Blog Nhật ký hành trình Campuchia :))) - Ngày thứ hai
cover

Nhật ký hành trình Campuchia :))) - Ngày thứ hai

avatar
Hoả Sơn Kiếm Khách dot Thứ 7, 03/08/2019
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Đây là lần đầu tiên T được đặt chân ra nước ngoài
Sáng nay, T dậy lúc 6h theo đúng kế hoạch. Sau một ngày đi bộ mêt mỏi, dậy sớm khiến T hơi choáng và muốn ngủ nướng. Nhưng không, cẩn trọng kẻo bể kèo hết. Nhảy xuống giường, chào buổi sáng ông người Mỹ, vệ sinh xong, T tính đem sandwich ra ăn. Cơ mà, người ta cấm ăn uống trong phòng, phiền quá. Thôi đành dấu bánh đem ra ngoài ăn vậy.
Wat Ounalum ở gần nhà khách, nên T sẽ thăm nó trước. Bình minh chào đón T bằng một cục mây đen to tướng lất phất mấy hạt mưa bụi. Đường phố lúc này còn vắng, và người dân mới bắt đầu mở cửa hàng. Đống rác hôm qua chất thú lu bên đường giờ đã được dọn sạch sẽ. T cứ nhắm bờ sông mà tiến, thoáng chốc đã tới nơi. Không ngờ cái chùa nó nằm gần dễ sợ.
Theo những gì T tìm hiểu trên Google, Wat Ounalum là một ngôi chùa cổ, được xây dựng năm 1443 dưới thời vua Ponhea Yat. Ngôi chùa này là một trong năm ngôi chùa đầu tiên của Phnom Penh, cũng là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở đây, từng lưu giữ số lượng kinh sách khổng lồ. Dù đã từng bị Khmer Đỏ tàn phá, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được chất xưa cũng như giá trị của mình.
Cái ăn tượng đầu tiên khi đến đây là, ngôi chùa này màu mè kinh khủng. Cái cổng đỏ chót, chữ khắc vàng khè. Dòm vào trong thấy chói loá con mắt. Bước vào sân chùa ngó qua mé phải là nguyên một ngọn tháp to tướng màu vàng ánh kim chói lọi, rực rỡ loé lên trong cái nắng bình minh. Ối chói, chói loá, chói quá. Không biết nó sơn vàng, mạ vàng hay làm bằng vàng thật hay sao mà chói quá vậy nè @@. Trên tháp đặt đầy tượng phật, tượng khỉ, tượng Naga, Apsara các thứ, cũng chói nốt. Bỗng nhiên có một thằng nhóc da ngăm đen khều T lại, nó chỉ trỏ như kiểu vào đây là phải chụp cái này, cái này, cái này nè. T chả biết sao đành đi theo sự hướng dẫn của nó. Ban đầu, T chui vào trong chùa. Chùa lộng lẫy, chính điện đã có sẵn một ông tây vào khấn vái buổi sáng.
hình ảnh
Tháp chính trong chùa với màu vàng chói loá
Gian chùa rộng rãi, thoáng mát, nhưng đều sơn son đỏ chót. Chính điện đặt rất nhiều tượng phật làm bằng vàng thì phải )), trông óng ả. T lại cái thảm, ngồi lạy 3 lạy, rồi xin phép mấy nhà sư trẻ trong đó để chụp ảnh. Để ý thấy hình như ngôi chùa này không có nhiều hoạ tiết và điêu khắc tỉ mỉ như Wat Phnom. Mỗi cây cột đều không có Apsara, hay thần khỉ, thay vào đó chỉ là phù điêu hoa sen đơn giản. Trên mái ngói đỏ cũng không thấy rắn Naga hay vòi voi, nói chung mọi thứ còn trống trải quá. Cơ mà có lẽ, ngụ ý của người xây chùa là lấy màu sắc bù cho hoạ tiết thì phải. Nhìn từ ngoài sân vào, vẫn thấy nó đẹp và sáng chói, dù không quá nhiều chi tiết cầu kì.
Vừa bước xuống sân, thằng nhóc lại dẫn T qua chụp tháp vàng, rồi chụp các hiện vật xung quanh, xong lại tống T ra đằng sau chùa. Ở đó, có nguyên một khu đền cảm giác có vẻ cổ, nhưng được sơn màu nhũ vàng xán lạn. Xung quanh cái đền, có hàng loạt những ngọn tháp khác nhau, to nhỏ đủ kiểu, xếp ngổn ngang trong sân. T tự hỏi, không biết có phải mỗi cái tháp là một ngôi mộ không nhỉ? Cái đền màu vàng có nhiều phù điêu hơn cái chùa, nhưng cũng không có mấy bức tượng nhỏ trên mái. Có điều chỗ này vắng lặng, yên tĩnh, T thấy tâm hồn thật thư thả. Trong đền, có khá nhiều mèo. Có một con mắt vàng bám lấy T. Đi đi, vướng chân quá, bố đạp cho một cái bây giờ -_-. Ra khỏi đền, nhìn theo bức tường, nó chạm khắc bức tranh kéo co, giữa hai bên quân lính, mà dây kéo lại chính là thân rắn Naga. Có lẽ nó đang mô tả một cuộc chiến nào đấy.
Wat Ounalum
Người Cam có vẻ thích thờ con bò thì phải. Không hiểu bò có ý nghĩa gì nhỉ, hay đây là một phần trong Ấn giáo? Theo tìm hiểu từ Google, với người Khmer, bò là biểu tượng cho sự ấm no, may mắn. Lang thang trong sân chùa, mình khá ngạc nhiên trước một cái chuông đồng, trên đó ghi toàn tiếng Trung, đậm chất bắc tông. Chùa nam tông cũng xài đồ bắc tông sao. Bên cạnh chuông là một cái kẻng to tổ chảng, ghi dòng chữ đây là hàng Thái Lan tặng chùa. Ở ngoài sân, T lại gặp thằng nhóc đó. Giờ nó kêu T trả nó 1$ tiền dẫn đường. Cái quái gì thế, chùa này miễn vé mà, T muốn chụp đâu thì chụp, sao cái thằng nhóc này lại vòi tiền ở đây. Tự nhiên ở đâu một ông tuktuk lại chạy vô, giới thiệu về cái tua của ổng, rồi lại đòi giá là 30$. Gì nữa đây, T có cần quái gì tua của mấy người đâu mà sao bấu víu riết thế? T phớt lờ, đi chụp cái chùa cho chán chê. Thế mà mấy người kia vẫn bám riết. Bí quá, T cầu cứu chị du khách người khmer gần đó. Chị mới bảo, mấy người này đang muốn T bố thí. Bố thí sao? T không giàu như thế. T đang lo không đủ tiền đến Siem Reap đây này. Thôi bye nhé, T không có gì để cho đâu.
Ra lại bờ sông, T đi thẳng đường xuống cung điện. Trên đường, lại một anh tuktuk ghé vào. Anh này giỏi tiếng Anh, nên T có thể nói chuyện khá ngon lành. Ảnh bảo hôm nay cung điện đang trùng tu, nên giới thiệu nguyên một tua riêng của ảnh, đi hết mấy cái chùa, rồi vòng về bến phà. Mọi chi phí vé viếc đều miễn phí, nhưng ảnh đòi tận 45$ tiền xe, má ơi. T nằng nặc từ chối, thế là ổng giảm giá dần. Kì kèo một hồi, rốt cục ổng lấy giá 25$, nhưng như thế vẫn vượt quá túi tiền T, nên thôi, bye nhé. Cơ mà anh này cũng nhiệt tình, bắt tay T một cái rồi mới tạm biệt. Cơ mà một lúc sau, ảnh quay lại, giới thiệu T với một đám đồng nghiệp tuktuk. Ồ má, có đến cả 6-7 người. Như thế có chết không. Lỡ mình từ chối, hay làm gì đó không đúng, có khi họ xông vô hội đồng chứ chẳng chơi. Nghe nói người Khmer ghét người Việt lắm. Khá hên là, T vòng vo tam quốc một tí, rốt cuộc chỉ còn lại một cha đứng nghe thôi. Bỗng trong quán, một ông anh nói vọng ra bằng tiếng Việt: “bắt grab đi cho nó rẻ”. Nghe như lời phàn nàn, nhưng với T, đó như một sự khích lệ. T chợt tỉnh người và nhận ra T phải kết thúc câu chuyện ngay và luôn. Thời gian không còn nhiều nữa.
Theo kế hoạch, T sẽ đảo một vòng quanh bảo tàng quốc gia. T nghĩ nhìn bên ngoài sẽ đẹp lắm. Nhưng ai ngờ, bảo tàng bị một lớp cây dày đặc che phủ, chả thấy cái gì cả. Cổng bảo tàng hiếm hoi lắm không bị cây che, T nhòm vô thấy đó là một ngôi nhà lớn sơn màu đỏ. Chỉ có thế thôi, bảo tàng mà không vô coi hiện vật thì gọi gì là bảo tàng nữa. Nhưng ngặt nỗi, vé tham quan tận 10$ thật là chát, chứ nếu rẻ hơn, T đã chui vào nghía cho sướng mắt.
Cơ mà, mục đích của T là thăm hoàng cung kia. Nghe nói hoàng cung được xây vào năm 1866, sau khi vua Norodom dời đô từ Oudong về Phnom Penh. Hoàng cung là nơi ăn ở, sinh hoạt của quốc vương cùng hoàng gia, đồng thời nơi đây cũng diễn ra các buổi thiết triều, ngoại giao, v.v. Hoàng cung này nằm ngay cạnh bảo tàng, phía trước mặt có một cái quảng trường nhỏ nhìn ra sông. Có điều, đúng là cái cổng hoàng cung đang trùng tu thật. Giờ tính sao đây, nên tìm cách chui vô hay là thăm chỗ khác. Thấy du khách vẫn đi lại quanh đây, T bám theo họ. Ây, có người ra vào, T đoán chắc là có thể vô trong được. Liều lĩnh bám theo, T may mắn phát hiện ra lối mua vé vào trong. Tuyệt thật! Campuchia là đất nước phật giáo, nên mọi thứ trang phục hở hang đều bị cấm không cho vào hoàng cung. T biết điều đó, nên mặc một bộ đồ sao cho che được vai và đầu gối. Vé vào là 10$, nếu thêm người hướng dẫn thì thêm 8$, mà T không cần. Nào, hãy cùng rảo bước vào hoàng cung.
hình ảnh
Toà khánh tiết (Preah Thineang Vinnichay)
Quào, hoàng cung trông thật to lớn và tráng lệ. Toà nhà chính được gọi là Preah Thineang Vinnichay (Phòng khánh tiết), là nới thiết triều. Toà nhà này to hơn nhiều so với những gì T được nghe, nó to gấp ba một cái nhà thờ lớn ở quê T. Một toà nhà đẹp, mái lớn, ngói nhiều màu sắc, góc mái đều vểnh lên hình vòi voi. Nước sơn của Cam auto là màu vàng chói lọi. Không hiểu cái mái họ xây hết bao lâu nhỉ. Thấy nó tỉ mỉ và kì công vl. Trời nắng, nhưng khi trèo qua mấy bậc tam cấp đi lên chính điện, không khí thật mát. Những cây cột bên ngoài to, đều có tiên nữ Apsara hoặc tượng khỉ phía trên, trông thật oai nghiêm. Có lẽ, tượng sư tử, Naga, Apsara và khỉ là những hoạ tiết trang trí bắt buộc phải có mặt trong bất kì công trình nào của Cam. Nhìn vào gian bên trong, đó là một sảnh đường rộng lớn để yết triều. Phía xa là ngại vàng của nhà vua, mà T thấy nó giống một cái ghế thường hơn là cái ngai vàng. Hai bên có thêm hai cái ghế khác để các sứ thần láng giềng ngồi. Đằng sau ngai vàng là các tượng phật trông như ở chùa. Có điều, khi nhìn vào cung điện, T thấy không khí cung đình tuy lộng lẫy, nhưng sao ngột ngạt , chán chường và khó chịu khôn tả. T thích cuộc sống tự do hơn là cuộc sống gò bó ở chỗ này.
hình ảnh
Sân khấu Preah Tineang Phhochani
Bên cạnh Preah Thineang Vinnichay rộng lớn, còn có hai toà Hor Samritvimean (Cung điện đồng) ở hai bên để lưu trữ trang phục và các báu vật hoàng gia. Xa về góc phải là Preah Moha Prasat Khemarin mà T không biết đó là toà nhà gì. Mé bên trái là toà Preah Reach Damnak Chan hiện giờ đang tu sửa, nghe nói nó có kiến trúc kiểu Pháp. Gần lối đi vào là Preah Tineang Phhochani, đây là một sân khấu được chính những nghệ nhân mộc người Việt xây lên để dùng cho mục đích nghệ thuật. Ồ, còn có cả Điện Napoleon III nữa, chắc là do người Pháp xây nhỉ.
Một góc hoàng cung
Đi lòng vòng quanh sân, vườn hoa, rồi lại ngắm nghía những toà nhà khác trong cung điện, T nghe lỏm đoạn thuyết minh của một người hướng dẫn cho hai cô gái người Mỹ. Nghe chùa như vầy thích thú hơn là thuê 8$ cho hướng dẫn viên. Chơi hoàng cung đã, T ghé qua chùa bạc cũng nằm trong khuôn viên. Ngôi chùa lớn vãi, mấy chùa khác phải gọi cái này là cụ. Xung quanh chùa là bốn toà tháp lớn chứa tro cốt của các vị vua và hoàng gia. Lúc này giữa trưa nên trời khá nắng, T có cảm giác nao nao như bị say, chắc là kem chống nắng hết tác dụng. Đành phải nhảy vô chùa trú thôi. Trong chùa là một gian bảo tàng nhỏ. Các hiện vật trong chùa bạc đều hoặc bằng bàng, hoặc dát vàng, có những cái bóng loá, nhưng nhiều cái bám đầy bụi. Mấy thanh kiếm hoàng gia rất đẹp, chói màu ánh kim nhưng lưỡi mỏng dính, sợ đụng vào là gãy. Có cả mấy thanh giống katana nữa. Ngoài ra mấy tượng phật mini bằng vàng bạc cũng đầy rẫy. Có điều không được chụp ảnh, vì đây bị cấm.
Khuôn viên chùa bạc
Cái nắng buổi trưa có vẻ khá đau đớn. Dù là dân nhiệt đới, T vẫn cảm thấy mệt và đưối dưới cái nắng này. T ngồi lại trên cái ghế hiên chùa, nghỉ ngơi 15p cho lại sức.
Điểm đến tiếp theo là Wat Botum. Đó là một cái quảng trường trung tâm, cơ mà lúc này trời nắng vãi. Thôi đành để chiều đi qua vậy. T mò ngược về, tìm quán cơm mà cô bạn người Philippines quảng cáo. Cơm chỉ 4000 riel, thật quá hợp lí cho một chuyến đi bụi. Thật may mắn, quán cơm đối điện đại học mỹ thuật, khá gần với chỗ T ở. Cơ mà họ không biết nói tiếng Anh, duy chỉ có một chị là hiểu được. Nghe qua menu, T gọi món “cha ktieng” (hình như vậy), cơm gà kho nghệ. Dĩa cơm bé tẹo, nhưng dĩa đồ ăn lại đầy ụ, vl thật. T gọi “bai them”, mà họ không hiểu. Cứ phải có cái chị kia thì mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Haha! Món ăn này tuy là đường phố, nhưng lại có vẻ lạ với T, không biết nó có đặc trưng cho ẩm thực Cam không nhỉ. Ăn xong, trả 5000 riel, T về nhà làm một giấc thật đã.
Chiều, bắt đầu hành trình mới thôi. Ối cái gì thế. Một con rắn chui vào nhà khách, trời ơi! Hên là có một ông người Indo biết cách bắt nó, chứ không là tiêu cả phòng. Cơ mà tại sao ổng không giết nó đi nhỉ? Trở lại với hành trình, T xuống Wat Botum. Wat Botum dài như công viên 23/9, nhưng có vẻ không nhiều cây to như một công viên đúng nghĩa ở Việt Nam. Nó khá trống trải, dăm ba cây lèo tèo, mà trời lại nắng gắt. Má, tại sao Cam lại thích chói loá như vầy. Màu vàng của Cam thực sự khiến buổi trưa trở nên đổ lửa. Cây dù bây giờ mới phát huy sức mạnh siêu việt của nó. Nếu không có dù, chắc T đã ngủm củ hành rồi. Giữa công viên là đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam - Campuchia cao lừng lững. Nó thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ và tình cảm giữa 2 dân tộc anh em.v
hình ảnh
Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam - Campuchia
Qua Wat Botum, T còn thăm mấy cái đài tưởng niệm khác như Sandech Chuon Nat, đài tưởng niệm vua Norodom Sihanouk, tượng đài độc lập, và đảo qua cả Nagaworld, sòng bài lớn nhất Cam. Khu xung quanh Nagaworld thật giàu có, toàn nhà cao tầng kính cửa sổ màu vàng chói chang. Xuống dưới một đoạn, có vẻ T đang đi ngang qua một khu người Hoa ở phía nam thành phố. Khu này rộng kinh khủng, nó to ngang với quận một ở Sài Gòn. Có khi khu Chợ Lớn bên mình không thể bằng khu này được. người Hoa ở đây quá đông, đi đâu cũng thấy biển hiệu tiếng Trung, nhà hàng người Hoa... Cứ ngỡ đây không còn là Cam nữa.






T đi qua nhiều con phố với cái nắng oi bức, tay tuy cầm dù mà cái nóng vẫn len lỏi qua được. Một hồi, T đến Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng. Đây là nơi tái hiện lại sự độc ác và man rợ của Khmer Đỏ. Bên ngoài bảo tàng, những bức tường cũ kĩ bao bọc bằng đủ thứ kẽm gai trông ghê người. Mua vé audio hết 8$, T ngồi trên một chiếc ghế đá, lắng nghe câu chuyện về Toul Sleng.
“Đây là S21, trước kia là một trường Trung học, nhưng sau đó, năm 1975, Khmer Đỏ tràn vào, Angkar đã biến khu này trung tâm an ninh, thực chất là một nhà tù. Có khoảng 12000 đến 20000 người bị bắt, chỉ có 12 người được xác nhận còn sống sót”. Hic, trong này, không khí hơi ghê rợn, mọi thứ đều cũ kĩ, đen kịt. Từng phòng giam đều có một cái giường để cột người tra tấn, trong phòng có một mùi gì đó giống gas, kết hợp với cảm giác rờn rợn lạnh sống gáy. Có một giá treo cổ bên ngoài, nhưng thật ra là treo người lên, rồi nhét vào vại chất thải. “Khi quân giải phóng tiến vào đây, đã có 14 người vừa mới chết và bị hoả thiêu. Họ bị tra tấn đến nỗi không thể nhận dạng được. Người ta lập 14 ngôi mộ chôn cất họ ở bên ngoài, trong sân bảo tàng”. Ban đầu nơi đây là nơi giam giữ tra khảo những kẻ ủng hộ cho chế độ của Lon Nol. Sau đó là mọi người, từ nhà sư, chuyên gia, đến bác sĩ, học sinh, cả người nước ngoài. Ngay đến cả những tên lãnh đạo Khmer Đỏ cũng tự sát phạt nhau, đến khi sụp đổ chỉ còn một phần tư là sống sót. Và ở thời đó có một sự thật: Đeo kính có thể bị sát hại.
hình ảnh
Bảo tàng Tuol Sleng
Có một dãy nhà trưng bày hình ảnh. Polpot trong hình mặc đồ nông dân, đeo khăn rằn, đi dép cao su. Bên cạnh là những bức hình kể về thời gian tồn tại của Khmer Đỏ. Lúc Khmer đỏ đến, bọn chúng được coi là ánh sáng. Dân chúng tị nạn của cuộc chiến Khmer – Lon nol, Mỹ chào đón họ. Nhưng mọi người không ngờ, đây chính là khởi đầu của địa ngục. Ba ngày sau tất cả mọi người bị đuổi khỏi thành phố, đi đến các vùng nông thôn làm nô lệ cày ruộng. Có đến 3 triệu người chết trong thời gian bọn chúng cầm quyền. Trong này có một bức hình đau thương. Một gia đình bị giết hết 6 người để tránh báo thù sau này.
Trong một dãy nhà khác, mọi thứ đều được bảo vệ nguyên vẹn, từ những xà lim đến đống hàng rào kẽm gai để chống người nhảy lầu bên ngoài. Cái xà lim bé tẹo như cái WC nhà trọ, thế mà nhốt đến tận 9 người bên trong. Họ còn bị cùm chân vào một cây sắt thẳng, phải đứng ngồi nằm cùng nhau, và cấm nói chuyện. Hic, ghê thật, xung quanh toàn treo hình đầu lâu kinh quá. Những phạm nhân ở đây đều bị tra tấn, lấy cung, sau đó là bị giết chết. Họ chỉ muốn tự tử, chứ không chịu nổi sự dã man, thế mà ở đây không thể tự tử được. Angkar tìm mọi cách để giữ họ sống, đến khi lấy hết được những lời khai giả dối mới thôi. Nhiều tù nhân liều mình cầm bút đâm họng, hoặc đổ dầu lên đầu để chết, với mong muốn thoát khỏi sự tra khảo ấy.
hình ảnh
Một bức tranh được vẽ bởi hoạ sĩ Vann Nath
hình ảnh
Căn phòng có chiếc giường trói người lại để tra tấn
Trong một toà nhà khác trưng bày các hiện vật dùng để tra tấn. Hic, mấy đồ tra tấn nước ghê quá. Xung quanh cũng treo đầy tranh vẽ của hoạ sĩ Vann Nath về cách mà những tên Khmer Đỏ thẩm tra phạm nhân thật kinh khủng. Phòng cuối cùng là phòng chứa toàn xương người, sọ người, quá ám ảnh. Còn có cả hàng loạt hình giết người trên tường, không thể nào man rợ hơn. T không thể chịu nổi cảnh này, vội bước ra ngoài sân. Ngoài S21, còn hàng trăm trung tâm tra tấn nữa và còn hàng trăm ngàn người bị giết rải rác trên đất nước Campuchia.
Ra khỏi Tuol Sleng thì trời cũng vừa đổ mưa. T đành phải trú lại tận 30p để chờ mưa tạnh. Sau cơn mưa, Phnom Penh thật nhớt nháp, nhiều ngã tư bị ngập. Cảm thấy mình không đủ tiền để tiếp tục chuyến đi nữa, T bèn ra ngoài chợ Orussey đổi tiền từ các tiệm vàng. Cơ mà không chỗ nào mở cửa hoặc chịu đổi cả. T buồn rầu lê đôi chân mệt mỏi trở về. Nghĩ ngợi một hồi, T thấy nếu lỡ vô Angkor Wat mà mưa thì sao. Chắc chắn phải có cái áo mưa trong tay. T đi ngang một con phố người Hoa, vào hỏi giá một chiếc áo mưa nhỏ. Bà chủ bảo 1500 riel. Lòng T lúc này vẫn lo lắng về ngân quỹ của chyến đi. T đưa tờ tiền Việt và hỏi bà chủ có thể đổi tiền cho T được không. Bà ấy cầm tờ tiền, rồi gọi ông chủ ra. Ông này tuy người hoa nhưng nói được tiếng Việt. Ông cầm tờ tiền, xót xa: “con không còn tiền để đi hả. Thôi cầm lấy cái áo mưa đi”. ?!. “Nhưng, nhưng...” “Không sao đâu, cứ cầm lấy.” “Ở đây chú có thể đổi tiền được không ạ?” “Không, ở đây không được đâu con.” Thế là ông dúi cái áo mưa vào tay T @@. T đứng lặng, không biết từ chối như thế nào cả, đành cảm ơn và từ biệt. Ôi, ông người hoa thật tốt bụng. T không biết nói lời nào để diễn tả lòng tốt của ông ấy. Mặc dù lúc đó, T còn tiền để trả, nhưng T không biết phải làm sao trước hành động của ông. Công nhận, trong những lúc khó khăn vẫn hay xuất hiện những điều may mắn.
T lang thang dưới ánh chiều tà. Hoàng hôn sau cơn mưa trên nóc các toà nhà cao tầng, giữa các góc phố thật là đẹp. Ô kìa, một chiếc cầu vồng đôi bắc ngang trời. Thât là sự đối lập kì thú, khi trên bầu trời là khung cảnh yên bình, còn dưới mặt đất lại là sự náo nhiệt của thành phố. T bỗng cảm thấy một nỗi buồn man mác. Con người thật nhỏ bé và lạc lõng trong cái thành phố không ngừng chuyển động và vươn lên. Rồi T cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những chỗ bình yên mà T cảm thấy an tâm và không lo nghĩ về thế giới. Nhưng dù gì, T buộc phải tiếp tục cuộc hành trình này.
hình ảnh
Cầu vồng sau cơn mưa chiều
Tối quá, mà bụng thì đói meo. Cơ mà cái chỗ buổi trưa giờ không còn bán cơm nữa, khỉ thật. T đành phải mò lên chợ cũ, và thật may mắn, trong chợ có quán cơm 5000 riel. Cơm thịt heo kho nhưng không có canh, nên cảm thấy nuốt khó trôi vl, mặc dù đồ ăn khá ngon. Buổi tối, có vẻ Phnom Penh không nhộn nhịp như Sài Gòn nhỉ. Thấy một điều gì đó buồn buồn. Và một điều buồn nữa là, mai T phải rời Phnom Penh rồi.

Đền Ounalom Cung điện Hoàng gia Campuchia Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (Tuol Sleng Genocide Museum) cambodia ( campuchia )

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 4/01/2023
Love
8 Bình luận
avatar
Hoả Sơn Kiếm Khách

Sống như ngày mai sẽ chết!

5 Quốc gia
17 Tỉnh thành
5 Người theo dõi
1 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
avatar
Tòn Ten chời ơi review có tâm quá bác. tặng coin rùi hen
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Hoả Sơn Kiếm Khách Cảm ơn bạn nha, :)). Đây là lần đầu mình ra nước ngoài nên thấy mọi thứ lạ lẫm lắm :))
avatar
Chí Dĩnh Hay quá!!
Trả lời
Chia sẻ
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Đã trôi qua nửa năm bị kìm chân ở nhà vì Covid-19, T liền xách ngay ba lô đi du ngoạn miền đất mới!
Đã trôi qua nửa năm bị kìm chân ở nhà vì Covid-19, T liền xách ngay ba lô đi du ngoạn miền đất mới!
Vì dịch bệnh Covid-19, nên đã rất lâu rồi T vẫn chưa đi đâu cả. Lần này phải đi bù cho mấy lần trước :)))
Vì dịch bệnh Covid-19, nên đã rất lâu rồi T vẫn chưa đi đâu cả. Lần này phải đi bù cho mấy lần trước :)))
Đây là lần đầu tiên T được đặt chân ra nước ngoài