Nhà thờ Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nhà thờ Cái Bè được biết đến là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà thờ Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nhà thờ Cái Bè được biết đến là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tọa lạc bên ngã ba sông Cái Bè – nơi tụ họp của chợ nổi Cái Bè nổi tiếng, nhà thờ Cái Bè nổi bật giữa một vùng sông nước tấp nập thuyền bè qua lại.
Nhà thờ do linh mục Adophe Keller người Đức và bà con giáo xứ Cái Bè xây dựng từ năm 1929-1932. Nhà thờ Cái Bè có lối kiến trúc Roman của phương tây bằng bê tông cốt thép đúc đá, qua bao thăng trầm thời gian vẫn giữ được dáng vẻ đẹp thanh thoát, cổ kính.
Mặt bằng nhà thờ có hình Thánh giá với hai cánh ngang rất cân đối, gồm một lòng chính và hai lòng phụ với khuôn viên rộng và mát mẻ. Nhìn từ trên cao, nhà thờ như một dấu chữ thập khổng lồ nổi bật giữa khuôn viên cây xanh và xóm làng bình dị.
Phần Thánh đường của nhà thờ được đặt nghiêm trang 5 bàn thờ được đúc hoàn toàn từ đá cẩm thạch quý. Toàn bộ hàng ghế được đặt ngay ngắn hai bên, tạo cảm giác nghiêm trang, cung kính nhưng cũng rất giàu tính thẩm mỹ.
Ngoài ra, những tấm kiếng màu đã được ghép thành bức tranh khổng lồ, vừa giúp tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên còn tạo nên nét đẹp rất riêng cho Nhà thờ Cái Bè nữa.
Mái vòm cao, chia múi với những hoa văn đơn giản mà tinh tế. Nội thất tráng lệ cùng những bức tranh được bài trí trang trọng bên trong nhà thờ. Tấm tranh bằng kính màu vừa có tác dụng chiếu sáng nội thất thánh đường vừa mang tính thẩm mỹ độc đáo, tạo nên một không gian linh thiêng cho những tín đồ tin tưởng nguyện cầu.
Cửa chính, cửa sổ và hoa văn của mái che trên cửa phụ đều được tạo tác rất công phu. Diềm mái kết hợp hài hòa với vẻ đẹp của các ô cửa.
Từng chi tiết nhỏ được trau chuốt tỉ mỉ và giàu tính thẩm mỹ. Tất cả được kết hợp một cách liền mạch và tinh tế toát lên nét trầm mặc uy nghiêm.
Điểm nhấn của Nhà thờ Cái Bè chính là tháp chuông cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tháp chuông có bộ chuông rất lớn với 4 trái, được đúc tại Pháp vào năm 1931 bằng kỹ thuật thiết kế quả lắc chuông và thanh treo tiên tiến.
Dưới chân tháp chuông là một hầm chứa nước khá lớn nhằm khuếch đại âm thanh của tiếng chuông. Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của sự yên lành, thanh bình, thánh thiện, gieo vào lòng người những cung bậc của bác ái và hân hoan.
Ngoài ra, trên đỉnh tháp chuông còn đặt một tượng Đức Mẹ cao khoảng 2,3m được đúc từ đất nung. Mỗi khi gần tới giờ tổ chức Thánh lễ hoặc vào những dịp quan trọng trong giáo xứ (có thể là báo nhà nào có người thân qua đời chẳng hạn) thì nhà thờ sẽ tiến hành đổ chuông. Lúc này, tiếng chuông vang tựa âm thanh du dương réo rắt khiến bao người cảm thấy xao xuyến, bồi hồi.
Trong ánh sáng buổi chiều hoàng hôn, toàn bộ quần thể nhà thờ trở nên đẹp lộng lẫy với tháp chuông cao vút, tượng đức mẹ uy nghi trên nền trời xanh, mái nâu sáng rực, dòng sông hiền hòa cũng bừng lên phản chiếu ánh bình minh.
Khuôn viên
Khuôn viên nhà thờ gồm 3 khu vực chính, gồm khu vực thờ đức mẹ Maria, khu vực tượng mô tả cảnh chúa Giê su bị đóng đinh vào thánh giá và khu vực tượng chúa Giê su khi còn nhỏ.
Ngoài việc mang giá trị về tôn giáo nhà thờ Cái Bè cũng được xem như một công trình kiến trúc độc đáo, là nơi nhiều khách du lịch Tiền Giang đến tham quan chụp hình. Hiện nay, do giao thông đường bộ phát triển nên chợ nổi Cái Bè không còn hoạt động nữa. Do đó, khi đến tham quan nhà thờ Cái Bè du khách có thể kết hợp tham quan làng cổ Đông Hòa Hiệp và vườn trái cây.