Khác hẳn với vẻ nhộp nhịp của thành phố trẻ Châu Đốc, phía bên kia bờ sông Hậu lại là khung cảnh bình yên của làng Chăm Châu Giang. Một trong những làng Chăm lớn nhất An Giang.
Làng Chăm Châu Giang chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng chừng 3km về hướng Bắc phía đầu nguồn Châu Thổ sông Cửu Long; cách bến đò Châu Phong của làng Chăm Châu Phong hơn 2km và làng Chăm Đa Phước khoảng 4,3km theo hướng đường sông Bassac. Với khoảng cách này, việc di chuyển đến làng Chăm Châu Giang khá dễ dàng, chỉ mất 5 phút đi phà.
Khác với cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận theo đạo Bà Là Môn, người Chăm ở An Giang chủ yếu theo đạo Hồi. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt, nét độc đáo trong đời sống văn hóa, tinh thần và kiến trúc ở đây.
Dọc theo bờ sông Hậu, men theo tiếng kinh cầu nguyện vang lên từ các thánh đường, tôi đặt chân tới Thánh đường Masjid Jamiul Azhar – một trong những thánh đường lâu đời nhất ở đây. Tôi đến cũng vừa lúc buổi cầu nguyện kết thúc, mọi người bắt đầu về nhà. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy người dân nơi đây vẫn mang trang phục truyền thống. Phụ nữ thì quấn khăn Ma-tơ-ra còn đàn ông thì mặc Sarong. Đặc biệt giữa không gian tĩnh lặng, hình ảnh các bé gái, bé trai mặc trang phục truyền thống đang chơi đùa với nhau làm tôi cảm thấy có lẽ đây là nơi hạnh phúc nhất. Trẻ em người Chăm vẫn được đến trường học văn hóa nhưng cũng được dạy tiếng nói, chữ viết và tập tục của dân tộc mình tại các thánh đường. Đây là cách mà người Chăm An Giang giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình qua bao thế hệ. Điều đặc biệt nhất mà tôi thấy được là không chỉ bé trai mà cả bé gái cũng được đi học, cũng được đóng góp vào sự bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Tiếng kinh cầu lại bắt đầu vang lên từ phía những ngôi thánh đường bên dòng Hậu giang thơ mộng.