Jakarta
Mệnh danh là đất nước vạn đảo nên nhắc đến Indonesia thì có lẽ bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến đảo Bali - hòn đảo thiên đường, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của biết bao nhiêu du khách. Là cửa ngõ quốc tế của Indonesia nên Jakarta thường là điểm dừng chân của nhiều du khách nước ngoài khi họ muốn kết hợp ghé thăm các điểm du lịch nổi tiếng khác của Indonesia như đảo Bali, đảo Lombok, đảo Komodo và thành phố Yogyakarta. Nhưng bạn cũng đừng bỏ qua thành phố Jakarta sầm uất, hiện đại và cũng còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống của người dân Indonesia.
Giới thiệu về Jakarta
Jakarta là thủ đô cũng như thành phố lớn nhất của đất nước Indonesia. Đây còn được xem là thành phố đông dân nhất ở khu vực Đông Nam Á và là thủ phủ ngoại giao của khối ASEAN. Tuy nhiên do sự quá tải dân số đang ngày càng ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng nên chính phủ Indonesia đang có ý định dời thủ đô tới Nusantara trong tương lai. Du lịch Jakarta không chỉ là cơ hội để bạn tìm hiểu nền văn hoá đa dạng, nhiều dân tộc địa phương với nét đặc trưng riêng mà còn tận mắt chiêm ngưỡng sự náo nhiệt của một thành phố hiện đại với những công trình kiến trúc mang tầm cỡ quốc tế.
Vì sao có tên gọi là Jakarta?
Jakarta (phiên âm tiếng Việt: Gia-các-ta) có tên gọi đầy đủ là Tỉnh Đặc khu Thủ đô Jakarta (tiếng Indonesia: Propinsi Daerah Khusus Ibukota Jakarta, viết tắt là Propinsi DKI Jakarta hoặc DKI Jakarta). Trước đây thì thành phố này cũng từng được gọi với nhiều cái tên khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử, như là Sunda Kelapa (397–1527), Jayakarta (1527–1619), Batavia (1619–1942), Djakarta (1942–1972) và cuối cùng là tên Jakarta (1972–nay)
Cái tên “Jakarta" được cho là biến đổi từ tên “Jayakarta” - một tên gọi bắt nguồn từ tiếng Phạn là: “jaya” (chiến thắng), và “krta” (hoàn thành, đạt được). Vì thế Jayakarta sẽ được hiểu theo ý nghĩa là "sự thắng lợi", "nhiệm vụ hoàn thành" hoặc "chiến thắng huy hoàng". Lý do là bởi vào năm 1527, quân đội Hồi giáo của Fatahillah đã thành công đánh đuổi Bồ Đào Nha ra khỏi thành phố nên họ đặt tên để nhằm kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Ngoài ra trong thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng, thành phố còn được đổi tên sang tiếng Nhật là “Jakaruta Tokubetsu-shi” (ジャカルタ特別市, nghĩa là “Thành phố đặc biệt Jakarta”).
Các thông tin cần biết về Jakarta
- Tên gọi: Jakarta
- Quốc gia: Indonesia
- Diện tích: 661,5 km²
- Dân số: 12,312,000 người
- Ngôn ngữ: tiếng Indonesia
- Tôn giáo: Hồi giáo
- Múi giờ: UTC+7
- Mã điện thoại: +62 21
- Tiền tệ: đồng Rupiah (kí hiệu: IDR)
Du lịch Jakarta có gì hay? có gì đẹp?
Không quá nổi bật với khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp nên Jakarta không phải là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho những người yêu thích ngắm cảnh biển hay tận hưởng khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên nơi đây sẽ là một điểm đến thú vị với những ai thích tìm hiểu nền văn hoá và ẩm thực của người Indonesia. Jakarta là nơi tập trung vô số món ăn truyền thống của nhiều dân tộc đang sinh sống tại Indonesia cũng như có nhiều công trình kiến trúc ấn tượng.
Lịch sử
Theo lịch sử ghi chép lại, Jakarta - khu vực bờ biển phía tây bắc Java - là nơi phát triển của nền văn hóa Buni thời tiền sử rực rỡ từ năm 400 trước Công nguyên đến năm 100 sau Công nguyên. Khu vực trong và xung quanh Jakarta hiện đại chính là một phần của vương quốc Tarumanagara của người Sunda vào thế kỷ thứ 4 - là một trong những vương quốc Hindu lâu đời nhất ở Indonesia. Sau sự suy tàn của vương quốc Tarumanagara, các vùng lãnh thổ của nó, bao gồm khu vực Jakarta tiếp tục trở thành một phần của Vương quốc Sunda theo đạo Hindu.
Đến năm 1513, có đội tàu châu Âu đầu tiên gồm bốn con tàu Bồ Đào Nha đi từ Malacca đến nơi này. Sau đó mối quan hệ giữa vương quốc Sunda và người Bồ Đào Nha được tăng cường nhờ sự giao lưu, tặng quà với nhau. Vua của Sunda cũng mong muốn nhờ sự ủng hộ của người Bồ Đào Nha để củng cố địa vị cho Vương quốc Sunda chống lại các đội quân Hồi Giáo đang có thế lực tăng lên của Sultanate (vương quốc Hồi Giáo) Demak ở Trung Java. Vào năm 1527, đội quân Hồi Giáo đến từ Cirebon và Demak dưới sự lãnh đạo của Fatahillah đã tấn công Vương quốc Sunda. Vua Sunda mong đợi người Bồ Đào Nha đến cứu viện và giúp ông đẩy lùi quân đội của Fatahillah. Tuy nhiên quân đội Fatahillah đã đánh bại cả liên minh vương quốc - thực dân và chiếm được Sunda Kelapa vào ngày 22/06/1557. Sau đó Fatahillah quyết định đổi tên "Sunda Kelapa" thành "Jayakarta"
Năm 1596, có nhiều tàu buôn của người Hà Lan đến Jayakarta với ý định buôn bán gia vị, khá giống người Bồ Đào Nha trước đây. Nhưng hoàng tử của Jayakarta lúc đó đã xem sự hiện diện của người Hà Lan tại khu vực này là một một mầm họa bởi vì người Hà Lan trước đó đã xây nhiều căn cứ quân sự. Khi các mối quan hệ giữa Hoàng tử Jayakarta và người Hà Lan sau đó xấu đi, những người lính của ông đã tấn công pháo đài của Hà Lan nhưng cũng không thành không. Tiếp theo đó, một sự việc đã diễn ra là Sultan (vương quốc Hồi Giáo) Banten đã triệu mời Hoàng tử Jayakarta đến để thiết lập mối quan hệ gần gũi với người Anh mà không có sự chấp thuận của chính quyền Banten. Thế nên quan hệ giữa cả Hoàng tử Jayakarta và người Anh với chính quyền Banten đều trở nên xấu hơn và dẫn đến việc hoàng tử quyết định dời đến Tanara cho đến khi ông qua đời. Điều này giúp cho người Hà Lan thiết lập được quan hệ gần gũi với Banten. Năm 1619, người Hà Lan đổi tên khu vực Jakarta ngày nay thành "Batavia" và duy trì cái tên này cho đến năm 1942. Nhờ các cuộc thương mại diễn ra mà thành phố cũng thu hút đông đúc những người nhập cư từ Trung Quốc, Ả Rập và các nước phương Tây. Những cơn dịch bệnh vào năm 1835 và 1870 đã buộc nhiều cư dân phải rời khỏi cảng. Đến năm 1930, Batavia có hơn 500.000 cư dân, trong đó có 37.067 người châu Âu.
Vào ngày 05/03/1942, quân Nhật chiếm được Batavia từ sự kiểm soát của Hà Lan, và thành phố được đổi tên là Jakarta (Thành phố đặc biệt Jakarta (ジャカルタ特別市, Jakarta tokubetsu-shi). Sau khi kết thúc chiến tranh, tên theo tiếng Hà Lan là “Batavia”lại được quốc tế công nhận cho đến khi Indonesia giành được độc lập hoàn toàn từ Hà Lan vào ngày 27/12/1949. Khi đó, thành phố Batavia mới được đổi tên lại thành là "Jakarta" (một cách viết ngắn của Jayakarta), chính thức được tuyên bố là thủ đô quốc gia của đất nước Indonesia.
Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Cộng hòa Indonesia đã rút khỏi Jakarta khi thành phố này bị chiếm bởi quân Đồng Minh trong lúc đang tham gia Cách mạng Dân tộc Indonesia và tạm thời dời đô đến thành phố Yogyakarta. Cho đến năm 1950, khi độc lập Indonesia được bảo đảm, Jakarta lại một lần nữa trở thành thủ đô của quốc gia. Tổng thống sáng lập nước cộng hòa Indonesia, ông Sukarno có dự định biến Jakarta trở thành một thành phố quốc tế lớn, đẩy mạnh các dự án lớn do chính phủ tài trợ với kiến trúc quốc gia và chủ nghĩa hiện đại công khai.
Tháng 10 năm 1965, Jakarta xảy ra cuộc đảo chính bất khả chiến bại, trong đó 6 vị tướng hàng đầu bị giết hại, làm tràn ngập bạo lực chống chủ nghĩa cộng sản, trong đó nửa triệu người đã bị giết, trong đó có nhiều người Hoa. Vào năm 1966, Jakarta tuyên bố là "vùng đặc biệt" (daerah khusus ibukota). Trung tướng Ali Sadikin lên nắm chức tỉnh trưởng từ giữa những năm 1960 và bắt đầu một "Trật Tự Mới" cho đến năm 1977. Ông đã khôi phục đường sá và cầu cống, khuyến khích nghệ thuật, xây dựng một số bệnh viện, công trình cộng đồng,... Thêm vào đó, nhờ sự đầu tư của nước ngoài cũng góp phần vào sự bùng nổ bất động sản làm thay đổi bộ mặt của thành phố Jakarta.
Địa lý
Về mặt chính thức thì Jakarta không phải là một thành phố mà chính là một tỉnh với tư cách đặc biệt là thủ đô của Indonesia. Jakarta gồm năm thành phố (kotamadya) và một huyện, đứng đầu bộ máy hành pháp Jakarta là tỉnh trưởng. Còn mỗi thành phố của nó được đứng đầu bởi một thị trưởng và đứng đầu mỗi huyện là một huyện trưởng. Thủ đô Jakarta nằm trên bờ biển phía Tây Bắc của đảo Java, ngay tại cửa sông Ciliwung đổ ra vịnh Jakarta với một phần của biển Java. Đây là một trong hai thủ đô duy nhất của châu Á (bên cạnh thủ đô Dilli của Đông Timor) là nằm ở phía Nam bán cầu.
Jakarta có vị trí nằm ở phần thấp và bằng phẳng của lưu vực với độ cao trung bình 7 mét trên mực nước biển trung bình. Khoảng 40% diện tích của Jakarta, đặc biệt là phía Bắc sẽ thấp hơn mực nước biển trong khi phần phía Nam có địa hình chủ yếu là đồi. Ngoài ra ở đây cũng có những con sông đổ ra từ cao nguyên Puncak phía Nam của thành phố, chảy về phía bắc đổ ra biển Java; hay là các con sông khác như sông Ciliwung, sông Pesanggrahan và sông Sunter. Nhưng vì có nhiều sông mà hệ thống thoát nước lại chưa tốt nên khiến cho Jakarta thường xảy ra lũ lụt vào mùa mưa.
Khí hậu
Dựa theo vị trí địa lý thì Jakarta được xác định là nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bởi nằm tương đối gần xích đạo, thành phố này chia thành các mùa khô và mùa mưa rõ rệt với nhiệt độ cao đều quanh năm. Từ tháng 10 đến tháng 4 là mùa mưa ở Jakarta với thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều. Còn từ tháng 5 đến tháng 9 là vào mùa khô nên thời tiết sẽ rất oi bức. Nằm trên bờ tây Java, mùa mưa ở Jakarta đạt đỉnh cao nhất vào tháng 1 và tháng 2 với lượng mưa trung bình tháng đạt 299,7 milimet và mùa khô lượng mưa thấp nhất vào tháng 8 với lượng mưa trung bình 43,2 milimet. Vì thế thời điểm lý tưởng để du lịch Jakarta là vào tầm tháng 4 - tháng 10 bởi đó là lúc giao mùa nên khí hậu sẽ ít oi bức và mát mẻ hơn.
Văn hóa và con người
Jakarta được xem là một thành phố đa dạng sắc tộc và tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á. Người Betawi (hay người Batavia) là con cháu của những người sinh sống tại Batavia (là Jakarta lúc xưa) với khu vực lân cận xung quanh, được công nhận là một nhóm dân tộc từ khoảng thế kỷ 18-19. Những người Betawi này phần lớn là hậu duệ từ các nhóm dân tộc Đông Nam Á khác nhau đến và kết hôn với người địa phương nơi đây. Tuy nhiên thì ngày nay ở Jakarta, những người Betawi chỉ chiếm thiểu số và không còn chiếm ưu thế ở trung tâm thành phố này như trước. Làng Setu Babakan nằm trung tâm thành phố Jakarta là nơi còn gìn giữ và bảo tồn trọn vẹn nét văn hóa Betawi, du khách nếu thấy thích thú với nét văn hoá địa phương này thì có thể ghé tham quan. Cộng đồng người Hoa ở Jakarta cũng là lớn nhất trên đảo Java với số lượng khá đông. Họ thường sống tại các khu đô thị cũ nằm trong phố người Hoa ở Jakarta như khu Pinangsia, Pluit và Glodok. Ngoài ra thì còn nhiều nhóm dân tộc khác sinh sống tại Jakarta, đó là: người Sumatra, người Mã Lai, người Minangkabau,...
Tiếng Bahasa Indonesia là ngôn ngữ chính thức của quốc gia Indonesia cũng như là ngôn ngữ được nói nhiều nhất tại Jakarta. Bên cạnh đó, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi như ngôn ngữ thứ 2, đặc biệt là khu vực Trung và Nam Jakarta. Thêm một điều nữa là vì mỗi nhóm dân tộc đều sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở nhà, như Betawi, Java, Sunda, Madure, Batak, Minangkabau và Hoa, thế nên họ vẫn giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Ngày nay, tiếng địa phương Jakarta (Bahasa Jakarta), được sử dụng như một ngôn ngữ đường phố của người dân Jakarta, là dựa trên ngôn ngữ của người Betawi.
Ẩm thực
Ẩm thực địa phương ở Jakarta là ẩm thực Betawi do người Betawi tạo ra cũng như có phần ảnh hưởng từ các thương nhân Trung Quốc , Ấn Độ , Ả Rập và Châu Âu,… đến thành phố cảng Batavia này (tức là Jakarta ngày nay ) từ nhiều thế kỷ trước. Nhìn chung thì ẩm thực Betawi khá phong phú, đa dạng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ẩm thực Peranakan Mã Lai-Trung Quốc. Trong ẩm thực Betawi sẽ sử dụng gạo làm lương thực chủ yếu nên bạn sẽ thấy nhiều món cơm được nấu với nước cốt dừa hay là bánh gạo. Bên cạnh đó, vì là cộng đồng có đa số dân cư theo đạo Hồi nên người Jakarta thích thịt bò , thịt cừu và thịt dê bởi họ tuân thủ theo luật ăn kiêng halal của đạo Hồi là cấm tiêu thụ thịt lợn (thịt heo). Ngoài ra còn kha khá những món ăn đặc trưng khác của người Indonesia mà du khách có thể tìm thấy trong chuyến du lịch Jakarta.
- Món Soto Betawi: từ Soto là dùng nói về các món súp truyền thống của Indonesia bao gồm nước dùng, thịt và rau. Tùy theo nguyên liệu khác nhau mà chúng sẽ được đặt tên khác nhau. Còn món Soto Betawi này có lẽ khá giống món phá lấu bò ở Việt Nam. Bởi cũng gồm có những thành phần từ nội tạng bò nấu chung nước cốt dừa, kèm theo gia vị, các loại thảo mộc thơm.
- Cơm Nasi Biryani: là món cơm biryani kiểu Betawi của người Jakarta. Món cơm Biryani truyền thống là cơm trộn của người Hồi giáo ở Nam Á, ăn chung với rau và một số loại thịt hoặc đôi khi là không có thịt. Còn Nasi Biryani thì được người Jakarta biến tấu lại, nấu theo gia vị của họ và ăn kèm với rau, thịt cừu hoặc thịt gà.
- Trứng tráng Kerak Telor: là món trứng tráng cay truyền thống của ẩm thực Betawi ở Jakarta. Không chỉ là trứng rán với hành như người Việt Nam mình hay làm mà món ăn này sẽ có gạo nếp tráng chung với trứng (gà hoặc vịt) và ăn kèm với dừa nạo, hẹ tây với tôm khô phủ lên trên. Trứng tráng Kerak Telor được xem là món ăn vặt mà du khách có thể dễ dàng tìm thấy trên các con đường phố ở Jakarta
- Món Gado Gado: là món salad đặc trưng riêng của người Indonesia mà khi ghé thăm Jakarta bạn nên thử. Phía trên là loại sốt lạ miệng được làm từ đậu phộng để trộn chung với các nguyên liệu chính như rau luộc, bánh đậu nành tempeh, đậu phụ, trứng luộc và bánh gạo. Cái tên Gado trong tiếng Indonesia cũng có nghĩa là “trộn” vì thế nên thực khách chỉ đơn giản là trộn đều hết các nguyên vật liệu với nhau là đã thưởng thức được ngay.
- Cơm Nasi Uduk: là một món cơm hấp kiểu Indonesia nấu với nước cốt dừa , đặc biệt phổ biến trong ẩm thực Betawi của người Jakarta. Từ Uduk theo tiếng địa phương có nghĩa là trộn nên Nasi Uduk chính là món cơm trộn truyền thống được nhiều người yêu thích. Bên cạnh phần cơm béo ngậy, thơm mềm do nấu chung với nước cốt dừa thì sẽ có những món ăn kèm theo như là gà chiên, trứng luộc, trứng chiên, dưa chuột, bánh đậu nành rán giòn tempeh,…
Không chỉ các món ăn trên mà du khách sẽ có cơ hội nếm thử vô số món ăn khác nhau của người dân Jakarta như là: súp đuôi bò buntut, cơm Nasi tumpeng, món Ketoprak, các loại bánh ngọt truyền thống,…
Địa điểm tham quan
Không có nhiều cảnh núi non hùng vĩ hay bãi biển xinh đẹp như các hòn đảo khác ở Indonesia. Nhưng bù lại thì Jakarta có khá nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc cùng nhiều địa điểm vui chơi, địa điểm mua sắm. Nếu có dịp làm một chuyến du lịch Jakarta thì bạn nhớ đừng bỏ lỡ một số địa điểm tham quan phổ biến sau đây nhé.
- Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal: là nhà thờ hồi giáo lớn nhất ở Đông Nam Á, xây dựng vào năm 1978 nhằm để kỷ niệm độc lập của đất nước Indonesia. Cái tên “Istiqlal” “độc lập” theo tiếng Ả Rập. Mái vòm chính của nhà thờ được trang trí bằng thép không gỉ và trên đỉnh cao có hình thức của một lưỡi liềm và ngôi sao, là các biểu tượng của đạo Hồi. Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal cũng mở cửa cho du khách không theo đạo Hồi vào tham quan nhưng chỉ được đi qua các khu vực cho phép.
- Phố cổ Batavia: hay còn được gọi là Kota Tua. Khu phố này sở hữu những công trình kiến trúc theo phong cách Hà Lan và Trung Hoa, các khu chợ, bảo tàng và những quảng trường sôi động. Khi đến thăm nơi đây, du khách sẽ có thêm cái nhìn khái quát về cuộc sống của Jakarta xưa cũ trước khi nhịp sống hiện đại với những tòa nhà chọc trời hiện hữu như ngày nay.
- Làng dân tộc Setu Babakan: là nơi bảo tồn văn hóa của người Betawi ở Jakarta. Địa điểm này sẽ là nơi lý tưởng để du khách nước ngoài tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống của người Betawi như: Lenong, múa Tepong hay đám cưới Betawi.
- Tháp Monas: là đài tưởng niệm quốc gia của Indonesia với chiều cao 132m, được xây dựng nhằm để tưởng nhớ và ghi công những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia. Tháp Monas nằm ngay tại quảng trường Merdeka và bạn có thể leo lên đỉnh tượng tháp để quan sát toàn cảnh Jakarta.
- Công viên Taman Mini Indonesia: nằm ở phía Đông thủ đô Jakarta, công viên Taman Mini Indonesia bao gồm 26 bản sao của những ngôi nhà truyền thống của 26 tỉnh trên toàn đất nước từ Aceh đến Kalimantan, Sulawesi, Java và Papua thuộc quần đảo Indonesia. Nơi đây sẽ trưng bày các giá trị lịch sử, văn hoá nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống của mỗi tỉnh. Công viên Taman Mini Indonesia còn có các khu vui chơi giải trí, công viên động thực vật, bảo tàng, nhà hát biểu diễn, nhà hát Imax,...
Những hoạt động thú vị ở Jakarta
Không thu hút bởi những bãi biển trong xanh, nắng vàng mà Jakarta quyến rũ du khách nhờ nét văn hoá cùng sự hiện đại. Có khá nhiều hoạt động văn hoá để trải nghiệm cuộc sống của người địa phương ở Jakarta. Bên cạnh đó, thành phố này cũng sở hữu nhiều công viên giải trí để bạn dẫn gia đình ghé vui chơi.
Thỏa thích mua sắm tại trung tâm thương mại
Không chỉ là Bangkok hay Singapore mà Jakarta cũng là một trong những nơi có nhiều trung tâm mua sắm ở Đông Nam Á. Đây là nơi có diện tích dành riêng cho các trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới với tổng diện tích là 5.500.000 m2 chỉ trong một thành phố. Có những mùa mua sắm khuyến mãi ở Jakarta hàng năm được tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 để kỷ niệm ngày Jakarta độc lập. Vì thế nếu bạn đang đi du lịch Jakarta trong những tháng này thì có thể săn được nhiều món hàng hiệu với giá hời. Một vài trung tâm thương mại phổ biến như là Plaza Indonesia, Grand Indonesia, Plaza Senayan, Senayan City, Pacific Place, Mall Taman Anggrek, Pondok Indah Mall, Mal Kelapa Gading, Đại lộ Mua sắm Lotte, Kota Kasablanka, Kemang Village, Lippo Mall Puri, Bay Walk Mall,...
Thưởng thức các món ăn đường phố
Là nơi tập trung vô số món ăn hấp dẫn của người Indonesia nên không quá khi nói chỉ cần ghé Jakarta là bạn có thể nếm thử được tất cả nền ẩm thực địa phương của quốc gia này. Rất nhiều món ăn đặc trưng của Indonesia đều được bày bán khắp đường phố với hương vị hấp dẫn. Không chỉ là các món mặn, các món ăn chính trong ngày mà du khách còn được thưởng thức nhiều loại bánh ngọt và thức uống truyền thống của người địa phương.
Tham quan Ngàn Đảo
Tuy không nổi tiếng về du lịch biển hay du lịch nghỉ dưỡng nhưng nếu bạn thích thì không cần phải đi tới các hòn đảo khác ở Indonesia mà ngay gần Jakarta cũng có một nơi để làm điều này. Chỉ cách đất liền Jakarta vài giờ đi thuyền, bạn sẽ tìm thấy huyện Ngàn Đảo - là một huyện đảo thuộc Jakarta. Quần đảo này là một tập hợp gồm 105 hòn đảo nhỏ nằm trên biển Java, mang giá trị bảo tồn cao vì hệ sinh thái độc đáo của nó. Một vài hoạt động mà bạn có thể trải nghiệm khi tham quan Ngàn Đảo như là lặn biển, đi xe đạp nước, lướt ván buồm,... hay đơn giản chỉ là tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành trên đảo.