Thế là hôm nay phải rời khỏi Phnom Penh rồi. Biết là vẫn còn nhiều thứ để khám phá, nhưng T không còn nhiều thời gian nữa, phải tiếp tục hành trình. T sẽ không quên mảnh đất này, một thành phố năng động đang vươn lên, với người dân hiền lành và dễ thương. T sẽ kể cho những người bạn của mình về chuyến đi.
T lết đến trạm xe của Kumho. Cái ba lô có thêm chai nước giờ nặng vãi. Chui vào trong ngồi nghỉ mệt, T tính hỏi anh tiếp tân đổi tiền thử, bỗng cô lao công đứng bên cạnh kêu: “lên tuktuk đi!” Ủa, sao lại lên, đây không phải bến đi Siem Reap à @@. Cô bảo đây không phải hãng đi đến đó, phải lên trung chuyển mà qua đúng nhà xe. T lật vé ra coi, ồ, thì ra là xe Mey Hong, Kumho liên kết với cái này. Thế là lại có một chuyến vi vu bằng xe tuk tuk nữa. Vẫn thích cái cảm giác rung rung của xe, thật là kimochi. Xe đèo T qua các con phố Phnom Penh ra ngoại thành. Xe cộ ở Cam coi bộ có vẻ không đông đúc lắm, ít thấy cảnh chật cứng đợi đèn đỏ như Sài Gòn. Mà hình như cũng ít thấy mấy cái cầu vượt nữa. Ối, giờ nhìn vệ đường lại thấy toàn rác là rác. T mới khen Cam sạch sẽ hôm kia mà.
Xe dừng tại bến Mey Hong. Bến này sao toàn thấy người Tàu đi Siem Reap, chả giống mong muốn của T là gặp người Việt để đổi tiền. Cơ mà T để ý thấy rằng người Khmer rất tôn kính nhà sư. Nếu gặp, họ sẵn sàng cởi dép ra, bỏ vài tờ tiền vào giỏ nhà sư, rồi chắp tay lên ngực khấn. 8h30 hơn, xe bắt đầu chạy, và giấc mơ Angkor của T cũng được chắp cánh.
Lỗ hổng trong kế hoạch của T là, tính sai thời gian đi từ Phnom Penh đến Siem Reap. Nếu thời gian di chuyển quá lớn, thì coi như T sẽ bị kẹt ở đây thêm một đêm, quá nguy hiểm. Thật hú hồn, từ xe đi chỉ hết 7 tiếng, vậy là T có thể về kịp chuyến khứ hồi Sài Gòn. Ở Siem Reap, ấn tượng đầu tiên T thấy, đó là, nó quá sức trái ngược với Phnom Penh. Trong khi Phnom Penh là một thành phố phát triển, đầy rẫy những toà cao ốc, sự ồn ào náo nhiệt, thì ở chỗ này, nhà cửa chỉ lụp xụp như một cái huyện, thậm chí nhiều chỗ còn đường đất. Cát bụi bay mù mịt, như thiếu những trận mưa để gột rửa. Trung tâm thành phố có vẻ đỡ hơn, có các nhà hàng và khách sạn thượng lưu, nhưng T nghĩ chắc nó cũng chỉ giàu hơn quê T có một xíu.
Xe tấp bến, T lao ngay vào mua vé đi ngược về Phnom Penh, để hôm đi khỏi mất thời gian. Mấy gái tiếp viên có vẻ bất ngờ, hình như họ nghĩ T là người Khmer, nhưng té ngửa khi nghe T nói chuyện bằng tiếng Anh. Ủa mà quái lạ, vé về là 10$, rẻ hơn vé đi tận 2$. Khỉ thật, chả lẽ mình đã bị chặt chém?
Ngoài bến, T được một thanh niên mời đi tuk tuk. Ảnh hét giá 4 đô cho 4km, T thấy có vẻ cha này chém dữ quá, nhưng vẫn cứ vui vẻ lên xe. Vừa ngồi xe, T vừa mở PassApp coi giá đúng, moá, chỉ có 6000 riel. T bèn kêu ổng chở T đến chỗ đổi tiền, sau khi đổi lấy 5$ từ tiền Việt, T mới trả giá xuống, ảnh bèn ngậm ngùi lất giá tình thương 10000 riel của T. Xe tuk tuk len lỏi qua một khu chợ, rồi quẹo vào cái hẻm zic zắc. Thế là đã đến Uncle House Siem Riep, một nhà khách giá rẻ ở đây. Nhưng trông cái nhà trọ nó bần bần thế nào ấy, có khi chỗ ở này không tốt thì sao. Trả tiền thuê giường 6$, T thấy anh tiếp tân có vẻ vui tính và hiền lành, bên cạnh đó, nhóc con anh cỡ ngang tuổi tiểu học nhưng nói chuyện tiếng Anh quá sõi, dễ thương ghê. Họ dẫn T vào phòng. Ồ, thì ra cũng không đến nỗi tệ. Có giưòng chiếu nệm niếc đàng hoàng, cả phòng tắm, phòng vệ sinh cũng ok nữa. Có điều nó xài quạt chứ không phải máy lạnh như hồi ở Phnom Penh. T thấy khá hài lòng cho mức giá đã trả.
Nhà khách cách trung tâm tận 3 cây, nên T đành phải thuê xe đạp để di chuyển, giá nửa buổi là 1$. T đạp xe vòng vòng quanh thành phố, đi qua các con đường đất, đường nhựa bụi bặm, ven đường đầy rác và đất đỏ. Điểm đến đầu tiên của T là Wat Bo. Cơ mà cái này trông như mới xây lại, và nó cũng chả có gì đẹp đẽ, nên thôi T bỏ qua. Đạp xe dọc theo con kênh xuyên thành phố, T nghía xuống thấy kênh thật bẩn thỉu, xanh lòm, toàn bèo, 2 bên bờ cỏ um tùm như chả bao giờ được cắt tỉa.
Wat Preah Prom Rath nằm bên kia kênh, qua một cây cầu. Ngôi chùa này có vẻ sống động và thú vị hơn. Wat Preah Prom Rath được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật trong lịch sử về một nhà sư đi chu khắp Campuchia trên thuyền. Bên trong chùa có rất nhiều tượng, những T thích thú về câu chuyện của một chàng hoàng tử đi du hành. Vị hoàng tử này sinh ra ở hoàng cung, chưa ra khỏi cung bao giờ nên anh ta không có khái niệm gì về nghèo đói, khổ cực, già yếu, bệnh tật và cái chết. Sau chuyến đi, hoàng tử mới sợ hãi về hiểu ra được cuộc sống là hữu hạn. T bỗng cảm thấy mắc cười về câu chuyện, vì vị hoàng tử quá ngây thơ, đến nỗi không biết được rằng con người rồi sẽ già và sẽ chết. T vào trong ngôi chùa, nhìn thấy nhà sư đang làm một nghi lễ gì đó, phẩy phẩy một thứ nước vào người cầu nguyện. Đó là cái gì nhỉ?
Wat Preah Prom Rath
Thành phố ít ra cũng có những góc hiện đại. Đâu đó có Pizza Company, có các nhà hàng đồ Hoa, đồ Thái, Hamberger, các quán cà phê phong cách trẻ trung. Giữa trung tâm là công viên Preah Ang Chek, bên cạnh là khu cư trú của hoàng gia. Đạp xe một vòng, thấy đói, T ghé vào chợ cũ ăn. Có một dãy hàng đồ ăn đường phố bên đường, T bay vào chén một dĩa cơm chiên ú ụ với giá 6000 riel. Công nhận tiền ít mà cơm nhiều thật. Ăn no nê, T đạp xe về nghỉ. Phải nói rằng, ở Siem Reap, có một chiếc xe đạp để di chuyển thật thuận tiện và rất sướng. Vừa đi nhanh, vừa luyện thể dục, lại vẫn có thể ngó ngang ngó dọc hai bên đường để tìm hiểu thành phố nữa. Và đặc biệt, nó rẻ và không tốn xăng như xe máy. Nên nhớ giá xăng ở đây là 4000 riel cho xăng Ron 97, 3750 riel cho xăng Ron 92, cũng không khác giá bên Việt Nam là bao. Mấy thanh niên cứ suốt ngày than giá xăng cao đi. Xăng bên nước ngoài nó cũng thế thôi.
Lại một ngày mới bắt đầu. Đây là ngày thứ tư trong chuyến hành trình Campuchia của T, và cũng là ngày T mong đợi nhất: Hôm nay, T sẽ đến thăm khu đền đài Angkor Wat, một trong 7 kỳ quan của thế giới. Mới ngủ dậy thôi mà T đã cảm thấy một sự háo hức kì lạ trong người. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi cũng tầm gần 6h sáng. Cỡ này thì chắc không ngắm bình minh ở Angkor Wat được rồi, T thoáng hiện xíu buồn trên nét mặt. Thuê chiếc xe đạp nguyên ngày với giá 2$, T đã sẵn sàng cho chuyến đi.
Buổi sáng ở Siem Reap, trời mát mẻ, se se lạnh, mặc dầu bây giờ đã vào mùa hè. T lại mường tượng đến những năm học cấp 3, một thân một chiếc xe đạp mỗi sớm lóc cóc đạp xe đi học. Quê T cứ sau mỗi cơn mưa, là sáng hôm sau trời lại sương sa mù mịt, gió thổi lộng rét xuyên vào da. Nhưng đó lại là lúc T cảm thấy yên bình nhất trong cuộc đời. Và bây giờ, cảm giác đó có vẻ đang ùa về… Thẫn thờ trên đường đất, T nghe văng vẳng tiếng người đọc kinh sớm, giọng trầm trầm hoà lẫn tiếng nhạc êm dịu. Đi qua khu chợ, những người tiểu thương đã mở hàng quán tự khi nào rồi, người mua người bán tấp nập. T lao vào một xe hàng rong, hỏi mua lấy hai cái bánh quẩy làm đồ ăn sáng. Vừa đạp xe vừa ăn, vừa ngắm nhìn cảnh vật đang thức giấc, T loáng thoáng thấy bất an khi biết rằng bầu trời lúc này vẫn còn đang âm u mây. Nhưng không sao cả, sự háo hức đang choán lấy tâm trí T, xua tan đi những lo lắng vẩn vơ.
Đường đi Angkor khá xa, tận 13km lận. Nhưng thời tiết mát mẻ khiến T không cảm thấy mệt khi đạp xe. Trước tiên, T phải đi mua vé tham quan ở gần Angkor Panorama Museum. Điểm bán vé này trông khá là bự, mà sáng sớm nên vắng ngắc. T mua tấm vé tham quan 1 ngày, giá 37$. Đây là chi phí lớn nhất trong hành trình của T, nên T đã tính toán rất cẩn thận và dành dụm kĩ lưỡng. Tách một cái, tấm hình chụp xong, và gương mặt T được in trên tấm vé đầy hoa văn sặc sỡ. T trở bước ra, cũng là lúc những tia nắng đầu tiên chiếu xuống. Bình minh đã nhô lên.
Điểm bán vé vẫn còn cách xa nơi T muốn đến, nên phải đạp xe khá lâu trên một con đường dài thẳng tắp nữa. Đây là đại lộ Apsara, nhưng thật ra T thấy nó trông giống một con đường thôn quê hơn. Hai bên đường chả thấy gì ngoài đồng không mông quạnh. Cuối đường là một trạm soát vé. Sau khi soát vé, họ cho phép T được thoải mái muốn đi đâu thì đi trong toàn bộ khu di tích Angkor rộng cả ngàn hecta.
T đạp xe thơ thẩn trong một khu rừng lớn. Ánh mặt trời soi từng luồng kim quang xuống con đường nhựa ẩm ướt, tạo thành những vũng sáng lấp lánh. Phía trước mặt T, vài ba người nước ngoài vừa đạp xe, vừa chuyện trò ríu rít, một số khác ngồi xe tuktuk, vút đi xuyên qua làn sương mỏng. Phải công nhận, cảm giác đạp xe buổi sáng trên con đường xuyên rừng này thật sảng khoái. Nó khiến đầu óc ta thanh thản, tâm hồn như được gột rửa vậy. T rẽ vào một con đường đất, đi thêm một đoạn thì gặp một tấm bia khắc dòng chữ “Angkor Wat Temple – East Entrance”. Oa, cuối cùng cũng đến Angkor Wat rồi sao, tuyệt quá! T dựng xe bên gốc cây, khoá khiếc cẩn thận, rồi đưa vé cho mấy anh bảo vệ soát vé, sau đó, T rảo bước vào trong với niềm hân hoan rạo rực.
Ở quần thể Angkor, mỗi khu di tích đều có một cái hào lớn vây xung quanh. T đi bộ một chút thì gặp một ngôi đền nhỏ nằm khuất dưới tán cây rừng. Ngồi đền này trông cũ kĩ, bám đầy rêu phong, một bên mái ở lối vào bị sập, để lộ những tảng đá to lớn. Ngôi đền được nối liền với một bức tường chạy tít tắp, hình như đây là tường thành bảo vệ cho Angkor Wat. T bước đến cửa đền, leo lên những bậc thang cao nhưng bề rộng chưa đến một gang tay, phóng ánh mắt vào trong. Đã có sẵn một người đứng trong đấy khấn vái, giữa một khoảng tối u ám đằng sau khung cửa đá cổ xưa. T khẽ chạm tay lên những cây cột bằng đá nghiêng ngả, rồi mạnh mẽ tiến vào. Bên trong, cảm giác rờn rợn nổi lên như kiểu bạn mới đi vào một ngôi đền hoang trong phim ma. Gian đền không rộng lắm, nhưng cái trần thì cao tút, nhòn nhọn hình chóp với những chùm sáng xuyên qua. Chính giữa đền là cái bàn thờ nhỏ có đặt một tượng Phật, ngay cạnh một cái bao dùng làm vật lót gối cho những người quỳ khấn. Người trong đền khều T lại, chỉ T cách khấn vái, sau đặt một tờ tiền 10$ chân tượng. T cũng bắt chước, nhưng đặt tờ 500 riel lên đấy. Người đó không nói gì ngoài câu: “You do very good!” @@. Xong xuôi, T đi lòng vòng trong ngôi đền ấy, chụp choẹt vài tấm ảnh. Những dãy hành lang hẹp, được chống đầy bằng những cây cột đá sần sùi. Trên tường, lâu lâu T nhìn ra được một hoạ tiết gì đấy ẩn hiện sau những vết nứt lan như mạng nhện. Sự bụi bặm, cổ xưa, ẩm thấp làm T có cảm giác mình đang phiêu lưu trong một kim tự tháp Ai Cập nào đấy mà thuở nhỏ T hay xem trên ti vi. Lâu lâu, T lại tưởng tượng cảnh một xác ướp từ phía sau lao tới vồ lấy T làm T giật bắn. Cơ mà đây không phải là Ai Cập nhỉ :)))
T tiếp tục băng qua ngôi đền, đi sâu vào trong. Những cây đại thụ cao lớn có vẻ đã hàng trăm năm tuối. Một ngôi đền khác lấp ló phía sau đống cây, ngôi đền này có ba toà tháp lớn trên đỉnh. Và đó chính là Angkor Wat. Thoạt đầu, T không nghĩ nó đồ sộ như vậy, nhưng những gì được chứng kiến trước mắt đã làm T choáng ngợp. Angkor Wat to và rộng quá đi.
Angkor Wat (Thành phố đền) là một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ XII, dưới triều đại vua Suryavarman II tại Yasodharapura (Angkor ngày nay), thủ đô của đế chế Khmer. Ban đầu, ngôi đền thờ thần Vishnu trong Ấn Độ giáo, và dùng làm lăng mộ của vua, nhưng về sau, nó chuyển dần thành một đền thờ Phật giáo. Từ bên ngoài nhìn vô, T thấy ấn tượng với ba chóp tháp nhô lên của Angkor Wat, đây được gọi là lối kiến trúc núi-đền trong kiến trúc Khmer. Toàn bộ khu đền được làm bằng đá, phủ đây rêu phong cũ kĩ, nhưng có vẻ nó hầu như vẫn còn nguyên vẹn với thời gian dù hàng thế kỉ bị bỏ hoang.
T bước qua cổng chính, đi vào trong khu di tích. Những bức tượng hàng rào hình rắn Naga bị gãy đổ lung tung, nhưng ở những bức tượng nguyên vẹn, T thấy những hình chặm khắc mặt rắn trông khá buồn cười. Lối vào chính không có bậc, muốn lên phải đi qua lối bên hông. Vì cái bậc thang bằng đá quá hẹp, lại cao và dốc, nên người ta phải gá thêm một tấm bậc thang gỗ để mọi người trèo lên không bị té. Toàn bộ khu đền được làm cao hơn mặt đất đến cả 2-3m. Angkor Wat được xây dựng gồm có ba tầng đền đài, ở mỗi tầng đều có một lớp hành lang hình vuông, nhìn trông như một trận đồ bốn phía rất cân xứng. T đi dạo quanh những dãy hành lang ấy, thấy nó không chỉ chạy dài tít tắp, mà còn trông tựa tựa nhau, có cảm tưởng như bị lạc vào mê cung do mất phương hướng. Mỗi dãy hành lang có hai lối đi song song, lối phía trong có trần mái vòm cao, được xếp bằng đá chồng, trên tường có điêu khắc vô vàn bức phù điêu kể về những trận chiến ác liệt của vua Khmer. Lối đi phía ngoài nhỏ và hẹp, những cột đá hai bên nối tiếp nhau tạo thành một dãy hành lang dài và sâu hút. Mỗi cây cột đều được chạm khắc kĩ lưỡng hoa văn, hình phật, Devata, nó nhiều đến nỗi T không biết phải mất bao lâu để những người Khmer cổ có thể hoàn thành được chúng. Đi bộ ở trong đây, T có cảm giác thích thú, chân cẳng cứ cuồng lên như muốn chạy một mạch qua khắp các dãy hành lang và packour qua những bậc thềm vậy. Nhưng hành lang dài kinh khủng, đi nãy giờ mà chưa hết được một vòng. Hoặc là do T bị mất phương hướng ở đây rồi chăng?
Các dãy hành lang dài thẳng tắp
Chính giữa của bốn dãy hành lang là bốn cửa dẫn vào các tầng đền phía trong. Tầng thứ hai lại được làm cao hơn tầng một tận một lầu, với cùng một lối kiến trúc như thế. Ở cống hướng Tây của tầng hai, có hai toà thư viện cổ cũ kĩ, bị đổ sập một phần lên nền cỏ xanh. T bước dần trên từng bậc thang leo lên tầng hai, cảm giác cứ lâng lâng lỡ bước hụt chân là té chổng cẳng xuống dưới đất ngay, vì bậc thang vừa cao lại vừa dốc. Trèo lên đỉnh quả thật là một thử thách. Trong những dãy hành lang nơi đây, người ta đặt rất nhiều pho tượng phật lớn nhỏ, nhưng điều kì lạ là tất cả chúng đều không có đầu. Có lẽ đây là sự tàn phá khi người Thái tràn vào kinh đô cổ của đế chế Khmer. Khu hành lang tầng hai bao bọc một khoảng sân rộng lát bằng đá tảng, giữa sân là một quần thể 5 ngọn tháp nhô lên như 5 trái núi. Đây chính là tầng thứ ba của Angkor Wat, nhiều người gọi đây chính là tháp lên thiên đường. Đúng là thiên đường thật, nhìn cái bậc thang đi lên là thấy ớn rồi. Vị trí cuối cùng này không dành cho những người yếu tim. Có duy nhất một cầu thang dẫn lên đấy, và khi T vừa mới bước lên thì trời cũng vừa bắt đầu mưa lất phất. Trời chẳng chịu chiều lòng người tí nào. Trên đỉnh cao, toàn cảnh Angkor Wat và khu rừng bao quanh được thu vào tầm mắt, trông thật choáng ngợp. Sự cổ kính của kiến trúc, sự tinh tươm của thảm cỏ và cây xanh, cùng với sự thơ mộng của cơn mưa tạo nên một bức tranh êm đềm, khiến ta có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên. Trên “thiên đường” này, toà tháp trung tâm mọc lên sừng sững và tráng lệ. Đó chính là nơi kết thúc của “thử thách” khám phá Angkor Wat đầy bất ngờ, phiêu lưu và choáng ngợp. T bước xuống từng bậc của Angkor Wat với cảm giác mãn nguyện trong lòng. Đúng là một trong bảy kì quan của thế giới, biểu tượng của đất nước Campuchia. Bỗng T gặp một đoàn khách du lịch đến từ Việt Nam. Được nghe giọng nói quê hương, lòng T hân hoan vô cùng. Từ sáng đến giờ, đi hết Angkor Wat, nhưng bước đến đâu T cũng gặp những đoàn khách Trung Quốc. Họ đến đây nhiều đến nỗi T cứ ngỡ mình đang ở đâu bên Bắc Kinh chứ không còn là Angkor nữa :((((
Lội một vòng từ cửa đông sang cửa tây, T vừa đi vừa tự hỏi làm thế nào người Khmer tài hoa cổ có thể xây nên một công trình to lớn và đồ sộ như vậy. Mất bao lâu để họ xây xong? Và tại sao sàn của khu đền đài lại được lát bằng những tảng đá gồ ghề, trong khi họ có thể làm nên những bức tường phẳng và đầy hoạ tiết điêu khắc? Đang đi, T chợt nhận ra mình đã “xâm nhập” Angkor Wat từ cổng sau thay vì cổng trước. Vì nơi T đang đi là một cây cầu dài tút, với lũ lượt từng đoàn khách du lịch chen chúc nhau vào tham quan khu đền. Hèn chi lúc vào T lại thấy nơi này vắng vẻ quá chừng, haha. Cơ mà đi từ cửa sau lại có được một cái lợi cực kì lớn: nó vắng vẻ, bạn hoàn toàn có thể tự do “tác nghiệp” ở đấy mà không sợ ai làm phiền. Ấy chết, T để cái xe đạp ở phía cửa đông mà @@.
Lại lóc cóc trên chiếc xe đạp, T tiếp tục hành trình với Angkor Thom với đền Bayon. Nơi này cách Angkor Wat 2km về hướng bắc. Angkor Thom (Thành phố vĩ đại) là một tổ hợp công trình rộng lớn với trung tâm là đền Bayon, được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Đây là kinh đô cuối cùng của đế chế Khmer, trước khi nó bị người Thái xâm chiếm. Khu Angkor Thom được bao bọc bởi một lớp tường hào rộng lớn. T đạp xe đến cổng thành phía nam, qua một cây cầu có nhiều bức tượng hình người đang kéo co rắn thần Naga, và qua một cái cổng lớn hình tháp có hình mặt người ở tứ phía.
Đền Bayon nằm lọt thỏm ở giữa Angkor Thom. Không giống như Angkor Wat, Bayon bị tàn phá nặng nề, không còn nguyên vẹn như trước. Khu đền tua tủa những cây cột đá chống trần, trông như một thảm đinh vậy. Nhìn kích thước và số lượng của chúng, có thể đoán biết được rằng trước đây cũng từng có những dãy hành lang dài bao bọc ngôi đền. Cơ mà, T cứ thấy nơi này giông giống với Stone Hence bên nước Anh :)))) Ngôi đền này có vẻ có 3 tầng, hành lang tầng hai và tầng ba là còn nguyên vẹn nhất. Trên tầng ba là một khu vườn kì thú với hàng chục bức tượng đá tạc hình người bốn mặt. Cho đến tận bây giờ, giới khảo cổ vẫn còn đang tranh cãi về ý nghĩa của mỗi gương mặt ấy, nhưng đối với T, T thấy nó chỉ là mấy khuôn mặt cười bình thường như những emoji trên Facebook. Nhưng đó lại là nét độc đáo của Bayon, khác biệt so với những ngôi đền khác xung quanh. Chính giữa Bayon là toà tháp cao lớn nhất với hình dáng giống một búp sen, hoặc là một ngọn núi gì đấy nếu T không lầm. Nhìn chung, ngôi đền này nhỏ hên Angkor Wat nhiều, nhưng mức độ tập trung nghệ thuật thì lại vượt xa.
Khu vườn tượng đá ở Bayon
Lúc mới đến Bayon, bầu trời đã ngừng mưa, và những tia nắng bắt đầu len lỏi qua những tán cây. T bỗng hốt hoảng khi thấy mình chỉ còn lại nửa bình nước. Thật xui xẻo. Số là buổi sáng, cứ ngỡ rằng đi Angkor Wat sẽ nhanh nên T chỉ chuẩn bị một bình nước 700ml, nhưng không ngờ nước được tiêu thụ nhanh chóng mặt như vầy. Đành phải chắt chiu từng giọt một vậy. Thế rồi cuối cùng, mọi thứ lại đi ngược lại ý định ban đầu. Ra khỏi Bayon, mới kết thúc điểm đến thứ hai trong số 6 địa điểm thôi mà T đã thấm mệt rồi. Đã gần 12h, T đành phải kiếm chỗ nào đó dừng chân và ăn trưa, vừa nghỉ ngơi lấy sức, vừa để tiết kiệm phần nước vốn còn lại ít ỏi. Còn gì tuyệt vời hơn một buổi picnic trong rừng với đồ ăn là sandwich nhân mứt dâu và bơ đậu phộng.
Nghỉ ngơi xong cũng là lúc mặt trời vừa mới lên thiên đỉnh. Ánh nắng giờ đây trở thành một kẻ sát thủ cực kì đáng sợ mà T sẽ không bao giờ quên. Địa điểm tiếp theo là Ta Keo, một ngôi đền chưa hoàn thành. Ta Keo được xây dựng vào thế kỉ thứ X dưới triều đại vua Jayavarman V, là một ngôi đền lớn thờ thần Shiva, nhưng đáng tiếc việc xây dựng bị đình chỉ sau cái chết của nhà vua. Đó là lý do vì sao mà ngôi đền này không hề có những hình điêu khắc trên đá. T bước vào đền sau khi đạp xe dưới cái nắng gay gắt, mong muốn tìm được một chỗ bóng râm để nghỉ mệt. Khu đền này được làm bằng đá ong với một màu cam lè cam lẹt khiến T cảm thấy mình như đang bị thiêu rụi. Sau khi soát vé xong, T phải trèo qua hai lớp tường mới vô được khuôn viên bên trong ngôi đền. Má ơi, sao cái này nó cao dữ vậy, nhìn thấy ghê. Cái bậc thang bằng đá dẫn lên đền chính phải cao đến tận 20m, mà nó còn dốc nữa. Không những thế, những bậc thang vừa bé lại vừa hẹp và bị bào mòn theo thời gian, như thể chỉ sơ sảy tí thôi là bạn có thể toi mạng. Nhưng chẳng lẽ đến đây chỉ có đứng nhìn thôi sao. T thu hết can đảm của mình, bước từng bước một trên những bậc đá, vừa leo vừa lắng nghe tiếng trống ngực đập loạn xạ. Hãi hùng thật. Hên quá đã tới nơi. T đứng nhìn cảnh vật, rồi ngó lại những bậc thang khủng khiếp mà mình mới trèo lên, lòng nghĩ thầm: toi rồi, làm sao đi xuống bây giờ @@. Trên đỉnh Ta Keo là 5 ngôi đền xếp thành hình dấu X, ngôi đền nào cũng cao chót vót, và T cảm thấy muốn khóc khi nhìn thấy những bậc thang dốc đứng nom như cầu tuột. Khỉ thật, người Khmer thích mấy thể loại chết chóc này lắm sao :(((
Bờ dốc đá huyền thoại
Trong đền chính cao nhất của Ta Keo, người ta đặt một tượng phật nhỏ. Ủa không phải nơi đây thờ thần Shiva à @@. Ở trên cao cũng có một cái lợi, đó là những luồng gió mát thổi qua đây liên tục, xua tan cái nóng nực ngày hè. T ngồi nghỉ một chút, thẫn thờ nhìn khu rừng xanh, trong đầu toan tính không biết kiếm ở đâu ra nước uống. Trong ví T giờ chỉ còn lại 3$ rưỡi, trong khi đó ở khu di tích này, một chai nước có giá đến tận 2$, nếu trả giá dữ lắm cũng chỉ xuống được 1$. Nếu làm vậy, số tiền ít ỏi của T có sẽ không đủ cho bữa chiều và trưa hôm sau. Oy, thật là khó khăn mà. Bước xuống Ta Keo, T bắt gặp một hoạ sĩ vẽ tranh trong khu đền. Những bức tranh của anh ta trông rất chân thực, nhưng màu sắc lại giằng xé và chói chang như muốn níu kéo lại kí ức hoàng kim. Cơ mà, ước gì ảnh có thể cho T xin miếng nước nhỉ.
Đạp xe dưới trời nắng, không còn một giọt nước trong chai quả thật là một nỗi kinh hoàng. Cơn khát càng ngày càng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và đổ gục xuống mặt đường. T cố gắng lách xe qua những bóng râm trên mặt đường để tránh những tia nắng chết người cắt vào da thịt. Những lúc này đây, những WC bên đường trở thành trạm dừng chân mơ ước của T, vì T có thể vào đó rửa mặt, và phết một lớp nước mát lên da tay để chống chọi lại cái nắng không-thể-nào-nắng-hơn ở bên ngoài. Phải nói WC trong khu đền được dọn dẹp khá thường xuyên và sạch sẽ, với một đội ngũ dân địa phương luôn luôn túc trực ở đây. Nó đã cứu cánh T rất nhiều trong chuyến hành trình “gian khổ” này.
T đến Ta Prohm không lấy gì làm thú vị lắm. Sự mệt mỏi vẫn đang choán lấy tâm trí khiến người ta quên đi mọi thứ xung quanh. Cơ mà ở Ta Prohm, nó có một vẻ đẹp riêng khiến người ta không khỏi không chú ý. Phải công nhận rằng, đây là ngôi đền tàn tạ nhất trong số những ngôi đền T tham quan nãy giờ. Qua hàng thế kỷ bỏ hoang, thảm thực vật rừng đã ăn sâu vào trong ngôi đền, phá huỷ hết những dãy hành lang bằng đá tảng. Những cây cổ thụ to lớn bám rễ vào những toà tháp Ta Prohm, cố sức bóp nát những thành tựu mà con người xây dựng được. Nhưng Ta Prohm vẫn còn đó, vẫn đang chống chọi với sự xâm lược của bọn thực vật láo toét.
T đi một vòng xung quanh Ta Prohm, nhận thấy số lượng vị trí du khách có thể vào tham quan được rất ít. Ngôi đền hiện giờ khá yếu, chỉ cần một tác động nhẹ cũng có thể làm nó đổ sập. T theo chân một đoàn du khách tiếp cận bên trong từ phía sau. Quào, cảm giác trong khuôn viên đền thật âm u và bí hiểm. Xung quanh toàn những phế tích bám đều rêu và ẩm ướt, với lối mòn uốn khúc kì bí. Những phiến đá vỡ ra có khắc chi chít những hình vẽ và kí hiệu khó hiểu. Những toà tháp, những hành lang chen lẫn những đống đổ nát làm T liên tưởng đến game Temple Run. Có thể nào một con quái vật gì đấy xồ lên từ đống đá và chạy ra rượt mọi người không nhỉ :))) Đi bộ lòng vòng trong khu đền bị cây cối che phủ âm u giúp cho T đỡ cảm thấy mệt mỏi, tuy vậy, cứ hễ chỗ nào có tia nắng là T phải bung dù ra để che chắn. Cây dù hiện giờ đang là thần hộ vệ của T. Không có ô dù thì không thể nào sống được :))) Cơ mà T để ý những viên đá đều có đẽo những lỗ tròn, có lẽ đây là cách mà người Khmer cổ vận chuyển chúng để đặt lên những ngôi đền. Bởi những cục đá này rất to và nặng, phải có cách gì đó thì con người mới có thể dùng chúng để xây dựng được.
Ngôi đền vẫn đang chịu sự phá huỷ của khu rừng
Chuyến tham quan Ta Prohm đã lấy đi chút sức lực cuối cùng của T. Sự kiệt quệ, mệt mỏi khiến T muốn phóng xe thẳng về nhà. Cơ mà, bây giờ mới chỉ chưa tới 3h chiều, trời vẫn còn cực kì nắng. Đạp xe ngược 12km trở về chả khác nào tự sát cả. T quyết định tiếp tục đi đến địa điểm tiếp theo là Banteay Kdei nghỉ mệt và chờ hoàng hôn buông xuống. Banteay Kdei là ngôi đền được vua Jayavarman VII xây dựng đầu tiên vào thế kỉ XII, dành cho các thầy giáo. Ngôi đền cũng có kiến trúc giống như Ta Prohm, với lớp lớp các dãy hành lang đan nhau thành hình chữ thập. Tham quan các đền đài ở Angkor nhiều rồi, nên T không thấy ngôi đền này có gì đặc biệt hơn những cái T vừa mới tham quan. Thậm chí, diện tích nó còn nhỏ hơn nữa. Trong cái nóng nực của mùa hè, T tìm một góc mát mẻ bên trong toà chính điện, ngồi phệt xuống và dựa lưng vào tường. Ôi, cảm giác mát mẻ của những tảng đá áp vào lưng thật tuyệt. Còn gì sướng hơn khi được ngồi trong một ngôi đền cổ kính, thẫn thờ đưa dòng suy nghĩ trôi theo từng cơn gió nhẹ thổi qua, để cái nắng bên ngoài phải nhìn vào ghen tị. Chốc chốc, mấy vị khách Tây ba lô ghé ngang qua, quăng vô một cái nhìn dò xét, nhưng T mặc kệ. T đang cảm nhận từng thời khắc của cuộc đời trôi qua kia mà
Ngồi ở Banteay Kdei đến tận 4h chiều, lúc này, cái nắng đã giảm đi được phần nào. Theo kế hoạch, lúc này T sẽ đạp xe đến Phnom Bakeng để ngắm hoàng hôn, cơ mà chắc T đành bỏ về thôi, kiệt sức quá rồi. Tuy thế, con đường trở về lại là một thử thách khó khăn. Tận 13km đường lận. Vài ba km đầu, T thấy mọi thứ có vẻ ổn, nhưng đến những km sau, nó trở thành một cuộc vật lộn. Bạn phải luôn giữ mình tỉnh táo, đồng thời phải điều tiết năng lượng hợp lí và giữ vững sự kiên trì mới mong thoát khỏi chỗ này được. Chiếc xe đạp T thuê không phải là xe địa hình hay chạy đường dài, mà là loại xe mà mấy bà tiểu thương ở Việt Nam hay dùng để gánh rau. Nó không thể giúp bạn chạy nhanh được. Nên bất cứ sự nôn nóng hay hùng hục máu lửa nào cũng khiến bạn trả giá đắt và nằm đo đường, dục tốc bất đạt mà. Vì thế, T xác định mình sẽ đi lâu dài, và giữ sức nhiều nhất có thể. Đạp ghi đông chậm, cố gắng thư giãn. T đã cầm cự được thêm vài km nữa, cho đến khi cơn khát và mệt lả bắt đầu bao trùm tâm trí. Hic, liệu T có thể về được không. Sự bi quan sẽ khiến bản thân gục ngã, cho nên, T phải nghĩ về những thứ tươi đẹp. T tưởng tượng cảnh mình về đến nhà khách, được nằm bệt lên chiếc giường nệm êm ái và ngủ thiếp đi trong cảm giác êm đềm không lo nghĩ. T tưởng tượng cảnh sau chuyến du lịch, T trở về Sài Gòn trong vui sướng, và không quên dành ra ba ngày để uống hết tất cả các quán sinh tố gần khu T ở. T tưởng tượng cảnh khi gặp lại T, ai đó sẽ… à mà thôi, nghĩ thế thôi :)))
Bây giờ, T đang nằm ngồi bên chiếc bàn café trong phòng khách của Uncle House Siem Reap, viết lại những dòng nhật ký thú vị và đáng tự hào của mình. Nghĩ lại về chuyến tham quan khu Angkor đầy háo hức mà mệt nhừ, T lại thấy khâm phục sự nỗ lực của bản thân. Tổng chặng đường mà t đã đạp xe áng chừng lên tới hai mấy cây số, cứ như là một cuộc đua Tour De France vòng quanh nước Pháp vậy. Cái lúc vừa mới mò về thành phố, T liền tấp ngay vào một quán cơm ven đường, gọi một dĩa mì xào ú ụ ăn cho lại sức. Cái cảm giác vừa mệt, vừa say nắng, vừa thiếu nước ấy T không thể nào quên được. T ngồi vã ra quán cơm, hướng đôi mắt thẫn thờ nhìn ra dòng xe cộ trên phố, cứ ngỡ như mọi thứ đang slow motion. Cơ mà, đó là một trải nghiệm tuyệt vời.
Buổi tối, T làm quen với một ông Argentina dễ tính vừa mới chuyển vào. Ổng là nha sĩ ở Úc, giờ đang đi du lịch khắp châu Á. Ổng mới tham quan Việt Nam, Lào với Thái Lan, và Campuchia là điểm đến tiếp theo. T nhớ lại trong cuộc nói chuyện ấy, ổng có chia sẻ rằng những nơi ông đặt chân đều dơ dáy cả. Ở đâu cũng tràn ngập nạn xả rác, từ Việt Nam, Lào đến Thái Lan, Trung Quốc, có vẻ cả châu Á đều như vậy. Không biết có cách nào để giúp mọi người hiểu được nổi khổ của môi trường không? Đến tận bây giờ T vẫn đang trăn trở với câu hỏi ấy.
Vậy là, chuyến “vượt biên” đầu tiên của T cũng sắp kết thúc. Sáng đấy T dậy sớm để cảm nhận lần cuối không khí ở Siem Reap. Ủa khoan, ông người Argentina đã đi rồi sao, T còn chưa chào tạm biệt cơ mà.
Ở Campuchia, Grab vẫn còn hoạt động. T đặt một chuyến xe đến bến Mey Hong với giá cực rẻ, chỉ 6000 riel. Xe lăn bánh lúc 7h sáng, và suốt chuyến đi, xe duy trì một tốc độ thần tốc, nên chỉ mới 1h chiều hơn, T đã đến được Phnom Penh. Bến Kumho cách bến Mey Hong khá xa, mà giữa trưa lại nắng gắt, nên T tìm đến một cửa hàng Circle K ở giữa đường để làm gói mì tôm cho bữa trưa. Đến 3h30 chiều, T lên xe về Việt Nam. Dù rời khỏi Campuchia, nhưng T không quên để lại đây một chút tình cảm nhớ nhung, cùng với chiếc dù vật bảo hộ của T trước mọi nắng mưa :(((
Về đến Sài Gòn là đã gần 10h khuya, đường phố không còn đông đúc nhưng T cảm thấy có vẻ Sài Gòn về đêm nhộn nhịp và lấp lánh hơn nhiều so với Phnom Penh. Sài Gòn có một nét gì đó khác biệt với Phnom Penh, không màu mè, không rực rỡ như một thành phố Phật giáo, mà nó có một nét gì đó hiện đại, êm dịu như một thành phố phương Tây (hoặc có vẻ là giống Tây hơn). Nhưng T nghĩ, vì đây là nơi T đang sinh sống, nên chắc chắn T sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn cho Sài Gòn :)))). Mà dù sao, chuyến đi cũng thật tuyệt vời!
Đền Tabu Lồng ( Ta Prohm )Đền Ta Keo (Ta Keo Temple)Đền Bayu (Bayon )Đại Angkor ( Angkor Thom )Angkor ThomĐền Angkor Wat ( Angkor Wat )phnom penhsiem reapsiem reapPhố Tây Siem Reapcambodia ( campuchia )Đền Tabu Lồng ( Ta Prohm )Đền Ta Keo (Ta Keo Temple)Đền Bayu (Bayon )Đại Angkor ( Angkor Thom )Angkor ThomĐền Angkor Wat ( Angkor Wat )phnom penhsiem reapsiem reapPhố Tây Siem Reapcambodia ( campuchia )
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.