Có ai mà chưa từng nằm trên những chiếc chiếu nhiều màu sắc và xinh đẹp, bạn có bao giờ tò mò về cách làm nên một chiếc chiếu chưa?
Nghề dệt chiếu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Quảng Nam và nhắc đến làng chiếu Bàn Thạch là nhớ đến hình ảnh khung dệt chiếu, tiếng thoi đưa róc rách và những cây cói với đủ màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng hòa cùng màu đất trời của xứ Quảng thân thương này. Chiếu Bàn Thạch đã từng là cống phẩm cho Triều đình, quan lại, quý tộc ngày xưa.
Nằm cách thị trấn Nam Phước 5km, bạn sẽ đến địa phận xã Duy Vinh, huyện Duy Phước của tỉnh Quảng Nam và nhìn thấy ở dọc hai bãi bờ ven dòng sông Thu Bồn hiền hòa là bạt ngàn xanh tốt những bãi cói, bãi đay, cao đến ngang vai, nghiêng nghiêng theo chiều gió. Cói, đay là nguyên liệu chính để dệt thành những chiếc chiếu hoa, chiếu bông, chiếu trắng, chiếu nổi,…vừa bền vừa chắc, tuy khác nhau ở công đoạn xử lý nguyên liệu hay cách dệt nhưng về cơ bản những bãi cói, đay bát ngát được trồng ven sông này đều là được lấy làm nguyên liệu cả.
Trẻ em sáu, bảy tuổi đã biết dệt chiếu. Khi còn nhỏ, các em gái đã được bà và mẹ dạy dệt chiếu làm của hồi môn. Mùa nắng, mọi người ra đồng gặt cói bó từng bó, đem về tuốt, phơi, nhuộm màu và dệt. Đầu tiên là phải bứt cói ở ngoài bãi rồi gánh hay chở xe về nhà, tiếp tục tỉ mỉ ngồi chẻ cói ra thành những sợi nhỏ và đem chúng đi phơi dưới nắng gắt 5 ngày liên tiếp.
Bạn đừng nghĩ phơi cói như thế là xong đâu, còn phải kiểm tra xem sợi cói phơi có bị khô quá không, nếu bị khô quá thì khi dệt sẽ không cho độ chắc của chiếu cao đâu, phơi cũng phải để ý lắm đấy. Sau khi phơi khô thì đến bước nhuộm màu cho cói, trước khi nhuộm bạn phải chọn các sợi lác để nhuộm, thường những màu nhuộm nhiều nhất ở đây là đỏ, xanh, vàng, tím và không thể thiếu màu gốc là màu trắng ngà. Để cho màu nhuộm được chính xác và khó phai thì người dân phải nấu phẩm màu lên, rồi nhúng từng chùm nhỏ vào nồi (thùng) nhuộm, muốn có màu đậm hay nhạt thì điều chỉnh độ nhúng, muốn đậm hơn thì nhúng 3 lần trở lên.
Tiếp đến là phơi lác dưới trời nắng mà không được nắng quá dịu bởi dễ ẩm mốc và cũng không được nắng quá gắt bởi dễ giòn, gãy. Những chiếc chiếu dệt sẽ được mịn màng hơn nếu sợi lác vẫn còn dài, không bị chắp nối. Trước khi dệt sợi lác có màu xanh nhưng sau khi dệt xong đem phơi ngoài nắng thì sẽ ra màu trắng sáng hơn.
Muốn dệt được thì phải chuẩn bị khung dệt (tên gọi khác là go) và thoi dệt, chúng được làm từ cây cau hoặc tre già, chặt thẳng cây để lấy làm khung cửi. Khi dệt thì phải có hai người, người này đưa thoi, luồn sợi đã dệt vào go còn người kia kéo thân cửi, cả hai phải phối hợp nhịp nhàng để cho ra một tác phẩm hoàn hảo. Sau đó dùng dao to, sắc phạt xuống đầu chiếu để cho vuông vắn và cần ghim lại bằng dây đay cho các sợi chiếu không bị xổ ra sẽ khó dệt được.
Trung bình với những chiếc chiếu loại 1,2-1,6m dệt sẽ mất đến ba giờ đồng hồ mỗi chiếc, một ngày làm chăm chỉ thì người thợ có thể dệt được 3-4 chiếc. Đặc biệt ở cách dệt của làng chiếu Bàn Thạch đó là nhuộm màu cho sợi từ đầu rồi khi ấy mới đan thành các họa tiết tinh xảo, hoa văn rực rỡ và nhiều chủ đề, nhiều màu sắc, còn như các nơi khác thì dệt xong mới in khuôn hoa lá cành và nhuộm màu chiếu.
Chiếu Bàn Thạch ngày càng phong phú, đa dạng về màu sắc hay mẫu mã, với sự khéo léo của đôi bàn tay, những người thợ lành nghề đã tạo dệt được hình tượng như Mỹ Sơn, chùa cầu Hội An, bắt chữ nổi Bàn Thạch Duy Vinh với nhiều loại chiếu như chiếu cúc, sim tím, chiếu mặt nệm,… được rất nhiều khách hàng ưa thích, lựa chọn đặt mua.
Nếu đến với du lịch Quảng Nam, đến với vùng sông nước Trà Nhiêu, nơi có những nhánh sông rộng uốn lượn và cảnh quan thiên nhiên nên thơ trữ tình thì bạn hãy ghé thăm làng chiếu Bàn Thạch – một điểm đến khó mà bỏ lỡ của du khách trong chuyến hành trình khám phá các làng nghề truyền thống xứ Quảng nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như tham gia vào một buổi chợ phiên đông vui, tấp nập để tìm hiểu, có cho mình trải nghiệm mới lạ về làng nghề truyền thống này nhé!
Sống ảoduy xuyênquảng nam
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Là một cô gái Sài Gòn nhưng đã một mình chuyển về Hội An sinh sống vì mê mẩn con người cũng như cuộc sống nơi này. Say mê việc đi lang thang những quán cà phê, chụp những góc xinh xẻo và học hỏi nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Hi vọng cậu sẽ thích khi đọc những bài về coffeereview cũng như travelblogger của tớ nhé. Theo dõi IG : tyboohuechi để xem nhiều ảnh xinh ơi là xinh của tớ chụp nữa nhen . ^^
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 6 km, Hồ Tuyền Lâm được ví như thiên đường xanh bởi khí hậu trong lành, thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng.
Nổi tiếng với những tảng đá hình con voi to, dòng nước mát và không khí trong lành, suối Voi Huế được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thiên nhiên.
Làng lụa Hội An là làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 300 năm tọa lạc giữa lòng Phố Cổ. Nơi đây tồn tại những nét đẹp truyền thống không bị mai một mà còn phát triển vươn tầm thế giới.