Chùa Vạn Phước
Nằm sâu trong những hàng dừa xanh của quê hương Đồng Khởi, Chùa Vạn Phước như một viên ngọc sáng toát lên nét đẹp uy nghi, cổ kính và thanh tịnh. Ngôi chùa sở hữu nhiều hạng mục đặc sắc. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến là bức tượng Phật Di Lặc cao 12,45m được mạ vàng vô cùng bề thế. Hằng năm, có hàng nghìn lượt khách tìm đến hành hương và tham quan tại ngôi chùa linh thiêng này.
Giới thiệu về Chùa Vạn Phước
Lịch sử hình thành của Chùa Vạn Phước
Được xây dựng từ năm 2000, đến nay, Chùa Vạn Phước đã có hơn 20 năm hình thành và phát triển. Chưa ai nghĩ rằng, giữa một bãi đất hoang cằn cỗi, xơ xác, địa hình ngập mặn và khó khăn như thế lại xuất hiện ngôi chùa được ví như một đóa liên hoa rực rỡ vươn lên giữa lớp sình bùn nhơ đục.
Được biết, ngôi chùa ban đầu chỉ là một tịnh xá nhỏ được xây dựng với mục đích là để tu hành và giúp đỡ mọi người. Đứng đầu chùa Vạn Phước là Đại sư Thích Phước Chỉ, lúc bấy giờ chỉ là một tu sĩ. Là người từ bi, nhân hậu, Đại sư đã giúp đỡ và cưu mang 40 bệnh nhân tâm thần, không ai nương tựa. Ngài đã đem chánh pháp của Như Lai lại gần hơn với cuộc sống của đồng bào Phật tử nơi đây. Dần dần, được sự giúp đỡ từ các Phật Tử và người dân địa phương, Chùa Vạn Phước được tu sửa và xây dựng với quy mô nguy nga tráng lệ như bây giờ.
Từ năm 2008, Chùa Vạn Phước chính thức được công nhận là điểm đến hành hương thu hút đông đảo Phật tử khắp mọi miền đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định lại vị thế của công trình tâm linh này.
Kiến trúc
Là một trong những ngôi chùa lớn nhất tại Bến Tre, khi đến với Chùa Vạn Phước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc vô cùng độc đáo. Khuôn viên chùa thoáng đãng, thơm mát hương sen thanh khiết từ ao liên trì. Tất cả khiến cho nơi đây tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Đặc biệt, ngôi chùa được bao phủ bởi một màu vàng óng ánh, uy nghiêm và cổ điển. Ngoài ra, chùa còn sở hữu nhiều hạng mục đặc sắc khác. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến là bức tượng Phật Di Lặc cao 12,45m được mạ vàng vô cùng bề thế.
Thông tin cần biết về Chùa Vạn Phước
Chùa Vạn Phước thuộc địa phận ấp Bình Chiến, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ngôi chùa cách thị trấn Bình Đại khoảng 2km trên đường ra khu du lịch biển Thừa Đức.
Chùa Vạn Phước mở cửa từ 6:30 sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần. Tuy nhiên, du khách nên đến tham quan Chùa Vạn Phước vào buổi sáng để thời tiết mát mẻ.
Hướng dẫn đi đến Chùa Vạn Phước
Chùa Vạn Phước nằm cách trung tâm Thành phố Bến Tre khoảng 46km. Du khách có thể bắt đầu hành trình tham quan chùa bằng ô tô cá nhân hoặc xe máy. Thời gian di chuyển sẽ rơi vào khoảng 1h đồng hồ để đến được với ngôi chùa.
Để đến được ngôi chùa, du khách có thể chọn điểm xuất phát từ trung tâm thành phố Bến Tre. Từ đây, du khách đi theo đến đường Trần Quốc Tuấn. Sau đó, đến đường 30/4 thì rẽ vào đại lộ Đồng Khởi. Tiếp tục đi theo hướng từ đường Nguyễn Huệ - đường Nguyễn Thị Định – đường Huỳnh Tấn Phát – Cầu Ba Lai. Đến đây, du khách đi theo hướng đường Tỉnh lộ 883 để đến trung tâm thị trấn Bình Đại. Từ đây, di chuyển thêm khoảng 6km nữa là về đến cổng Chùa Vạn Phước ngay.
Tham quan Chùa Vạn Phước có gì hay, có gì đẹp?
Chùa Vạn Phước không chỉ sở hữu một kiến trúc độc đáo mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tổng quan ngôi chùa bao gồm: cổng Tam quan, các khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, phòng khách, nhà làm việc, phòng thuốc Nam, bảng công đức và bàn thờ Tổ quốc với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả kiến trúc đều thể hiện sự tôn kính đối với Phật pháp và thể hiện lòng yêu nước.
Cổng Tam quan với lối kiến trúc đặc biệt
Khi bước chân vào Chùa Vạn Phước, khách du lịch như lạc vào một thế giới tâm linh huyền ảo. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là chiếc cổng Tam Quan tráng lệ. Cổng chùa được phủ lên mình một màu vàng óng ánh. Kèm theo đó, hai con rồng vàng được điêu khắc trước cổng chùa cũng gây ấn tượng với du khách. Hình ảnh đôi rồng uyển chuyển như mang ý nghĩa bảo vệ sự yên bình, an yên cho ngôi chùa.
Ngoài ra, kiến trúc của cổng Tam quan cũng vô cùng đặc sắc với bốn ngọn tháp cao vút. Bốn ngọn tháp này tượng trưng cho Tứ Diệu Đế. Đó bốn chân lý cao quý mà Đức Phật đã giác ngộ: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Những ngọn tháp ấy tựa như đang khắc họa lên bầu trời xanh thẳm những chân lý sâu sắc của cuộc đời. Điều ấy càng khiến cho ngôi chùa càng thêm uy nghi và tráng lệ.
Bức tượng Phật Di Lặc đồ sộ, uy nghi
Được ví như là Tịnh xá Kỳ Viên của Đức Phật, Chùa Vạn Phước gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách vì độ bề thế của bức tượng Phật Di Lặc. Bức tượng cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn được đặt trong khuôn viên chính của chùa.
Bức tượng do nghệ nhân Thụy Lam tài hoa tạo tác và hoàn thành vào năm 2010. Hình ảnh vị Phật Di Lặc với nụ cười từ bi, phúc hậu đã trở thành biểu tượng của chùa Vạn Phước. Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa. Chính sự độc đáo đó đã thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của pho tượng.
Các hạng mục đặc sắc khác
Từ cổng chùa đi vào, một ngôi chính điện khác trầm mặc hiện ra trước mắt du khách. Bên trong, dưới ánh đèn mờ ảo, tượng bồ tát Nghìn Tay Nghìn Mắt tỏa hào quang từ bi, trên cao là hình ảnh tổ sư Đạt Ma uy nghiêm. Xung quanh chính điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức họa kể về cuộc đời của Đức Phật. Không gian tĩnh lặng và trầm mặc nơi đây dường như là một liều thuốc tinh thần, giúp cho tâm hồn Phật tử trở nên thanh tịnh, an yên.
Ngoài ra, ngôi chùa còn có một hồ sen rộng lớn trải rộng ngay phía sau chính điện. Vào mùa hoa nở, hồ sen trở thành một tấm thảm hoa rực rỡ sắc màu, ngào ngạt hương thơm. Dưới hồ, cá La Hán tung tăng bơi lội, tạo nên một bức tranh sinh động.
Phía giữa hồ sen, có một con đường lát đá dẫn đến tượng Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Cảnh quan nơi đây giống như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc.
Nên ghé Chùa Vạn Phước khi nào?
Khí hậu Bến Tre mang đậm nét đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Vào khoảng thời gian này, mưa rào sẽ xuất hiện nhưng chủ yếu là vào chiều tối và đêm. Còn lại là mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4, với thời tiết nắng ấm và ít mưa.
Điều thú vị là khí hậu ở đây khá ổn định quanh năm. Nhiệt độ khá cao, dao động từ 25 - 30 độ C và ít có sự biến động. Do đó, du khách có thể đến du lịch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Tuy nhiên, khoảng thời gian lí tưởng nhất để du khách có thể đến hành hương tại Chùa Vạn Phước là từ cuối tháng 5 cho đến giữa tháng 8. Đây là khoảng thời gian có thời tiết mát mẻ để du khách có thể thoải mái đến trải nghiệm.
Ăn uống khi đến Chùa Vạn Phước
Sau khi đến tham quan Chùa Vạn Phước, du khách có thể thưởng thức và mua sắm các đặc sản Bến Tre tại các quán ăn địa phương để làm quà tặng mang về. Dưới đây là một số gợi ý để du khách có thể lựa chọn:
- Kẹo dừa
- Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc
- Gỏi Củ Hủ Dừa Tôm Thịt
- Bánh canh bột xắt
- Rượu Phú Lễ
Các điểm tham quan gần Chùa Vạn Phước
Ngoài tham quan Chùa Vạn Phước, du khách cũng có thể khám phá những địa điểm thú vị xung quanh đây để có một hành trình thú vị. Dưới đây là một số địa điểm được Gody.vn gợi ý:
Bãi biển Thừa Đức
Với chiều dài khoảng 8km, Bãi biển Thừa Đức, thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ với bờ cát trải dài cùng hàng dừa xanh ngát tạo nên một khung cảnh bình yên, tĩnh lặng. Khí hậu trong lành, mát mẻ cùng với hải sản tươi ngon là những điểm cộng lớn thu hút du khách đến khám phá nơi đây.
Homestay Cồn Bà Tư
Tọa lạc ở số 85, ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, Homestay Cồn Bà Tư là một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn để du khách có thể cân nhắc và ghé tham quan.
Đến đây, khách du lịch sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá hệ sinh thái đa dạng, và tận hưởng những món ăn dân dã đậm đà hương vị đồng quê. Đặc biệt, du khách cũng sẽ được ngủ qua đêm tại homestay, được nghe người dân địa phương kể những câu chuyện về cuộc sống và trải nghiệm các hoạt động như chèo xuồng ba lá, câu cá, bắt cua, mò nghêu…
Cù lao Tam Hiệp
Được ví như ốc đảo xanh giữa lòng sông Tiền, Cù lao Tam Hiệp mang đến cho du khách cảm giác yên bình, thư thái. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Bạn có thể tham gia vào các hoạt động như chèo xuồng khám phá rạch nước, thưởng thức các món đặc sản, hoặc đơn giản chỉ là tản bộ trên những con đường làng, hít thở không khí trong lành giữa những vườn cây trái sai quả.
Kinh nghiệm đi Chùa Vạn Phước
Khi đến tham quan tại Chùa Vạn Phước, du khách cần lưu ý và tránh làm những hành động sau để tôn trọng và giữ gìn nét cổ kính tại ngôi chùa:
- Tôn trọng không gian linh thiêng, nói chuyện nhỏ nhẹ, tránh cười đùa quá lớn tiếng.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, ăn mặc lịch sự, kín đáo để thể hiện sự tôn kính.
- Không xả rác làm ảnh hưởng đến mỹ quang của ngôi chùa.
- Chỉ nên dâng hoa quả, hương, nến để giữ gìn sự thanh tịnh nơi chốn Phật pháp.
Hỏi - đáp về Chùa Vạn Phước
Chùa Vạn Phước nằm ở vị trí nào?
Chùa Vạn Phước thuộc địa phận ấp Bình Chiến, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Thời gian mở cửa Chùa Vạn Phước là khi nào?
Chùa Vạn Phước mở cửa từ 6:30 sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần.
Giá vào cổng Chùa Vạn Phước là bao nhiêu?
Để vào ngôi chùa này, du khách không phải trả chi phí vào cổng.
Chùa Vạn Phước là một trong những ngôi chùa sở hữu nét kiến trúc đặc sắc nhất tại Bến Tre. Với kiến trúc độc đáo và không gian thanh tịnh, chùa không chỉ là một địa điểm tham quan lý tưởng mà còn là nơi để du khách tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Nếu có dịp đến Bến Tre, bạn hãy đến tham quan và trải nghiệm tại ngôi chùa ling thiêng này nhé!