Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó.
Tạm quên những bãi biển trải dài, đầy nắng, suối Lê-Nin ở Cao Bằng sẽ giúp bạn thư giãn đúng nghĩa với khung cảnh xanh mát, nên thơ.
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50 km về phía Bắc, suối Lê-Nin thuộc di tích lịch sử Pác Pó, huyện Hà Quảng. Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng nơi đây ngày càng thu hút giới trẻ ghé thăm.
Như chúng ta đã biết, vào ngày 8/2/1941, khi đã về nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc trong hang Cốc Bó, rồi người đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là Suối Lê Nin. Con suối này có một đoạn chảy ngang qua đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay, tạo nên một không gian ấm áp, bao bọc, che chở, tràn ngập tình yêu thương.
Về nước suối ở đây, có lẽ không có một mĩ từ nào có thể diễn tả được độ sạch và trong, mát của nó. Nhiều du khách người nước ngoài đã phải thốt lên rằng họ muốn mang nước ở con suối này để đưa về nhà, muốn tắm bằng nước của con suối này để cho sạch bụi trần, muốn hòa mình vào dòng nước hiền hòa xanh mát này. Nếu du khách đứng trên bờ và nhìn xuống mặt nước sẽ thấy rất rõ những đàn cá bơi nhẹ nhàng uốn lượn – trông chúng thật hài lòng với cuộc sống bình yên của mình, tự do tự tại, không vướng bận sự xoay chuyển của thế giới này.
Ở Suối Lê Nin, không ai bắt cá bao giờ, ngược lại họ rất nâng niu, chăm sóc những chú cá ở đây bằng cách cho chúng những đồ ăn sạch, ngon, được chúng yêu thích, làm bạn với chúng mỗi khi đến đây chơi. Nơi này ru lòng người bằng một vẻ đẹp.
Đặc biệt hơn, suối Lê Nin có một màu xanh rất riêng biệt mà chỉ vào tháng 7, tháng 8 hàng năm nước suối mới chảy xiết và đục; còn lại nhưng tháng khác đa số rất trong xanh và hiền hòa, gắn với nhiều câu chuyện, nhiều sự tích độc đáo của lịch sử.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt. Danh hiệu này hoàn toàn xứng đáng với những gì mà nó thể hiện, góp phần vào việc chăm sóc đời sống tinh thần của người dân bốn phương.
Trải qua bao nhiêu biến cố của thời gian, của chiến tranh, của lịch sử thì cảnh sắc của khu di tích này còn được lưu giữ một cách trọn vẹn, không hề đổi thay. Ngược lại, càng về sau con suối này càng đẹp, càng tươi, càng quyến rũ ánh mắt của người xem. Điều đó chẳng khác gì hơi ấm của Người vẫn còn đó, vẫn còn đó “bàn đá chông chênh”, còn đó hình dáng Người ngồi câu cá sau giờ làm việc vất vả…vẫn còn đó tất cả…..Mọi thứ như gợn lên một tiếng nấc quá nghẹn ngào, lưu luyến.