Vườn quốc gia Cúc Phương
Cách Hà Nội khoảng 120km về phía tây nam, vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận tỉnh Ninh Bình. Với diện tích 25.000ha, vườn quốc gia Cúc Phương tiếp giáp với 3 tỉnh là Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình nên việc di chuyển tới đây khá thuận lợi. Cùng với các danh thắng như Tràng An hay Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang là nơi thu hút khách du lịch đến đây khám phá khu rừng đa dạng vè động vật và thực vật này.
1. GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
Vườn quốc gia Cúc Phương cách thủ đô Hà Nội 120km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, là một mảnh đất và điểm đến vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi lên sự tò mò của biết bao du khách trong và ngoài nước.
Là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, vườn quốc gia Cúc Phương là mái nhà chung của nhiều lọa động vật, thực vật đa dạng và phong phú của Việt Nam. Cánh rừng Cúc Phương sở hữu nhiều cây cổ thụ sống lâu năm, và nhiều loại chim tuyệt đẹp. Ngoài ra, đây còn là điểm dã ngoại ngoài trời được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, khám phá và nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trung tâm vườn đặt tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.
2. THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP THAM QUAN VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
Là vùng đất khí hậu nhiệt đới gió mùa, vườn quốc gia Cúc Phương có nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7 độ C. Với địa hình phức tạp, khu rừng đa dạng sinh học chứa nhiều bí ẩn, và cảnh quan độc đáo, nên việc xem trước thời tiết và chọn khoảng thời gian khám phá là điều cần thiết.
- Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm lạnh nhất ở miền Bắc, lúc này chúng ta không nên đi vào rừng.
- Từ tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm thích hợp nhất để xem các loại chim như: gà lôi, gỉ cùi, khướu đá hoa, cắt nhỏ bụng trắng…
- Từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm mùa bướm tại rừng Cúc Phương. Du lịch thời điểm này du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn hàng nghìn con bướm đủ màu sắc tạo nên khung cảnh lộng lẫy, thơ mộng.
- Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết nắng đẹp, mát mẻ tuy nhiên vẫn có những cơn mưa bất chợt, bão, du khách chú ý xem thời tiết trước khi đi.
3. DI CHUYỂN ĐẾN RỪNG CÚC PHƯƠNG
Đến với Cúc Phương bạn có thể đi bằng xe máy, xe khách hoặc ôtô tự lái. Nếu đi bằng xe riêng bạn sẽ thấy thoải mái hơn và đi sâu vào bên trong rừng. Hãy tham khảo một trong các cách di chuyển sau nhé:
Phương tiện công cộng:
- Du khách bắt xe trực tiếp từ bến xe Giáp Bát đi đến Cúc Phương, buổi sáng có nhà xe Đức Hạnh 0912607066 khởi hành từ Giáp Bát lúc 10h, buổi chiều có nhà xe Phú Duyên 0988118215 khởi hành lúc 15h. Xe chạy thẳng, không đón khách dọc đường, du khách sẽ có chuyến đi thuận lợi nhất.
- Du khách có thể đi xe từ Giáp Bát đi Nho Quan (Me), sau khi đến bến xe Nho Quan thì tiếp tục gọi xe để tới Cúc Phương, từ đây đến rừng quốc gia Cúc Phương hơn chục km nữa, nên du khách đi theo đoàn 4-5 người thì thuê taxi. Nếu ít người thì có thể đi xe ôm hoặc xe buýt.
Phương tiện cá nhân: Vườn quốc gia Cúc Phương chỉ cách Hà Nội 120km, nên du khách có thể đến đây bằng các phương tiện cá nhân. Từ Hà Nội du khách di chuyển theo hướng đường cao tốc Ninh Bình, đi hết đường cao tốc các bạn đi vào QL1A theo hướng quay ngược lại Hà Nội, đến đầu thành phố Ninh Bình du khách rẽ theo đường đi Tràng An, cố đô Hoa Lư, qua khu du lịch Bái Đính, và khu du lịch hồ Đồng Chương là sẽ vào đến Cúc Phương. Nếu du khách đi từ Hà Nội đến Ninh Bình theo hướng đường 1A mà không vào cao tốc thì đến ngã ba Gián Khẩu rẽ phải theo theo DT477, qua thị trấn Nho Quan rồi đi vào Cúc Phương.
4. TRONG KHUÔN VIÊN RỪNG CÓ MỘT SỐ TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH SAU
Để bảo tồn và duy trì được hệ sinh thái động, thực vật tại vườn quốc gia Cúc Phương, nơi đây đã hình thành các trung tâm nghiêm cứu, và bảo tồn tại vườn quốc gia:
- Vườn thực vật Cúc Phương: khu vực được xây dựng với mục đích sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và Thế giới. Tuyến đường thăm vườn dễ dàng, với quãng đường đi bộ là 3 km.
- Trung tâm du khách Cúc Phương: Là trung tâm giáo dục du khách đầu tiên được thành lập ở Đông Dương được xây dựng do tổ chức AusAid và FFI tài trợ. Đây là điểm tham quan và cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào thăm rừng.
- Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật: Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển.
- Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng Cúc Phương: có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tình, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám…)
Rừng cúc phương còn có các cây cổ thụ đặc trưng, trong đó đặt biệt nhất là Cây chò ngàn năm tuổi. Một số cây cổ thụ đặc biệt ở Cúc Phương như:
- Cây đăng cổ thụ: Là một cây đại cổ thụ cao 45m, đường kính tới 5m và có bộ rễ trãi dài 20m trên mặt đất. Từ cổng theo đường ô tô, du khách đi qua động Người Xưa khoảng 2km, phía bên trên là đường dẫn đến cây cổ thụ dài 3km. Đoạn đường băng qua 5 dốc đa, và nhiều quần thể thực vật, du khách sẽ thấy cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa); là những dây leo thân gỗ đường kính 20–30 cm dài khoảng 100m, chỉ có ở Cúc Phương. Ngoài ra, đoạn đường đến cây đăng du khách có thể quan sát thấy nhiều loại chim quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng…
- Cây chò ngàn năm: là cây đại thụ cao 45m, đường kính 5m và có chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Từ trung tâm du khách men theo một con đường mòn trong rừng già để đến cây chò. Trên đường đi du khách sẽ gặp dây leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài 1 km vắt ngang rừng và loài Đa bóp cổ. Hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác. Khi rễ của chúng đã bám đất phát triển rất nhanh, dần bóp chết cây chủ. Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng những cây Chò chỉ cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết gần 3 tiếng.
- Cây sấu cổ thụ: là cây đại thụ cao 45m, hệ thống rễ bạnh vè được phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10m rồi phát triển chạy dài tới 20m. Đoạn đường đến Cây sấu, du khách cũng được ngắm nhìn ngưỡng những dây leo thân gỗ; những loài Đa góp cổ; những loài thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan; các loài chim như gõ kiến đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn...
Thiên nhiên rừng quốc gia Cúc Phương bên cạnh những khu bảo tồn, động vật và thực vật đa dạng, phong phú thì vẫn có những danh thắng nổi bật như:
- Đỉnh mây bạc: Với độ cao 648m, đây là đỉnh núi cao nhất trong rừng Cúc Phương.Từ trung tâm, du khách di chuyển khoảng 3km qua nhiều khu rùng già và dốc đa. Khi lên được đỉnh núi, du khách sẽ lạc vào giữa tầng mây trời và ngắm nhìn toàn cảnh khu rừng và đồng bằng 4 huyện thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Cảnh đẹp là vậy, nhưng đoạn đường đến Đỉnh mây bạc dài và nhiều dôc đá. Du khách cần phải có hướng dẫn viên của vườn đi cùng, thời gian đi về khoảng 4 tiếng.
- Hồ Yên Quang: Là một hệ thống hồ lớn gồm 4 hồ có tên là hồ 1, hồ 2, hồ 3, hồ 4 tọa lạc trên địa phận xã Yên Quang. Hog Yên Quang là một thắng cảnh thuộc vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương, giữa hồ có một ngôi miếu nhỏ, mặt nước của hộ là nơi hội tụ nhiều con đàn chim nước bơi lội. Mặt hồ nước phẳng lặng, trong xanh, in bóng mây trời và những vách núi, rừng cây cả những chiếc thuyền nhỏ làm cảnh sắc trở nên hữu tình. Từ hồ 3 leo qua Quèn là vào một thung đất tương đối bằng phẳng rộng 100 ha được gọi là Thung lá. Vượt qua Thung lá, tiếp tục tới chân dẫy núi đá vôi du khách sẽ tới động Phò mã giáng. Ngay phía trước động có một nhũ đá có hình hài giống một vị Phò mã. Phía trong có nhiều buồng, mỗi buồng lại có cấu tạo lộng lẫy bởi hệ thống nhũ đá, uy nghi như những cung đình.
- Động Phò Mã: Chặng đường đi bộ vào thăm động Phò Mã từ hồ Yên Quang số 3 dài khoảng 2 km, bạn phải chuẩn bị giày đi rừng, nước uống và bắt buộc phải có hướng dẫn viên của Vườn.
5. CÁC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI TẠI VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
- Đi bộ trong rừng nguyên sinh
- Du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng
- Xem động vật hoang dã ban đêm
- Xem chim
- Đạp xe trong rừng
- Quan sát các loài bò sát, lưỡng cư và côn trùng
- Thăm các điểm đa dạng sinh học
- Chương trình văn nghệ dân tộc
- Bơi thuyền kayak
Khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 (mùa khô) được xem là thời điểm thích hợp nhất để du lịch vườn Cúc Phương, lúc này thời tiết mát mẻ những cơn mưa rừng dữ dội đã đi qua. Không nên du lịch vào những ngày mưa vì lúc này thời tiết ẩm ướt và có nhiều muỗi vắt không thuận tiện đi lại.
Giá vé hiện tại để vào tham quan rừng Cúc Phương hiện tại là 40.000 đồng/lượt (không bao gồm các chi phí dịch vụ như thuê xe đạp, bơi thuyền, hướng dẫn viên, v.v..)
Bạn có thể tham quan Cúc Phương trong ngày, hoặc nếu muốn trải nghiệm và khám phá trọn vẹn hơn thì có thể chọn chuyến đi 2 đến 3 ngày, gần Cúc Phương có các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ từ sang trọng đến giá bình dân cho bạn lựa chọn.
6. NƠI LƯU TRÚ TẠI RỪNG CÚC PHƯƠNG
Tại vườn quốc gia Cúc Phương có 3 khu vực lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí để bạn có thể lựa chọn:
- Khu cổng vườn: ở đây có đầy đủ phòng nghỉ giá từ 200.000VNĐ. Bên cạnh đó, tại đây có dịch vụ thuê thiết bị đi rừng, xe đạp leo núi.
- Khu hồ Mạc: tại đây cho thuê nhà sàn tập thể, phòng nghỉ. Nơi đây thích hợp cho nhóm đông người, các hoạt động đốt lửa trại, ăn uống sinh hoạt vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ.
- Khu trung tâm: gồm các nhà sàn và căn hộ riêng biệt sang trọng hơn.
7. ĂN GÌ KHI DU LỊCH CÚC PHƯƠNG
Sau một ngày tham quan, khám phá vườn quốc gia Cúc Phương, du khách có thể nghỉ ngơi tại một số các nhà hàng ở đây và thưởng thức một vài món ngon đặc sản như: dê núi, cơm cháy Ninh Bình và ốc núi. Ngoài ra, có nhiều món ăn hấp dẫn khác như gà vườn nướng, cá rô chiên giòn nhắm cùng với chén rượu gạo Mường…
- Thịt dê Ninh Bình: thịt dê ở đây có đặc trưng là săn chắc, ít mỡ và thịt rất thơm. Sở dĩ như vậy là dê ở Ninh Nình sống trên các núi đá dê chạy nhãy nhiều nên thịt rất săn chắc, ít mỡ vì được thả trên đồi. Ngoài ra, với địa hình núi đá vôi ngập nước nên nơi đây có nhiều loại rau cỏ, thảo dược trở thành thức ăn cho dê như: giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Thịt dê tại đây được chế biến và ăn kèm là cho món ăn nổi bật như các loại rau đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.
- Cơm cháy Ninh Bình: món ăn này rất quen thuộc, dù không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Món ăn tuy mộc mạc, nhưng lại thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền qua hằng trăm năm nay, trở thành đặc sản vùng đất cố đô.
- Gà ri Cúc Phương: từ lâu đã trở thành vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở cùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện chăn núi tự nhiên nên thịt rất thơm và ngon.
- Ốc núi Cúc Phương: khoảng tháng 3 là ốc sinh sôi, nảy nở và đến tháng 7, tháng 8 là có thể bắt được. Loài ốc núi đặc biệt này chỉ xuất hiện khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch. Tháng 8 đến tháng 9 là mùa gió heo mây về thì ốc biến mất không một dấu vết. Ốc núi Cúc Phương thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng.
8. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI DU LỊCH VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
- Cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết: mũ, giày đi rừng, thuốc men, băng gạc, đồ ăn thức uống…. trước khi tham Cúc Phương.
- Có thể mang theo ống nhòm để ngắm cảnh
- Trong rừng có nhiều loại muỗi vắt, bạn nên mua thuốc DEP dạng kem bôi vào các khu vực nhạy cảm như đầu, gáy, cổ tay, cổ chân…