Blog Non nước Cao Bằng
cover

Non nước Cao Bằng

avatar
Trương Thị Vân Giang dot Thứ 7, 28/03/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Cao Bằng điểm đến khó quên với bất kì ai
Sau khi thăm quê hương cách mạng Tân Trào, tôi cùng đoàn di chuyển đến Cao Bằng, mảnh đất tôi đã mơ ước được đặt chân từ lâu. Mùa đông ở đây có vẻ lạnh, từ trong ô kính ô tô nhìn ra là những màn sương mờ ảo bao trùm khắp cả vùng. Trong bài thơ “Cao Bằng”, nhà thơ Trúc Thông đã viết:
“Sau khi qua đèo Gió
Ta lại vượt đèo Giàng
Lại vượt đèo Cao Bắc
Thì ta tới Cao Bằng.”
Cung đường di chuyển khá là dài, mất gần 6 tiếng đồng, hơn 200km, vượt qua nhiều con đèo hiểm trở như Cao Bắc, Tài Hồ Sìn, Mã Phục,… thì tôi và đoàn mới tới được Thành phố Cao Bằng. Nhà hàng Ngon và khách sạn Minh Hoàng là nơi đoàn chúng tôi dùng bữa và nghỉ ngơi, chất lượng món ăn và chất lượng buồng nghỉ rất tốt, nhân viên rất gần gũi và nhiệt tình.
Ngày hôm sau, chúng tôi ăn sáng, ở Cao Bằng đồ ăn sáng rất đa dạng, nhưng món được gọi là đặc sản của nơi đây là phở vịt, phở chua, bánh cuốn, miến dong, cóong phù (bánh trôi), xôi trám, bánh trứng kiến,…tôi đã lưạ chọn phở vịt cho bữa sáng của mình. Sau đó, tôi và đoàn di chuyển khoảng 80 km để tới Động Ngườm Ngao, thời tiết không lạnh lắm tuy nhiên không gian buổi sáng vẫn được bao trùm bởi một màn sương quen. Vé vào thăm động Ngườm Ngao là 30 000 VNĐ/người lớn, trẻ nhỏ 15 000 VNĐ. Theo người dân địa phương, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống nên người dân tộc Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao (có nghĩa là Động Hổ).
Theo các tài liệu nghiên cứu, động Ngườm Ngao phát triển trong đá vôi chứa nhiều hóa thạch san hô do được hình thành ở vùng biển cách ngày nay khoảng 400 triệu năm, xung quanh động là địa hình karst. Chính vì vậy, nhũ đá trong động có màu khác hẳn với những hang động ở địa phương khác bởi lượng canxi pha nhiều tạp chất. Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, động Ngườm Ngao dài khoảng 2.144 m (nhiều tài liệu viết khoảng 3km), có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Hiện tại chỉ khai thác du lịch khoảng hơn 980 m.
Không chỉ sở hữu cho mình một không gian rộng lớn mà nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái khi ban tặng cho mình những tảng nhũ đá với muôn hình muôn vẻ vô cùng kì ảo, chẳng vì vậy mà nhiều người thường ví von Động Ngao là một hang động đẹp nhất ở miền Bắc.
Nét độc đáo làm nên “tên tuổi” của danh thắng Ngườm Ngao là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những hình thù trên nền động trông cứ như đi trên bờ biển đầy cát nào đó sau những con sóng rút xa bờ. Đây cũng là điểm độc đáo của Ngườm Ngao so với nhiều hang động khác.
Nếu như đi tham quan động bạn luôn phải ngước nhìn đến mỏi cả cổ để ngắm các thạch nhũ đủ loại vóc dáng hình thù kỳ vĩ ở trên trần và vòm động thì với Ngườm Ngao, bạn còn phải để ý nhìn xuống những bước chân. Như thể bạn đang bước qua những tiểu cảnh, những đồng ruộng bậc thang thu nhỏ xinh xắn. Sàn động đầy những vết hóa thạch như những làn nước hóa thạch đang lô xô chạy qua bãi cát ngoài biển, trông không khác gì biển sóng cát nhân tạo trong các khu vườn Nhật Bản. Đây cũng là điểm khiến Ngườm Ngao tăng thêm sự thú vị.
Cũng ở nơi này, người ta còn tìm ra điều thú vị hiếm gặp khác. Nơi có khe hở thông lên trời của động, vào đúng 14 giờ chiều ngày 22 tháng 4 hằng năm, có 3 luồng ánh sáng gặp nhau làm một khoảng lòng động rực sáng như ban ngày trong vài phút ngắn ngủi. Quả thực là một hiện tượng kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho riêng động này. Ra khỏi động có một lối đi xuống, những người dân bản địa bày bán các loại đò lưu niệm như lược, các loại vòng tay, các mô hình,... các món ăn vặt như bánh rán, áp chao, hạt rẻ Trùng Khánh và đây là món đặc sản không thể không nhắc tới trong danh sách các đặc sản của Cao Bẳng.
Sau khi thăm quan động Ngườm Ngao đoàn chúng tôi di chuyển đến chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, thuộc bản Giốc, xã Đàm Thủy, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Ngôi chùa đầu tiên trên mảnh đất biên cương phía bắc của Tổ quốc. Chùa được xây dựng trên sườn của ngọn núi Phia Nhằm, theo lối kiến trúc thuần Việt trên diện tích 3 ha. Được khởi công từ tháng 6/2013, chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc gồm các hạng mục chính: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao, lầu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Phía bên phải chùa có một khuôn viên nhỏ, từ đây có thêt ngắm được Thác Bản Giốc, thác hiện lên mờ ảo trong làn sương và bên kia con thác đó là láng giễng của nước ta- Trung Quốc. Từ đây thấp thoáng có những con thuyền ra thăm thác làm tôi nao nức muốn được ra đó, muốn được ra thăm một trong 7 thác nước đẹp nhât thế giới này. Nhưng đã quá trưa, chúng tôi phải di chuyển tới địa điểm ăn trưa, trước khi đi chúng tôi đã được một vị sư thầy trong chùa phát lộc cho 1 gói kẹo. Địa điểm ăn trưa của chúng tối khá gần đó là nhà hàng Phương Cưu, khi vừa vào đến nơi tôi đã bắt gặp những chú chó trông rất đáng yêu, chúng cực kì mến chúng tôi, theo như chủ nhà hàng thì đây là chó bản địa, dáng nhỏ, lông của chúng ngắn và mượt, đôi mắt long lanh nếu cô không nói tôi không nghĩ những chú chó ấy đã được hơn 10 tuổi.
Sau khi ăn chưa và nghỉ ngơi buổi chiều chúng tôi di chuyển đến thác Bản Giốc, vé vào với người lớn là 45 000VNĐ/ người, trẻ em là 20 000VNĐ/người. Vào năm Thác Bản Giốc ở Cao Bằng (Việt Nam) được trang thông tin điện tử du lịch quốc tế Touropia đánh giá là một trong những thác nước đẹp tự nhiên, hiếm có. Vào mùa hè, thác tách thành hai phần. Phần lớn hơn nằm về phía Trung Quốc với tên gọi là Detian. Phần nhỏ hơn nằm về phía Việt Nam với tên gọi là thác Bản Giốc, ở bên phía Việt Nam còn có 1 con thác phụ. Thác cao khoảng 50m, rộng chừng 250m. Vào mùa khô, dòng thác tạo thành 3 tầng nước trắng xóa ào ạt đổ xuống các mô đá như những dải lụa trắng xóa. Trong đó, tầng thứ 2 là đẹp nhất với dòng chảy lững lờ xuống sông Quây Sơn. Mùa mưa, ba tầng thác hợp lại thành một dòng chảy xiết. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt. Ở đây tôi bắt gặp rất nhiều những vị khách cả Việt Nam lẫn nước ngoài, thi thoảng lại có những con thuyền nhỏ đưa khách ra thăm mặt thác. Đoàn chúng tôi đã có những kỉ niệm đẹp khi tham quan và vui chơi tại thác Bản Giốc.
Sau đó chúng tôi trở lại Thành phố Cao Bằng, cũng chưa tối lắm, tôi và cô bạn rủ nhau đi loanh quanh và chúng tôi đã đi tới chợ Sông Bằng. Ở đâu bày bán rất nhiều cá mặt hàng như các nông cụ sản xuẩt, các đồ gia dụng, quần áo, các loại thực phẩm, nông sản,dược liệu,… nếu đến Cao Bằng thì tôi nghĩ bạn nên mua hạt rẻ Trùng Khánh, quả mác mật( là một loại gia vị), bánh Khảo, Khẩu Sli, thịt gác bếp, nạp sưởn, miến dong, trà Giảo cổ lam,… về làm qua cho gia đình và bạn bè. Buổi tối chúng tôi, quay lại nhà nhàng Ngon để dùng bữa, chúng tôi được thưởng thức món vịt quay Cao Bằng, Rau Dạ Hiến, thạch sương sáo, bánh vừng mặt trăng,…Ăn xong tôi và một nhóm bạn đi dạo. Rất tiếc chúng tôi đến không phải vào các ngày thứ sau, thứ bảy vì vào những ngày ở Phố đi bộ Kim Đồng sẽ diễn ra nhiều hoạt động. Phố đi bộ Kim Đồng và chợ ẩm thực nằm ở phường Hợp Giang là điểm đến mới, được xây dựng thừ tháng 7/2019 nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tăng cường quảng bá văn hóa, ẩm thực, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
Sáng hôm sau, tôi chọn bánh cuốn là bữa sáng cho mình. Đây cũng là món ăn khá nổi tiếng ở miền non nước này. Sau đó, đoàn chúng tôi di chuyển lên khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó, trên dương đi chúng tôi đi qua khu di tích anh hùng liệt sĩ Kim Đồng nhưng vì thời gian không cho phép nên chúng tôi không ghé thăm được. Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Đến khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó thì thời tiết không ủng hộ lắm, trời có mưa, chúng tôi di chuyển vào phía trong khu di tích bằng xe điện, chúng tôi tham quan Bảo tàng, đến Km0 điểm đầu của Đường Hồ Chí Minh sau đó di chuyển tiếp đến hang Cốc Bó. Chúng tôi dừng xe ở trạm dừng chân và đi ngược lại với dòng suối để hang.
Ngày 28/1/1941 Bác trở về Việt Nam sau 30 năm bôn ba nước ngoài, những ngày đầu về nước, Bác ở tại nhà ông Lý Quốc Súng. Đây là một gia đình người Việt gốc Hoa, sống cách hang Cốc Bó khoảng 100m, sau đó vài ngày Bác đề nghị các đồng chí chuyển sang hang Cốc Bó. Tại đây, Người đã dùng than củi viết lên vách hang dòng chữ Hán để đánh dấu ngày Bác chuyển từ nhà ông Súng lên hang Cốc Bó “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật”, tức “ngày mùng 8 tháng 2 năm 1941”. Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Ở Pác Bó, lúc thì người dân gọi Bác là Già Thu, khi lại gọi là ông Ké, đây là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng. Dòng suối trước cửa hang được Bác đặt là suối Lê Nin, ngọn núi có hang này Bác đặt là núi Các Mác. Tại đây, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ “ Tức cảnh Pắc Bó” mà trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vỏn vẹn 28 từ Bác đã khắc họa rõ cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mình trong quãng thời gian ở đây:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sang
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Nguyễn Ái Quốc 2/1941
Tháng 8/1998 anh John Kennedy, con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy, lúc ấy phụ trách tờ báo George ở Washington lên thăm Pác Bó, sau đó anh ta có nói “Tôi thật không thể hiểu được tại sao trong một cái hang nhỏ hẹp, ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh có thể nghĩ ra cả một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước”. Bác sống trong hang Cốc Bó khoảng hơn một tháng, sau đó để đảm bảo bí mật nên các đồng chí cùng người dân Pác Bó đã dựng cho Bác một chiếc lán cách hang Cốc Bó khoảng 1km bên dòng Khuổi Nặm, và đến cuối tháng 3/1941 Người chuyển sang ở bên lán Khuổi Nặm. Rất tiếc trong chuyến đi lần này đoàn chúng tôi không đuộc đến thăm lán Khuổi Nặm, lán cách hang Cốc Bó khoảng 1Km, Bác đã sống ở đây từ tháng 3/1941 đến tháng 5/1945. Tại căn lán nhỏ bé đơn sơ này đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, hội nghị đã đề ra nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Việt Nam giai đoạn này là giải phóng dân tộc, thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh).
Sau khi thăm hang chúng tôi quay về trạm dừng chân, trưa ấy chúng tôi không ăn mặn mà ăn những món ăn người đân nơi đấy bán. Họ bán nhiều đồ ăn vặt nhưng chủ yếu các món ăn vặt đặc sản của Cao Bằng như hạt dẻ, bánh Khảo, Khẩu Sli, lương khô,… các đồ lưu niện hay những bộ trang phục dân tộc. Chúng tôi lên xe về Hà Nội vào đầu giờ chiều, chuyến đi này đã đem lại cho tôi cũng như đoàn nhiều kỉ niện đẹp và có cả những tiếc niếu khi chưa đi được hết những địa điểm. tuy nhiên, đó cũng như một lời hứa thôi thúc tôi trở lại với non nước Cao Bằng vào một dịp nào đó, và tôi mong đó sẽ là vào dịp những cánh đòng lúa đang ngả sắc vàng.
Bài viết này có chắt lọc những từ nhiều trang thông tin, trong quá trình viết bài không tránh khỏi những điều sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý để tôi hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn!
Trương Thị Vân Giang
cao bằng

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 31/12/2022
Love
0 Bình luận
avatar
Trương Thị Vân Giang

Lòng tốt là thứ người mù có thể thấy, người điếc có thể nghe!

1 Quốc gia
39 Tỉnh thành
2 Người theo dõi
11 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Những mong chờ giờ đã được thực hiện, tôi nhìn thấy con đường Tây Tiến năm xưa, nhìn đấy con đường tiếp viện của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhìn thấy " Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"...
“Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố/ Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều/ Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ/ Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”.