Bảo tàng Ninh Bình

32 reviews
Viết review
Bảo tàng Ninh Bình nằm ở phía nam Công viên Văn hoá Thúy Sơn, được thiết kế 3 tầng như một đoá sen nổi lên giữa non xanh, nước biếc, bốn mặt đều trang trí biểu tượng trống đồng - biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.
Thông tin cần biết
  • Giá vé: miễn phí

  • Địa chỉ: Đường Lê Đại Hành, Vân Gia, Ninh Bình, Việt Nam

Bảo tàng Ninh Bình khánh thành ngày 1/9/1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 – 1995). Với 1.200m2 sử dụng, trong đó có 500m2 trưng bày, thông qua các tài liệu, hiện vật, hình ảnh, Bảo tàng đã phản ánh sinh động vẻ đẹp một vùng đất cổ “Non nước hữa tình” và quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt của nhân dân Ninh Bình. Phần trưng bày của Bảo tàng gồm:

Ninh Bình - dấu ấn một vùng đất cổ: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật về lịch sử tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử Ninh Bình từ thời Tiền sơ sử. Sưu tập thú rất sinh động và đa dạng (gấu, báo, hổ, nai, hươu, lợn rừng trăn, rắn, sóc, bướm, chim…) và những hình ảnh về các thắng cảnh nổi tiếng ở Ninh Bình chứng minh Ninh Bình - một mảnh đất tươi đẹp, có sơn thanh thủy tú, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những trung tâm bảo tồn thiên nhiên đặc biệt quý giá như Rừng quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long...

Những hiện vật quý phát hiện tại các di chỉ Khảo cổ học như Di chỉ Đồng Vườn, Hang Sáo, Mán Bạc, Động Người Xưa... phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình như công cụ lao động bằng đá, vỏ nhuyễn thể, đồ trang sức bằng gốm, sừng, đồ dùng bằng gốm (nồi, bát, cốc, vật hình nấm)... Đặc biệt tại di chỉ Khảo cổ học Mán Bạc niên đại cách ngày nay 3000 - 4000 năm, trong tầng văn hóa, ở độ sâu so với mặt đất khoảng 1,6m, có 5 ngôi mộ với 6 bộ xương còn gần như nguyên vẹn (3 người lớn, 3 trẻ em). Như vậy, con người nguyên thủy hàng ngàn năm trước đã theo quá trình biến thoái và sự bồi tụ đồng bằng, rời bỏ núi đồi để ra sinh sống ở vùng đồng bằng, dù vẫn phải bám vào các doi đất cao dưới chân các ngọn núi sót.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Nho Quan đã phát hiện ra 06 chiếc trống đồng. Trên mặt trống là ngôi sao 12 hoặc 14 cánh tượng trưng cho mặt trời, xung quanh có hình chim bay, chim đậu ngược chiều kim đồng hồ, hình bông lúa... phản ánh xã hội nông nghiệp thời Hùng Vương dựng nước có kỹ thuật luyện kim phát triển.

Ninh Bình thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn: Nền văn minh Đông Sơn đang phát triển đến rực rỡ thì bị tan vỡ bởi vị xâm lược của nhà Hán; Trong một nghìn năm dưới ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, của Lý Bí (Lý Nam Đế), của Ngô Quyền... dù giành được những thắng lợi bước đầu nhưng chưa mang lại độc lập thật sự cho đất nước.

Một dấu ấn quan trọng khác trên đất Ninh Bình: Năm 1788, nghĩa quân Tây Sơn đã theo kế của Ngô Thì Nhậm, rút lui chiến lược, xây dựng phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Sau khi đã có sự chuẩn bị chu đáo, giữa đêm 30/12/1788, 5 đạo quân của Nguyễn Huệ đã xuất kích từ Tam Điệp, tiêu diệt đồn tiền tiêu Gián Khẩu, mở đầu cho chiến dịch đại phá quân Thanh.

Cùng với văn học, kiến trúc và điêu khắc dân gian phát triển. Nhân dân công giáo Phát Diệm đã xây dựng nhà thờ xứ trên mảnh đất sa bồi, một công trình kết hợp độc đáo giữa yếu tố Đông - Tây, nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc dân tộc cả về kiến trúc và điêu khắc. Ở đây có những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp như: Phượng hàm thư, sư tử, tùng, cúc, trúc, mai...
Bảo tàng Ninh Bình cũng giới thiệu sưu tập hiện vật “Kỷ vật chiến trường” của các đồng chí Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình. Trở về sau ngày chiến thắng, những cựu chiến binh mang theo những kỷ vật chiến trường để ghi nhớ về một thời kỳ lịch sử đau thương mà oai hùng có sự tham gia đóng góp của chính họ và để nhắc nhở, dạy dỗ các thế hệ con cháu về lịch sử của quê hương, ấy là những bộ quân phục đã rách hoặc ngả màu, những chiếc ba lô, mũ tai bèo, chiếc võng dù..., những chiến lợi phẩm thu được sau mỗi trận đánh, những kỷ vật tự chế tạo trong những giờ nghỉ giải lao, những lá thư gửi về quê hương nơi người vợ yêu đang mòn mỏi đợi chờ, và của hậu phương giử ra tiền tuyến...
Tất cả đều hết sức giản dị, đơn sơ nhưng mang một ý nghĩa lớn lao vì những kỷ vật ấy đang kể một câu chuyện lịch sử không được phép lãng quên.

Trưng bày chuyên đề “Đá chủ quyền Trường Sa” với 21 phiến đá mang tên 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số hình ảnh về đời sống của nhân dân và các chiến sỹ Hải quân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; Hình ảnh về các hoạt động của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Phần trưng bày nhằm nâng cao hiểu biết về chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Trưng bày ngoài trời: Trưng bày máy bay MIG21 do Binh chủng Phòng không – Không quan tặng Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình (Loại máy bay mà anh hùng liệt sỹ Đỗ Văn Lanh quê ở phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình đã từng lái trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ).

Ngoài ra: Nếu các đoàn có nhu cầu tham quan khu Công viên Văn hoá Thuý Sơn (Gồm di tích núi Non Nước, đền thờ Trương Hán Siêu, chùa Non Nước và Công viên cây xanh), tham gia các chương trình trải nghiệm dập văn bia, vẽ tranh truyền thống, chế tác đồ gốm... đơn vị sẽ tạo điều kiện liên hệ với đơn vị quản lý và cắt cử cán bộ hướng dẫn.


Đã cập nhật vào ngày 10/10/2019
4.63
dựa trên 32 đánh giá
5
78.13%
25
4
12.5%
4
3
6.25%
2
2
0%
0
1
3.13%
1
Hình ảnh
avatar