Vườn dâu Cái Tàu nằm tiếp giáp với rừng tràm U Minh Hạ và dọc theo tuyến sông Cái Tàu, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Từ lâu, địa danh Cái Tàu được mệnh danh là “vương quốc” của loài dâu vàng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tiềm thức của người dân U Minh, dâu Cái Tàu vừa là đặc sản vừa là nét đặc trưng của địa phương. Nói đến dâu Cái Tàu không chỉ nói đến một loại cây trái bình thường mà nó còn là tình cảm, là sự gắn bó sâu xa trong tâm khảm của mỗi người dân dành cho loại cây ăn trái này.
Nhiều người dân cố cựu ở đây cho biết: Gần 1 thế kỷ trước, cây dâu đã có mặt trên vùng đất này. Xuất xứ của loại cây này từ ở hòn (các đảo nằm trên biển) mang về. Những người đi biển lúc đó mang giống về trồng ở trong đất liền và người dân nhân giống ra để chia nhau trồng. Cứ thế, cái vị ngon chua chua, ngọt ngọt đến kỳ lạ ấy của trái dâu Cái Tàu nhanh chóng được người dân xã Nguyễn Phích phát triển thành vườn cho đến ngày hôm nay.
Thời hoàng kim của dâu Cái Tàu (khoảng từ năm 1990 trở về trước), ở xứ Cái Tàu (đoạn từ ấp 1 đến ấp 6, xã Nguyễn Phích) hầu như nhà nào cũng trồng dâu, ít thì vài cây để ăn, còn nhiều thì cả 01 ha. Có lúc, trong vườn nhà của nhiều hộ dân ở đây đã trồng đến vài trăm gốc dâu có tuổi hàng chục năm, sản lượng hàng chục tấn trái mỗi năm.
Đặc trưng của trái dâu Cái Tàu là trái lớn, mỏng vỏ, mọng nước, vị ngọt, chua nhẹ, khi chín nó có màu vàng trông rất đẹp mắt. Dâu Cái Tàu trổ bông vào cuối mùa Đông, chín vào cuối mùa Xuân khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, thường đúng vào dịp lễ 30/4 – 01/5 hằng năm. Vào thời điểm này, những năm gần đây khách đến tham quan, du lịch tại các vườn dâu rất đông.
Với những đặc trưng vốn có nên từ lâu dâu Cái Tàu đã trở nên nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng bởi vị chua ngọt thanh tao đến thao đầu lưỡi. Nhưng điều thích thú nhất vẫn là mục sở thị những chùm dâu chín vàng đong đưa theo những tia nắng xuyên qua kẽ lá. Dưới tán những gốc dâu hàng chục năm tuổi là nơi nghỉ mát, dã ngoại lý tưởng cho du khách.