Tây Ninh là một tỉnh thuộc Đông Nam Bộ. Tuy không nổi tiếng về du lịch nhưng lại sở hữu những địa điểm tham quan độc đáo và đáng trải nghiệm đến bất ngờ. Hãy cùng Việt Đăng Di tìm hiểu về một tôn giáo ở Việt Nam và một công trình kiến trúc tôn giáo được mệnh danh là biểu tượng của Tây Ninh nhé!
Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Tòa Thánh Tây Ninh cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về phía Đông Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 80km về phía Tây.
Từ thành phố Hồ Chí Minh các bạn có thể di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy. Nếu bạn đi xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh thì bạn đi theo tuyến đường Quốc lộ 22, rồi rẽ qua Quốc lộ 22B sẽ tới thành phố Tây Ninh. Sau đó bạn di chuyển đến Tòa Thánh trong trung tâm thành phố. Mình chọn đi xe máy để vừa chủ động vừa ngắm cảnh trên đường đi. Thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Tòa Thánh khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.
Tòa Thánh Tây Ninh còn có tên gọi khác là Tổ Đình, tức cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh.
Tòa Thánh là nơi sinh hoạt của các tín đồ và là nơi thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Lịch sử và nguồn gốc của Tòa Thánh Tây Ninh
Theo tìm hiểu, vào năm 1926, tại chùa Từ Lâm Tự (tức chùa Gò Kén, Tây Ninh) đã diễn ra lễ khai đạo, được chủ trì bởi hòa thượng Giác Hải. Chính ông đã có công kêu gọi nhân dân đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng nên ngôi chùa này. Hòa Thượng Như Nhãn được Đức Chí Tôn khai đạo và trở thành một Chức sắc Đại Thiên Phong của Đạo Cao Đài. Do đó người đã dâng hiến chùa Từ Lâm Tự cho hội Thánh. Sau đó, Hòa Thượng Giác Hải đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh Cao Đài nữa, kỳ hẹn trong 3 tháng phải dời đi. Vì vậy Hội Thánh đã chọn khu đất ở Tây Ninh để xây cất Tòa Thánh bởi vì Tây Ninh là Thánh địa, nơi đây phong thổ thuận tiện cho người ngoại quốc đến học Đạo.
Địa điểm này được xây dựng hoàn thành vào năm 1947 và được khánh thành vào dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn ngày Mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi (01-2-1955).
Kiến trúc độc đáo của Tòa Thánh Tây Ninh
Khuôn viên rộng lớn
Bất cứ ai khi đặt chân đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh cũng đều phải trầm trồ và ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo mà của công trình này. Một điều thú vị là Tòa Thánh được xây dựng từ bàn tay, trí óc của các tín đồ mà không có bất cứ một bản vẽ kiến trúc nào, đã tạo nên một công trình rất là độc đáo.
Tòa Thánh được xây dựng trên một vùng đất rộng lớn, có diện tích lên đến 1 km2. Mỗi công trình kiến trúc và bố cục Tòa Thánh Tây Ninh chứa đựng những quan điểm triết lý, và ý riêng của đạo Cao Đài. Theo kinh sách Cao Đài, Tòa Thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh (nơi Thượng đế ngự) tại thế gian. Ngoài ra, tại Tòa Thánh còn có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Một số biểu tượng dễ nhận thấy tượng Ông Thiện - Ông Ác, tượng Hộ pháp, v.v... Ngoài ra, các tín đồ Cao Đài tin rằng tất cả những biểu tượng như kích thước của các cột chạm rồng, các bậc trong Cửu Trùng Đài, các tượng đắp nổi trên trần, v.v... cũng giống như những lời tiên tri trong các sấm truyền đang chờ người giải đáp.
Toàn bộ khu nội ô Tòa Thánh có hàng rào bao bọc xung quanh, có gần 100 công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau như Tòa Thánh, Báo Ân Từ (Đền thờ Phật Mẫu tạm), các cơ quan Đạo, Bửu tháp chư Chức sắc cao cấp... Liên kết giữa những kiến trúc này là những con đường rộng thênh thang. Với diện tích to lớn như vậy, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là một trong những Thánh địa tôn giáo lớn nhất thế giới.
Phía trước Tòa Thánh là một khu vực làm lễ, rất linh thiêng. Vì vậy bạn hạn chế đi vào khu vực này vì các tín đồ quan niệm thần thánh sẽ trú ngụ ở khu vực này.
Trong khuôn viên Tòa Thánh có 2 khu rừng nằm ở hai bên Tòa Thành. Trong đó có rất nhiều khỉ. Người dân kể lại rằng lúc trước mang về nuôi mấy cặp, sau đó khỉ sinh nổi nảy nở thành một đàn lên đến hàng trăm con. Du khách hãy cận thẩn vì những chú khỉ rất là tinh nghịch, không sợ người và có thể lấy đồ hay phá đồ của bạn nếu bạn lơ là cảnh giác.
Giờ thì hãy cùng mình khám phá những điều đặc biệt về kiến trúc của Tòa Thành này nhé:
Kiến trúc tổng thể Tòa Thánh Tây Ninh
Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây, là khu vực Hiệp Thiên Đài. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Phần thân Long Mã là khu vực Cửu Trùng Đài, nối tiếp theo Hiệp Thiên Đài. Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông. Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang. Tính tổng cộng ở tầng trệt Tòa Thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mình là Tòa Thánh có rất nhiều màu sắc, chủ yếu là những gam màu tươi được phối hợp hài hòa mang đến một cảm giác lạ mắt mà mình chưa từng thấy ở các kiến trúc tôn giáo khác.
Trên bức tường có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Có tất cả 23 ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ.
Theo một giới thiệu từ một tín đồ, Đạo Cao Đài là tổng hợp của tất các các đạo khác, nghĩa là đạo Cao Đài thờ Thượng Đế và thờ các những người sáng lập ra các đạo như thờ Chúa, thờ Phật,…Chính vì thế dù bạn đang theo tôn giáo nào cũng có thể đến Tòa Thánh tham quan, tìm hiểu và cầu nguyện. Bạn cũng có thể gia nhập vào Hội Thánh để trở thành một tín đồ của Đạo Cao Đài bỏi vì bản chất mọi tôn giáo đều hướng con người làm việc thiện, tránh việc ác, hướng con người đến cái tốt, đến chân – thiện – mỹ.
Hệ thống các cổng
Khu vực chung quanh Tòa Thánh Tây Ninh (Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh) có 12 cổng tam quan xây dựng theo 3 dạng kiến trúc khác nhau. Cổng lớn nhất được gọi là Cửa Chánh Môn (cổng số 1), 11 cổng khác nhỏ hơn được đánh số từ 2 đến 12. Toàn bộ đều được trang trí bằng các họa tiết long, ly, quy, phụng, hoa sen và được điêu khắc vô cùng kỳ công, tỉ mỉ. Trong số đó, cổng lớn nhất chính là cổng vào, được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổng chùa truyền thống của nước ta. Ngay khi vừa bước qua cánh cổng, bạn sẽ được nhìn thấy biểu tượng thiên nhãn tỏa hào quan tuyệt đẹp phía mặt trước của tòa thánh. Đây cũng chính là biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài.
Chánh môn
Chánh môn là cửa chính và là cửa lớn nhất trong 12 cửa ra vào nội ô Thánh địa. Cửa này thường đóng và chỉ mở vào các dịp đón tiếp nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Tôn giáo.
Trên Chánh môn có dòng chữ to nổi bật "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ" bên dưới là chữ Hán . Ngoài ra có chữ "TÒA THÁNH TÂY NINH", ghi năm 1965 và Ất tỵ. Hai bên trụ cổng có đôi câu liễn bằng chữ Hán nói lên tôn chỉ của đạo Cao Đài.
Tam Kỳ Phổ Độ là một thuật ngữ dùng để chỉ quan điểm dung hợp các tôn giáo trong tôn giáo Cao Đài. Theo đó, sự hình thành các tôn giáo trên thế giới ở 2 thời kỳ theo trình tự thời gian cuối cùng cũng sẽ hợp nhất ở thời kỳ thứ 3 với một tôn giáo duy nhất là đạo Cao Đài dưới quyền truyền đạo trực tiếp của Thượng đế.
Chánh Điện
Gian trong của Đền Thánh gọi là Chánh điện. Bước vào bên trong Chánh Điện các bạn sẽ thấy một bức tranh Tam Thánh. Ba vị thánh được gọi là thiên sứ, là người hướng đạo cho nhân loại gồm: Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cụ Victor Hugu và Cụ Tôn Dật Tiên. Ba danh nhân trong bức "Tam Thánh ký hòa ước" là những danh nhân nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, được các tín đồ Cao Đài tôn xưng bậc Thánh đứng đầu Bạch Vân Động, một nơi trong cõi thiêng liêng trong tín ngưỡng Cao Đài, đại diện cho tri thức nhân gian, gồm:
Thanh Sơn Chân nhân tức danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Ông là một danh nhân nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ 16, từng đỗ Trạng nguyên, được phong tước Trình Tuyền hầu, nên dân gian gọi ông là Trạng Trình. Ông nổi tiếng đạo đức và có tài tiên tri, hiệu Bạch Vân cư sĩ, từng mở trường dạy học. Các tín đồ Cao Đài tôn phong ông đạo hiệu Thanh Sơn Đạo sĩ, là Sư phó, tức ông thầy, đứng đầu Bạch Vân động. Trong "Tam Thánh ký hòa ước", Nguyễn Bỉnh Khiêm mặc quan phục Đại Việt, viết chữ Nho, hàm ý đại diện cho Triết học Đông phương.
Nguyệt Tâm Chân nhân tức văn sĩ Victor Hugo (1802-1885). Ông là một nhà văn Pháp nổi tiếng thế giới thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông đều mang tính cách mạng và đầy tính nhân bản, nổi tiếng như Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức bà Paris (Notre-Dame de Paris). Các tín đồ Cao Đài tôn phong ông đạo hiệu Nguyệt Tâm Chân nhơn, làm Trưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo. Trong "Tam Thánh ký hòa ước", Victor Hugo mặc quan phục Pháp thời cận đại, viết bằng Pháp văn, hàm ý đại diện cho Triết học Tây phương.
Trung Sơn Chân nhân tức chí sĩ Tôn Dật Tiên (1866-1925). Ông là nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc đầu thế kỷ 20. Là người đề ra thuyết Tam Dân, ông có vai trò rất lớn trong việc đánh đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh và kiến lập nền Cộng hòa ở Trung Quốc. Các tín đồ Cao Đài tôn phong ông đạo hiệu Trung Sơn Chơn nhơn. Trong "Tam Thánh ký hòa ước", Tôn Dật Tiên mặc y phục Trung Hoa đầu thế kỷ 20, mang nghiên mực, hàm ý đại diện cho tri thức tổng hợp của 2 nền triết học Đông - Tây.
Tam Thánh
Phía sau bức tranh Tam Thánh Cao Đài, đối diện với bàn thờ Thượng đế là cốt tượng của 3 vị chức sắc cao cấp nhất của Hiệp Thiên Đài là Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng sanh Cao Hoài Sang đứng trên 3 tòa sen, đặt trên ba cái đôn. Tượng Hộ pháp Phạm Công Tắc ở giữa, mặc giáp cổ, đứng trên tòa sen giữa có bậc cao nhất, tay cầm roi Kim Tiên, phía sau đắp nổi chữ Khí lớn bằng Hán tự. Tượng Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở phía bên phải tượng Hộ pháp, mặc Đại phục, tay mặt cầm Long Tu Phiến có gắn Phất Chủ, tay trái cầm xâu chuỗi Từ Bi, phía sau là cây phướn Thượng phẩm. Tượng Thượng sanh Cao Hoài Sang ở phía bên trái tượng Hộ pháp, đứng trên tòa sen, mặc Đạo phục, tay phải cầm cây Phất Chủ, tay trái nắm xâu chuỗi Từ Bi, sau lưng thì giắt Thư Hùng kiếm, phía sau là cây phướn Thượng sanh.
Tham quan Tòa Thánh Tây Ninh, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng hệ thống hàng chục các cột trụ bên trong. Chúng đều được trang trí bằng các hoạt tiết hình rồng uốn lượn cực kỳ tinh xảo, màu sắc bắt mắt. Các hàng cột trụ này hợp với nền điện, phân khu vực Cửu Trùng Đài thành 9 gian, mỗi gian có cao độ chênh nhau 18 cm, đây là khu vực hành lễ của mỗi phẩm cấp tín đồ trong Cửu Trùng Đài. Khi diễn ra các buổi lễ cúng, các Chức sắc và tín đồ sẽ có vị trí riêng (một trong 9 cấp) của Chánh điện tương ứng với hàng phẩm của mình trong Đạo.
Bên trên trần tạo hình sơn vẽ hình mây, ngôi sao, tượng trưng cho các tầng trời, giữa mỗi ô lafont có đắp ô thông gió hình sáu con rồng đoanh nhau, thường được nhắc đến với câu kinh trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng đế: "Thời thừa lục long, du hành bất tức".
Nghinh Phong Đài
Toàn bộ khu vực Cửu Trùng Đài lợp ngoài màu đỏ. Phía trên gian cuối phần mái Cửu Trùng Đài có một đài cao 17m, gọi là Nghinh Phong Đài, phần dưới hình vuông, phần trên hình vòm mang nửa quả địa cầu, trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông, hàm nghĩa "Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông"
7 Cái Ngai
Tại cấp thứ 9 của Cửu Trùng Đài, tiếp giáp Cung Đạo ta sẽ thấy bảy cái ngai sơn son thiếp vàng. Được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau:
Ngai cao nhất dành cho Giáo Tông của đạo Cao Đài, là người anh cả của toàn Đạo Cao Đài, tương ứng với Giáo hoàng của Công giáo, ngai này được chạm hình rồng.
3 ngai tiếp theo dành cho 3 vị Chưởng Pháp, chạm hình phụng.
3 ngai dưới cùng dành cho 3 vị Đầu Sư, chạm hình lân.
Bát Quái Đài
Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông. Mái của Bát Quái Đài được sơn màu vàng.
Gian này có 8 cột trụ rồng xếp thành Bát quái. Giữa là quả Càn Khôn đường kính 3,3m tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm trên vì sao Bắc Đẩu xung quanh là 3072 vì sao tượng trưng 72 quả địa cầu và 3000 thế giới. Dưới thờ long vị Tam Tông Chơn Giáo, Tam Trấn, Ngũ chi.
Theo một vị tín đồ giải thích thì Thiên Nhãn có ý nghĩa là con mắt của Thượng Đế, con mắt của ngài soi sáng nhân gian, cái gì ngài cũng biết mà không qua được mắt ngài cho nên mọi người phải sống ngay thẳng, không làm điều ác điều sai trái. Thứ hai là biểu hiện sự tinh tường qua con mắt, trí tuệ.
Nền Bát Quái Đài có 12 bậc, mỗi bậc cao 10 cm với 8 cạnh, dưới to trên nhỏ theo hình tháp. Mười hai bậc tượng trưng cho 12 tầng Trời. Theo giáo lý Đạo Cao Đài thì Thượng đế là Đấng Thập nhị Khai Thiên (số 12 là số riêng của Trời). Bậc đầu tiên cao hơn mặt đất 2,4m và bậc trên cùng cao hơn mặt đất là 3,6m (bội số của 12). Mỗi bậc dành riêng cho mỗi cấp bậc của tín đồ.
Hầm Bát Quái
Phần dưới của 12 cấp Bát Quái Đài, tức là thuộc phần nền của Bát Quái Đài, có cái hầm lớn gọi là hầm Bát Quái, được xây cất kiên cố theo hình Bát Quái, có thông hơi và có nắp đậy chắc chắn, có cầu thang đi xuống. Hầm Bát Quái được dùng làm nơi cất giữ tro thiêu hài cốt của các Chức sắc Đại Thiên Phong từ hàng Tiên vị trở lên, tức là từ phẩm Đầu Sư hay tương đương trở lên. Hài cốt nầy đặt trong liên đài, được lấy ra từ các bửu tháp, đem làm lễ hỏa thiêu tại Cửu Trùng Thiên nơi Đại Đồng Xã trước Tòa Thánh, lấy tro đựng vào thố, bên ngoài có ghi rõ phẩm tước, Thánh danh, năm sanh năm tử, và ngày hỏa thiêu, để lưu truyền kỷ niệm về sau.
Trong Hầm Bát Quái hiện nay có đặt sáu cái thố đựng tro thiêu hài cốt của 6 vị Chức sắc Đại Thiên phong đã đăng Tiên.
Quả Càn Khôn
Ở các Thánh thất (cơ sử thờ tự cấp cơ sở của Đạo Cao Đài) chỉ được cho phép thờ Thánh Tượng Thiên Nhãn (một bức tranh vẽ hình Thiên Nhãn), riêng ở Tòa Thánh Tây Ninh thì thay vào đó là một khối cầu lớn có vẽ Thiên Nhãn, được gọi là Quả Càn Khôn.
Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, Quả Càn Khôn có hình cầu, đường kính 3,30 mét, bên trên có vẽ đúng 3072 ngôi sao, bao gồm: Tam thiên thế giới (3000 thế giới) và Thất thập nhị địa (72 quả địa cầu) tượng trưng cho Càn khôn Vũ trụ hữu hình mà Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế cai quản và Thiên Nhãn được vẽ trên vì sao Bắc Đẩu. Ngoài ra, ở tâm của Quả Càn Khôn còn có đặt một ngọn đèn gọi là đèn Thái Cực được giữ cháy sáng xuyên suốt ngày đêm, tương tự như những ngọn đèn Thái Cực ở các Thánh thất hay trên Thiên bàn tại nhà của các tín đồ. Qua đó có thể thấy Quả Càn Khôn biểu thị rõ rệt Triết lý về Vũ Trụ Quan của Đạo Cao Đài.
Ý nghĩa văn hóa - du lịch
Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo quan trọng của các giáo dân, với lối kiến trúc vô cùng độc đáo cùng lịch sử lâu đời, Tòa Thánh Tây Ninh còn được xem là một trong những địa điểm tham quan du lịch hút khách bậc nhất miền Đông Nam Bộ.
Một năm 2 dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng và Hội Yến Diêu Trì Cung rằm tháng 8, Thánh địa là nơi tổ chức lễ hội thu hút nhiều tín đồ và du khách dự lễ. Khu vực xung quanh Thánh địa quy tụ rất đông tín đồ sinh sống, với nết sống thanh tịnh, được xem là một trong những nơi có tỷ lệ người ăn chay lớn nhất nước, thậm chí trên cả thế giới. Theo mình tìm hiểu thì tín đồ đạo Cao Đài bắt buộc ăn chay 20 ngày trong tháng.
Vào ngày đại lễ lớn này, song song với nghi thức dâng hương, cầu kinh, cúng bái,… các tín đồ và du khách thập phương cũng được trải nghiệm rất nhiều trò chơi dân gian, các màn biểu diễn nghệ thuật phong phú, thi đấu võ thuật dân tộc hay màn thi múa tứ linh… rất đặc sắc. Đây chính là nét đẹp văn hoá của cộng đồng người Tây Ninh, với bầu không khí đầy hân hoan và sôi nổi.
Một điều thú vị mà mình biết đươc khi đến Tòa Thánh, đó là những tín đồ theo Đạo Cao Đài khi mất thì sẽ được các tín đồ trong Hội Thánh sẽ ủng hộ quyên góp tiền để làm đám tang, số tiền thừa sẽ gửi lại cho gia đình đễ lo việc thờ cúng. Gia đình không tốn bất cứ một chi phí nào để làm đám tang cho người thân của mình.
Một số lưu ý khi tham quan Tòa Thánh Tây Ninh
- Khi vào tham quan khu vực bên trong tòa thánh, du khách cần bỏ giày dép bên ngoài.
- Bạn có thể leo lên đỉnh tòa thánh để ngắm cảnh, check in nhưng cần xin phép bảo vệ.
- Khi vào tham quan đại điện, du khách chỉ được phép đi vào từ cửa hải bên. Nam sẽ vào từ cửa bên phải còn nữ vào bên trái.
- Chú ý tránh mất đồ vì những chú khỉ rất tinh nghịch.
- Không được đi vào khu vực sân làm lễ phía trước Tòa Thánh.
Tòa Thánh Tây Ninh luôn là một điểm rất đáng để bạn dừng chân khám phá về công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và tìm hiểu về một tôn giáo mới ở Việt Nam. Khi đến với Tây Ninh, ngoài Tòa Thánh Tây Ninh còn nhiều điểm tham quan du lịch khác như: Núi Bà Đen, hồ Dầu tiếng, tháp Bình Thạnh, chùa Gò Kén...Mình sẽ giới thiệu các bạn trong các bài viết sau. Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được một chuyến đi đáng nhớ. Đừng quên theo dõi mình để nhận được những bài viết mới nhất nhé.
tây ninhThánh thất Cao Đài (Gaotai Temple in Tay Ninh)
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Tôi có một ước mơ, ước mơ được xê dịch. Tôi cố gắng để đi được nhiều nơi nhất có thể để được tìm hiểu, khám phá và học hỏi nhiều điều tuyệt vời trong cuộc sống và những giá trị mà những chuyến đi mang lại. Tôi là một người lang thang, kẻ độc hành ôm mộng mơ đi muôn nơi để tìm câu trả lời : Rốt cuộc ta là ai trên cuộc đời này?
Nhà thờ Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nhà thờ Cái Bè được biết đến là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nằm giữa Đăk Lăk đại ngàn đầy nắng và gió có một nơi được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" vì nơi đây được trồng rất nhiều thông cho nên rất trong lành và mát mẻ. Đó chính là Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác nằm tại thôn Ea Wi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
Hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo B (quận 5, TP.HCM) còn được biết đến với tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường. Hơn 100 năm tồn tại giữa lòng đô thị, hẻm Hào Sĩ Phường vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo từ thuở ban đầu.
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa nổi tiếng nằm ngay tại Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Ngọc Hoàng sở hữu vẻ đẹp kiến trúc Trung Hoa mỹ lệ, cổ kính và đây còn là địa điểm cầu duyên, cầu con linh thiêng thu hút nhiều khách du lịch và người dân bản địa đến hành hương.
Nhắc đến Nghệ An, ngoài vẻ đẹp hấp dẫn của bãi biển Cửa Lò quanh năm xanh mát thì không thể không nhắc đến Bãi Lữ. Bãi Lữ hút hồn khách du lịch không chỉ ở vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, mà còn là nơi nghĩ dưỡng, thư giãn sang trọng, tiện nghi không kém bất kì khu du lịch cao cấp nào.
Trong con hẻm tấp nập trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM có một "địa chỉ đỏ" rất đặc biệt. Đó là căn nhà số 287/70. Nơi đây có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia.
Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội. Giờ hãy cùng mình tìm hiểu về cây cầu nổi tiếng này nhé!
Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, chợ Bến Thành không chỉ là nơi giao thương của thị dân mà còn trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến . Từ kiến trúc độc đáo của ngôi chợ, những người bán hàng thân thiện, đến sự đa dạng của hàng hóa, khiến ai cũng muốn một lần ghé đến tham quan.
Tín ngưỡng thờ Quan Công là một trong những nét đặc sắc nhất, tiêu biểu cho văn hóa tinh thần người Hoa. Tại Sài Gòn, tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất ở nhiều công trình văn hóa, tính ngưỡng. Nổi bật trong số đó phải kể đến Hội quán Nghĩa An.