Vì dịch bệnh Covid-19, nên đã rất lâu rồi T vẫn chưa đi đâu cả. Lần này phải đi bù cho mấy lần trước :)))
Sau chuỗi ngày học tập và làm việc quá mệt mỏi thì T quyết định sẽ tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch Đà Nẵng – Hội An. Đi cùng T lần này có thêm một người bạn cùng lớp.
Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng nhanh nhất là đi bằng máy bay. T mua vé của Pacific Airline, giá khoảng 1150k khứ hồi. Lần đầu tiên đi máy bay nên hồi hộp lắm. Máy bay lúc tăng tốc chạy tàu siêu tốc vậy, sau đó khi cất cánh thì rung lắc dữ dội. Cảm giác như tim muốn rớt ra ngoài.
Bay khoảng 1h thì tới Đà Nẵng. Xuống sân bay, tụi mình đặt Bee để đi đến bến xe buýt và bắt xe ra Hội An. Nhưng lúc đặt không để ý là đặt trong phạm vi sân bay nên phải tốn thêm 40k tiền vé vào nữa.
Đà Nẵng thật sự rất mát mẻ và lộng gió. Lâu lâu còn ngửi thấy mùi mặn của biển nữa. Ra đến bến xe buyt số 1, bọn mình mới biết là xe đã ngừng hoạt động được vài tháng. Tin này khá là bất ngờ vì trong kế hoạch T đã không lường đến. Hai thằng sửng sốt một hồi, nhưng sau đó đã “nhanh trí” gọi điện thuê xe máy. Đứng đợi tầm 26p thì một chị chạy xe đến bàn giao xe cho chúng mình thuê. Giá thuê là 90k/ngày. Sau đó, để không làm mất chút thời gian quý báu nào, hai thằng phóng như bay xuống thẳng Hội An.
Sau khoảng 1 tiếng phóng xe, tụi mình đã tới phố cổ Hội An. Trưa khá đói bụng, nên tụi mình đi ăn cơm gà, sau đó về Longan Homestay checkin. Homestay này là một ngôi nhà có vườn, nằm ở sát mép phố cổ, do đó chỉ cần vài ba bước chân là tới nơi. Phòng ở khá thoáng mát, tuy có vài con muỗi nhưng không vấn đề lắm.
Sau khi nghỉ ngơi một chút, chúng mình ghé thăm Cafe Lò Gạch Cũ. Ở đây có một cái lò gạch bỏ hoang được sử dụng làm địa điểm checkin cho những bạn trẻ sống ảo. Địa điểm nằm chính giữa một cánh đồng lúa lớn, tạo nên những bức hình rất đẹp. T và bạn đã tậu được cả đống hình sống ảo ở đây.
Buổi chiều, tụi mình đi dạo khắp phố phường Hội An. Bắt đầu từ đường Công Nữ Ngọc Hoa, T đi dọc theo bờ sông, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ với nước sơn vàng đặc trưng. Quán xá lúc này đã mở, đường phố tấp nập người qua lại, mặc dù không đến nỗi đông đúc vì dịch bệnh Covid. Từ bờ sông nhìn lên ngôi chùa Cầu cổ kính lất phất nắng vàng buổi chiều tà. Chúng mình đi tiếp vào giữa phố, dọc theo đường Trần Phú. Những ngôi nhà cổ kính xuất hiện san sát nhau, xen kẽ là những con hẻm rêu phong và những hàng hoa giấy tim tím. T để ý rằng những ngôi nhà ở đây đều có nét đặc trưng là nước sơn vàng, mái ngói đỏ, cửa làm bằng gỗ, nhiều nhà có ba gian và treo lồng đèn. Nhưng T không cảm nhận được vẻ cổ kính mà T từng mong đợi, vì đa phần các căn nhà đều có nước sơn mới, ngoài ra chúng đều là các quán cà phê, tiệm quần áo, cửa hàng đồ lưu niệm,... đều là những yếu tố hiện đại.
Hội An buổi chiều
Khi qua tới chợ Hội An, bọn mình vòng ngược lên đường Phan Châu Trinh, ghé vào quán cơm gà Bà Vân ăn cao lầu. Quả thật đây là món ăn rất đặc trưng ở Hội An. Nó là một loại mì với sợi đặc biệt chỉ được làm bằng nước giếng Bá Lễ, nước dùng khiêm tốn nhưng đậm đà gia vị truyền thống, ngoài ra còn được sắp thêm những miếng xá xíu mằn mặn và bánh tráng giòn. Nếu chưa từng thử qua cao lầu thì chắc chắn bạn chưa phải ghé thăm Hội An.
Sau khi về homestay tắm rửa, T lại tiếp tục dạo phố cổ buổi đêm. Hội An ban đêm lung linh hơn ban ngày nhiều, với lồng đèn và ánh sáng từ các hàng quán. Nhưng do dịch bệnh nên Hội An lúc này có một vẻ gì đó buồn hiu. T đi qua các con phố đêm, rồi ghé bờ sông ngắm thả đèn hoa đăng. Con sông Thu Bồn lúc này như một dải lụa lấp lánh những hạt cườm tạo bởi những ngọn nến đèn hoa đăng. nhưng mà những hạt cườm đó chỉ lất phất thôi chứ không dày đặc như hồi còn nhộn nhịp. Bọn mình lại dạo tiếp qua cầu Ánh Sáng sang bờ bên kia và ghé thăm chợ đêm Hội An, rồi tấp vào một quán chè trên đường Nguyễn Thái Học. Tối đó tụi T về nghỉ sớm, vì ngày mai sẽ phải đi nhiều, và vì càng về đêm phố phường càng hiu quạnh.
Hội An buổi tối rất lung linh
Buổi sáng, chúng mình dậy sớm đi ngắm phố cổ lúc bình minh. Để chuẩn bị, tụi T ăn sáng với bánh mì phượng, món bánh mì được khen ngợi là ngon nhất thế giới. Và đúng thật, nó ngon kinh khủng. Khác với bánh mì Sài Gòn, bánh mì Hội An có đầu nhọn, nhân được rưới một loại nước sốt đặc biệt mà khi ăn vào, bạn sẽ cảm nhận được một mùi vị cổ xưa và không lẫn vào đâu được.
Khác với chiều hôm trước, lần này T được ngắm nhìn vẻ cổ kính thực sự của Hội An. Buổi sáng sớm chưa có ai dậy, nên các con phố đều vắng vẻ và các cửa hàng còn đóng cửa. Từng dãy phố màu vàng óng uốn cong cong trên con đường đang dần dần ló rạng dưới ánh nắng. Những hàng cửa gỗ nâu đen trải dài đều tăm tắp hai bên đường. Mái ngói âm dương bám đầy rêu phong qua hàng thế kỉ. Những mái hiên nhà nhỏ nhắn với giàn cây leo hay giàn hoa giấy lúp xúp. Âm thanh tĩnh mịch, lâu lâu có tiếng một người chạy bộ thể dục vụt ngang qua. Khung cảnh vô cùng thơ mộng, êm đềm, T như đắm chìm vào vẻ cổ kính hoài niệm của Hội An. Có vẻ buổi sáng là thời điểm đẹp nhất của nơi này.
Hội An buổi sáng
Hôm nay, tụi T tập trung đi hết các địa điểm nổi tiếng ở Hội An. Bắt đầu là chùa Cầu, cây cầu nổi tiếng được xây dựng bởi người Nhật vào thế kỉ 18, được in lên mặt sau của tờ 20k. Nhìn từ ngoài, ta chỉ thấy nó là một cái cầu, nhưng khi trên sàn gỗ cong vồng của nó, ta mới thấy được ngôi chùa phía sau. Tiếp đến, T ghé qua những con hẻm nhỏ bám đầy rêu xanh, không quên chụp những tấm hình sống ảo. Đi dọc theo đường Nguyễn Thái Học là một ngôi nhà với nước sơn màu đỏ rất đẹp tên là Phổ Hòa Thắng (dịch từ GG), còn ở cuối đường là một hiệu thuốc màu xanh lam kiểu Trung Hoa. Đây là con đường mà T thích đi nhất ở Hội An.
Chùa Cầu trên tờ tiền 20k
Tới ngã tư Lê Lợi, chún T đi ngược lại lên di tích cổng chùa Bà Mụ để chụp hình. Đó là một di tích đẹp và lạ mắt, T đoán chắc trước đây chỗ này từng là ngôi chùa lớn, nhưng có thể ngôi chùa bị phá hủy mất nên giờ chỉ còn lại mỗi cái cổng sừng sững ở đây.
Tiếp đến, chúng mình ghé qua quán cafe Faifo trên đường Trần Phú. Quán này có điểm đặc biệt là có sân thượng ngắm được không gian toàn cảnh phố cổ, với những mái nhà cổ kính. Địa điểm này cực kỳ tuyệt vời để lưu lại dấu ấn của Hội An.
View trên này rất tuyệt!
Đến giữa buổi, tụi T ghé thăm các địa điểm chính của phố cổ Hội An. Bắt đầu với Trung tâm văn hóa Lễ Nghĩa, một tòa nhà màu xanh dương, mái đỏ, hàng rào lục. Bình thường địa điểm này không vào được, nhưng hôm đó cổng mở nên tụi T tung tăng đi vào. Sau khi bước qua phần cổng mặt tiền thì bên trong là một khoảng sân rộng, hai bên tường có khắc những bức họa cổ. Phía trước sân là ba gian nhà, hai gian ở hai bên có trưng trường kỷ, bàn ghế, treo các hình ảnh. Còn gian chính giữa là ngôi chùa với mái ngói rất đẹp. Mái xanh âm dương đặt trên những cây xà cong được sơn màu đỏ son trông rất bắt mắt và rất cổ. Những hình trang trí hoa lá chim nhiều màu sắc. Bảng tên chùa màu đỏ son khắc những chữ nhũ vàng óng lấp lánh. Túm lại T thấy phần đẹp nhất ở ngôi chùa là cái mái. Còn bên trong chùa thì thờ các vị phật và thần thánh, hai vị thiên lý nhãn và thuận phong nhĩ, cùng với một chiếc thuyền.
Trung tâm văn hóa Lễ Nghĩa, với hai gian nhà hai bên và một ngôi chùa chính ở giữa
Sau những ấn tượng với Trung tâm văn hóa Lễ Nghĩa, tụi T ghé qua địa điểm tiếp theo là Hội quán Phúc Kiến. Tuy nhiên địa điểm này cần mua vé tham quan. Vì dịch covid nên giá vé lúc này giảm chỉ còn phân nửa, tức là 40k cho 3 địa điểm, nên nếu ai đi du lịch Hội An dịp này thì sẽ rất tiết kiệm. Hội quán Phúc Kiến có vẻ là hội quán rộng nhất ở đây với 2 cái cổng và 2 cái sân. Có điều theo quan sát của T thì những chùa và hội quán ở đây đều có cùng cách bài trí như ở Trung tâm văn hóa Lễ Nghĩa, nghĩa là sau cổng ở mặt tiền thì sẽ vào khoảng sân, sau đó là 2 gian nhà 2 bên để bàn ghế và treo chữ Phúc và chữ Thọ rất bự. Gian chính sẽ là ngôi chùa thờ theo format phía trên. Điểm khác biệt chính giữa chúng là phần cổng vào và phần mái ngói. Hội quán Phúc Kiến có cổng vào rất giống cổng chùa, sơn màu hồng nhạt. Hội quán Quảng Đông lại có cổng nhỏ hơn, nhưng hàng rào sơn màu đỏ chót rất ấn tượng. Hội quán Hải Nam thì không có cổng đẹp lắm, nhưng mặt ngoài màu hồng hồng trông khá dịu mắt. còn Hội quán Triều Châu là hội quán T thích nhất với cổng rất đặc trưng, gồm 4 cột trụ đỏ chót chống cái mái cong và được khắc khá nhiều hoa văn trên nó. Mặt ngoài hội quán cũng khá lạ mắt với các bức phù điêu được ốp lên tường.
Hội quán Phúc Kiến
Trên mái nhà đều có những bức tranh và họa tiết rất đẹp mắt
Sau khi thăm quan xong Hội quán Phúc Kiến, tụi mình phải quay lại homestay để trả phòng và đi ăn trưa ở quán mì quảng Minh. Món mì quảng này rất khác với mì quảng ở Sài Gòn vì nó rất ít nước, đậm vị đậu phộng. Ăn trưa xong, tụi mình lại ghé vào quán Mót. Quán này bán loại nước tên Mót ngon cực. Vừa ngọt, vừa đắng vị trà và xả, vừa chua vị chanh, vừa có hương thảo mộc, lại mát lạnh vào buổi trưa.
Lịch trình buổi chiều của tụi mình cũng khá đơn giản, bao gồm đình Cẩm Phô, hội quán Quảng Đông, nhà cổ Quân Thắng, chùa Quan Công, Tụy Tiên đường Minh Hương, hội quán Hải Nam, hội quán Triều Châu, và cuối cùng là về nhà cổ Tấn Ký (Thật ra nó cũng không quá đơn giản lắm :)). Khi đi hết những địa điểm này, chắc chắn bạn sẽ có một bộ sưu tập cổng và mái nhà khá đặc sắc đấy :)
Đình Cẩm Phô với mái ngói có con chim khá đẹp
Miếu Quan Công đỏ chót trong buổi trưa nắng
Hội quán Triều Châu. Hãy nhìn con cá chép kìa!
Hội quán Hải Nam
Tụy Tiên Đường Minh Hương
Bên cạnh những ngôi chùa và hội quán, T cũng rất ấn tượng với nhà cổ ở Hội An. Trong đó, nhà cổ Tấn Ký là một địa điểm đặc biệt không thể không ghé thăm. Nơi này luôn có một chị thuyết minh viên rất nhiệt tình với khách du lịch. Nhờ chị ấy mà T biết được nhiều điều về nhà cổ Tấn Ký cũng như các ngôi nhà cổ ở đây. Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng cách đây hàng trăm năm, do một gia đình buôn bán nông sản xây nên. Nguyên liệu dựng nhà là các loại gỗ quý, nhưng không cần đến một chiếc đinh nào mà ngôi nhà vẫn đứng vững. Nhà cổ có sự kết hợp kiến trúc của ba nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc. Phần nhà trước xây theo kiểu ba gian thường thấy ở Việt Nam. Phần phòng khách làm theo kiểu Nhật, với 3 thanh xà ngang và 5 thanh dọc chống mái nhà, tượng trưng cho bàn tay có 3 đường chỉ và 5 ngón tay. Phần kế tiếp là thiết kế kiểu Trung Hoa, với bản khắc hình lụa và kiếm treo ở phía trên. Sau đó là giếng trời, là nơi duy nhất đón ánh sáng cho ngôi nhà. Một chi tiết T rất thích ở ngôi nhà chính là hai câu đối được treo ở lối xuống giếng trời. Nhìn bề ngoài thì nó chỉ là những nét chữ thông thường, nhưng nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy trong mỗi chữ là những con chim với nhiều tư thế khác nhau. Khi đi vào trong, ta sẽ thấy những vạch màu vàng ghi số năm, đó chính là dấu mốc để chỉ mức nước lũ lịch sử vào các năm đó. Có dấu mốc cao tới tận xà nhà lận. Để đương đầu với lũ, chủ nhân căn nhà có làm ròng rọc và một ô cửa sập để cả gia đình có thể trú khi nước lên. Nhà cổ Tấn Ký còn chứa nhiều cổ vật có giá trị như Bình Củ Hành, Ly Khổng Tử. Cái Ly Khổng Tử rất đặc biệt vì nó có một chiếc lỗ. Chỉ có thể đổ nước tối đa được 80% ly thôi. Nếu tham lam mà đổ quá thì nước sẽ theo lỗ tràn hết ra ngoài. Đó chính là thông điệp của người xưa về sự vừa đủ, rất là thâm thúy.
Đến cuối ngày thì hành trình tham quan Hội An cũng kết thúc, chúng mình lại lên xe máy chạy ngược về Đà Nẵng. Hội An quả thật rất đẹp và rất nhiều dấu ấn, có thể T sẽ trở lại đây vào một ngày nào đó.
Từ Hội An trở về Đà Nẵng bằng xe máy mất khoảng 45 phút. Chúng mình đến nhận phòng tại Siro House Homestay lúc 5h hơn. Khác với vẻ cổ kính của homestay ở Hội An, Siro House lại mang màu sắc tươi mới trẻ trung hơn nhiều. Và vị trí của homestay này rất gần bờ biển, phù hợp cho những ai thích tắm biển, mặc dù đó không phải là ý định của T khi đến Đà Nẵng.
Bãi biển Mỹ Khê
Nghỉ ngơi được một chút, bọn mình nảy ra một ý định ngốc nghếch: đi ngắm hoàng hôn trên biển. Và bọn T đã sớm thất vọng khi đứng trước bãi biển Mỹ Khê, vì mặt trời ở Việt Nam không lặn trên biển (trừ khúc Kiên Giang). Dù sao thì bãi biển này cũng đẹp, cát rất mịn, nước biển thì xanh ngắt, gió thổi mát lạnh :). Khi đêm xuống, chúng mình đi ăn tối ở Bún chả cá bà Vân, rồi đi thưởng thức món Bánh tráng kẹp dì Hoàng. Có điều mấy quán ăn này hay nằm trong hẻm quá. Đi lòng vòng qua bao nhiêu cái xẹt, chui vô bao nhiêu ngõ cụt mới tới được nơi :).
Đi chơi đêm ở Đà Nẵng, T mới thấy được sự yên bình của nó. Không tấp nập ồn ào như Sài Gòn, Đà Nẵng luôn khoác lên mình một sự thơ mộng, đôi chút yên tĩnh nhưng cũng đôi chút náo nhiệt. Đường phố cũng khá nhiều xe cộ, nhưng không hề đông và kẹt cứng như Sài Gòn. Hơn nữa, chỉ cần đi ra khỏi những trục đường chính, con đường bỗng chốc vắng lặng lạ thường.
Chùa Cầu (Japanese Covered Bridge)Đinh Cẩm PhôHội quán Phúc Kiến (Assembly Hall Of The Fujian)Nhà cổ Tấn KýHomestay Hội AnChợ Hội Anhội anHội An
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.