Tìm hiểu văn hóa người Hoa tại Hội quán Nghĩa An quận 5
Việt Quốc Phạm
Thứ 2, 03/10/2022

Tín ngưỡng thờ Quan Công là một trong những nét đặc sắc nhất, tiêu biểu cho văn hóa tinh thần người Hoa. Tại Sài Gòn, tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất ở nhiều công trình văn hóa, tính ngưỡng. Nổi bật trong số đó phải kể đến Hội quán Nghĩa An.
Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông) là một trong những điểm khám phá ưa thích của nhiều du khách mỗi khi có dịp du lịch Sài Gòn. Nơi đây nổi tiếng nhờ lối kiến trúc Trung Hoa vừa sinh động vừa giàu giá trị văn hóa, lịch sử.
1. Giới thiệu về Hội quán Nghĩa An
Hội Quán Nghĩa An (còn được gọi là Chùa Ông hay Miếu Quan Đế), tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.
Hội Quán Nghĩa An ban đầu là nơi hội họp chiêm bái của người Hoa gốc Triều Châu. Sau này hội quán thờ thêm Quan Thánh đế quân nên đươc gọi là chùa Ông. Đây là ngôi chùa thờ thần Quan Công, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
2. Quan Công là ai?
Quan Công là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc tên là Quan Vũ, tự là Trường Sinh hay Vân Trường. Ông là một vị tướng lừng lẫy thời nhà Đông Hán và sống trong thời Tam Quốc, là một trong những vị tướng đã góp công rất lớn trong việc thành lập nên nhà nước Thục Hán với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.
Thờ quan công có ý nghĩa gì?
Sau khi thời Tam Quốc đi qua, Quan Công được dân chúng tôn sùng và thần thánh hóa như một vị Quan Thánh: “Danh lợi không đổi lòng, giàu sang không sinh dâm loạn, nghèo hèn không nhục chí, oai vũ không khuất phục”. Bắt đầu từ thời nhà Đường, Quan Công bắt đầu được đưa vào thờ tại Võ miếu. Trải qua nhiều triều đại của Trung Hoa tới tận nhà Thanh, Quan Công vẫn là vị danh tướng duy nhất được xây dựng điện thờ riêng.
Người dân tôn sùng và gọi ông là Quan Công, Quan Đế hay Quan Thánh. Hình tượng của Quan Công cũng được biết đến với khuôn mặt hung tợn, đỏ như gấc và được miêu tả với “mày tằm hình chữ bát, mắt phượng sáng như sao, râu dài hai thước, trán hùm thân lẫm liệt”. Trên tay Quan Công luôn cầm cây thanh long yển nguyệt đao và cưỡi trên con ngựa Xích Thố dáng vẻ vô cùng oai phong lẫm liệt.
Với tài nghệ và võ công xuất chúng, Quan Công được xem như là một vị thánh có thể trấn áp hung khí, sát khí và chống lại các thế lực tà ma, ngoại đạo.
Với những người chuyên làm ăn, kinh doanh buôn bán thì khi thờ cúng tượng đồng Quan Công cũng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ giúp cho công việc làm ăn thuận lợi hơn và có được sự thành đạt trong kinh doanh, buôn bán.
Trong văn hóa của người Hoa, miếu thờ thần Quan Công biểu hiện cho lòng trung nghĩa, hướng về quê hương của những người con xa xứ, và cái tên “Nghĩa An” cũng biểu thị cho ý niệm tưởng nhớ về gốc gác như trên.
Dần dần, nơi đây đã trở thành nơi hội họp, thờ cúng và thể hiện văn hóa tâm linh của người Hoa đến từ vùng Nghĩa An, Trung Quốc.
3. Khám phá kiến trúc Hội quán Nghĩa An
Nếu có dịp ghé thăm Hội quán Nghĩa An, các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo mang đậm âm hưởng Trung Hoa. Cụ thể, hầu như tất cả các đền miếu nơi đây đều có kiến trúc hình chữ khẩu với những dãy nhà khép kín và vuông góc.
Hội quán có khoảng sân khá rộng (gần 2.000m2). Bước chân vào cổng các bạn sẽ gặp một hồ phóng sinh nằm trên một cái sân rất lớn. phần diện tích còn lại bao gồm: tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng Hội quán dọc hai bên điện thờ.
Phía trước cửa chính là 2 tượng kỳ lân trấn giữ hai bên. Cửa chính hội quán được trang trí rất đẹp với nhiều câu thơ, bức hoành phong và các chi tiết được chạm trổ điêu khắc một cách tỉ mỉ, công phu, màu sắc được phối hợp rất hài hòa và nổi bật. Ngước lên trên tấm biển là dòng chữ “Nghĩa An Hội quán” được chạm nổi trên nền cảnh “Lục Quốc phong tướng”.
Từ ngoài sân bước qua cổng là đến tiền điện. Tại đây sẽ thấy sân thiên tỉnh (giếng trời) đặt ở giữa Hội quán rộng rãi và thoáng đãng.
Bước qua sân thiên tỉnh du khách sẽ đến nhà hương, nơi đặt khám thờ Quan Vũ. Sau nhà hương chính là chính điện. Nơi đây có không khí trang nghiêm, linh thiêng với những cột gỗ cao treo câu đối. Bên cạnh đó còn có những bao lam, hoành phi và khám thờ được chạm trổ, điêu khắc tinh tế.
Ở giữa chính điện có gian thờ Quan Thánh đế quân (Quan Vũ) được làm bằng thạch cao sơn màu cao 300cm. Đứng hầu ở 2 bên là tượng Quan Bình và Châu Xương. Ngoài ra, bên phải và bên trái chính điện còn lần lượt thờ Thiên Hậu Thánh mẫu và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài).
Hội quán Nghĩa An được coi là địa điểm tụ hội tinh hoa kết hợp của nghệ thuật thư pháp, chạm khắc gỗ, đá, ghép mảnh sành sứ… ở Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Từng họa tiết sành sứ trang trí trên nóc mái được thể hiện rất sinh động và đẹp mắt.
Nghĩa An Hội quán còn có những bức tượng, phù điêu bằng gốm trang trí trên mái ngói, các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân hay những câu đối, tranh vẽ mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.
Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng di tích văn hóa này vẫn bảo tồn được nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng của người Triều Châu. Tất cả được thể hiện qua việc những màu sắc bắt mắt và các đường nét thiết kế tại ngôi chùa.
Hàng năm, Chùa Ông đều tổ chức lễ cúng Quan Đế vào ngày 24/6 (Âm lịch) và rằm tháng Giêng (dịp lớn nhất). Ngoài ra, còn có các lễ cúng Bà Thiên Hậu, Phúc Đức chính thần… Đây là những dịp để người Triều Châu ở Sài Gòn tụ họp, thể hiện lòng tưởng nhớ tới quê hương và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa trên đất khách.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn có thêm thông tin về chùa Hội quán Nghĩa An của người Hoa. Nếu đến TP HCM du lịch thì các bạn nên đến khu người Hoa tại quận 5 để khám phá những nét đặc trưng của nền văn hóa nghìn năm của người Hoa nhé!
hồ chí minh
Đã cập nhật vào ngày 24/12/2022