Du lịch Sapa tháng 7 sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị đáng thử. Nếu chưa từng có kinh nghiệm đi du lịch Sapa vào thời điểm này, du khách có thể tham khảo bài viết dưới đây của Gody.vn để tìm hiểu thêm về các địa điểm ăn uống, vui chơi.
Thời tiết, khí hậu Sapa tháng 7
Thời tiết Sapa thường sẽ có sự chênh lệch nhất định so với các địa phương khác. Vào tháng 7, nhiệt độ ban ngày giao động từ 21 - 30 độ C, giữa trưa sẽ nóng hơn nhưng không gay gắt và oi bức như ở đồng bằng. Buổi tối là dễ chịu nhất, nhiệt độ sẽ giảm xuống khoảng 4 - 5 độ, không khí mát lạnh, dễ chịu hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, tháng 7 cũng là lúc mùa mưa lũ bắt đầu, 40% các ngày trong tháng đều có mưa. Muốn tới Sapa vào thời điểm này thì bạn nên theo dõi thời tiết trước khi đi. Sapa sẽ có những trận mưa to nhưng khi tạnh trời sẽ trong, có nắng nhẹ nên rất thích hợp để chụp ảnh.
Du lịch Sapa tháng 7 có gì đẹp? đi đâu?
Sapa tháng 7 có vô số cảnh đẹp hấp dẫn cho du khách đến tham quan và khám phá. Dưới đây là một vài địa điểm mà du khách có thể tham khảo do Gody.vn gợi ý:
Đồi hoa sân ga cáp treo
Mỗi năm, đồi hoa sân ga cáp treo sẽ lại được thay áo mới. Các loại hoa thường thay đổi liên tục, khi hoa tàn thì thợ trồng hoa sẽ bắt đầu gieo trồng một loại giống mới. Nhờ đó mà du khách tới tham quan sẽ luôn cảm thấy mới mẻ và ấn tượng. Tháng 7 là mùa hoa nở hàng năm, mùa này bạn có thể được chiêm ngưỡng hoa hướng dương nở, hoa hồng hoặc hoa đuôi công. Cả một vườn hoa rộng lớn trải dài, bước vào đây như được lạc vào thế giới cổ tích. Các bạn nữ đến vườn hoa nhớ chuẩn bị đầy đủ trang phục để chụp ảnh “sống ảo” nhé.
Ruộng bậc thang
Vẻ đẹp của ruộng bậc thang tháng 7 là vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Lúc này cây lúa còn chưa đến độ chín vàng, thân cây xanh mướt, sắc xanh trải dài bạt ngàn tới tận chân trời. Đi từ thị trấn, du khách có thể tới thung lũng Mường Hoa, ghé thăm bản Tả Van, Tả Phìn để ngắm mùa lúa mới. Ngày hè nắng vàng chói chang, chiếu xuống mặt nước trên nương lấp lánh, khung cảnh nên thơ đẹp như tranh vẽ.
Khám phá các ngọn thác hùng vĩ
Tháng 7 mưa nhiều, là mùa nước đổ ngập tràn, là mùa thác chảy mạnh và dữ dội nhất. Sapa nổi tiếng với thác Bạc, thác Tình Yêu, thác Tiên Sa. Muốn ngắm nhìn sự hùng vĩ của thiên nhiên, chiêm ngưỡng những dòng thác đổ bọt tung trắng xoá thì du khách nên đến vào mùa hè. Tuy nhiên, mùa mưa thường đi kèm lũ quét, trước khi đi du khách nên tìm hiểu kỹ tình hình thời tiết tại địa phương. Chỉ đến thác vào ngày tạnh ráo, nếu mưa kéo dài nhiều ngày thì nên chọn địa điểm tham quan khác.
Chinh phục đỉnh Fansipan
Tới Sapa thì không thể bỏ qua nóc nhà Đông Dương Fansipan. Đây là điểm đến mà bất cứ du khách nào cũng muốn chinh phục. Xuất phát từ trung tâm trấn, du khách tới khu vực sân ga cáp treo, mua vé để di chuyển lên trên. Ngồi trong khoang cáp treo, trên độ cao hàng nghìn mét, bạn sẽ được ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Sapa. Xen giữa muôn trùng mây là sắc xanh đại ngàn, từng đồng ruộng bậc thang uốn lượn, từng nếp nhà cổ kính chìm vào khói bếp mông lung, muôn hình vạn trạng, cảnh quan lúc ấy đẹp đến mức choáng ngợp chẳng thể tả hết.
Leo núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng nằm ngay tại trung tâm thị trấn Sapa, đằng sau nhà thờ đá cổ khoảng 200m. Là một trong những địa điểm nằm trong quần thể du lịch Lào Cai, núi Hàm Rồng là địa điểm được khai thác phát triển du lịch. Đường đi vào núi được xây thành các bậc thang đá, phong cảnh thiên nhiên được giữ nguyên bản, xung quanh là thảm thực vật tươi tốt, hoa tươi nở rộ rực rỡ. Càng leo lên cao, không khí càng mát lạnh và trong lành, khung cảnh cũng thưa thớt, thoáng đãng hơn. Khi leo tới miệng rồng, bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng Sapa. Nếu không đủ sức khoẻ để chinh phục nóc nhà Đông Dương, du khách có thể cân nhắc tới núi Hàm Rồng thử xem nhé. Hiện tại, giá vé cho người lớn là 70.000đ/ người và 20.000đ/ người cho trẻ em.
Sự kiện lễ hội nổi bật trong tháng 7 ở Sapa & vùng lân cận
Trong năm Sapa có rất nhiều các chương trình lễ hội khác nhau. Du khách tới du lịch sẽ có cơ hội tham gia trải nghiệm văn hoá và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Trong tháng 7 này, Sapa sẽ có các lễ hội:
Lễ hội Nào Cống
Lễ hội Nào Cống diễn ra vào ngày Thìn tháng 6 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời tại bản Tả Van, được tổ chức với mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vào các ngày tổ chức, người dân các dân tộc địa phương như Dao, H’mong, Giáy ở Thung lũng Mường Hoa sẽ tập trung về ngôi miếu ba gian được dựng trước cầu của bản Tả Van để bắt đầu mở màn lễ hội.
Trong lễ hội Nào Cống sẽ có 3 phần chính:
- Phần đầu là cúng tế Thần linh và cầu nguyện
- Phần tiếp theo là tuyên bố quy ước
- Phần cuối là tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Lễ hội mùa thu
Lễ hội mùa thu thường được tổ chức vào tháng 7, tháng 8 hàng năm tại Sapa hoặc một số vùng lân cận. Lễ hội diễn ra với quy mô lớn, bao gồm nhiều chương trình, hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có sự tham gia của các đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc sẽ mang đến một tiết mục hay, mang đậm bản sắc riêng. Nếu yêu thích khám phá văn hoá, du khách nhất định không thể bỏ qua lễ hội thú vị này.
Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín
Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín ở Mường Khương, Bắc Hà là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Lễ hội diễn ra vào ngày 1 tháng 7 âm lịch và được tổ chức tại gia đình và khu vực bãi trồng chuối bằng phẳng gần nhà.
Trong ngày lễ, người dân Nùng Dín tập trung tại gia đình và chuẩn bị các món ăn truyền thống để dâng cúng thần linh Thủ tỷ. Các món ăn này được chế biến từ chuối, bao gồm hoa chuối, lõi chuối, quả chuối xanh và xôi bảy màu, biểu tượng cho cây chuối. Đặc biệt, còn có một đôi đũa màu đỏ được sử dụng trong lễ cúng, mang ý nghĩa may mắn và thịnh vượng.
Lễ hội còn được diễn ra với những tiết mục văn hóa truyền thống. Người dân thể hiện sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với những anh hùng và vị lãnh tụ đã dẫn dắt họ đạt được chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống giặc. Họ trình diễn các bài hát, kể chuyện dân ca về sự tích của Tết chiến thắng và những kỷ niệm lịch sử quan trọng.
Lễ hội Đền Bảo Hà
Lễ hội Đền Bảo Hà là một trong những lễ hội truyền thống đặc biệt của dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Lễ hội được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.
Đền Bảo Hà là nơi thờ vệ quốc Hoàng Bảy - một anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc tại cửa ải Lào Cai. Đền được coi là một ngôi đền linh thiêng, mang trong mình giá trị lịch sử và tâm linh đặc biệt.
Lễ hội Đền Bảo Hà không chỉ là dịp để người dân cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho sự thịnh vượng và mùa màng bội thu, mà còn là cơ hội để tất cả mọi người tụ họp, giao lưu và tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ.
Lễ hội Khô Già Già
Lễ hội Khô Già Già là một lễ hội truyền thống đặc biệt của người Hà Nhì Đen, một dân tộc thiểu số định cư tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Lễ hội diễn ra từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm, tại các xã Nậm Pung, Trịnh Tường, A Lù, Y Tý.
Lễ hội Khô Già Già được tổ chức nhằm cầu mong cho một mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân. Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm, là thời điểm quan trọng trong chu kỳ nông nghiệp và sản xuất của người Hà Nhì Đen.
Ngoài việc cầu mong mùa vụ bội thu, Lễ hội Khô Già Già còn là dịp để các thành viên trong cộng đồng giao lưu, gặp gỡ và thể hiện tinh thần đoàn kết. Người dân tham gia lễ hội sẽ mặc trang phục truyền thống, tham gia các hoạt động vui chơi, diễn tấu những điệu nhảy truyền thống và trình diễn những tiết mục âm nhạc đặc sắc.
Thưởng thức món ngon Sapa vào tháng 7
Ẩm thực Sapa rất phong phú và đa dạng, mỗi mùa sẽ có một món ngon đặc trưng riêng. Nếu đến du lịch Sapa tháng 7, bạn nhất định phải thưởng thức những món ăn sau:
Phở chua
Phở chua là món ăn được chế biến khá đơn giản nhưng hương vị lại vô cùng độc đáo và mới mẻ. Giống như tên gọi, phở chua là sự kết hợp hài hoà giữa vị chua, cay, mặn, ngọt. Mang hương vị đặc trưng của vùng cao Tây Bắc giao thoa giữa văn hoá của người Trung Hoa. Khi ăn gồm có bánh phở, thịt thái sợi, dưa cải muối chua, lạc rang, tương đậu cay.. và nước sốt bí truyền. Ăn miếng đầu tiên, ta sẽ cảm nhận được vị chua cay bùng nổ trong khoang miệng, vị thịt xá xíu thơm ngọt, lạc rang bùi béo. Trong ngày hè nóng bức, đây quả thực là một món ngon rất đáng thử.
Thịt lợn hấp Tây Bắc
Sapa nổi tiếng với giống lợn đen Tây Bắc hay còn gọi là lợn cắp nách, lợn Mường Sapa. Giống lợn này thường được nuôi thả, kích thước nhỏ chỉ từ 10 - 20kg, thức ăn chủ yếu là các loại rau củ dại. Bởi vậy, nên thịt lợn đen thường có hương vị thơm ngon, thớ thịt mềm nhưng vẫn chắc ngọt. Vào mùa hè, món ăn được yêu thích nhất trong các nhà hàng chính là thịt lợn hấp Tây Bắc, ăn kèm với các loại rau rừng. Miếng thịt hấp giữ nguyên được vị ngọt tự nhiên, khi ăn thái miếng mỏng, cuốn kèm rau rừng. Không chỉ giải ngán mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Địa chỉ: Nhà hàng A Dũng (85 Xuân Viên, TT. Sa Pa, Lào Cai)
Mức giá: 50.000đ – 250.000đ
Gỏi cá hồi
Nhắc đến món ăn đặc trưng của Sapa thì nhất định không thể bỏ qua món gỏi cá hồi. Đây là món ăn có mặt tại hầu hết các nhà hàng ở Sapa, độ phổ biến có thể ngang với thịt trâu sấy, thắng cố và lạp xưởng. Vào mùa hè, muốn tìm món giải nhiệt, dễ ăn thì không thể bỏ qua gỏi cá hồi. Khi ăn, chỉ cần nhúng miếng cá vào nước chanh để làm tái, sau đó cuốn cá với các loại rau như tía tô, củ cải, dứa, rau rừng rồi chấm kèm nước tương mù tạt. Vị cá béo ngậy, chua thanh, rau rừng thơm bùi hoà cùng vị cay nồng của mù tạt, một khi đã ăn thì rất khó để ngừng lại.
Địa chỉ: Cá hồi Sapa Thác Bạc (Km12 khu du lịch Thác Bạc, Sapa)
Mức giá: 200.000đ - 550.000đ
Hoa quả Tây Bắc
Tháng 7 tới Sapa bạn sẽ thấy ngoài đường có rất nhiều các sạp hàng bày bán lê, đào, mận. Đây là mùa các loại quả chín mọng, thơm ngọt nhất. Thường thì trong năm chỉ có một lần được thưởng thức mận Sapa nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội này nhé. Mận và đào tháng 7 quả to, giòn ngọt, mọng nước, lúc ăn chấm kèm chút muối chẩm chéo thì đúng là hương vị Tây Bắc ùa về. Ngoài ăn chơi, du khách còn có thể mua về làm quà tặng người thân và bạn bè.
Thịt trâu gác bếp
Có thể coi thịt trâu gác bếp là món ăn biểu tượng cho nền ẩm thực vùng cao Tây Bắc. Phổ biến trên khắp cả nước, thịt trâu được đông đảo du khách yêu thích bởi hương vị thơm ngon, độc đáo ấn tượng. Nếm thử một lần là cảm nhận được rõ hương vị núi rừng hoà trong từng thớ thịt. Vị cay nồng của tiêu ớt, mắc khén, hạt dổi, vị dai chắc ngọt của thịt trâu, ngon nhất là khi được nhâm nhi cùng chút rượu táo mèo cay nồng. Để mua thịt trâu, du khách có thể tới các nhà hàng trên thị trấn hoặc ra chợ đêm sẽ thấy bày bán rất nhiều. Giá thịt giao động từ 900.000đ/ kg ·
Kinh nghiệm khi đi du lịch Sapa tháng 7
Khi đi du lịch Sapa tháng 7, du khách cần lưu ý một số điều sau:
- Mùa hè ẩm ướt, nhiều côn trùng nên cần mang theo thuốc bôi và thuốc chống côn trùng.
- Chuẩn bị thuốc cảm, ho dự phòng nếu có ý định tới các bản làng cách xa trung tâm thị trấn.
- Xem dự báo thời tiết, theo dõi qua các hội nhóm
du lịch Sapa để nắm rõ tình hình ở địa phương. Nếu trời mưa to nhiều ngày thì nên tạm dừng lịch trình.
- Chuẩn bị trang phục thoải mái, dễ vận động như giày thể thao, áo khoác, quần dài.
- Luôn hỏi giá trước khi quyết định mua một mặt hàng nào đó. Đặc biệt đừng quên trả giá nhé.
Du lịch Sapa tháng 7 có rất nhiều điều thú vị đáng để trải nghiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì tháng 7 cũng có những hạn chế như mưa nhiều, lũ quét. Do đó, nếu muốn tới Sapa vào thời điểm này, du khách cần phải chú ý về thời tiết, khí hậu để đảm bảo an toàn cho bản thân.