Blog HÀ NỘI – Ngàn năm văn hiến.

HÀ NỘI – Ngàn năm văn hiến.

avatar
Somchai Nguyen dot Thứ 4, 29/09/2021
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Hà Nội trải qua hơn ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã “thay da đổi thịt” không biết bao lần. Bóng hình của Thăng Long – Hà Nội xưa vẫn tồn tại qua những vết tích là các công trình lịch sử nổi tiếng đã gắn liền với những thăng trầm của mảnh đất này.
Những hình ảnh biểu tượng về lịch sử hơn một nghìn năm hào hùng, bi tráng của Thăng Long – Hà Nội như Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thành cổ Thăng Long hay phố cổ Hà Nội… Chùa QUÁN SỨ (01) là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội. Hầu hết các phật tử khi đến với Hà Nội đều không thể bỏ qua địa điểm linh thiêng này. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Nguyên xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại. Đây chính là ngôi chùa cổ kính và là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, ù tọa lạc ngay tại trung tâm của thành phố, nhưng chùa vẫn mang nét cổ kính – không gian thanh tĩnh và vô cùng thiêng liêng không bị xen lẫn với sự xô bồ của chốn phồn hoa đô thị.
Chùa TRẤN QUỐC (02) được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1500 năm. Trấn Quốc không phải là tên gọi đầu tiên của ngôi chùa lâu đời này mà ban đầu chùa có tên là Khai Quốc, qua rất nhiều lần đổi tên từ đời vua Lê Hy Tông, người dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc và được lưu giữ đến tận ngày nay. Ngôi chùa đã từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý – Trần. Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Chùa tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) tấp nập, đến bây giờ nơi đây vẫn là điểm đến của không ít người bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi sân si khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn. Đặc biệt, năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn.
Bên cạnh Hồ Gươm trên con đường trước mặt Nhà thờ lớn Hà Nội, Chùa BÀ ĐÁ (03) còn có tên chữ là “Linh Quang tự” (ánh sáng phật pháp viễn chiếu không có gì che cản được để cứu độ chúng sinh). Chùa được xây năm 1056 vào đời vua Lý Thánh Tông (1460–1497). Trong khi tu sửa thành Thăng Long, người ta đã đào được một pho tượng phụ nữ bằng đá tại địa phận làng Báo Thiên Tự Tháp thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương xưa, nay là khu vực Nhà Thờ lớn. Dân làng thành kính lập đền thờ ngay tại đó, coi tượng đá như tượng thánh Mẫu và đặt tên đền là đền Bà Đá. Sau này đền được tôn tạo và xây thành chùa lớn, rước tượng Phật về thờ và đổi tên thành chùa Bà Đá. Vốn là một trong bốn ngôi chùa Bà cổ kính bậc nhất thủ đô, nhưng so với danh tiếng của chùa Bà Đanh thì chùa Bà Đá lại khiêm nhường hơn rất nhiều. Chùa không có tượng Hộ pháp, nên ấn tượng nhất trong chính điện là 2 bộ tượng lớn bằng gỗ mít phủ sơn bóng xếp thành 3 bậc, tạc hình Đức Phật Thích Ca niêm hoa với các tôn giả A-nan, Ca-diếp đứng hai bên, rồi đến Phật A-di-đà tọa sen với Bồ Tát Quan Âm và Đại Thế Chí. Vẻ thoát tục nhập thiền trên mặt tượng khiến ai cũng cảm thấy thanh thản khi ngắm nhìn, tựa như Đức Phật đang lắng nghe lời cầu khấn của chúng sinh.
Phố Hàng Đường không chỉ là “thiên đường” ô mai mà còn có hai pho tượng đặc biệt gây chú ý. Nơi lưu giữ hai pho tượng này là Chùa CẦU ĐÔNG (04) - nơi duy nhất thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Chùa có tên chữ là Đông Môn Tự – chùa Đông Môn. Chữ “Đông” nghĩa là phía Đông, còn “Môn” nghĩa là cửa. Sở dĩ có tên gọi này vì xưa kia chùa thuộc thôn Đông Hoa Môn, phía đông của Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại quen gọi là chùa Cầu Đông vì chùa nằm gần cầu Đông trên dòng sông Tô, bên cạnh chợ Cầu Đông ngày trước. Chùa thờ Phật theo dòng Tào Động. Đây là một trong năm phái thiền của Phật giáo Việt Nam, kiến trúc chùa và hệ thống di vật phần lớn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn – giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Đặc biệt, ngoài hai pho tượng của vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ trong chùa có gần 60 pho tượng tròn chất liệu gỗ. Một trong số đó là ba pho tượng Tam thế, thể hiện ở ba thời: Dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Đây là các pho tượng quý hiếm, đẹp, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao, trong Phật điện còn có pho tượng Tuyết Sơn có nét khắc đẹp, tinh tế, gần giống với tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương. Bên cạnh đó, hiện chùa Cầu Đông còn lưu giữ được 4 bia đá cổ có các niên đại: Vĩnh Tộ thứ sáu 1624, Dương Hòa thứ năm 1639, Vĩnh Thịnh thứ tám 1712 và Gia Long thứ mười sáu 1817. Đó là những năm chùa được trùng tu lớn.Hiện nay, chùa Cầu Đông được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử. Người dân Hà Nội, nhất là những người trong khu phố cổ đều rất tự hào về ngôi chùa này. Khắp con phố cổ Hàng Đường vẫn lưu truyền những bài ca dao như:
Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.
Mặt ngoài có phố Hàng Đường
Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum…
Nhắc đến tượng, đặc biệt không thể không nói đến bức tượng một vị Phật ngồi trên lưng vua Lê Hy Tông - độc nhất vô nhị ở Việt Nam - Bức tượng thể hiện hình ảnh một vị vua quỳ sát đất, lưng là nơi an tọa của một nhà tu hành tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Tổng thể pho tượng Phật ngồi trên lưng vua cao hơn 3m. Thoạt nhìn tưởng như đó là một pho tượng Phật liền khối, song thực tế đây là một bức tượng kép gồm 2 phần được khớp vào nhau một cách khéo léo. Theo tư liệu của Chùa HÒE NHAI (05) thì vào thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), Phật giáo bị Nho giáo lấn át, vua ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, trong đó có thiền sư Tông Diễn. Trước pháp nạn quá nặng nề này, ông đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông. Hòa thượng Tông Diễn đã cải trang, vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý nhưng bên trong là một tờ sớ được viết với mong muốn giúp vua Lê Hy Tông ngộ ra được chân lý của Phật giáo. Cách lý giải có tình, có lý trong tờ sớ làm vua Lê Hy Tông bừng tỉnh. Vua đã gặp mặt vị hòa thượng và rút lại sắc lệnh đã ban. Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn tạo hình vua đang phủ phục dưới đất, cõng trên lưng một vị thiền sư đắc đạo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền trên đài sen. Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không phải là một sự trừng phạt. Bức tượng là một bài học về sửa bỏ thói hư tật xấu. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai, để được tha thứ. Khi biết nhận lỗi, những người khác sẽ không đánh giá và quy tội nữa. Chùa Hoè Nhai có tên tự là "Hồng Phúc tự", chùa được tạo dựng vào thời hậu Lý, khuôn Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng phật được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Nếu ở Sài Gòn có chùa Từ Quang thì ở Hà Nội có Chùa PHỔ LINH (06), một nơi thờ và tổ chức trai đàn cầu siêu cho các thai nhi. Chùa có từ thời vua Lê Kính Tông được Thiền sư Minh Tạng và tiểu đệ Đức Quang cùng dân làng vùng Nghi Tàm - Quảng Bá trùng tu trong hơn hai năm mới xong. Sau khi chùa hoàn thiện, nhà chùa đã mở Đại hội trai Đàn để khánh thành vào ngày 13/11/1620.
Toạ lạc sau lưng Lăng Bác, Chùa MỘT CỘT (07) được xây vào thời vua Lý Thái Tông năm 1049 và hoàn thiện vào năm 1105 thời vua Lý Nhân Tông. Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài hiện nay là một phiên bản được chỉnh sửa nhiều lần qua các thời kỳ, bị Pháp phá huỷ khi rút khỏi Hà Nội ngày 11/9/1954 và được dựng lại năm 1955 bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng theo kiến trúc để lại từ thời Nguyễn. Chùa nổi trên mặt hồ là nhờ vào một hệ thống những thanh gỗ tạo thành cấu trúc rắn chắc hỗ trợ, trông giống như một bông hoa sen mọc thẳng lên từ hồ. Các trụ cột bao gồm hai khối nối với đường kính 1,2 m và độ cao 4m. Lối vào chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch với 13 bậc thang, hai bên tường gạch với bia đá giới thiệu lịch sử của chùa. Bên trong chùa, tượng Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Trên bức tượng Phật là hoành phi "Liên hoa đài" gợi nhớ lại những giấc mơ của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử thủ đô Hà Nội, và từ lâu chùa Một Cột cũng là biểu tượng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bỏ lại phố cổ đi về hướng thị xã Sơn Tây, nơi có cổ trấn bị lãng quên – Làng cổ Đường Lâm - là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Xét về khía cạnh bảo tồn lịch sử văn hóa nghệ thuật cũng như quy mô kiến trúc, làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau Phố cổ Hội An và Phố cổ Hà Nội. Nơi đây vẫn còn vẹn nguyên nghệ thuật và kiến trúc của một làng cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía nên chùa ở đây quen gọi là Chùa MÍA (08) ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Tương truyền từ thuở xa xưa người dân nơi đây mến mộ uy đức của phi tần Ngô Thị Ngọc Diệu đã đứng ra tôn tạo lại chùa nên tạc tượng bà đem thờ trong chùa và tôn sùng bà thành Bà Chúa Mía. Cho đến ngày nay, chùa được tu bổ rất nhiều lần nhưng nhìn chung kiến trúc và quy mô vẫn giữ nguyên vẹn như trước. Kiến trúc chùa bao gồm các tòa tam quan; thượng điện; chính điện; nhà tổ và hành lang nối kề nhau theo mô phỏng hình chữ Mục. Sát bên cổng Tam quan phía bên phải là cây đa to cổ kính; rễ cây rắn chắc; thân cây vòng tay mấy người ôm mới xuể. Vào bên trong là nội điện cấu trúc gồm tiền đường, bảo điện, đại hùng, thượng điện uy nghi, bề thế. Tượng Phật trong chùa Mía không chỉ có số lượng mà còn phong phú cả về hình dáng. 287 pho tượng trong chùa là 287 gương mặt; dáng vẻ hoàn toàn khác nhau và được bài trí thành cụm rất hợp lý.
Đẹp nhất ở đây phải kể đến tượng Tuyết Sơn, Bá Đại Hòa Thượng, bà Chúa Mía hay Tượng Quan Âm Nam Hải. Một nửa số tượng trong chùa được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng bên ngoài. Riêng tượng bà Chúa Mía tạc bằng gỗ mít và đặt trong khám gỗ sát Tam bảo điện. Tuy không có nhiều pho tượng như chùa Miá, nhưng những pho tượng La Hán ở Chùa TÂY PHƯƠNG (09) rất đẹp, rất sinh động được thể hiện rất rõ qua bài thơ của Huy Cận:
... Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?...
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) là một ngôi chùa ở trên đồi Câu Lâu ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Từ chân núi, qua 239 bậc đá ong là đến đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa vào núi, được xây theo kiểu chữ Tam. Điểm đặc sắc của ngôi chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia này nằm ở các bước tượng nằm ở phía bên trong điện của chùa.Trong chùa có hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, như các bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Bồ tát Di Lặc, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiền... Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3 m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng này đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.Đặc biệt là tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo. 18 bức tượng là 18 cá thể, mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, ai nấy đều có nét riêng biệt, chân thực. Chùa Tây Phương là một công trình kiến trúc độc đáo vào hạng nhất trong các ngôi chùa ỏ Việt Nam, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên, do đó, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật của nó, cùng với bộ tượng Phật trong chùa, xứng đáng để Tây Phương là “đệ nhất cổ tự”.

Chùa Quán Sứ (Ambassador's Pagoda) Văn Miếu Quốc Tử Giám tây hồ hà nội

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 26/12/2022
Love
2 Bình luận
avatar
Somchai Nguyen

Khi thời gian trôi đi, mọi thứ đều thay đổi. Nhưng thứ duy nhất còn lại là ký ức của chúng ta

10 Quốc gia
38 Tỉnh thành
28 Người theo dõi
2 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
avatar
Lương Phúc cảm ơn bài viết của bạn, thông tin đầy đủ chi tiết lắm
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Somchai Nguyen :-) cảm ơn.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Không như tác giả An Thuyên, trở lại Huế xưa để tìm bài thơ khắc trong chiếc nón mà tôi tìm lại lịch sử của những ngôi chùa.
Trải qua hàng trăm năm, dù kiến trúc bên ngoài có thay đổi nhưng nội thất vẫn giữ nét cổ kính của một ngôi chùa xưa.
Trở lại Đà Nẵng sau hơn 1 năm ghé với mục tiêu là viếng cảnh Chùa.
Đà Nẵng, nơi có 3 núi, 4 chùa, 5 cầu và 6 biển (Núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà – Chùa Linh ứng Sơn Trà, chùa Linh ứng Bà Nà, chùa Linh ứng Ngũ Hành Sơn, chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn - Cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Tình yêu. - Biển Mỹ Khê, Biển Sơn Trà, Rạn Nam Ô, bãi Xuân Thiều, bãi Bắc Mỹ An, bãi Non Nước)
Lần trở lại này vẫn là viếng cảnh Chùa nơi đất võ
Tôi đã nhiều lần đến Huế, nhưng chưa có chuyến đi nào có chủ đích. Và lần này là chuyến đi nhằm khám phá những Ngôi chùa nơi kinh kỳ.