Mình xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc và New Zealand online. Bạn nào muốn nộp hồ sơ giấy thì tự tìm hiểu trên mạng chứ mình không biết về vấn đề này. Theo mình thì nên nộp online, thủ tục đơn giản hơn và nhanh có kết quả hơn.
Mình xin chia sẻ kinh nghiệm xin visa Úc và New Zealand online. Bạn nào muốn nộp hồ sơ giấy thì tự tìm hiểu trên mạng chứ mình không biết về vấn đề này. Theo mình thì nên nộp online, thủ tục đơn giản hơn và nhanh có kết quả hơn.
Các bước xin visa bao gồm:
✔ Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
✔ Khai đơn online và tải các giấy tờ đã chuẩn bị
✔ Lấy sinh trắc (Biometrics)
Bước 1️⃣: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Bạn scan tất cả các giấy tờ mà bạn muốn nộp rồi chuyển sang file dạng JPG hoặc PDF. Úc thì chấp nhận cả 2 dạng này, còn New Zealand thì chỉ chấp nhận file dạng PDF thôi. Dung lượng mỗi file không được quá 5 MB. Tổng số file tối đa có thể tải lên là 60.
Lưu ý:
Úc không đòi hỏi dịch ra tiếng Anh mà chỉ cần nộp bản tiếng Việt, còn New Zealand thì cái gì song ngữ hoặc bằng tiếng Anh thì chỉ cần 1 bản. Còn tất cả các giấy tờ chỉ bằng tiếng Việt thì bắt buộc phải có cả 2 bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh công chứng. 2 bản này để vào 2 file khác nhau và tải vào 2 mục khác nhau, bạn sẽ nhìn thấy 2 mục này ở trang cuối sau khi khai đơn online.
Danh sách các giấy tờ cần scan:
✔️ Hình thẻ (Nhớ photoshop cho đẹp lên nhé, bởi vì xinh trai đẹp gái là 1 điểm cộng rất lớn nha ha ha ha). File ảnh này bắt buộc phải để ở dạng JPG.
✔️ Trang số 2 hộ chiếu, nơi có mặt và họ tên mình
✔️ Tất cả các trang của hộ chiếu cũ (nếu có), bao gồm trang có hình và thông tin cá nhân và các trang có dấu xuất nhập cảnh hay visa các nước đã từng đi. Tất cả cho vào 1 file dạng PDF
✔️ Tất cả các trang của hộ chiếu mới, bao gồm trang có hình và thông tin cá nhân và các trang có dấu xuất nhập cảnh hay visa các nước đã từng đi. Tất cả cho vào 1 file dạng PDF.
✔️ Chứng minh thư nhân dân: scan 2 mặt và cho vào 1 file.
✔️ Sổ hộ khẩu: scan tất cả các trang có thông tin và cho vào 1 file.
✔️ Thông tin về gia đình: đối với Úc thì bạn tải từ trang web của ĐSQ Úc DETAILS OF RELATIVES FORM. Sau khi điền thông tin xong thì scan và cho vào 1 file. Đối với New Zealand thì bạn làm 1 cái giống như Sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh của bạn, thành phần gia đình gồm những ai, sinh năm nào, sống ở đâu, làm nghề gì… và tiểu sử của bạn học gì, làm gì, ở đâu… In giấy này ra, ký tên rồi scan và cho vào 1 file.
✔️ Các giấy tờ chứng minh tài chính: bạn có tài sản gì đáng giá thì đưa cho người ta xem.
Cái này khá quan trọng nha. Mình nộp các giấy tờ sau:
1) sổ tiết kiệm
2) sao kê tài khoản ngân hàng tối thiểu 3 tháng cuối,
3) sao kê tài khoản chứng khoán
4) Chụp hình các thẻ ngân hàng debit và credit và cho vào 1 file (không nhất thiết phải xin giấy xác nhận hạn mức thẻ tín dụng).
Nếu bạn đang đi làm thì scan bảng lương 6 tháng cuối và cho vào 1 file. Nếu công ty trả lương qua tài khoản ngân hàng thì lấy bút khoanh tròn những khoản lương trong Sao kê tài khoản.
Bạn có thể scan sổ đỏ, giấy tờ xe hoặc bất kỳ giấy tờ chứng minh tài sản có giá trị khác. Trừ giấy vay nợ nha
✔️ Các giấy tờ chứng minh công việc: mình là người lao động tự do nên mình không nộp các giấy tờ này. Nếu bạn đang đi làm và có thu nhập ổn định (không nhất thiết phải lương cao) thì bạn scan HĐLĐ cho vào 1 file và Đơn xin nghỉ phép có chữ ký giám đốc và đóng dấu công ty cho vào 1 file riêng .
✔️ Tất cả các giấy tờ trên là bắt buộc. Còn các giấy tờ sau đây không bắt buộc, nhưng nó rất quan trọng trong việc quyết định cấp visa cho bạn. Theo mình là nên chuẩn bị thật tốt, bởi điều này sẽ làm tăng khả năng đậu visa của bạn. Các giấy tờ bao gồm lịch trình chuyến đi chi tiết từng giờ, từng ngày, ăn gì, ngủ với ai, úi quên ngủ ở đâu, tham quan cái gì…, vé máy bay, booking khách sạn, bảo hiểm du lịch (bạn có thể mua Liberty, Bảo Việt hay AIG).
Những người có hồ sơ yếu hoặc những bạn là freelancer thì nên viết 1 cái thư giải trình với nội dung sau: Giới thiệu bạn là ai? Bạn làm công việc gì? Ở công ty nào, từ năm nào đến năm nào? Lương tháng bao nhiêu? (Nếu bạn là freelancer thì công việc tự do bạn đang làm là gì, thu nhập hàng tháng bao nhiêu, nhận bằng tiền mặt hay chuyển khoản?). Bạn có thích đi du lịch không, đã đi được bao nhiêu nước rồi, những nước nào? Tại sao bạn muốn đến Úc? Bạn dự định đi vớ ai? Đến nước họ bao nhiêu ngày, từ ngày nào đến ngày nào, đi những thành phố nào, đến nước họ bằng phương tiện nào, ở khách sạn nào…
Và bạn nên làm 1 cái bảng Kinh phí dự trù cho chuyến đi: bao gồm chi phí vé máy bay, đặt khách sạn, ăn uống, chi phí di chuyển xe cộ…
Mỗi giấy tờ trên bạn scan và cho vào 1 file dạng PDF riêng.
Bước 2️⃣: nộp hồ sơ
Trước khi nộp hồ sơ bạn cần tạo tài khoản trên trang Web của họ. Link của trang Úc và New Zealand đây:
https://online.immi.gov.au/lusc/login
https://www2.logon.realme.govt.nz/cls/logon.logon?cid=2
Lưu ý:
có thể tạo 1 tài khoản dùng chung cho 1 nhóm bạn bè hay người thân cùng đi với nhau trong chuyến đi. Nhưng sau khi đăng nhập vào tài khoản thì phải tạo và khai đơn khác nhau cho mỗi người. Và trong đơn phải khai tên nhóm mà bạn tự đặt ra.
Sau khi tạo tài khoản xong thì phải vào mail, mở thư của họ gửi và kích hoạt tài khoản. Tiếp theo đăng nhập vào tài khoản để khai đơn.
Điều quan trọng nhất khi khai đơn là bạn phải TUYỆT ĐỐI TRUNG THỰC. Phải điền đầy đủ các thông tin họ yêu cầu và trả lời đúng sự thật các câu hỏi đưa ra. Ví dụ họ hỏi bạn đẹp hay xấu thì trả lời “đẹp” nếu bạn đẹp hoặc “xấu” nếu bạn xấu, chứ không được trả lời “tôi dễ thương” nhé!
Khai đơn có thể làm bất kỳ lúc nào bạn rảnh. Khai được tý nào thì lưu lại để lúc khác đăng nhập vào tài khoản để khai tiếp. Trước khi bấm nút nộp thì bạn có thể kiểm tra và chỉnh sửa lại bất kỳ thông tin nào nếu cần.
Lưu ý:
lúc khai đơn họ hỏi bạn muốn xin visa 1 lần hay trên 2 lần. Nếu bạn chỉ nhập cảnh Úc 1 lần thì NÊN chọn visa 1 lần để tránh những câu hỏi phát sinh. Riêng mình cần nhập cảnh Úc 2 lần nên chọn multi. Và tất nhiên là phải viết giải trình, tại sao lại muốn 2 lần và ngày nhập cảnh lần 1, lần 2 khi nào…
Sau khi khai đơn xong thì đến mục tải hồ sơ lên. Tuỳ vào những gì bạn đã khai mà họ đưa ra danh sách cần tải những hồ sơ gì. Bạn cứ tải tất cả những gì bạn đã chuẩn bị ở bước 1.
Lưu ý:
việc tải hồ sơ cũng có thể làm bất kỳ lúc nào bạn có thể. Chuẩn bị được cái gì thì cứ tải cái đó lên rồi lưu lại. Lúc nào có thêm giấy tờ thì lại đăng nhập vào tài khoản để tải tiếp.
Sau khi tải xong thì bạn phải thanh toán visa phí bằng thẻ ngân hàng. Phí visa Úc là 140 AU$ hay hơn 2tr4 VND. Còn phí visa New Zealand là 165 NZ$ hay hơn 2tr6 VND, nhưng từ ngày 05/11/2019 New Zealnd đã tăng phí này lên 211 NZ$ hay hơn 3tr3 VND.
Lưu ý:
sau khi bạn nộp (submitted) và thanh toán bạn vẫn có thể bổ sung thêm bất kỳ giấy tờ nào, nếu bạn thấy cần thiết. Chỉ cần vào lại tại khoản, bạn sẽ tìm thấy mục bổ sung giấy tờ. Sau khi nhận được visa Úc mình đã bổ sung vào hồ sơ đã nộp (submitted).
Bước 3️⃣. Lấy sinh trắc (Biometrics)
Sau khi thanh toán phí visa Úc thì bạn sẽ nhận được 1 hoá đơn thanh toán và 1 cái thư yêu cầu đến trung tâm VFS gần nhất để lấy Biometrics (lấy dấu vân tay và chụp hình).
Bạn vào trang sau:
https://online.vfsglobal.com/GlobalAppoin…/…/RegisteredLogin
Và tạo 1 tài khoản, sau đó đặt lịch hẹn đến lấy Biometrics. Ở Hà Nội và Sài Gòn đều có trung tâm của VFS. Khi đi bạn bắt buộc phải cầm theo hộ chiếu gốc, giấy xác nhận lịch hẹn, thư yêu cầu lấy Biometrics và phí 478.000 VND.
Sau khi lấy Biometrics thì bạn đăng nhập vào tài khoản, vào mục “Attach Documents” thì ở phía dưới sẽ thấy 1 dòng chữ “I confirm I provided information as requested”. Bạn bấm vào đó để xác nhận rằng bạn đã nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết.
❗️❗️❗️ Trong trường hợp sau khi bạn bấm nút “I confirm I provided information as requested” mà mấy ngày sau hệ thống vẫn yêu cầu bạn lấy Biometrics thì bạn phải liên hệ với bên Úc để giải quyết vấn đề này. Vì có nhiều bạn đã từng bị như vậy và sau 2 tuần kể từ ngày bạn nhận yêu lấy Biometrics Úc sẽ đưa ra quyết định từ chối cấp visa cho bạn vì bạn chưa lấy Biometrics, mặc dù bạn đã lấy Biometrics. Đây là lỗi hệ thống, bạn cần biết để xử lý kịp thời
Như vậy quá trình nộp hồ sơ xin visa Úc đã xong. Giờ thì cần ngồi chờ đợi thôi. Trên trang web họ ghi là từ 17 đến 31 ngày sẽ có kết quả. Nhưng thực tế từ lúc mình bấm nút “I confirm I provided information as requested” đến lúc mình nhận được visa chỉ mất chưa đến 48 tiếng đồng hồ thôi. Cái này phụ thuộc vào hồ sơ của bạn và thời điểm bạn nộp đơn có phải là mùa cao điểm du lịch hay không.
Còn đối với New Zealand thì sau khi thanh toán phí visa bạn sẽ nhận được 1 cái thư gọi là page “Thank you”, trong đó yêu cầu bạn in cái trang này ra và mang nó cùng với hộ chiếu đến Trung tâm tiếp nhận thị thực New Zealand ở Sài Gòn để kiểm tra hộ chiếu. Nếu bạn ở Sài Gòn thì mang 2 giấy tờ trên đến và nộp phí hơn 400.000 VND. Họ kiểm tra xong sẽ trả lại hộ chiếu cho bạn (hình như trả vào ngày hôm sau???).
Mình ở Hà Nội không có Trung tâm tiếp nhận thị thực New Zeakland nên phải chuyển phát nhanh hộ chiếu cùng trang “Thank you” và hoá đơn thanh toán phí VFS là 512.000, bao gồm phí kiểm tra hộ chiếu và phí chuyển hộ chiếu ngược lại. Khoản phí này mình thanh toán bằng E-banking và in các xác nhận đã thanh toán ra và gửi cùng. Sau khi kiểm tra hộ chiếu xong họ sẽ chuyển phát nhanh hộ chiếu ngược lại cho bạn theo địa chỉ mà bạn đề nghị.
New Zealand thì xét hồ sơ khá lâu. Nhưng cái này phụ thuộc vào hồ sơ của bạn và thời điểm mùa du lịch. Có bạn thì chỉ 2-3 ngày đã nhận được evisa, có người thì hơn 1 tháng. Riêng mình: nộp online ngày 02/11, ngày 06/11 VFS New Zealand ở Sài Gòn xác nhận đã check xong hộ chiếu của mình. Và ngày 22/11, tức sau 3 tuần kể từ ngày nộp hồ sơ, đã nhận được E-visa single có thời hạn 3 tháng.
1 chút kinh nghiệm: nếu các bạn đi 1 nhóm và nộp theo dạng nhóm thì thường họ chỉ cho visa 3 tháng, còn nếu mỗi người nộp riêng thì có thể được 1, 2 năm. Nhưng đổi lại, nếu các bạn nộp theo nhóm thì sẽ có cơ hội cả nhóm đều đậu visa, nếu phần lớn hồ sơ tốt. Nhưng người trong nhóm hồ sơ yếu sẽ được kéo lên cùng. Hoặc ngược lại, cả nhóm đều trợt visa
Cả Úc và New Zealand đã bỏ visa dán hộ chiếu mà chỉ cấp e-visa, kể cả khi bạn nộp hồ giấy.
Tất cả các thông tin khác bạn tự đọc trên trang sở Di trú của 2 nước. Họ giải thích rất kỹ càng. Mình không giỏi tiếng Anh nên không thể đọc giúp các ban được.
Chia sẻ của Xuân Hoà