Đèo KHƯƠNG HẢI - 1 trong năm cung đường biển đẹp nhất VN
Nhiều người biết đến những cái tên như Vĩnh Hy hay Mũi Dinh nhưng khi nói đến cái tên Đèo Khương Hải thì nó quá lạ lẫm, bao gồm cả với cá nhân tôi (dù tôi đã qua đây ít nhất là 6-7 lần mà trong đầu chỉ nghĩ nó là Mũi Dinh hoặc Vĩnh Hy).
Với 1 biker, nếu chỉ thăm Vĩnh Hy hoặc Hòn Cò Cà Ná mà bỏ qua đèo Khương Hải, coi như bạn mới biết được 1 nửa của vùng đất này.
Đèo Khương Hải ôm trọn Vịnh Phan Rang, ở đó có 1 địa danh khá nổi tiếng của vùng bờ biển Duyên Hải Miền Nam trung bộ, đó là Mũi Dinh. Nếu đi từ Vĩnh Hy thì xuôi về phía nam khoảng hơn 30km là đến Vịnh Phan Rang. Còn nếu đi từ Hòn Cò Cà Ná thì đi theo hướng Bắc. Xuất phát từ Cà Ná, theo Quốc Lộ 1, đi khoảng 7km nữa, bạn sẽ nhìn thấy biển “Làng cá Cà Ná” phía bên tay phải, rẽ vào đó, đi tiếp khoảng 4km bạn đừng nên bỏ qua khu cảng cá của ngư dân đi biển, Nó là 1 con đường nhỏ thò ra biển khoảng 1km, đi xe ra đó, dừng lại và chụp hình check in, và chúng tôi được tận mắt quan sát hết dãy núi Nhạn và dãy núi trên Đèo của Vịnh Phan Rang. Phải nói là tuyệt đẹp, quá đẹp, nó làm tôi nhớ đến câu thơ: Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Quãng đường từ QL1A đến chân đèo cũng tuyệt đẹp, 2 hàng phi lao xanh mướt, 2 bên là cánh đồng muối thẳng cánh cò bay. Cái mùi mằn mặn của biển, của muối làm cho chúng tôi cảm thấy vô cùng kích động.
Lên xe đi tiếp khoảng 3km nữa, chúng tôi tới chân đèo và hành trình khám phá Vịnh Phan Rang bắt đầu từ đây, nơi có ngọn đèo Khương Hải. Cái tên Khương Hải khá lạ lẫm với nhiều người, thực tế, con đèo nằm trên tuyến đường DT701 mới được xây dựng từ năm 2015 nhằm nối liền hai nhà máy điện hạt nhân của tỉnh Ninh Thuận. Chính vì không phải phục vụ tuyến giao thông chính nào nên con đường đèo dài 15 km từ Mũi Dinh tới biển Cà Ná vẫn còn rất mới, vắng vẻ và đầy hoang sơ. Hồi năm 2017 tôi đi xuyên Việt, hồi đó còn nhiều đoạn khá xấu, nhưng giờ thì rất đẹp rồi và còn an toàn nữa.
“Gió như Phan, nắng như Rang” - thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất Ninh Thuận khiến cảnh sắc của cung đường có phần cằn cỗi, khô hanh nhưng lại được làm dịu lại bởi cái xanh ngắt của biển cả miền trung. Ngọn đèo Khương Hải luồn lách qua tầng tầng lớp lớp những phiến đá trọc, vắt mình trên những bụi cây khô, với một bên là vực biển xanh thăm thẳm. Không sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ, nhưng chính sự hoang sơ, mới mẻ của con đèo đã tạo nên nét độc đáo, thu hút sự tò mò và ham muốn khám phá của những con ngừoi thích xê dịch, đặc biệt là các bikers.
Hai điểm đầu - cuối của đèo Khương Hải đều là những điểm tham quan không nên bỏ lỡ. Nếu đi từ phía Phan Rang, hãy ghé qua Mũi Dinh, nơi có ngọn hải đăng cổ kính nằm tĩnh lặng giữa tiểu sa mạc khô cằn; ở cuối con đèo lại là những cánh đồng muối trắng muốt trải rộng tận chân mây của dân Cà Ná.
Tuy nhiên, đoàn 4 ngừoi chúng tôi đã không đi Vĩnh Hy và cũng không thăm cả Mũi Dinh, thay vào đó, tôi chọn 1 bãi biển tư nhân - là một nhà hàng có tên là Văn Nguyên nằm sâu tít dưới chân núi. Thực ra nó cũng same same Mũi Dinh, chỉ là nhỏ hơn thôi. Đây cũng là 1 trải nghiệm đầy thử thách cho các bikers. Đương xuống đang được đổ bê tông gần hết, còn 1 vài đoạn đường đất chưa làm xong. Đường dốc, rất dốc, có đoạn dốc đến 18-19%. Oái oăm là tất cả các chỗ dốc nhất thì đều đúng chỗ cua. Chỉ cần lỡ tay ga, tay phanh, tốc độ quá 1 chút là trượt bánh... Nhưng chỉ cần bạn chắc tay lái, 1 cái đầu lạnh và 1 trái tim sỏi đá là không gì có thể ngăn cản bạn được cả, ngay cả khi 3 trong số 4 ngừoi trong đoàn chúng tôi lần đầu tiên trải nghiệm cái đường khù khoằm này, 2 trong số 4 người thậm chí còn lần đầu tiên trải nghiệm ôm cua trên đèo. Chiến đấu vì cái đẹp mà. Hihi
Khi lên thì dễ hơn chút xíu, chỉ cần đi số 1, thả gần hết tay côn và đều tay ga một chút là 4 khối sắt cứ lừ lừ lên được mà không gặp quá nhiều khó khăn như lúc xuống.
Đi tiếp khoảng 5km nữa là hết cung đường đèo này. Chúng tôi dừng lại ở một số điểm để chụp ảnh check in để lúc “hạ sơn” còn có hình sống ảo. Sau đó thì quay lại, đi lại 15km đèo này để quay ra QL1A và quay trở lại Phan Thiết, rồi về lại SG.
Phan Rang, tháng 11/2020