Nếu một ngày ở giữa Sài Gòn tấp nập bạn cảm thấy bon chen, ngột ngạt khó thở quá, bạn muốn tìm về một chốn an yên, tĩnh lặng để quay về bên trong mình thì Tu Viện Khánh An là một nơi thích hợp để bạn làm điều đó.
Tu viện Khánh An là một trong những địa điểm du lịch Sài Gòn nổi bật, thu hút đông đảo tín đồ phật tử và các bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh sống ảo hay để tìm về chốn thanh tịnh. Để tìm hiểu rõ hơn về địa chỉ, kiến trúc, lịch sử hình thành cũng như những kinh nghiệm tham quan tu viện,... bạn hãy cùng Việt Đăng Di khám phá ngay nhé!
1. Tu viện Khánh An ở đâu?
Tu viện Khánh An tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.000m2 tại địa chỉ 1055/3D đường Võ Thị Thừa, QL1A, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Cách trung tâm TP HCM khoảng 12km. Tuy khá xa trung tâm thành phố nhưng tu viện rất dễ tìm do có khuôn viên rộng, kiến trúc bề thế, nổi bật. Đây là một trong những di tích lịch sử nổi bật của thành phố. Tu viện Khánh An còn là nơi thường xuyên tổ chức các khóa tu, thiền và nhận được sự quan tâm của đông đảo chư tăng, phật tử.
2. Lịch sử tu viện Khánh An
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tu viện Khánh An là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng và đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử hào hùng. Năm 1905, Tổ sư Trí Hiền (thầy Năm Phận) được hiến tặng một thửa đất khoảng 4ha để xây dựng chùa Khánh An. Đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ và được người dân trong vùng quen gọi với cái tên chùa Thầy Phận hay chùa Thầy Năm Phận.
Lúc bấy giờ chùa Khánh An là căn cứ bí mật, tập hợp nhiều chiến sĩ yêu nước chống Pháp. Tháng 7/1939, tại chùa Khánh An, Chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của vùng An Lộc Đông được thành lập với 9 Đảng viên.
Sau một thời gian phát triển, Thầy Năm Phận cũng được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức như tổ chức mít tinh đòi giảm sưu thuế, vạch rõ tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến, phản đối bắt thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp, khơi dậy lòng căm thù giặc, chuẩn bị cho ngày nổi dậy.
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt, chùa đã nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá. Đến năm 2006, chùa được trùng tu toàn bộ với kiến trúc như ngày nay và được đổi tên thành tu viện Khánh An. Ngày 27/7/2007, UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận tu viện Khánh An là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố.
3. Kiến trúc tu viện Khánh An
Khi đặt chân đến tu viện Khánh An, bạn có cảm giác như lạc vào một Nhật Bản thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn vì kiến trúc ở đây giống với kiến trúc chùa ở Nhật Bản. Tuy nhiên, đại diện tu viện Khánh An cho biết, tu viện được xây dựng theo kiến trúc Phật Giáo Bắc Tông thuộc phong cách chùa chiền cổ xưa của người Việt và hoàn toàn không phải kiến trúc Nhật Bản như nhiều người lầm tưởng.
Tu viện cũng sử dụng những tông màu thân thuộc với văn hóa đời sống người Việt như màu đỏ của gạch, đất; màu xám của khói và màu trắng của vôi. Đặc biệt, vì xây dựng theo phong cách cổ xưa nên tu viện không sử dụng hình tượng rồng, phượng hoặc các họa tiết trang trí sặc sỡ như nhiều ngôi chùa khác ở phương Nam.
3.1. Chánh điện
Tu viện Khánh An có hai tòa nhà chính là chánh điện và nhà tăng, khách đường. Về chánh điện, tòa nhà được đặt tên là “Phật đường tỉnh thức” có kết cấu chủ yếu từ gỗ. Đây là nơi tụng kinh, tọa thiền của chư tăng, phật tử.
Tòa nhà chánh điện gồm 1 trệt 2 lầu. Bậc thang lên chánh điện được làm bằng đá, chạm trổ họa tiết hoa sen tinh tế. Mái ngói chánh điện có màu nâu trầm xếp lớp kết hợp trang trí với nhiều đèn lồng rực rỡ. Khuôn viên tu viện khá mát mẻ và được tô điểm bởi nhiều loại cây như: thông, phượng vỹ, hoa giấy,… bên cạnh những cột đèn lục giác lạ mắt.
3.2. Nhà tăng và khách đường
Bên cạnh chánh điện là tòa tháp của nhà tăng và khách đường với gam màu đỏ chủ đạo với mái ngói hình rồng phượng. Rực rở và quyến rủ nhất vẫn là phần chóp với màu vàng cao vút trên nền trời. Đây là điểm quyến rủ từ rất xa khiến các Phật tử và du khách bị cuốn hút lôi kéo đến với nơi này.. Chính kiến trúc này khiến nhiều người liên tưởng đến phong cách đền chùa Nhật Bản.
Trang trí khắp khuôn viên là những chiếc đèn làm bằng gỗ và giấy có hình lục giác. Đây gần như là các biểu tượng may mắn được tìm thấy trong các ngày hội bên Nhật. Không chỉ riêng khu vực đó mà bạn còn tìm thấy nó được treo hầu như ở các dãy hành lang, khu chánh điện, nhà tăng… Việc treo trang trí này nhằm giúp các khóa tu và thiền được thêm phần long trọng.
4. Kinh nghiệm tham quan tu viện Khánh An
Dù tọa lạc khá xa trung tâm thành phố nhưng tu viện Khánh An luôn thu hút rất đông phật tử và du khách đến hành hương, vãng cảnh, nhất là những dịp cuối tuần, rằm, lễ quan trọng. Do đó, nếu muốn tận hưởng vẻ đẹp yên tĩnh và trầm mặc của tu viện, bạn hãy đến đây vào những thời điểm ít người như đầu hoặc giữa tuần và tránh các dịp rằm, lễ.
Các bạn có thể đến đây vào bất cứ thời gian nào, nhưng để cảm nhận được những khoảnh khắc tuyệt vời và có những bức ảnh đẹp thì bạn nên đến đây vào sáng sớm lúc ánh nắng lung lung dịu nhẹ hoặc buổi chiều tối lúc hoàng hôn đang dần buông là thích hợp nhất.
Tu Viện Khánh An vào cửa chụp hình miễn phí. Nhưng Tu Viện này là nơi tu hành tôn nghiêm nên chụp hình mọi người nên mặc đồ kín đáo và đàng hoàng xíu. Các bạn tránh đùa giỡn lớn tiếng. Bên cạnh đó có một số nơi riêng tư người ta sẽ treo biển không được vào, nên mọi người cần lưu ý nha!
5. Lưu ý khi tham quan tu viện Khánh An
Là chốn thiền tịnh và là nơi thờ tự trang nghiêm, bạn cần lưu ý những điều sau khi đến tham quan tu viện:
- Tuân thủ quy định, biển hướng dẫn của tu viện, hạn chế nhang khói.
- Ăn mặc lịch sự, kín đáo, không tạo dáng chụp ảnh phản cảm.
- Giữ yên lặng, không đùa giỡn gây ảnh hưởng không gian thanh tịnh.
- Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi làm mất cảnh quan chung.
- Không tự ý cho cá ăn.
6. Tham gia các khóa tu ngắn hạn
Không chỉ là nơi tham quan, checkin, Tu viện Khánh An còn có rất nhiều khóa tu ngắn hạn như hội trại, khóa tu hè, khóa thiền,… để bạn có thể tham gia bất cứ lúc nào. Mỗi khóa tu đều được tổ chức rất bài bản, mục đích nhằm đưa tinh thần Phật học vào đời sống. Các bạn có thể liên hệ với các sư thầy để nhận được thông tin từ các khóa tu.
https://vt.tiktok.com/ZSdKeLkHV/?k=1
Việt Đăng Di