Nếu là tín đồ của đạo Phật thì khi có dịp đi du lịch đến Tây Ninh bạn có thể dừng bước ở ngôi chùa Giác Ngạn, để chiêm bái tìm về cõi tĩnh tâm trong tâm hồn.
Chùa Giác Ngạn không phải là điểm du lịch Tây Ninh mới, bởi bất cứ ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc chùa chiền, khi có dịp đến đây, đều dành thời gian để ghé thăm. Chùa thuộc địa phận ấp Bình Phong, xã Thái Bình, thị xã Tây Ninh, huyện Châu Thành, nằm trên tỉnh lộ 781. Chùa Giác Ngạn thu hút khách thập phương đến thăm viếng cúng bái bởi đây là một trong những ngôi chùa cổ còn khá nguyên vẹn ở Tây Ninh. Chùa có kiến trúc độc đáo, đậm đà nét văn hóa tâm linh dân gian.
Chùa Giác Ngạn được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 1ha, chùa có diện tích khoảng 400 m2. Cấu trúc chùa độc đáo bởi sự bố trí hài hòa gổm mặt trước chùa ba gian cao 8m, ở hai bên có bắc thang lầu đi lên. Bên phải chùa là nơi yên nghỉ ngàn thu của Phật tử quá cố. Cảnh trước sân chùa khá đẹp với hình núi đá đơn giản nhưng sống động, đẹp mắt. Trong mô hình núi đá có tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát ngự, bên trong còn có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trang nghiêm.
Điều thu hút tín đồ đến chiêm bái và tham quan một phần do chùa Giác Ngạn đã xuất hiện cách đây hơn 100 năm. Khởi đầu, chùa do phái Phật giáo Lục Hòa Tăng xây dựng, cùng thời với các chùa như Cao Sơn, Phước Lâm, Hạnh Lâm, Long Sơn, Cẩm Phong. Ban đầu, chùa chỉ được xây dựng bằng các vật liệu thô sơ. Bắt đầu từ năm 1950, chùa mới được xây dựng, tu bổ, tôn tạo như hình thể hiện nay. Hòa thượng Thích Giác Thiền từ núi Bà Đen đến đã cho tu sửa, tiếp tục là hòa thượng Thích Tịnh Hải và đến bây giờ là đại đức Thích Huệ Thông trụ trì.
Nếu muốn đến chiêm bái và tham dự những ngày lễ lớn của Phật giáo thì bạn nên tìm dịp rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và những ngày xuân đầu năm… Trong những ngày này, mọi người đến đây thắp nhang, chiêm bái lẫn tham quan vô cùng nhộn nhịp. Và đặc biệt hơn là bạn có thể thưởng lãm nét kiến trúc đặc trưng độc đáo và cổ xưa của chùa Giác Ngạn ở đất Tây Ninh, còn được lưu giữ đến ngày nay.