo khác như: Suakin, Kerma, Vườn quốc gia Sanganeb, Cảng Sudan…

Với những trái tim khao khát một hành trình độc đáo và đa sắc màu của châu Phi, Sudan chính là mảnh đất hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên. Từ thiên nhiên hùng vĩ với cảnh quan ngoạn mục và thế giới động vật phong phú cho đến bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời, Sudan sẽ chiều lòng mọi du khách. Đến đây, khách du lịch không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp của hiện tại, mà còn có cơ hội khám phá những bí ẩn của quá khứ và ôm trọn niềm hy vọng về tương lai.

1.

1. Văn hóa

2. Ngôn ngữ

3. Địa lý

4. Thời tiết

5. Múi giờ

2.

1. Nội địa

2. Cac phương tiện khác

3. Quốc tế

3.

1. Tỷ giá

2. Mức tiêu thụ bình quân 1 ngày

3. Đổi tiền

4. Hoàn thuế

4.

1. Mạng di động

2. Internet

5.

1. Lễ Hội

6.

1. Y tế

2. Thông tin liên hệ quan trọng

3. Các ứng dụng hữu ích

7.

1. Ẩm thực

8.

1. Thị Thực

2. Loại thị thực

3. Cách xin thị thực

9.

1. Quy định xuất cảnh

2. Quy định nhập cảnh

Xem Thêm Nội Dung
Đã cập nhật vào ngày 27/01/2024