Blog CHỌI TRÂU HẢI PHÒNG| Tinh thần thượng võ miền biển
cover

CHỌI TRÂU HẢI PHÒNG| Tinh thần thượng võ miền biển

avatar
Nguyễn Thanh Huệ dot Thứ 5, 12/09/2019
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Đến hẹn lại lên, vào 9/8 âm lịch hàng năm, Hải Phòng quê mình lại tổ chức lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn. Một lễ hội gắn liền với tục thờ cúng Điểm Tước thần, Thuỷ thần, tục hiến sinh cầu an lành và thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển.
“Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu.”
Đã nhiều thế kỉ, người dân Hải Phòng quê mình truyền tai nhau 4 câu thơ trên, hẹn thề về một cuộc hội ngộ văn hóa - tâm linh tại lễ hội “Chọi Trâu”- Đồ Sơn, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm.
hình ảnh
Hình ảnh từ Lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2019 - Ảnh @Djep Vu
Hội chọi trâu hay còn được gọi là đấu ngưu, là một tập tục có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn - Hải Phòng. Lễ hội gắn liền với tục thờ cúng Điểm Tước thần, Thuỷ thần, tục hiến sinh cầu an lành và thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Đồ Sơn nói riêng và đất cảng Hải Phòng nói chung. Hơn cả thế, lễ hội còn thể hiện sâu sắc sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá ngư nghiệp ven biển, là một nét độc đáo mà không một lễ hội của vùng đồng bằng nào hay miền biển nào có được.
Và tại sao lại là 9/8 âm lịch? Đó là khi trời thu chuyển mát mẻ, lúa ngoài đồng vào thì con gái, nông dân bớt tay cấy tay cày, trâu nhà được nghỉ ngơi nhởn nha ăn cỏ, ngư dân cũng vừa kết thúc một mùa cá, người ta bắt đầu chuẩn bị cho mùa lễ hội và thế là lễ hội chọi trâu diễn ra trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Quá tuyệt!
Năm 2013, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bằng hiểu biết nhất định qua gần 20 năm xem chọi trâu (trên TV và một vài lần ra sới) và sự góp nhặt tìm tòi, xin được giới thiệu đến mọi người lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn – Hải Phòng quê mình, thông qua những những thông tin và hình ảnh mới nhất từ lễ hội chọi trâu vừa diễn ra ngày 9/8 âm lịch, tức 7/9 dương lịch năm 2019 vừa qua.
Cùng tìm hiểu nha!
hình ảnh
Lễ hội chọi trâu diễn ra trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - Ảnh: @Djep Vu

1. Thần tích về hội chọi trâu Đồ Sơn

Lịch sử về lễ hội chọi trâu gắn liền với nhiều truyền thuyết được người dân truyền miệng suốt hàng trăm năm qua, trong đó có hai điểm tích được nhắc đến nhiều nhất là thần tích Điểm Tước Đại Vương và huyền tích Đền Bà Đế.
* Thần tích Điểm Tước Đại Vương: Ở chân Núi Tháp, thuộc địa phận xã Ngọc Xuyên - Đồ Sơn, có một ngôi đền nơi mà người ta thường hay nhìn thấy cảnh tượng một vị thần râu tóc bạc phơ hiện hình ngồi trên thạch bàn, thảnh thơi ngắm nhìn hai con trâu chọi nhau trước cửa đền. Cảnh đó thường diễn ra vào mùng 9 tháng 8 hàng năm, nên người dân đã làm mâm bột đặt trong đền làm lễ cầu thần. Sáng ra, chỉ thấy dấu chân chim sẻ trên đó, nên người dân kính cẩn gọi thần là Điểm Tước thần. Hàng năm lại làm lễ tế thần Điểm Tước bằng một con trâu khỏe mạnh nhất bằng cách tổ chức thi chọi giữa những con trâu trong vùng.
* Huyền tích Đền Bà Đế: Xa xưa có một cô gái xinh đẹp tên là Đế, nàng thường ra biển một mình và cất giọng hát làm mê đắm lòng người. Tiếng hát quyến rũ đến nỗi làm rung động trái tim Thủy thần (Vua Thủy Tề), hai người đem lòng yêu thương nhau và nàng có mang. Không chồng mà chửa, nàng Đế phải chịu lệ làng khắc nghiệt, bị thả xuống biển để sóng biển dìm chết. Tuy nhiên, nàng không những không chết, mà còn được vua Thủy Tề đón về thủy cung để chung sống hạnh phúc. Từ đó, nơi nàng bị dìm xuống đột nhiên có rất nhiều tôm cá đến bơi lượn, là nơi ngư dân đánh bắt được mùa, nhưng cũng từ đây thường xảy ra nhiều tranh chấp giữa các vạn chài. Người ta bèn tổ chức thi chọi trâu, mỗi một vạn chài được phép mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng, năm ấy vạn chài ấy được độc chiếm bãi cá tôm. Con trâu thắng cuộc được mang đi tế Thủy thần, cầu mong thần phù hộ cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa tôm cá.
Có lẽ chính từ cả hai điểm tích này mà phần lễ chính của lễ hội chọi trâu có cả lễ tế Điểm Tước thần và lễ tế Thủy thần. Cũng bởi vậy mà người ta mới nói, chọi trâu là lễ hội thể hiện sự giao thoa giữa nền văn hóa nông nghiệp (đại diện chính là con trâu) và ngư nghiệp (cuộc đấu giữa các vạn chài).

2. Cách chọn trâu và luyện trâu chọi

Không phải cứ nhà ai có trâu cũng đều có thể mang đi thi chọi, tất cả những “ông trâu” được mang ra sới đều phải trải qua giai đoạn chọn lựa và huấn luyện. Từ việc xem tướng trâu cũng cần phải tinh tường, cho đến việc huấn luyện cũng phải có tuyệt kỹ.
* Chọn trâu:
Chỉ có dân “trong nghề” có kiến thức sâu rộng mới nắm được tướng trâu dũng mãnh, không khác nào việc người ta xem tướng cho người. Một con trâu về cơ bản có thể làm một trâu chọi phải hội tụ đủ: tuổi đời từ 8 – 13 năm, cân nặng từ 700kg trở lên, vòng ngực tối thiểu là 2,05m, cổ rộng, sừng cân, to và hướng tiền, mắt nhỏ, mi dày, chân to… rồi một loạt các tiêu chí khác về các khoáy, khung sườn, mình, đuôi, bụng, bộ phận giao phối và những thói quen sinh hoạt bộc lộ khí chất bên trong của trâu chọi và hẳn nhiên phải là trâu đực.
Nhiều khi để tìm được một con trâu ưng ý, người Đồ Sơn phải lặn lội khắp hang cùng, ngõ hẻm, từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai,… đến các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
hình ảnh
Hình ảnh từ Lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2019 - Ảnh @Djep Vu
* Luyện trâu:
Khi đã tìm được chiến binh ưng ý, các chủ trâu sẽ tiến hành huấn luyện để tăng tính chiến đấu cho trâu. Việc luyện tập cũng phải khoa học, bài bản. Hàng ngày, chủ trâu phải thức dậy sớm cho trâu đi chạy, đi lội ruộng, lội bùn, leo núi để tăng độ dẻo dai và chịu đựng. Thi thoảng, trâu được cho thi húc thử, tập dượt ở sân đấu để làm quen…
Việc chọn trâu và huấn luyện thường sẽ bắt đầu ngay từ khi mùa thi đấu trước kết thúc, nghĩa là cả chủ trâu và trâu phải mất một năm nằm gai nếm mật để quyết một phen sống chết trong một ngày.
hình ảnh
Chủ trâu đang lo lắng cho "ông trâu" của mình đang bị thương - Ảnh: @Djep Vu

3. Diễn biến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu đươc diễn ra trong nhiều ngày, bao gồm 2 phần chính: Những ngàyLễngàyHội.
* Ngày Lễ:
Trước ngày hội chính, tức hôm trâu được đưa vào sới chọi ngày 9/8 âm lịch, thì phần lễ đã được diễn ra trong vài ngày. Theo như điểm tích kể trên, người dân phải làm lễ để khai báo và xin phép hai vị thần: thần Điểm Tước và Thủy thần.
Đầu tiên, là lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, các trâu chọi phải được rước ra để làm lễ.
Sau đó là lễ tế Thuỷ thần – lễ rước nước. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng (nay gọi là các phường) mang về đình riêng, chính tại đó, trâu lại được rước ra để làm lễ.
Sau khi làm lễ tế thần, các trâu chọi đã chính thức được gọi trinh trọng là các "Ông Trâu", là biểu tượng của tâm linh, là niềm tin, và là ước vọng của người dân.
* Ngày Hội:
Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, các ông trâu được rước ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, tiếng nhạc rộn rã. Hội chọi trâu được tổ chức chỉ trong một ngày, tại sân chọi trâu, hiện giờ là sân vận động thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng).
Ngày hội thường chỉ diễn ra và kết thúc trong buổi sáng, bao gồm: phần khai mạcphần đấu.
Sới chọi - Sân vận động thị xã Đồ Sơn đông đúc trong ngày hội chính - Ảnh: @Djep Vu
Phần khai mạc bắt đầu từ7 rưỡi sáng, được diễn ra với nghi thức diễu hành, phát biểu và đặc biệt là điệu múa cờ thần khai hội truyền thống của các thanh niên trai tráng, nhịp nhàng và mạnh mẽ trong tiếng trống và thanh la hào hùng. Trống và thanh la cũng sẽ được sử dụng làm âm thanh nền cho phần đấu của các ông trâu. Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Tiếng trống phải to, người đánh trống phải có sức dẻo dai, đồng thời phải biết cách đánh sao cho những tiếng “cắc” “tùng” quyện vào nhau lúc chậm rãi khoan thai, lúc dồn dập cao trào, như khích lệ các “ông trâu” phải quyết một phen phân thắng bại.
hình ảnh
Điệu múa cờ thần khai hội truyền thống - Ảnh: @Djep Vu
hình ảnh
Người đánh trống phải có sức dẻo dai và thật khéo léo - Ảnh: @Djep Vu
Phần đấu diễn ra vào đúng 8h sáng, sau khi mọi thủ tục đã xong, tiếng chiêng khai hội chính thức vang lên và đôi trâu đầu tiên được rước vào sới ở hai cổng đối diện ở phía Bắc và phía Nam của sới đấu để chuẩn bị vào trận.
Một trận đấu sẽ bắt đầu bằng 2 hiệu lệnh:
Hiệu lệnh thứ nhất: Hai ông trâu được dắt vào 2 góc sới, gần nhau, cách nhau chừng 20m, đủ để cho hai ông trâu nhìn thấy nhau.
hình ảnh
Sau hiệu lệnh thứ nhất, ông trâu được dắt vào góc sới để sẵn sàng - Ảnh: @Djep Vu
Hiệu lệnh thứ hai: Chủ trâu tháo dây buộc mũi trâu, hai ông trâu được thả xổng để chính thức lao vào quyết đấu.
Giây phút hồi hộp, gay cấn nhất ở một hiệp đấu trâu chính là giây phút hai ông trâu được thả xổng ra sới. Những cung bậc cảm xúc cứ liên tục lên bổng xuống trầm theo từng động thái của đôi trâu. Đôi khi, hai ông trâu cứ nhởn nha gặm cỏ, chẳng buồn lao vào nhau, người xem sốt ruột chờ đợi màn giao đấu đến 5, 10 phút vẫn chưa có. Có khi, vừa thoát dây buộc mũi, hai ông trâu đã lao thẳng vào nhau húc tung đất cát.
hình ảnh
Hai ông trâu nhởn nha ăn cỏ, chưa chịu quyết đấu - Ảnh: @Djep Vu
hình ảnh
Có khi, vừa thoát dây buộc mũi, hai ông trâu đã lao thẳng vào nhau húc tung đất cát.
Vũ khí lợi hại nhất của các ông trâu đó chính là cặp sừng và mỗi ông trâu lại có sự thông minh, nhanh trí riêng để áp dụng các miếng đòn bằng sừng vào quật ngã đối thủ. Trâu chọi sẽ có 4 miếng đánh cơ bản: hổ lao, móc mắt, ngáng chân và khóa sừng. Trải qua hàng trăm năm đấu trâu, những người am hiểu còn có thể nhận biết những miếng đánh đắt giá của các ông trâu: từ miếng vồ, miếng đánh dập, luồn sừng bẻ lật ngược đối thủ; miếng gảy - dùng sừng đánh vào bất kỳ chỗ nào tiếp giáp với sừng; đến những miếng hiểm nhất là miếng quỳ - hai chân trước gập xuống, mài mặt sát đất, day sừng lấy cáng tống hầu... Nhiều đôi trâu đánh đấu quyết liệt, có trận kéo dài liền nửa tiếng đồng hồ, có con mẻ sừng, bật máu mã vẫn đấu hăng. Sự dũng mãnh, ngoan cường của trâu chọi chính là biểu tượng và khí phách của người Đồ Sơn - Hải Phòng giàu tinh thần thượng võ.
Những hình ảnh mà các bạn đang xem là của lễ hội chọi trâu 2019 diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch vừa qua. Ông trâu vô địch chính là trâu số 07 của phường Bàng La - Đồ Sơn.
hình ảnh
Hình ảnh từ Lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2019 - Ảnh @Djep Vu
hình ảnh
Hình ảnh từ Lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2019 - Ảnh @Djep Vu
hình ảnh
Hình ảnh từ Lễ hội Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2019 - Ảnh @Djep Vu
Trận đấu kết thúc là khi có một ông trâu chịu thua, tìm đường bỏ chạy khỏi sới hoặc kiệt sức nằm liệt tại sới, khi đó là màn "thu trâu" cũng không kém phần hấp dẫn khi mà mọi người chạy đuổi theo bắt bằng được ông trâu lại, nhất là ông trâu chiến thắng đang điên cuồng, hung hãn và kéo ra khỏi sới chờ màn đấu tiếp theo.
Cứ thế, các cặp ông trâu được đấu liên tiếp cho đến khi phân loại và chọn ra được những ông trâu xuất sắc vào vòng tứ kết, bán kết, chung kết; cho đến khi tìm ra được ông trâu vô địch, bách trận bách thắng.
hình ảnh
Trận đấu kết thúc là khi có một ông trâu chịu thua tìm đường bỏ chạy - Ảnh @Djep Vu
hình ảnh
Một màn "thu trâu" tại lễ hội 2019 - Ảnh @Djep Vu
hình ảnh
Người xem phấn khích trước các màn đấu - Ảnh @Djep Vu
Xem clip trận chung kết giữa ông trâu số 02 và ông trâu số 07 dưới đây để thấy được không khí sôi động tại sân chọi Đồ Sơn, cũng như niềm hãnh diện, tự hào và hạnh phúc của các chủ trâu khi "ông trâu" của mình giành phần thắng.
Trận chung kết gay cấn giữa hai trâu 02 và 07

4. Kết thúc lễ hội và số phận các ông trâu

Theo đúng truyền thống từ xưa nay, các trâu chọi trước khi thi đấu đã được làm lễ tế thần, không còn là gia súc trong trong nhà, vì thế sau màn giao đấu dũng mãnh, các trâu sẽ bị xẻ thịt. Từ những trâu thua trận ở vòng loại cho đến trâu thắng các vòng trong cũng đều chịu chung số phận như vậy.
Sau lễ hội, người dân thường xếp hàng để mua được thịt trâu chọi một năm mới một lần có, nhiều khi chấp nhận mức giá đắt trên trời, 2 triệu đồng/1kg, riêng thịt ông trâu vô địch có thể lên tới 6 - 7 triệu/ 1kg . Thậm chí, trâu thua cuộc bị loại sớm đã bị xẻ thịt ngay ngoài sới, trong khi giải đấu vẫn đang tiếp diễn gay cấn bên trong. Có thể do nhiều năm gần đây, hình thức xẻ thịt trâu chọi bán lấy tiền có nhiều biến tướng, tuy nhiên, ít thấy có ai phàn nàn quá nhiều về vấn đề này, người ta vẫn háo hức chờ đợi để mua được thịt trâu chọi chất như nước cất ngay tại sới đấu. Chỉ trong ngày hôm đó, thịt trâu chọi bán hết veo.
Lễ hội kết thúc, trâu đã tế thần, các chủ trâu lại tiếp tục việc tìm kiếm trâu mới và huấn luyện cho mùa lễ hội sau.
hình ảnh
Các chủ trâu lại tiếp tục việc tìm kiếm trâu mới và huấn luyện cho mùa lễ hội sau.

Lời kết:

Chưa bao giờ người dân Hải Phòng lại hết tự hào về mảnh đất quê hương; mảnh đất giao thoa văn hóa nông nghiệp, ngư nghiệp, hàng hải ngàn đời; mảnh đất sinh ra những con người mạnh mẽ, hiên ngang, kiên cường, ăn sóng nói gió. Càng tự hào hơn vì là nơi có lễ hội chọi trâu độc nhất thể hiện sự giao thoa văn hóa hài hòa ấy, thể hiện tinh thần thượng võ quật cường, còn là thể hiện sự tôn trọng và hết lòng bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân gian lâu đời.
“Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu.”
Đó không chỉ là lời dặn dò, hẹn thề của người dân Đồ Sơn, của những người con Hải Phòng, mà còn là lời mời gọi du khách thập phương, là sự hiếu khách và quảng giao của người dân miền biển Hải Phòng.
Nhớ nhé! Mùng 9 tháng 8 Âm lịch thì về chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng!
Cảm ơn các bạn!
Xem thêm bài viết tại: https://nguyenthanhhue59.wixsite.com/toays
Xem thêm hình ảnh tại: https://www.instagram.com/toays_/



Đồ sơn hải phòng Đồ sơn hải phòng

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 3/01/2023
Love
30 Bình luận
avatar
Nguyễn Thanh Huệ

Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc là một con đường.

3 Quốc gia
34 Tỉnh thành
3,208 Người theo dõi
11 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
avatar
Huy Le Nhiều ng tới coi ghê!!
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Nhi Nhí Nhảnh trải nghiệm thú vị ghê
Trả lời
Chia sẻ
avatar
songnguyen07 bài hay dữ vậy luồn b nhỉ
?!! :)
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Hoang Nam bài chi tiết quá v ạ!! :)
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Hạ Ái lần sau nhất định sẽ tham gia
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Nguyễn Hòa chỉ diễn ra một ngày duy nhất thôi sao bạn?
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Jaimie Tran (TràMyTrần) Tự hào ghê cơ <3
Trả lời
Chia sẻ
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Đệ nhất hùng quan đèo Mã Pì Lèng – hẻm vực Tu Sản – sông Nho Quế không còn xa lạ với những người yêu xê dịch. Tuy nhiên, tổ hợp cảnh quan này được kiến tạo lên không chỉ bởi 3 cái tên nhắc đến ở trên, mà còn bởi một địa danh khác nữa – Vách đá trắng – nơi được coi là tầng trên cùng của cảnh quan kỹ vĩ bậc nhất Việt Nam.
Chuyến đi bụi Hà Giang lần này, tôi đi lâu hơn mình tưởng, đã ở dài tới tận mấy lần họp chợ phiên Đồng Văn và dĩ nhiên phiên nào tôi cũng xuống chợ. Bởi lẽ, chẳng lần nào giống lần nào, chợ phiên luôn đem lại những trải nghiệm khác nhau, những cái nhìn mới mẻ, những cảm xúc cực kì thú vị và lạ lẫm.
Người ta gọi khoảng thời gian tháng 9, tháng 10 ở Sa Pa là “mùa vàng”, mùa đẹp nhất trong năm của Sa Pa, khi mà tiết trời đã vào thu se se lạnh, lúa đã chín vàng suộm tầng tầng lớp lớp trên các ruộng bậc thang, mây vờn miên man trên những triền núi… Tất cả sẽ tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đến nghẹt thở!
Hải Phòng quê tôi có một Phố Đường Tàu tồn tại cả trăm năm rồi, nhưng tên tuổi của nó từng có thập kỉ gắn liền với “Giang hồ Đất Cảng”, “nghĩa địa chôn người sống”… hãi hùng và ghê rợn. Sau bao nhiêu thăng trầm, cuối cùng thì chúng tôi vẫn có thể lang thang nơi này vào một buổi chiều Tết Độc Lập năm 2019.
Nghỉ lễ 2/9 này bạn đang đi đâu chơi? Nếu điểm đến của bạn đang là Đà Nẵng thì hãy theo chân mình đi khai phá 4 địa điểm có thể thưởng thức trọn vẹn bức tranh thiên nhiên biển xanh, nắng vàng tuyệt đẹp của thành phố biển này nhé!
Hà Nội đang vội vã chuyển mùa, những cơn mưa lớn đang dần chiếm hết những ngày nắng vàng rồi, phải nhanh chóng thực hiện một mini tour vòng quanh Hà Nội để có cái mà ngồi nhấm nháp trong những ngày mưa đi thôi!
Người ta nói “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ”, có nghĩa là “Chưa đến đèo Mã Pì Lèng chưa phải là phượt thủ”. Nhưng thời thế thay đổi rồi, một khi đến Mã Pì Lèng mà không một lần tìm đường xuống sông Nho Quế, dưới đáy hẻm vực Tu Sản để du ngoạn sơn giang thì chưa trọn vẹn cung đường chinh phục “Đệ nhất hung quan” này rồi!
Xin chào! Cuối hè rồi và thu đang tới, trước khi chúng ta trở nên chậm rãi thư thái với mùa thu thì nên tranh thủ nốt những đợt nắng hè vàng rọi đi đến những nơi xinh đẹp và rực rỡ như nắng hè đi nè! Thân gửi các bạn một bài review chi tiết hành trình Hội An qua 3 lần đến nơi này của mình và một số lời khuyên hữu ích!
Phố Hội không chỉ ghi dấu trong lòng người qua bằng kiến trúc cổ kính, nền văn hóa lâu đời, mà ngay từ những nét nhỏ bé trong ẩm thực như những món đồ uống cũng mang một nét độc đáo rất riêng. Cùng trải nghiệm Hội An qua thức uống vừa lạ vừa quen, vừa gần gũi dân dã, vừa mang nét lạ lẫm Hội An mà không nơi nào có được.
Nếu như người ta biết tới Hà Nội với hình ảnh "nồng nàn hoa Sữa", Hải Phòng "rực rỡ hoa Phượng", Mộc Châu "giản dị hoa Cải", Hà Giang "mộc mạc Tam Giác Mạch", thì chắc hẳn Đà Nẵng sẽ mang tên "dịu dàng hoa Giấy".