Xin chào. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho các bạn một địa điểm vô cùng thú vị. Đó là làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Cùng xem ở nơi đây có gì nhé.
Làng cổ Đường Lâm Sơn Tây nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Cách Hà Nội 50 km về phía Tây Con sông Tích Giang chảy từ hướng hồ Suối Hai huyện Ba Vì, qua Đường Lâm, để vào thị xã Sơn Tây. Đường Lâm giáp xã Cam Thượng (tức Cam Giá Thượng) huyện Ba Vì ở phía Tây và Tây Bắc. Tây Nam giáp xã Xuân Sơn, phía Nam giáp xã Thanh Mỹ, phía Đông Nam giáp phường Trung Hưng, phía Đông giáp phường Phú Thịnh, đều của thị xã Sơn Tây.
Phía Bắc Đường Lâm tiếp giáp với huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, ranh giới là sông Hồng. Có thể thấy rằng, bốn phương tám hướng nơi đây được bao quanh bởi sông, bởi núi, cùng những nét đẹp cổ kính, ngàn đời hấp dẫn tất cả du khách khi đến đây.
Làng cổ Đường Lâm, nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa xưa
Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau.
Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Dạo quanh làng cổ Đường Lâm từ cổng làng Mông Phụ
Từ Hà Nội bạn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc đường 32 đi Nhổn – Sơn Tây. Đến Sơn Tây hỏi đường vào làng Đường Lâm ai cũng biết. Sau khi mua vé thăm quan bạn có thể gửi xe và đi bộ vào làng.
Bạn nên dừng chân tại quán chè của bà cụ đối diện đình làng Mông Phụ, uống nước chè xanh và ăn kẹo Dồi kẹo Lạc.
Đầu tiên khi đến làng bạn sẽ gặp cổng làng Mông Phụ. Là cổng cổ duy nhất còn lại cho đến ngày nay ở Đường Lâm. Cổng làng được xây dựng từ thời Hậu Lê, có nét kiến trúc khác biệt so với cổng làng truyền thống, tựa như một ngôi nhà hai mái dốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng).
Cổng Mông Phụ cùng với cây đa, bến nước, ao sen tạo nên một khung cảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa.
Ngoài ra bạn có thể ghé thăm Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Đền thờ Phùng Hưng, Lăng và đền thờ Ngô Quyền theo sự chỉ dẫn của người dân nhé.
Các ngôi nhà cổ ở Làng Cổ đường lâm
Làng cổ Đường Lâm có 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 60, 70, 80. Những ngôi nhà cổ này đều được làm từ các vật liệu truyền thống: đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung, ngói,… với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian rất đẹp mắt.
Bạn nên du Lịch Làng Cổ Đường Lâm vào mùa lúa chín tháng 9 hoặc tháng 5 bạn sẽ được chiêm ngưỡng thêm những con đường làng dát đầy rơm khô. Tha hồ chụp ảnh và tận hưởng.
Thuê xe đạp dạo quanh làng cổ Đường Lâm
Bạn biết không, đường lâm như một bức tranh thu nhỏ của vùng quê bắc bộ Việt Nam thời xưa. Nếu bạn đi xe máy thì quả thực sẽ mất đi phong vị của nó.
Tại Làng Cổ Đường Lâm nên thuê xe đạp để đi lại quanh làng cũng như các điểm du lịch gần làng cổ mà không mất quá nhiều thời gian.
Giá thuê xe đạp ở đây chỉ từ 30.000 – 50.000 vnd / 1 xe theo và thuê cả ngày thì giá thuê xe khoảng 80 đến 100.000 vnd/ 1 xe.
Ăn gì khi đến làng cổ Đường Lâm
Khi đến đây, bạn có thể thưởng thức gà mía, bánh tẻ, kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam (bạn cứ đi dọc làng sẽ bắt gặp những quán nước nhỏ xinh bên đường, họ sẽ không ngần ngại cho bạn ăn thử những mẻ bánh nóng hổi do chính tay họ làm đâu. Và tất nhiên, ăn thử thì miễn phí.