Mặt tiền của Vĩnh Tràng là sự kết hợp Đông Tây, ở đây có những nét văn hoa thời Phục Hưng, vòm cửa La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản, chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ, chữ Quốc ngữ lại được cách điệu theo kiểu chữ Gô-tích. Chùa kiến trúc dạng chữ Quốc với bốn gian nối tiếp nhau là tiền đường, chánh điện, nhà thờ tổ và nhà hậu rộng chừng mười bốn ngàn mét vuông, vững chãi, uy nghiêm.
Tuy kết hợp những tinh hoa từ khắp thế gian, nhưng Vĩnh Tràng vẫn luôn lặng lẽ để bảo toàn cái giá trị Việt. Ngôi chùa vẫn đậm nét kiến trúc Việt Nam trong những chi tiết, những nét tượng phật, những họa tiết rồng phượng uốn lượn, mềm mại, tỉ mẩn, tỉ mỉ.
Khoảng không gian thoáng lặng vừa đủ để người đến đây trút khỏi ồn ã, bụi đường. Vĩnh Tràng khiến cho người khách lạ không khỏi ngỡ ngàng và lòng thực tâm muốn chiêm ngưỡng, muốn được tìm hiểu nhiều hơn, được trái nghiệm cái không gian này thêm nữa. Sự nổi tiếng của Vĩnh Tràng ngày hôm nay không chỉ bởi kiến trúc độc đáo mà còn bởi chính cái dư âm mà ngôi chùa để lại cho những người phương xa lui tới nơi này.
Ghé thăm miền Tây Nam Bộ thì hãy chắc rằng đừng bỏ quên Vĩnh Tràng. Cuộc hành trình này sẽ không uổng phí đâu. Càng đi, càng thấy, càng thấm nhiều hơn cái nét văn hóa Việt Nam dẫu hài hòa nhưng đều để lại ấm tượng sâu sắc. Vĩnh Tràng sẽ là điểm đến thú vị khiến người lữ khách không nỡ rời.