Vừa xuống sân bay Phú Cát, Bình Định đã đón tôi bằng cơn mưa mùa hè oi ả. Tôi nhanh chóng đi về khách sạn nằm trên trục đường chính của Quy Nhơn – khách sạn Hải Âu đưởng An Dương Vương.
Trước khi đến Quy Nhơn tôi đã được biết đến Chùa LONG KHÁNH(01), ngôi cổ tự đã có hơn 300 năm tuổi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử. Ngôi chùa do người Hoa xây dựng nên thấy một phần hơi hướng kiến trúc của họ trong đó. Nhìn từ trên cao có thể thấy ngôi chùa được thiết kế theo hình chữ “Khẩu”. Đáng chú ý khi bước qua tam quan là tượng A Di Đà cao 17m đứng trên tòa sen làm bằng đá xanh. Đây là ngôi chùa đầu tiên tôi ghé và cũng là ngôi chùa lớn nhất giữa lòng thành phố Quy Nhơn. Trên đường về lại khách sạn, tôi đã ghé một ngôi chùa nhỏ -Chùa TRÚC LÂM (02) – nằm khiêm tốn trên đường Trần Hưng Đạo.
Cùng hướng với Kỳ Co, tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa đồng cát ở Đông Bắc bán đảo Phương Mai thuộc thôn Xương Lý, xã Nhơn Lý là Chùa PHƯỚC SA (03) Chùa hướng mặt về Nam, bên phải chùa là đầm Thi Nại bắt đầu từ Đông Phù Cát trải dài đến đầu hải cảng Quy Nhơn, bên trái chùa là Thái Bình Dương sớm chiều rì rào sóng vỗ. Chùa dựa lưng vào hòn núi Cấm cây cối tươi tốt quanh năm phải leo lên hơn 60 bậc cấp đá mới tới cổng chùa. Ban đầu, Một ngư ông phát hiện ra một pho tượng từ dưới đất lồi lần lần trên mặt cát, Tượng lồi tới đâu thì ánh sáng mặt trời chiếu vào pho tượng khiến tượng tỏa hào quang tới đó vì thế họ rước tượng về thờ và chùa còn có tên là Chùa Phật Lòi. Cùng trên bán đáo Phương Mai, thuộc địa phận thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Chùa HƯƠNG MAI(04) có lịch sử hàng trăm năm gắng liền với biết bao sự tích ly kỳ về bức tượng Quan Thế Âm mà nguyên thủy là một khối đá vôi có dạng tượng tròn trải quan nhiều phen tô đắp cuối cùng mới định hình được tượng Quan Âm. Chánh điện chùa là một ngôi nhà ngang dài 12m, rộng 10m, cao 6m, xây gạch lợp ngói, hai mái hai chái.
Trở lại thành phố Quy Nhơn, Chùa TÂM ẤN (05) là ngôi chùa Ni lớn của phố biển với lối kiến trúc khang trang. Nguyên trước đây, tại Quy Nhơn có một tín nữ nổi tiếng mộ đạo và hằng tâm hằng sản tên là Tạ Xuân Lan, từng có duyên gặp gỡ Sư cô Tâm Hoa (Cần Thơ), trọng Sư Cô về đạo học, mến Sư cô về hạnh kiểm nên ngỏ lời mời Sư cô về hoằng hóa tại Quy Nhơn. Bà Tạ Xuân Lan đã có công hiến tặng khoảnh đất với diện tích 2.117 m2 tại trung tâm thành phố để Sư cô Tâm Hoa lập chùa. Đến ngày 18 tháng Giêng năm Bính Thân (1956), Sư cô Tâm Hoa khởi công cất chùa. Đến tháng 11 năm này thì lạc thành, làm lễ khai sơn đặt tên là Tâm Ấn Ni Tự. Để tỏ lòng kính trọng Người NI TRƯỞNG thượng TÂM hạ HOA đã khai sơn chùa Tâm Ấn, người dân Quy Nhơn thường gọi vị trụ trì chùa này là Sư bà Tâm Ấn. Chùa Tâm Ấn từ xây dựng đến nay chưa đầy 50 năm mà bề thế nguy nga, ảnh hưởng lớn rộng của chùa đã khiến chùa trở thành Đại tùng lâm, xứng đáng làm tiêu biểu cho Ni tự thuộc hệ Thiền tông.
Thuộc phường Hải Cảng, Chùa NI LIÊN (06) là ngôi chùa nhỏ thứ 2 cùng nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Qua phường Quang Trung là Chùa LỘC UYỂN (07) được xây dựng vào năm 1961 do các cư sĩ trong khuôn hội Lộc Uyển đảm trách. Ban đầu, chùa không có sư trụ trì. Việc lễ bái sám hương khói hằng ngày do các cư sĩ trong khuôn hội đảm trách. Năm 1970, Đại đức Thích Nguyên Lợi về trụ trì được vài năm rồi đi nơi khác. Chùa lập Ban Hộ tự để quản lý chùa. Đến năm 1986, Ni sư Thích Nữ Hạnh Nghiêm được Giáo hội cử về trụ trì chùa, đã tổ chức tái thiết ngôi tự viện khang trang như ngày nay. Trước ngôi chánh điện, chùa đặt pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca và các tượng Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan, Hộ Pháp, Tiêu Diện...
Từ Quy Nhơn về lại sân bay Phù Cát, thay vì đi đường quốc lộ, tôi lại đi con đường mới – qua cầu Thị Nại hướng về Cát Tiến tới ngã tư Gò Găng để đến được Chùa ÔNG NÚI (08) còn có tên gọi khác là Linh Phong Sơn tự, tọa lạc trên đỉnh Chóp Vung, huyện Phù Cát. Chùa được hình thành vào năm 1702 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Khi này một nhà sư có tên tục là Lê Ban đã tới hang đá phía đông núi Bà để ẩn tu. Tại đây ông đã dựng lên một am nhỏ đặt tên là chùa Dũng Tuyền.Thiền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây, chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người.Nhân dân trong vùng rất kính trọng gọi là Ông Núi. Ở nơi sườn núi phía bắc vẫn còn di tích một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi mà ngày nay người ta gọi là hang Tổ. Ðó là nơi Ông Núi tu trì ngày trước.Tới năm 1733, chúa Nguyễn vì mến mộ tài đức của nhà sư nên đã ban cho ông hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư, đồng thời cho xây cất lại Dũng Tuyền tự thành một ngôi chùa lớn hơn đặt tên là Linh Phong thiền tự. Khi tôi đến đây chùa còn đang xây dựng mới, mãi 2 năm sau mới cơ bản hoàn thành và mở cửa cho người dân vào tham quan, chiêm bái.
Như một sự sắp đặt, do trễ chuyến bay tôi đành dời lại ngày hôm sau mới về Sài Gòn và khách sạn tôi ở ngay ngã tư Gò Găng. Từ đây, tôi phát hiện ra thêm 2 ngôi chùa nữa: thứ nhất Chùa THIÊN HƯNG (09) được xây dựng ở khu vực gần Đập Đá trên tuyến đường Quốc lộ 1, thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Nằm trên tuyến đường sân bay Phù Cát tới Quy Nhơn vì thế rất thuận lợi để viếng thăm. Chùa được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất tại Bình Định. Không quá nguy nga hoành tráng hay cổ kính qua hàng nghìn năm, Thiên Hưng tự nổi tiếng vì đây là nơi lưu giữ Ngọc Xá Lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Người đời tin rằng, nơi nào có Ngọc Xá Lợi là nơi đó như có sự hiện của chính Phật tổ để ban phúc độ trì cho chúng sinh. Không chỉ có vậy, vị trụ trì của chùa – đại đức Thích Đồng Ngộ dù rất trẻ tuổi nhưng lại làm nhiều người kính nể bởi sự am tường phong thủy, tích cực trong các công việc hoằng pháp và từ thiện. Ngay cả các vị nguyên thủ Quốc gia cũng thường xuyên ghé thăm chùa mỗi lần có dịp về Bình Định. Toàn bộ quần thể chùa Thiên Hưng được xây theo kiến trúc phương Đông có vườn cây cảnh rộng nên luôn mang đến cảm giác thanh bình. Ngôi chùa sau củng trong chuyến hành trình này là Chùa THẬP THÁP (10) cùng thuộc thị xã An Nhơn, chùa Thập Tháp Di Đà hay chùa Thập Tháp là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung. Chùa nằm phía bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành ngày xưa, gần Quốc lộ I. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp. Kể từ khi vào trấn đất Thuận Hóa và mở mang bờ cõi xa dần về phía nam, ngoài việc chăm lo về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa trong hơn hai trăm năm, các chúa Nguyễn đều coi trọng đạo Phật cho xây dựng nhiều chùa chiền, đúc nhiều chuông, nhiều tượng Phật.
Chùa Thập Tháp đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong Hoàng cung nhà Nguyễn từ đời Vua Thành Thái đến Vua Bảo Đạivà giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935. Chùa được xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, bốn vày, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. Khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường và Đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh. ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa. Trong tất cả chùa chiền ở miền Trung được xây cất từ thời các chúa Nguyễnthì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế và được xem là chùa tổ.