Chùa Vĩnh Tràng

0 reviews
Viết review

Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, chùa Vĩnh Tràng là điểm đến hấp dẫn mà bạn không nên bỏ lỡ. Chùa sở hữu nét kiến trúc độc đáo cùng nhiều hạng mục đặc sắc. Đặc biệt, ngôi chùa còn mang đậm nét giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Chính vì vậy, hằng năm, đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan và chiêm ngưỡng tại ngôi chùa linh thiêng này.

Thông tin cần biết
  • Địa chỉ: Ấp Mỹ An, Mỹ Phong, Mỹ Tho, Tiền Giang, Việt Nam

Giới thiệu về Chùa Vĩnh Tràng

Lịch sử hình thành của Chùa Vĩnh Tràng

Với lịch sử hơn 170 năm, chùa Vĩnh Tràng không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là chứng nhân lịch sử của vùng đất Tiền Giang. Đến với Vĩnh Tràng, du khách như vừa bước vào một không gian thanh tịnh, cổ kính.

Chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang

Được biết, Chùa Vĩnh Tràng do ông Tri huyện Bùi Công Đạt cho xây dựng thời Minh Mạng vào đầu thế kỷ 19. Ban đầu, chùa Vĩnh Tràng chỉ là một thảo am nhỏ để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng về trụ trì tại đây vào cho đặt tên ngôi chùa là Vĩnh Tràng. Tên gọi "Vĩnh Tràng" có ngụ ý là "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Cái tên ấy đã hàm chứa ước vọng sâu sắc, mong muốn ngôi chùa sẽ trường tồn với thời gian.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã không ít lần trùng tu và mở rộng, trở thành một công trình kiến trúc đồ sộ như ngày nay. Với những giá trị kiến trúc và lịch sử to lớn, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1984. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của công trình tâm linh này.

Kiến trúc của Chùa Vĩnh Tràng

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Tây, khi đến với Chùa Vĩnh Tràng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc vô cùng độc đáo.

Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng
Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng

Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Quốc đặc trưng, với những đường nét tinh xảo và mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ngôi chùa còn được bao phủ bởi một màu vàng rực rỡ, uy nghiêm và cổ điển. Bên cạnh đó, chùa còn sở hữu nhiều pho tượng vô cùng bề thế. Tất cả làm cho nơi đây tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Khiến cho bất kì ai khi đến đây đều phải dừng chân và trầm trồ trước vẻ đẹp của nó.

Thông tin cần biết về Chùa Vĩnh Tràng

Địa chỉ

Chùa Vĩnh Tràng toạ lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, phường 8, ấp Mỹ An, Xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Giá vé

Du khách được miễn phí tham quan tại chùa.

Thời gian mở cửa

Chùa Vĩnh Tràng mở cửa từ 6:30 sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần. Tuy nhiên, bạn nên đến chùa vào buổi sáng để cảm nhận không khí yên bình nơi đây.

Hướng dẫn đi đến Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng nằm cách trung tâm Thành phố Mỹ Tho khoảng 4 km. Du khách có thể bắt đầu hành trình tham quan chùa bằng ô tô cá nhân hoặc xe máy.

Dưới đây lộ trình di chuyển đến Chùa Vĩnh Tràng mà bạn có thể tham khảo:

Từ Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Mỹ Tho

Khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Mỹ Tho dài khoảng 70 km. Thời gian di chuyển sẽ rơi dao động từ 1 đến 2h đồng hồ. Đầu tiên, bạn di chuyển qua cao tốc TP. HCM – Trung Lương. Sau khi chạy thẳng hết đường cao tốc, bạn sẽ ra ngay quốc lộ 1A. Cuối cùng, bạn chạy thêm khoảng 7 km nữa là đến TP. Mỹ Tho.

Từ Thành phố Mỹ Tho - Chùa Vĩnh Tràng

Đoạn đường này dài khoảng 4 km. Xuất phát từ Mỹ Tho, bạn có thể di chuyển theo lộ trình như sau:

  • Từ trung tâm, bạn đi theo hướng đường Ấp Bắc (QL60). Đây là một trong những tuyến đường chính tại Mỹ Tho, hướng về phía cầu Rạch Miễu.
  • Đi khoảng 2 km, bạn sẽ gặp ngã tư giao với đường Nguyễn Trung Trực. Lúc này, bạn rẽ phải vào đường Nguyễn Trung Trực và đi tiếp khoảng 1,5 km.
  • Đến đây, bạn sẽ gặp một ngã ba. Bạn rẽ trái vào đường Nguyễn Văn Giác, tiếp tục đi thêm khoảng 500 mét nữa. Lúc này, bạn sẽ thấy ngôi Chùa Vĩnh Tràng nằm bên tay phải của bạn.

Tham quan Chùa Vĩnh Tràng đặc sắc?

Lối kiến trúc tinh xảo mang đậm nét văn hoá Á - Âu

Chùa Vĩnh Tràng sở hữu kiến trúc chữ Quốc đặc trưng, với bốn gian nhà là: tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu. Trải rộng trên diện tích khoảng 14.000m², ngôi chùa là một quần thể kiến trúc đồ sộ và độc đáo. Chùa gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi sự bề thế và đa dạng của các hạng mục. Từ chánh điện chính, Phật đài A Di Đà, đài Quan Âm đến vườn tháp. Mỗi không gian đều mang đến những trải nghiệm mới mẻ.

Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng
Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng

Đứng trước chùa Vĩnh Tràng, du khách như lạc vào một không gian kiến trúc kỳ ảo. Nơi mà các phong cách kiến trúc khác nhau hòa quyện một cách độc đáo. Những hàng cột Pháp, phù điêu tinh xảo, vòm cửa La Mã... tạo nên một vẻ đẹp vừa quen vừa lạ. Sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam với những ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp, La Mã, Thái Lan. Tất cả đã tạo nên một không gian cổ kính nhưng không kém phần hiện đại.

Những pho tượng Phật vô cùng đồ sộ, uy nghi

Đến chùa Vĩnh Tràng hành hương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bộ sưu tập hơn 60 bức tượng Phật vô cùng quý giá. Các bức tượng này được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đồng, đất nung và được dát vàng óng ánh. Đặc biệt ấn tượng nhất trong số đó là bộ tượng 18 vị La Hán được tạc bằng gỗ mít và được đặt ở hai bên tường chánh điện.

Tượng Di Lặc ở chùa Vĩnh Tràng
Tượng Di Lặc ở chùa Vĩnh Tràng

Ngoài ra, chùa còn sở hữu 3 pho tượng Phật lớn vô cùng đồ sộ là: Tượng Phật A Di đà, Tượng Phật Thích Ca nằm và Tượng Di Lặc. Mỗi bức tượng đều mang một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng. Góp phần tạo nên một không gian tâm linh thanh tịnh và trang nghiêm.

  • Tượng Phật Di Lặc: Được hoàn thành vào năm 2010, đây là một trong những tượng Phật có chiều cao ấn tượng 28m và có trọng lượng lên đến 250 tấn. Bức tượng là biểu tượng tâm linh nổi bật của chùa Vĩnh Tràng.
  • Tượng Phật A Di Đà: Tượng Phật A Di Đà được hoàn thành vào ngày 14/1/2008. Bức tượng cao 18m, nặng 150 tấn. Với kích thước đồ sộ và vẻ đẹp uy nghiêm, bức tượng đã trở thành điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến chùa.
  • Tượng Phật Thích Ca nằm: Là một trong những bức tượng lớn nhất Việt Nam, với chiều dài 32m. Đây là một công trình kiến trúc gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi sự an lạc và thanh tịnh. Bức tượng được hoàn thành vào năm 2013 và được đặt ngay trong khuôn viên của chùa Vĩnh Tràng.

Các hạng mục đặc sắc khác

Khi bước chân vào chùa, du khách sẽ vô cùng choáng ngợp trước sự đồ sộ của chiếc Cổng Tam quan. Cổng được thiết kế theo lối kiến trúc cổ lầu. Đặc biệt hơn cả, chiếc cổng này được ghép từ những mảnh sành sứ với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,… vô cùng ấn tượng. Trên đó, nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện dân gian,... đã được tái hiện một cách sống động.

Từ cổng chùa đi vào, khu chánh điện chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan. Chánh điện là sự kết hợp hài hòa giữa những đường nét mạnh mẽ của kiến trúc La Mã với sự tinh xảo của những họa tiết hoa văn Pháp. Tất cả những hoa văn kiến trúc này đã tạo nên một cảnh quan vô cùng tuyệt mỹ.

Ngoài ra, các gian nhà tại đây đều được xây dựng bằng xi măng và gỗ quý. Nền được nâng cao và bao quanh bởi những bức tường vững chắc. Bên trong, hệ thống bao lam, hoành phi và câu đối được chạm trổ tinh xảo, kết hợp với những mảnh chai màu sắc óng ánh. Cảnh quan nơi đây giống như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc. Không gian tĩnh lặng và trầm mặc nơi đây dường như là một liều thuốc tinh thần, giúp cho tâm hồn mỗi người trở nên thanh tịnh và an yên.

Nên ghé Chùa Vĩnh Tràng khi nào?

Khí hậu Tiền Giang ổn định quanh năm. Nhiệt độ nơi đây khá cao, dao động từ 25 - 30 độ C và ít có sự biến động. Do đó, du khách có thể đến du lịch và hành hương vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Tuy nhiên, khoảng thời gian lí tưởng nhất để du khách có thể đến hành hương tại Chùa Vạn Phước là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Đây là khoảng thời gian có khí hậu mát mẻ và ấm áp để du khách có thể thoải mái đến trải nghiệm. Ngoài ra, thời điểm này cũng rất phù hợp để bạn cũng có thể kết hợp du xuân và lễ chùa cầu may cho gia đình.

Ăn uống khi đến Chùa Vĩnh Tràng

Sau khi đến tham quan Chùa Vĩnh Tràng, du khách có thể thưởng thức và mua sắm các đặc sản tại các quán ăn địa phương ở Mỹ Tho. Dưới đây là một số gợi ý các món ăn mà du khách có thể cân nhắc:

  • Hủ tiếu Mỹ Tho
  • Chuối quết dừa
  • Bánh vá chợ Giồng
  • Ốc gạo Tân Phong
  • Bánh xèo miền Tây
  • Bún gỏi già Mỹ Tho
  • Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim

Các điểm tham quan gần Chùa Vĩnh Tràng

Ngoài tham quan Chùa Vĩnh Tràng, du khách cũng có thể khám phá những địa điểm thú vị xung quanh thành phố Mỹ Tho để có được hành trình trọn vẹn. Dưới đây là một số địa điểm được Gody.vn gợi ý:

Cù lao Thới Sơn

Cù lao Thới Sơn từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trốn khỏi sự ồn ào của thành phố. Đến đây, khách du lịch sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng những món ăn dân dã đậm đà hương vị đồng quê. Đặc biệt, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động thú vị như chèo xuồng ba lá, câu cá, đi xe ngựa, tát mương bắt cá... Không chỉ có cảnh sắc hữu tình, cù lao còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Du khách sẽ đắm chìm vào không gian đờn ca tài tử tại Thới Sơn. Hứa hẹn, đây sẽ là điểm đến mà du khách không nên bỏ qua.

Chợ nổi Cái Bè

Đến Mỹ Tho, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội tham quan và mua sắm tại Chợ nổi Cái Bè. Đây là một trong những khu chợ nổi nổi tiếng nhất miền Tây. Khu chợ nổi này thuộc Cù lao Tân Phong trên dòng sông Tiền thơ mộng. Khám phá chợ nổi Cái Bè, bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động vào buổi sáng sớm. Đồng thời, bạn cũng có thể thưởng thức ẩm thực và mua sắm những món quà lưu niệm độc đáo tại chợ nổi.

Biển Tân Thành

Biển Tân Thành là một trong những bãi biển nổi tiếng của khu vực Tây Nam Bộ. Bãi biển tọa lạc tại xã Tân Thành huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Trải dài gần 7km, bãi biển sở hữu những triền cát đen trông rất ấn tượng. Khi đến bãi biển này, du khách sẽ tận hưởng không gian yên bình và thơ mộng. Ngoài ra, du khách cũng có thể trải nghiệm những món hải sản thơm ngon và tươi sống ngay khi đặt chân đến đây.

Kinh nghiệm đi Chùa Vĩnh Tràng

Khi đến tham quan tại Chùa Vĩnh Tràng, du khách cần lưu ý một số điều như:

  • Tôn trọng không gian linh thiêng, nói chuyện nhỏ nhẹ, tránh cười đùa quá lớn tiếng.
  • Lựa chọn trang phục phù hợp, ăn mặc lịch sự, kín đáo để thể hiện sự tôn kính.
  • Chỉ nên dâng hoa quả, hương, nến để giữ gìn sự thanh tịnh nơi chốn Phật pháp.
  • Không xả rác làm ảnh hưởng đến mỹ quang của ngôi chùa.
  • Nên xin phép và không nên tự ý chụp ảnh tại những khu vực bên trong tiền đường, nhà tổ…

Hỏi - đáp về Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng nằm ở vị trí nào?

Chùa Vĩnh Tràng thuộc địa phận ấp Mỹ An, Xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Thời gian mở cửa Chùa Vĩnh Tràng là khi nào?

Chùa Vĩnh Tràng mở cửa từ 6:30 sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần.

Giá vào cổng Chùa Vĩnh Tràng là bao nhiêu?

Để vào ngôi chùa này, du khách không phải trả chi phí vào cổng.

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa sở hữu nét kiến trúc đặc sắc nhất tại Tây Nam Bộ. Với kiến trúc đặc sắc, chùa không chỉ là một địa điểm tham quan lý tưởng mà còn là nơi để bạn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Nếu có dịp đến Tiền Giang, bạn hãy đến tham quan và trải nghiệm tại ngôi chùa này nhé!

Đã cập nhật vào ngày 22/11/2024
dựa trên 0 đánh giá
5
0%
0
4
0%
0
3
0%
0
2
0%
0
1
0%
0
avatar