A Pa Chải một bản thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Trước đây bản A Pa Chải là bản ở cực tây trên đất liền của miền bắc Việt Nam. Tên "A Pa Chải" được dùng đặt cho tên đồn biên phòng và cho cửa khẩu A Pa Chải. “Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải" được lưu truyền trong các giới thiệu về điểm mốc nói trên là một điểm du lịch hấp dẫn
VESPA GTV6 CHINH PHỤC CỰC TÂY A PA CHẢI
Nằm ở phía tây tây bắc bản A Pa Chải cách cỡ 8 km theo đường thẳng, là đỉnh Khoan La San cao 1864 m so với mực nước biển, là điểm cao đặt cột mốc biên giới 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Nơi này được mệnh danh là "1 con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy". Điểm cao này cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Nơi đây chủ yếu là người Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác sinh sống. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.
A Pa Chải là một bản thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Trước đây bản A Pa Chải là bản ở cực tây trên đất liền của miền bắc Việt Nam. Tên "A Pa Chải" được dùng đặt cho tên đồn biên phòng và cho cửa khẩu A Pa Chải. Tên gọi "Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải" được lưu truyền trong các giới thiệu về điểm mốc nói trên là một điểm du lịch hấp dẫn.
CHỖ Ở QUA ĐÊM:
Lựa chọn 1: ở tại thị trấn Mường Nhé, cách khoảng 55km đường đèo >> mất khoảng 1,5-2h đi bằng xe máy vào Đồn BP A Pa Chải
Lựa chọn thứ 2: Ngủ đêm tại khu nhà nghỉ của Đồn BP 317. Tuy nhiên, bạn sẽ phải gọi điện trước để họ chuẩn bị chỗ ngủ và chuẩn bị cả bữa tối cho bạn. Đây là số điện thoại trực ban: 0972 416 456
Lựa chọn thứ 3: bạn cứ phi thẳng qua Mường Nhé, đi gần hết dường luôn, đồn BP 317 cách Trạm gác lên cột mốc (là chỗ không còn đường để đi) khoảng 5km, đi tiếp khoảng gần 2km bạn sẽ gặp Nhà Nghỉ Tùng Lâm bên tay trái, phòng sạch sẽ, có máy lạnh. Số điện thoại xem trong hình trong Album.
Hoặc đi thêm 1-2km nữa bạn sẽ thấy Nhà trọ Tuấn Mai. Tuấn là tên của ông Sư phụ 13 vợ, Mai là tên của cô vợ trẻ nhất đang sống cùng. Số điện thoại trong hình trong Album ảnh trong bài.
Lưu ý: Nếu bạn đến sớm trong giờ hành chính thì vào đk để họ sắp xếp dẫn bạn đi. Nếu bạn tới nơi sau 3h chiều thì tốt nhất bạn nên nghỉ lại qua đêm rồi hôm sau khởi hành sớm. Buổi tối miền núi tối rất nhanh.
CHI PHÍ ĂN Ở:
Ở Nhà nghỉ của Đồn BP 317, đt 0972 416 456, 80-100k/đêm/phòng, ăn họ chuẩn bị cho bạn, khoảng 100k/người/bữa
Nhà nghỉ Tùng Lâm: đt 0976 990 940 – 0977361 510, 200k/đêm/phòng, ăn khoảng 100k/bữa/người
Nhà Trọ Tuấn Mai: đt 0978 097 165, 80k/đêm/người, ăn khoảng 80/100k/bữa trên người
Lưu ý: luôn là ăn cùng với Chủ nhà vì họ không nấu riêng cho minh ăn đâu. Không có lựa chọn nào khác ở khu vực này.
ĐƯỜNG ĐI: tổng thời gian chinh phục Cực Tây là khoảng 2-3h đồng hồ bằng xe máy
Để đến được điểm cực tây này, cần phải vượt qua ít nhất 500 km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Từ đây, ta tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là đến A Pa Chải. Vào mùa khô đường đến A Pa Chải tương đối dễ đi, nhưng vào mùa mưa, những cung đường trở nên rất khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm.
Khí hậu 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 – 10. Mùa khô từ tháng 11 – 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình 21 – 23 độ C.
A Pa Chải là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23'53"N 102°8'51"E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.
Cột Mốc “tam giác vàng” (gọi vậy vì cột này có hình tam giác – 3 mặt: 1 mặt là VN, 1 mặt là Lào và 1 mặt là Tàu), bạn cần phải vượt qua quãng đường khoảng 11-12km, tính từ mặt đất lên đỉnh. Để lên được cột mốc, bạn sẽ cần các bước như sau
Lên Trạm Biên Phòng A Pa Chải, đăng ký tên tuổi >> xuất trình CMND hoặc Thẻ CCCD. Việc quản lý này là cần thiết vì khu này là khu vực biên giới, đặc biệt là có khu Lối Mở (dễ trốn – vượt biên vv…)
Sẽ có 1 bạn lính BP dẫn đường cho bạn hoặc đoàn của bạn
Lệ phí cho đoàn dưới 10 người là 400k >> 1 người cũng 400 hay 10 người cũng 400k. Tôi đi 1 mình và rất may là gặp được 1 em trai người HN, tuổi chỉ khoảng 25-27, đi từ HN lên bằng xe khách rồi thuê xe từ TT Mường Nhé lên đây.
Chú lính BP sẽ dẫn bạn lên và xuống trong suốt hành trình.
Hành trình chinh phục có 3 cung đường mòn và 1 đoạn đường bậc thang, tương đương với 3 thử thách hoàn toàn khác nhau:
Chặng 1 là đường đất, sỏi, đá: khoảng 3-4km gì đó. Tôi cho rằng đây là chặng khó nhất. Đường di toàn sỏi đã, có nhiều chỗ cả đá cuội, đất ổ trâu ổ gà, lên xuống gập ghềnh và đi qua cả 1 con suối nhỏ rộng mấy mét (hôm nào nước lớn thì khác nhiều nước, hôm cạn thì ít nước thôi). Có những hố đất khó đi đến mức xe bán tải cũng không thể đi tiến được và phải đi bằng số lùi (vì số lùi khỏe hơn nhiều). Và đó chính là lí do: cậu đồn phó đồn BP đã một mực yêu cầu tôi gửi xe lại và thuê con xe số nếu muốn lên. Nhưng tôi kiên quyết và năn nỉ đến mức phải cho xem lại Clip tôi chinh phục Sống lưng khủng long Tà Xùa thì sau đó họ mới cho tôi mang con trâu của minh đi. Qua được cung đường đất này thì có thể nói là tôi đã 70% “chiến thắng.
Chặng 2 la đường rải bê tông: khoảng 3-4km. Đường rộng khoảng 2m, lên dốc liên tục và có rất nhiều đoạn cua khá gắt và một số cua tay áo, có vài đoạn có nhiều đất đá do sạt lở núi. Đây là chặng dễ đi nhất trong hành trình lên cột mốc. Đương nhiên là tôi vượt qua dễ dàng. Cuối đoạn đường này có 1 Bảng bằng đá khắc các thông tin của Cột mốc A Pa Chải. Tôi dừng ở đây chụp mấy tấm hình kỷ niệm.
Chặng 3 cũng là đường bê tông: đây là đường dành cho người đi bộ vì nó nhỏ và rất rất dốc, dài khoảng hơn 3km, chỉ rộng từ 60-80cm, có chỗ còn nhỏ hơn do đất và cây cỏ mọc xòe ra. Tôi năn nỉ mãi cậu lính BP mới cho tôi đi bằng xe Vespa lên vì cậu khẳng định xe vespa bánh nhỏ, YẾU nên không thể lên được qua những đoạn dốc cao, và tôi đi ngày trong tuần, không có khách khác nên cậu lính BP đồng ý cho tôi đi bằng xe máy lên. Đường xi măng nhỏ và rất rất ngoằn nghèo và đặc biệt là rất rất dốc. Có nhiều đoạn tôi phải dừng hẳn xe lại để quyết định xem “con trâu sắt” của tôi liệu có lên được dốc này không. Oái oăm ở chỗ, gần như tất cả các chỗ dốc cao khoai nhất thì đều nằm ở các góc cua, và vì là góc cua nên mặt đường lại nghiêng chứ không bằng phẳng. Tắt máy cho xe nghỉ mấy giây, hít thở sâu…nổ máy, vặn chắc tay ga và con trâu sắt lừ lừ đưa tôi vượt qua tất cả các khó khăn thử thách…và rồi cũng tới được chân cột Mốc.
Leo bậc thang: từ chỗ chiếu nghỉ (dựng xe máy ở đó) lên đến cột mốc là 543 bậc, cậu BP nói với tôi là 570 bậc – tức là tương đương với số bậc thang từ Ga cáp treo lên đỉnh cột cờ của Fansipan, Sapa. Nhưng 570 bậc ở đây dốc khủng khiếp >> leo sẽ mệt khủng khiếp. Tôi leo một mạch được ½ thì mệt muốn đứt hơi vì sau lưng tôi là balo hành lý nặng gần 20kg nữa. Đặt ba lô xuống, nghỉ 3 phút, tôi lên một mạch nữa là lên tới cột mốc. Và đây…cái mà tôi toàn nghe người ta kể đây rồi, cái mà tôi đã plan cả 2 năm trời rồi…và còn tuyệt vời hơn nữa là tôi đã lên được đây cùng “con ghệ yêu thương” của minh.
Tôi và cậu em trai HN chụp hình cho nhau, ngắm khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vỹ xung quanh mình, tận hưởng không gian hoàn toàn yên tĩnh và không khí hoàn toàn trong lành. Đứng 3 góc và NGẮM 3 nước…xa xa dưới chân núi là Đồn BP và ngôi nhà trọ tôi nghỉ tối ngày hôm trước. Trong suốt quãng thời gian 15-20 phút, gai ốc/da gà tôi cứ nổi liên tục. Cái cảm giác mỗi lần đến được cột mốc của Tổ Quốc nó thiêng liêng, cảm giác thế nào đó mà tôi không thể tả được bằng lời. Nói chuyện với cậu bạn đồng hành mà thi thoảng cổ họng tôi cứ nghẹn lại, xúc động kỳ lạ.
Lên đã khó thế, xuống còn khó và nguy hiểm hơn, đặc biệt ở đoạn đường từ cột mốc xuống hết đoạn đường dành cho người đi bộ. Ở các góc cua tay áo và dốc cao…phanh/thắng, lốp là 2 điều kiện quan trọng nhất, tuyệt đối không vặn ga lên, tuyệt đối giữ tốc độ vì có nhiều đoạn ngay cả khi bạn bóp cả 2 phanh thì xe bạn vẫn đang trượt xuống dốc. Lưu ý: ở các chỗ góc cua, mặt đường nghiêng, bạn cũng nên hơi nghiêng xe và chống chân vào bên mé đường cao hơn. Có vậy bạn mới không bị đổ xe vì nếu xe lỡ nghiêng sang bên mé thấp thì bạn sẽ không thể chống chân dược. Nói thể để bạn hiểu được là mặt đường nghiêng nhiều đến mức nào.
Xuống hết đoạn đường dành cho người đi bộ, chúng tôi dừng xe nghỉ một chút và chụp thêm vào kiểu ảnh chỗ tấm Bảng đá. Cậu lính BP luôn miệng nói “em khâm phục anh thật, xe ga gì mà khỏe quá khỏe đến vậy, anh dũng cảm thật, lái xe tốt thật vv và vv…”. Xuống nốt 2 chặng còn lại thì không khó khăn lắm. Chỉ cần bạn luôn tập trung, chắc tay lái và một cái đầu ‘LẠNH” là ok thôi.
Tôi kết thúc Hành trình chinh phục Cực tây A Pa Chải lúc 4h chiều, dừng lại chào tạm biệt, cám em lính BP và người em trai HN.
Thêm 1 “dấu son” nữa trong cuộc đời của tôi – 1 con người Việt Nam yêu nước.
A Pa Chải, tháng 10/2020